Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 21, 2013

TIN VÀO ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT


           Nick Vujicic

Rõ ràng là thật khó để giữ được tinh thần tích cực và động lực vươn lên khi bạn cảm thấy gánh nặng của mình vượt quá sức chịu đựng. Khi đã đủ lớn để hiểu được những thách thức đang đợi mình ở phía trước, tôi thường bị ám ảnh bởi nỗi tuyệt vọng và không thể nào hình dung được bất cứ điều gì tích cực ở tương lai. Ký ức của tôi về những ngày đen tối trong những năm đầu đời không được rõ ràng lắm. Tôi đã trải qua một trong những giai đoạn tuyệt vọng khi cảm thấy làm một người khác biệt với mọi người thật là khổ sở. Tôi chắc rằng bạn cũng đã trải nghiệm cái cảm giác tự ti này. Tất cả chúng ta đều mong muốn được hòa nhập với mọi người, nhưng nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình là người bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống.

Cảm giác bất an và tự ti của tôi chủ yếu nảy sinh từ những thách thức của tình trạng không có chân tay. Tôi không thể biết được những lo lắng của bạn hiện nay là gì, nhưng tôi xin khẳng định rằng nhờ luôn giữ niềm hy vọng mà tôi đã vượt lên nghịch cảnh. Tôi xin kể một trải nghiệm của những năm thơ ấu để chứng minh cho bạn thấy hy vọng đã giúp ích cho tôi như thế nào.
Khi tôi mới chập chững biết đi, bác sĩ đã khuyên cha mẹ tôi nên để tôi chơi chung với những đứa trẻ được gắn mác "trẻ khuyết tật". Khó khăn thách thức của những đứa trẻ ấy đa dạng lắm; đứa thì mất chân tay do bệnh xơ nang hóa, đứa thì bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Cha mẹ tôi rất thương và thông cảm với những đứa trẻ thiệt thòi cũng như gia đình của chúng, nhưng họ không nghĩ trên đời này có bất kỳ đứa trẻ nào lại nên bị giới hạn trong một nhóm bạn chơi riêng biệt. Họ tiếp tục nuôi niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng, cuộc sống của tôi sẽ không có giới hạn, không có bất cứ rào cản nào hết và họ cố gắng hết sức để nuôi dưỡng ước mơ đó.
Ngay trong giai đoạn đầu đời của tôi, mẹ đã đi đến một quyết định quan trọng. "Nicholas, con cần phải chơi với những đứa trẻ bình thường bởi vì con là một đứa trẻ bình thường. Con chỉ khiếm khuyết về thân thể tí chút thôi, chỉ thế thôi", mẹ nói, và tiếp tục giữ niềm tin ấy trong những năm tiếp theo. Mẹ không muốn tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ không bình thường hoặc bị giam hãm bởi các giới hạn. Mẹ không muốn tôi trở thành một con người sống lủi thủi, thu mình trong cái kén cô đơn, nhút nhát hoặc luôn bất an chỉ vì tôi khác biệt về mặt hình thể so với mọi người.
Từ bé tôi đã hiểu rằng cha mẹ đang kiên nhẫn truyền cho tôi niềm tin sắt đá rằng, tôi có mọi quyền giải phóng mình khỏi những cái mác được gán cho con người cũng như những rào cản. Bạn cũng có cái quyền đó đấy. Bạn nên mơ ước cuộc sống của mình hoàn toàn không bị bó buộc bởi bất kỳ sự phân loại, phân biệt hoặc bất cứ giới hạn nào mà người khác cố áp đặt. Bởi vì khiếm khuyết một phần cơ thể, tôi rất nhạy cảm trước thực tế rằng một số người chấp nhận những gì người khác nói về mình, thậm chí tự giới hạn bản thân mình một cách vô thức. Dĩ nhiên đã có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi hoặc dao động. Có những lúc tôi thấy rằng việc đến trường hoặc tới bác sĩ thật quá mệt mỏi, nhưng cha mẹ tôi đã kiên quyết không để cho tôi đầu hàng số phận.
Những cái mác có thể cung cấp cho chúng ta một nơi trú ẩn hấp dẫn. Một số người sử dụng chúng như những cái cớ để biện hộ cho sự đầu hàng. Những người khác cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Rất nhiều, rất nhiều người đã bị gắn mác "tàn tật" hoặc "khuyết tật", nhưng rồi họ đã vươn lên, tận hưởng cuộc sống tích cực đầy ý nghĩa, làm được những điều quan trọng. Tôi khuyến khích bạn chiến thắng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế bạn trong việc khám phá và phát triển những quà tặng cuộc sống.