Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, September 19, 2012

2. Tại sao không thờ cúng những thần thánh theo tập tục của dân tộc?


Dân ta từ xưa đến nay nhiễm tục mê tín đa thần của người Trung Hoa, hễ họ thờ vị nào, thì ta cũng bắt chước thờ vị ấy. Tóm lại, có hai loại: Một là thờ vật thọ tạo, như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, v.v. Vả, Đức Chúa Trời đã dựng nên trời, đất để che chở cho người ta; dựng nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao để soi sáng cho người ta; tạo ra muôn vật để người ta dùng hoặc ăn, cũng như cha mẹ sắm nhà cửa, bàn ghế, v.v... để cho con cái vậy.
Nay con cái chẳng hiếu kính cha mẹ, mà lại hiếu kính nhà cửa, bàn, ghế, há chẳng lỗi đạo lắm sao? Chúng ta đã biết trời, đất, muôn vật có một Đấng Chủ Tể, và chúng ta hằng chịu ơn Ngài, thì đáng nên thờ Đấng Tạo Hóa, chớ chẳng nên thờ các vật thọ tạo kia. Hai là họ tôn người chết làm thần, như: Ngọc Hoàng, Lão Quân, Quan Công, Thành Hoàng, Thổ Địa, Diêm Vương, cùng các thần khác nữa. Nay xin lược kể lai lịch và sự tích các thần đó sau đây, để quí độc giả thử xét có nên thờ các thần ấy chăng.

Ngọc Hoàng
Tra xem sử nhà Tống, Ngọc Hoàng vốn tên là Trương Nghi, người huyện Hành Đường, phủ Chân Định, sanh ra cuối đời nhà Hán. Trương Nghi học đạo Lão Tử, ở lần trong núi Võ Dương, hái thuốc luyện đơn, chữa kẻ có bịnh. Đến đời vua Huy Tôn nhà Tống, có thuật sĩ tên là Lâm Linh Tố, cũng học đạo Lão Tử, phỉnh dối vua phong Trương Nghi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, giáng chiếu bắt thiên hạ thờ phượng. Vua làm như thế, có ý mong Ngọc Hoàng phù hộ cho nước được bền vững lâu dài; nào ngờ phong Trương Nghi chưa được bao lâu, cả nhà cha con, vợ chồng vua Huy Tôn bị người nước Kim bắt đem đi, rồi sau chết tại thành Ngũ Quốc.
Người nước ta học sách Tàu, hễ thấy thờ thì thờ, không xem xét kỹ càng; vì có tập quán không dám cãi lại sách vở, nên di hại cho đến bây giờ, và có nhiều người lầm tưởng rằng thờ Ngọc Hoàng tức là thờ Đức Chúa Trời (Thượng Đế) vậy.
Thử xét trong đời Tiền Hán, Tam Đại, Đường, Ngu về trước, ai làm Chủ tể trời, đất muôn vật? Chính sự sanh, tử của Trương nghi, ai cầm quyền trên đó? Chắc phải trả lời rằng ấy là Đức Thượng Đế. Vả lại, Đức Thượng Đế chẳng liên quan gì với Ngọc Hoàng, là tước hiệu của Trương Nghi mà vua Huy Tôn đã phong cho ông. Xin coi lại mấy chữ: “Hoàng Mỹ Thượng Đế” trong Kinh Thi, chẳng phải Đức Chúa Trời, là Chúa của trời đất, muôn vật, là Đấng dựng nên lài người, đáng thờ phượng, tôn vinh; chớ đừng lầm tưởng mà nói rằng tôi cũng có thờ Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Lão Quân
Sách Cương Giám chép Lão Quân sanh ra cuối nhà Châu, thuở Xuân thu, làm sử quan, họ Lý, tên Nhĩ; nhơn sau tuổi đã già, nên gọi là Lão Tử. Lúc Khổng Tử đi chu du các nước, có sang nhà Châu, hỏi lễ nơi Lão Tử. Về sau có kẻ hiếu sự làm truyện Lão Quân, nói dối rằng Lão Quân sanh ra thuở nhà Ân (trước nhà Châu 400 năm), ở trong thai đến 82 năm, rồi phá hông bên hữu của mẹ mà ra, râu tóc đều bạc, vì cớ đó gọi là Lão Tử.
Đến đời Cao Tôn nhà Đường, lấy cớ mình là họ Lý, dòng dõi của Lão Tử, bèn phong Lão Tử làm Huyền Nguyên Hoàng Đế, đến vua Chân Tôn nhà Tống, lại gia hiệu là Thái Thượng Lão Quân. Và cũng có nơi khác xưng Lão Tử là Nguyên Thủy Thượng Đế, Nguyên Thủy Thiên Tôn nữa.
Lão tử vốn là người ta, sanh ra trong trời đất cũng như mọi người khác; thế mà người đời lại xưng là Nguyên Thủy Thượng Đế, thật là trái lẽ.
Tiên thuật
Sử ngoại ký là nghi sử thời đại ở bên Trung Hoa, có chép phỏng chừng rằng: Vua Hoàng Đế đắc đạo, cỡi rồng bay lên trời, trường sanh bật tử. Và truyện Phong Thần chép rằng: Ông Khương Thái Công đắc tiên thuật, điều khiển các thiên tiên và địa tiên. Đến thời Tiền Hán, ông Trương Lương thấy vua Cao Tổ hay nghi kỵ công thần, sợ họa đến mình, nên giả kế tịch cốc tùng tiên, nghị giả cho là bậc cố tri. Lại thêm miệng đời bày chuyện Hoài Nam Tử luyện thuốc thành tiên, cùng đặt ra truyện bát tiên, lấy tên tám người là Hà Tiên Cô, Lý Thái Bạch, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Lý Thiết Quái, Hàn Tương Tử, Lữ Đồng Tân, Hàn Chúng Ly. Các ông bà ấy đều là người như chúng ta, cũng ăn, cũng làm, cũng sống, cũng chết, nào có ai trường sanh bất tử đâu?
Có kẻ lại hỏi rằng: Nếu không có tiên, tại sao khi người ta cầu cơ, thì ông Lý Bạch liền giáng bút làm thơ với họ suốt đêm ngày?
Về sự phụ đồng ứng cơ, hoặc giáng bút, chỉ xét cho kỹ một chút thì rõ. Coi như chốn thôn quê, đêm nhàn hạ, kẻ lớn người nhỏ, dụm ba dụm bảy lại mà sai roi, sai chổi, sai quạt, sai vung, đồng tử đội khăn ngồi chính giữa, bồn bề có kẻ cầm hương, còn mấy người ngồi chung quanh đọc bài có vần, có nhịp, khi bổng, khi trầm, mùi hương phảng phất lẫn với tiếng ngâm nga lảnh lót lúc đêm vắng canh khuya, làm cho người đồng kinh khiếp, tâm hồn nửa tỉnh nửa mê, rồi cử động một chút mà bình sanh chưa từng làm, hát một câu bình sanh chưa từng hát. Thử nghĩ xem, như Lý Bạch là người có hồn, thì họ cho rằng hồn ông ứng cơ; còn cái quạt cái vung, cái roi, cái chổi, là bốn vật vô tri, có linh hồn đâu mà phụ cơ nhập xác. Thiết tưởng sự cầu cơ chẳng qua là tà thuật dối người, chớ có tiên, thánh nào áp phụ cho ai đâu.
Quan Công
Quan Công nguyên họ là Thi, tên là Thọ Xương, người làng Giải Lương, châu Bồ, tỉnh Sơn Tây bên Trung Hoa; sau đổi họ là Quan, tên là Võ, hiệu là Vân Trường, làm tướng của vua Chiêu Liệt nhà Hậu Hán. Ông này gọi là trung thần của nhà Hậu Hán thì đúng, còn như xưng là một vị thần hộ quốc thì quá đáng. Vì lúc bấy giờ Khổng Minh sai Quan Võ giữ Kinh Châu, Võ không thể giữ được, để cho Kinh Châu bị mất và mình bị giết; đã vậy, bây giờ Võ chết rồi, còn bảo hộ ai được?
Về sau có người đặt ra một sách, gôi là “Minh thánh kinh” nói là của Quan Công giáng bút, và rằng Quan Công hiện đang coi giữ cửa trời, có thể xuống hoạ, xuống phước. Sao không nghĩ: Trương Phi là anh em kết nghĩa với Quan Công thân hơn ruột thịt, đã vì báo thù cho Quan Công mà phải chết, và nhà Hậu Hán về sau mất nước. Nếu Quan Công là linh thật, sao không hển thánh mà cứu cho? Người đời nay hay nói Quan Công là thần giúp nước, cứu dân, sao mà lầm lắm vậy? Có kẻ nói rằng: Anh em chết và nước mất đó là do thiên số, không nên trách Quan Công.
Nếu đã do thiên số, thì phải biết kính thờ Đức Chúa Trời, là đấng định thiên số ấy, sao lại kính thờ Quan Công, là người chịu bó tay trước thiên số?
Chúng ta nên nhận Quan Công là người trung nghiã, nên kính trọng và bắt chước gương anh kiệt của ông; còn như giết heo, giết gà, đốt vàng, đốt hương để mong nhờ phù hộ, thật là trái lẽ lắm. Vì Quan Công là người ngay thẳng, lúc ở với Tào Tháo, lên ngựa thưởng bạc, xuống ngựa thưởng vàng, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một yến lớn, vậy mà ông chẳng màng thay, huống chi lễ vật tầm thường với lòng gian tham cầu cạnh, nếu ông linh thật đi nữa, há thèm ngó đến sao? Vậy, Quan Công là bậc trung nghĩa đáng bắt chước, chớ không nên thờ phượng, vì không có quyền bảo hộ cho ai.
Thành Hoàng
Thành Hoàng nghĩa là cái hào ở ngoài thành, vốn không có nghĩa là thần gì cả. Xưa kia, vua nhà Tấn là Tư-Mã-Diêm thấy đám quần-thần thờ vua chẳng trung, trị dân chẳng có nhân đức, bèn cho vẽ tượng một người trung-thần của vua Cao-Tổ nhà Hán, tên là Quán Anh, đem treo nơi các công sở cho bầy tôi bắt chước. Không dè về sau truyền khẩu sai lầm, xưng tượng ấy là vị thần giử thành. Sau đó, các tỉnh, phủ, châu, huyện đều lập miểu thờ Thành-Hoàng. Lại có người bày đặt nói rằng Thành–Hoàng mỗi ba năm một lần thay đổi, và bịa chuyện người nọ chết, người kia chết, thì đi làm Thành-Hoàng xứ nọ, xứ kia. Một người nói ra trăm người nghe và tin lấy đươc, chẳng xét lẽ thật hư. Không biết tại sao người ta dể tin dị đoan quái gỡ như vậy, còn Đấng Chân-Thần Thượng- Đế hay ban ơn xuống phước, thì họ, không chịu tin-kính, thờ phượng. Thật đáng thương thay!
Thổ Địa
Sách Tả truyện có chép: “Xã là chủ thổ địa, phong làm Thổ công, xưng là Thổ thần.” Nhơn đó về sau người ta thờ thần Thổ địa. Ngay thử xét: Xã là tên một chức quan có phận sự bình trị và cai quản đất nước. Vậy người cai quản đất nước là ai? Chính là ông Câu Long. Sách xưa chép rằng: “Ông Câu Long ở đời vua Xuyên Húc, làm quan cai quản đất đai, bình trị đất nước, rất có công trạng.”
Vả, hễ người ta chết rồi, thì lìa khỏi chức vị, ông Câu Long có đâu đời đời cai quản đất đai được? Người đời nay không xét kỹ, đắp tượng thổ địa, đầu sói, bụng to như ông già, lại lấy ngày 23 tháng 3 làm ngày sanh thổ địa, thật không có ý nghĩa và sai lạc lắm thay!
Người ta kính thờ Thổ địa là có ý trả ơn cho đất. Nào có biết dầu sanh ra mọi vật cần dùng cho người ta, song thảy đều do ân huệ và quyền phép của Đức Chúa Trời. Nay chẳng trả ơn Chúa mà trả ơn đất, có khác nào người kia được cha chia phần ruộng cho, không cảm ơn cha, lại cảm ơn ruộng, thật là phi lý lắm.
Phật Thích Ca
Kinh Phổ Diệu chép Phật tên là Như Lai, họ Thích Ca, hiệu là Mầu Ni, cha là Tĩnh Phạm Vương, mẹ là bà Gia Ma, ở nước Thiên Trúc (Ấn Độ). Ông sanh ngày 8, tháng 4, năm Giáp Dần, về đời Chiêu Vương nhà Châu.
Khi 19 tuổi, ông ra chơi bốn cửa thành, thầy người đời sanh, lão, bịnh, tử, chạnh lòng buồn bực, chán nản, bèn bỏ cả, đi tu. Khi già đau nhọt, mất ở dưới cây song thụ. Môn đồ cho rằng người đã vào Niết Bàn, bèn tôn xưng là Phật Tổ, và dạy người đời ăn chay, tụng kinh, đốt mã, phá ngục, bố thí, kiêng sát sinh, v.v. Từ đó trở đi, nhiều người tin theo, bỏ cha mẹ, anh em, vợ con, bạn hữu, cắt tóc đi tu, ăn muối dưa, mặc nâu sồng, không kể đến gia đình, xã hội, tháng ngày ở nương nhờ cửa Phật.
Đến đời Minh Đế nhà Hán, đạo Phật truyền sang Trung Hoa, lưu tệ không phải là ít. Qua đời nhà Đường, từ vua đến dân mê tín đạo Phật, ông Hàn Dũ có lòng lo lắng cho hậu vận nước nhà, bèn dâng sớ khuyên can vua rằng: “Đại chi đại nguyên xuất ư Thiên; cớ sao không thờ Trời mà lại thờ Phật, để hại cho đời sau?” Tiếc thay! Lời thẳng trái tai, ban mai dâng sớ, chiều bị đày đi, chân lý đã bị cường quyền đè ép.
Nước ta vào đời nhà Đinh mới sai sứ qua Trung Hoa thỉnh kinh thờ Phật. Từ đó đến nay, nhân dân tin theo mỗi ngày một nhiều: nào quyên tiền làm chùa, nào tô tượng, đúc chuông, mong để cầu phước. Nhưng Phật Thích Ca không có quyền giáng họa hoặc ban phước cho ai, làm thế chỉ thêm sai lạc chủ nghĩa của Phật mà thôi.
Xét kỹ lại, ông vốn là con vua mà bỏ mình tầm đạo, tâm chí rất cao thượng, chúng ta đáng cảm phục thay! Song chẳng qua cũng là một người trong thiên hạ, vẫn bị bó tay dưới quyền thiên số, không tự cứu mình được, vị tất tế độ cho ai.
Kinh Phật cũng có chép: Lúc Phật được tám tuổi, vua cha dẫn đến thiên miếu mà lạy Trời. Dường ấy, sao chúng ta không theo gương Thích Ca mà thờ lạy Đức Chúa Trời cho trúng đạo?
Vả, theo giáo lý nhà Phật, thì loài người có ba chất xấu gọi là “Tam Độc.” Phàm ai muốn đạt đến Niết Bàn, phải tự mình giải thoát khỏi ba cái độc ác, chớ Phật không tế độ ai, vì người không phải là đấng cứu thế, bèn là giáo chủ của một tôn giáo dạy luân lý và hạnh kiểm mà thôi.
Vậy có khác nào thầy thuốc kia, sau khi chẩn mạch bịnh nhân rồi, cho biết rằng: “Anh mắc ba chứng bịnh có thể tuyệt mạng được, là đau tim, đau gan, và đau phổi.” Bịnh nhân lộ vẻ lo lắng và ngỏ ý cầu cứu, nhưng người đó nói rằng: “Tôi không phương gì cứu chữa anh được, tự anh phải làm sao cho dứt ba chứng bịnh ấy, tất nhiên anh sẽ được mạnh khỏe, bình an.” Nghe qua, bịnh nhân ắt phải đau đớn và thất vọng biết bao!
Hay là có người kia đang vỡ nợ, được giấy của thừa phát lại hẹn cho một thời gian ngắn phải đem trả đủ số vốn và lời mới được bình an, bằng không, sẽ chiếu theo luật thi hành mà giam cầm. Tiếc thay! Số nợ thiếu rất nhiều mà vốn liếng trong nhà rất ít, làm sao trả nợ cho xong, nên phải bối rồi, buồn rầu, khổ sở khi được tin dữ đó.
Cũng một thể ấy, điều lành ở trong người ta rất hiếm hoi, mà điều dữ rất dư giả, nay đem cái vốn lành rất ít của mình để trang trải cố nợ rất nhiều của tội lỗi, có thể được không? Chắc ai biết suy xét cũng cho là không thể được. Như vậy, giáo lý nhà Phật dạy một điều mà người ta làm đến mãn đời cũng chưa xong.
Một mình Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của nhân loại, có quyền giáng họa, xuống phước và cũng có quyền cứu vớt mọi sanh linh. Ngài có lòng yêu thương nhân loại hơn cha thương xót con cái không muốn ai chết mất. Thấy loài người không phương đền chuộc tội mình, Ngài bèn lập ra một phương cứu rỗi, vừa hiệp lẽ công bình vừa trọn lòng yêu thương: Ấy là Đức Chúa Giê-xu Christ đã đổ Huyết trên Thập Tự Giá chuộc tội loài người, hầu cho hễ ai nhận tội mình trước mặt Đức Chúa Trời và tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa, thì được tha thứ hết. Ấy cũng như người mắc nợ được chủ tha, người đau gặp được thầy giỏi, người đương chìm giữa biển nhờ thuyền trưởng ra tay cứu vớt.
Thuyết Luân Hồi
Con giả nhân hay nói là loài thú chạy, con anh võ hay nói lại là giống chim bay; loài vật sánh với loài người khác nhau như trời với vực, vì có câu rằng: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.” Thế mà nhà Phật lại đề xướng thuyết luân hồi, thật là trái lẽ.
Đức Chúa Trời đã lấy đất tạo ra loài người, hà sinh khí vào lỗ mũi, làm thành linh hồn họ. Từ đó về sau, loải người theo công lệ thiên nhiên, cha mẹ sanh con, con sanh cháu, có thân thể và linh hồn. Khi qua đời, thân thể tan nát ra tro bụi, linh hồn vẫn còn mãi mãi và phải ứng hầu trước mặt Đấng Tạo Hóa để được thưởng hoặc chịu phạt đời đời. Loài vật chẳng thế, vì không có linh hồn, nên khi chết, các thịt tan nát, giác hồn cũng tiêu diệt, chớ chẳng có đầu thai hoặc chuyển kiếp chi đâu.
Vả, Đức Chúa Trời đã định cho muôn loài giống nào sanh ra giống nấy đông đúc, và cũng chúc phước cho loài người sanh sản thêm nhiều đầy dẫy mặt đất. Đã vậy, không thể nào có luân hồi, chuyển kiếp được.
Nhà Phật lại nói: “Khi người ta chết rồi, kẻ thiện được sanh lại làm người, kẻ ác phải sanh làm súc vật.” Vậy trong thế gian người thiện vốn ít, người ác quá nhiều, theo lý thuyết ấy, e rằng trong vòng 100 năm, ắt chẳng còn loài người trên mặt đất nầy nữa! Nhà Phật cũng nói: “Đời này ăn bốn lạng thịt, kiếp sau phải đề thịt nửa cân.” Dường ấy, trên đời nhiều người ăn thịt, ít kẻ không ăn, suốt một đời người ăn biết bao nhiêu là thịt, nếu phải trả nợ, thì trả đến kiếp nào cho xong? Sợ e loài người phải tuyệt diệt hết! Huống chi thánh hiền đời xưa đều có ăn thịt, vậy, cũng phải trở lại làm súc vật để trả nợ sao?
Có người hỏi: Nếu không có luân hồi, sao có kẻ giàu, người nghèo, kẻ sang người hèn?
Đáp: Phải biết rằng cảnh ngộ ở đời, mỗi người một khác. Ông Mạnh Tử có nói: “Không có người làm quan, lấy ai cai trị người làm ruộng? Không có người làm ruộng, lấy ai nuôi người làm quan?” Đó là thông nghĩa trong thiên hạ, có quan hệ gì đến luân hồi? Ai tin cậy Cứu Chúa, làm lành, dầu gặp cảnh nghèo hèn, song linh hồn vẫn được lên Thiên Đàng; ai trái nghịch Chúa, làm điều dữ, dầu được hưởng phú quý, nhưng linh hồn phải sa xuống hỏa ngục, sự giàu sang nghèo hèn trước mắt có chi đáng trọng, đáng khinh? Mong rằng quí vị để biết trước cội rễ loài người và muôn vật, sẽ không bị sai lạc vì thuyết luân hồi nữa.
Quan Âm
Kinh Quan Âm chép con gái thứ ba vua nước Diệu Trang là Diệu Thiện, xuất gia đi tu, ở Chùa Bạch Tước. Khi vua cha nghe biết, bèn lấy lửa đốt chùa, bà Quan Âm, tức là Diệu Thiện, tay cầm cành dương rưới nước, ngồi chết ở trên hoa sen. Người ta nói rằng bà hóa thân thành Phật.
Song xét địa dư các nước hiện nay, ta không thấy nước Diệu Trang đâu cả. Nhà Phật nghĩ đàn bà rất dễ khuyến dụ, bèn làm tượng Quan Âm, nói là có phép cứu khổ cứu nạn, để mọi người cúng bái, cầu phước, cầu lợi. Kết quả nhiều người đua nhau mê tín, không biết đã bị sai lầm; người không con thì cầu Quan âm bồng con, người nào mắc khổ thì cầu Quan Âm ngàn mắt ngàn tay. Than ôi! Chỉ có một Đấng đủ quyền cứu khổ cứu nạn, ấy là Chúa của trời, đất, muôn vật, sao không tìm cầu Ngài, mà lại đi cầu Quan Âm hữu danh vô thực?
Diêm Vương
Đức Chúa Trời dựng nên Thiên Đàng để tiếp người lành, dựng nên hỏa ngục để chứa người dữ. Sự thưởng, phạt tùy theo ý chỉ công minh của Ngài, không ai can thiệp được. Thế mà nhà Phật nói địa ngục có mười tám trùng, có mười vị Diêm Vương cai quản, tức là: họ Tào, họ Ma, họ Vu, họ Tiết, họ Xương, họ Tiêu, họ Bao, họ Khấu, họ Hàn, v.v... Như vậy, mười vị chỉ cai quản mười trùng, còn tám trùng nữa lấy ai cai quản?
Họ Bao nói đó tức là ông Bao Chửng, cũng gọi là Bao Công, làm quan Khai Phong phủ ở triều vua Nhân Tôn nhà Tống, xử đoán rất ngay thẳng, không tư vị ai, dầu hoàng thân, quốc thích mà phạm tội, cũng trị thẳng tay, chớ chẳng sợ kẻ có quyền thế. Diện mạo của ông nghiêm khắc. Thuở đó người ta sợ ông lắm, nên đặt biệt hiệu là Diêm la Bao lão. Về sau ông chết, có kẻ đã đặt điều nói rằng ông ấy xuống làm Diêm Vương dưới địa ngục, coi sự chết và sự sống ở trên dương gian. Nói thế là vô lý! Nay thử hỏi: Trước khi chưa có Bao Công, lấy ai cai quản địa ngục? Và Bao Công cai quản sự sống và sự chết của kẻ khác, vậy ai cai quản sự sống, chết của Bao Công?
Kinh Thi chép rằng: "Sợ oai Trời," lại rằng: "Lớn thay Thượng Đế!" Vậy, xin quí vị hãy kính sợ một mình Đức Chúa Trời, là Đấng cai quản sự sống, chết của loài người.
Bà Chúa Ngọc và Bà Liễu Hạnh
Ở nước Việt Nam ta miền Bắc hay thờ bà Liễu Hạnh Công Chúa, miền Nam hay thờ bà Chúa Ngọc.
Về bà Chúa Ngọc, tục truyền rằng: Ở miền biển, sát chơn núi Khánh Hòa, có hai ông bà không con, làm nghè trồng dưa; một buổi sáng kia, ra thăm vườn, thấy một nàng con gái đẹp đương xách nước tưới dưa, bèn bắt về làm con. Được mấy năm, trong nhà xẩy ra sự bất hòa, nàng bèn nhảy xuống giếng trầm mình, hóa làm khúc gỗ kỳ nam, trôi qua Bắc hải. Thái tử ở Bắc hải vớt khúc gỗ ấy đem về, lại hóa ra nàng con gái, rồi cùng Thái tử kết làm vợ chồng. Khi được mấy con, nàng lại phân ly trở về chốn cũ, hiển thánh tại đó. Nhiều phụ nữ mê tín đua nhau thờ nàng, cũng gọi là Thiên Y Thần nữ.
Còn bà Liễu Hạnh nguyên là con gái ông Lê Thái Công ở tỉnh Nam Định. Khi sanh bà ra, ông có thấy chiêm bao rằng người con gái đó là một vị công chúa trên trời đầu thai, nên đặt tên là Giáng Tiên, sau có chồng, có con, được 21 tuổi thì chết. Khi bà chết rồi, người làng xóm đồn rằng: Giáng Tiên linh lắm, hiện về nhiều nơi. Họ bèn lập miếu mà thờ, tôn hiệu là Liễu Hạnh Công Chúa.
Sự tích của hai bà nầy rất hoang đường, như bà Chúa Ngọc là người sao lại hóa làm khúc gỗ, khúc gỗ sao lại hóa ra người? Ấu chẳng qua là đồng bóng mơ hồ ở chốn thôn quê gần miền biển.
Còn bà Liễu Hạnh, đời sanh hoạt của bà bất quá là của một phụ nữ tầm thường, chớ trên trời có công chúa nào đầu thai xuống? Chẳng qua thân phụ của bà vốn mê tín thuyết luân hồi, rồi nằm thấy chiêm bao, hoạc bày chuyện ra để nâng cao giá trị của con gái mình.
Thế mà phụ nữ miền Bắc phần nhiều mê tín bà là chúa tiên độ mạng; phụ nữ miền Nam nhận bà Chúa Ngọc làm mẹ sanh, thật sai lầm lắm! Sao không thờ Đức Chúa Trời, là Đấng cầm quyền sanh tử, nhờ Ngài độ mạng và cứu linh hồn cho các bà?