1. Những việc người đời thường làm, như coi địa lý, chọn ngày, xem số, xem quẻ, xin xăm, có hợp với chân lý chăng?
- Chuyên mục: Chân Giả Luận
Người đời xưa cất nhà, để mả, cũng coi địa lý, song chỉ chọn chổ đất cao ráo, không ứ nước (thủy), và xây về hướng nào tránh khỏi ngọn gió (phong) nóng quá, hoặc lạnh quá mà thôi; vậy nên thuật coi điạ lý cũng gọi là “phong thủy.”
Về sau người ta tin rằng con cháu hiền hay ngu, giàu hay nghèo, sang hay hèn, đều do nhà cửa và mồ mả có được đất tốt hay không; từ đó sự coi địa lý lại đổi ra ý nghĩa khác. Thuật địa lý ngày nay cốt lựa được đất tốt để con cháu phát phú phát quí. Thuật ấy bắt đầu từ khi ông Quách Phát đời Tấn bày ra, trước người Trung Hoa tin theo, sau tràn lan qua nước Việt Nam ta; phần đông vốn sẵn ham chuộng phú quí, nên bị thuật ấy lừa dối rất nhiều, lưu tệ cho đến ngày nay.
Thiết tưởng tổ tiên khi sống chưa chắc đã có thể che chở cho con cháu thay, huống chi lúc chết rồi, lại còn phù hộ cho con cháu phát phú, phát quí được sao? Nếu thuật ấy là thật, thì từ nhà Tấn trở về trước chưa có địa lý, há chẳng có ai được giàu sang hết sao?
Người đời xưa có bài thơ chế giễu thầy địa lý rằng:
Thầy địa? Sao thầy nói viễn vông?Chỉ nam, chỉ bắc, chỉ tây, đông.Thế gian bằng có đất vua chúa,Sao chẳng đem chôn tổ phụ ông?
Bài thơ ấy làm cho thầy địa lý phải ngậm miệng.
Thuật địa lý có hại cho sự tiến bộ của xã hội, vì ai nấy chỉ lo nhờ dương cơ, âm phần để mong được phú quí, mà chẳng lo làm hết bổn phận mình; lại còn đem hài cốt của tổ tiên làm môi giới cầu phú quí, ấy thật là bất hiếu và có hại đến luân lý nữa.
Vì thế những việc ấy là không họp với chân lý bởi vì tính cách dị đoan, mê hoặc lòng người, có ảnh hưởng xấu, và gây nhiều tai hại cho nhân quần, xã hội. Xin biện giải thêm như dưới đây:
Về Việc Chọn Ngày, Định Hướng, Coi Tuổi
Đời vua Thành Vương nhà Châu, bên Trung Hoa, có họ Việt thường đến triều cống. Khi về lầm đường, ông Châu công bèn chế ra xe chỉ nam để đưa về; khu địa bàn đời nay tức là bắt chước xe chỉ nam ấy. Còn nói về Giáp tý, thì do vua Hoàng đế truyền dạy ông Đại Náo đặt ra: lấy giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quí làm thiên can; tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi làm địa chí; hai bên hiệp nhau thành Giáp tý. Xét ra bổn ý người chế ra chỉ nam là để chỉ đường, người bày ra Giáp tý là để ghi năm và tháng, chớ không có ý vì sự cất nhà, để mả. Người đời xưa làm việc gì cũng không chọn ngày, giờ, phương hướng. Nay các nước Tây phương cũng vậy, thế mà các công việc thường vẫn thuận lợi, nào có hại gì đâu. Người nước ta bắt chước tục lệ bên Tàu, hễ làm việc gì hay là đi đâu, thì giở lịch chọn ngày, rước thầy chọn hướng; thật là mất công vô ích, vì không có hiệu nghiệm chi hết.
Từng thấy hai đám cưới cùng đi một ngày, một giờ, mà về sau kết cuộc khác nhau; hai cửa hàng cùng khai trương một ngày, một giờ, mà về sau thành, bại khác nhau. Thế thì chọn ngày tốt mà làm gì? Vì cái quyền giáng họa, phước ở trong tay Đức Chúa Trời; làm lành được phước, làm dữ mang họa, đều tự mình cả, không quan hệ gì với ngày, giờ và phương hướng.
Còn việc hôn nhân, từ đời thượng cổ chẳng có coi tuổi, chọn ngày gì hết. Hễ hai bên trai, gái xứng sắc cân tài, tình đầu ý hiệp, biết ấy thiên duyên sở định, gặp ngày thuận tiện, thì lảm lễ thành hôn. Đến đời nhà Hán, mọi Hung nô cường thạnh ở Bắc phương, luôn đòi cưới công chúa của vua Trung Hoa cho đông cung thái tử của họ. Ông Lữ Tài bèn lập kế, bày ra trò Bát sơn giao chiến để ngăn trở sự cầu hôn của mọi, rồi lấy con gái của nhà hạ lưu thế cho. Song từ đó về sau, người đời tưởng là sự thật, mỗi khi dựng vợ gả chồng cho con cháu phải tránh cái tuổi nằm về cung bát sơn tuyệt mạng, và cầu cho được lục hiệp trường sanh.
Sự mê tín coi tuổi ấy gây nên biết bao thảm họa trong gia đình! Vì nơi thương không chọn, nơi chọn không thương, khiến nhiều gia đình tan nát, để bỏ, thậm chí có lắm người phải tự sát vì tình để tránh sự áp bức của gia đình hủ lậu.
Vậy nên người tin đạo thật không ai coi tuổi làm gì, mỗi lần trai, gái định đôi đều vâng theo ý Chúa cả. Có câu: “Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự Thiên thành.”
Về Việc Đoán Số
Thuật đoán số do ông Quỉ Cốc Tử bày ra; ông là người đời Chiến quốc, bên Trung Hoa. Lấy năm, tháng, ngày, giờ khi người ta sanh ra mà hiệp với thiên can, địa chỉ, theo ngũ hành sanh, khắc, rồi suy đoán người ấy về sau sống lâu hay chết yểu, giàu sang hay nghèo hèn. Cái thuật ấy chỉ có thể phỉnh gạt kẻ hẹp nghĩ, còn người khôn ngoan, có kiến thức, chắc chẳng ai tin. Ấy vì cùng trong một năm, một tháng, một ngày, một giờ, khắp cả thế gian chắc có rất nhiều người sanh ra, và trong số ấy chắc là giàu sang, nghèo hèn không giống nhau; thậm chí hai đứa con sanh đôi về sau nên, hư cũng khác.
Vậy thì sự xem số lấy gì làm chắc chắn? Phải biết rằng họa, phước do quyền của Đức Chúa Trời. Ngài lấy họa, phước mà thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ, hoặc thử cả hai. Nếu người ta mới sanh ra đã định mạng sẳn cho giàu sang, hay nghèo hèn, sống lâu hay chết yểu, chớ không đợi xem việc làm thể nào, thì cũng như cha mẹ xử với con cái in trí yêu đứa nầy, ghét đứa kia, không cứ nó ngỗ nghịch hay vâng lời. Thiết tưởng ở thế gian nầy chẳng có cha mẹ nào như thế bao giờ. Đức Chúa Trời là Đấng rất công bình, há chẳng tùy theo việc làm của mỗi người mà thưởng, phạt công minh sao?
Như vậy, sự đoán số là tà thuật dối người, chớ nghe mà lầm, chớ tin mà chắc.
Về Việc Xem Tướng
Đức Chúa Trời tạo ra loài người, từ xưa đến nay, trong có lục phủ ngũ tạng, ngoài có lông, thịt, xương, da, tay, chân, mũi. Từ bậc vua chúa đến kẻ thường dân, đại để giống nhau, chỉ khác nhau ở hình vóc thấp, cao, gầy, mập, cùng nước da trắng, đỏ đen, vàng. Kẻ nghèo ăn cơm lứt, canh rau, ở nhà tranh vách đất, kẻ giàu ăn cao lương mỹ vị, ở nhà rộng lầu cao, nhơn đó khí sắc không giống nhau. Vậy, có lẽ nào lấy cốt tướng mà đoán định tương lai cho được?
Xưa vua Võ Đế nhà Hán đọc câu sách tướng rằng: “Hễ ai nhân trung dài một tấc, thì sống được một trăm tuổi.” Ông Đông Phương Sóc đứng bên nghe, liền cười xòa. Vua hỏi: “Ngươi cười ai?” Ông trả lời: “Tôi cười ông Bành Tổ đời xưa, vì ông ấy sống đến 800 tuổi, ắt nhân trung dài đến tám tấc, thế thì mặt ông dài biết bao nhiêu!” Câu nói ấy dầu là khôi hài, nhưng cũng đủ đánh đổ sự sai lầm của sách ma y thần tướng.
Trên đời có nhiều người tướng mạo giống nhau in khuôn, mà tâm tánh khác nhau một trời một vực. Tỉ như vua Thuấn trùng đồng, Hạng Võ cũng trùng đồng, làm sao một người thì nhân đức, còn một người thì bạo ngược? Gương mặt Dương Hổ giống hệt Khổng Tử, làm sao một người gian ác, một người là thánh nhân? Khổng Tử nói rằng: “Nếu lấy tướng mạo mà xét người, thì ta đây đã mất Tư Võ.” Sao quí vị không tin lời Khổng Tử, mà lại tin lời thầy tướng? Người ta có thể coi tướng, như xem cách ăn nói, đi đứng mà biết qua tâm tánh một người; ấy cũng như thầy thuốc xem thần sắc người đau, thì biết đại khái bịnh nặng hay nhẹ, hàn hay nhiệt. Còn như nói rằng xem tướng mà đoán được cát hung, họa, phước về sau, thật là phi lý lắm.
Về Việc Bói Quẻ, Xin Xăm và đoán Chữ
Bói quẻ, xin xăm, đoán chữ (hoặc chiết tự) là những trò chơi, không khác gì thò lò, bong vụ; vì may thì trúng, rủi thì sai, không lấy gì làm nhất định. Có khi bói được tốt mà ra xảy ra xấu, có khi đoán lành mà lại ra dữ. Khi nào tình cờ ứng nghiệm, thì đổ cho thần không giáng. Sao chẳng nghĩ một trăm lần bói, chắc cũng có trúng một vài lần? Cũng như người chưa biết bắn học bắn luôn cả ngày, chắc cũng trúng một vài phát, đó chẳng phải bắn giỏi song là may mà trúng.
Xưa kia Khuất Nguyên đến xin Thiềm Doãn bói cho. Ông Thiềm Doãn bèn nói rằng: “Cái thước có chỗ ngắn, cái tấc có chỗ dài, vật có chỗ chẳng đủ, trí có chỗ chẳng sáng, số có chỗ chẳng kịp, thần có chỗ chẳng thông. Chứ dùng theo lòng ông, làm sao theo đạo ông, rùa và thỏ không biết việc ấy.”
Xem đó, người đời xưa vốn biết bói quẻ là vô ích. Sự xin xăm cũng vậy. Xin xăm có khi linh, có khi không linh, ấy là do tình cờ, không phải có bụt, thần nào cả. Ai tin điều đó, chẳng những không ích chi mà lại có hại nữa. Còn những kẻ đoán chữ phần nhiều là người nghèo nàn, không phương kiếm ăn, xoay ra làm nghề giả dối ấy. Họ mưu lợi cho người khác mà không mưu được cho chính mình. Có ai biện luận đến chừng họ không đáp lại được cho chính mình. Có ai biện luận, đến chừng họ không đáp lại được nữa, thì nói rằng:
“Tôi vẫn biết là thuật phỉnh đối, song vì nhà nghèo, không đừng được mà phải kiếm ăn bằng nghề ấy.” Ôi! Người đời há chẳng nên nghe lời đó mà tỉnh biết sao?