GIÁO SƯ.: Nó được gọi là “chiếc dù che chở chúng ta khỏi cơn mưa chết chóc của những điều gây hại.” Không có nó, chúng ta sẽ bị bao vây bởi những vi sinh thể nguy hiểm, và sẽ chết.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: “Nó” mà chúng ta đang nói đến ở đây chính là hệ thống miễn dịch – một hệ thống ngày càng gây kinh ngạc khi chúng ta dần khám phá ra những điều mới mẻ về nó!
GIÁO SƯ.: Có một trang web định nghĩa hệ thống miễn dịch là: “một mạng lưới các tế bào, mô, và các cơ quan phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công từ những kẻ xâm nhập ‘ngoại lai.’ Những kẻ xâm nhập này chủ yếu là các vi trùng – những sinh thể tí hon gây viêm nhiễm như vi khuẩn, vi-rút, các vật ký sinh, và nấm.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Một trang web khác thì nói rằng: “Nó được thiết kế để bảo vệ chúng ta khỏi hàng triệu vi khuẩn, vi trùng, vi-rút, các độc tố và vật ký sinh muốn xâm nhập vào cơ thể chúng ta.”
GIÁO SƯ.: Một tác giả mô tả tầm quan trọng sống còn của nó: “Để hiểu được sức mạnh của hệ miễn dịch, chúng ta chỉ cần nhìn vào điều xảy ra với bất cứ vật sống nào khi chúng chết đi. ...Khi một vật sống chết đi, hệ thống miễn dịch của nó (cùng với mọi thứ khác) ngưng hoạt động. Chỉ vài giờ sau, xác chết đó bị xâm nhập bởi đủ loại vi khuẩn, vi trùng, vật ký sinh...
“Những vi sinh vật này không sao xâm nhập được khi hệ thống miễn dịch đang hoạt động, nhưng ngay khi hệ thống miễn dịch ngưng hoạt động, cánh cửa được mở rộng. Một khi bạn chết đi, chỉ cần vài tuần là các vi sinh vật này có thể tiêu hủy hoàn toàn cơ thể bạn, cho đến khi chỉ còn lại bộ xương.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Ông ấy đang nói về những điều sẽ xảy ra nếu chúng ta không ướp xác hoặc chôn cất một người ngay sau khi người đó chết.
GIÁO SƯ.: Đúng vậy. Ông ấy kết luận: “Rõ ràng là hệ thống miễn dịch đang thực hiện một tác vụ đáng kinh ngạc để ngăn chặn sự tiêu hủy đó khi chúng ta còn sống.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Trong tuần vừa rồi cả hai chúng ta đều đã đọc rất nhiều bài báo và các trang web về hệ thống miễn dịch. Xin cùng thảo luận những điều mình học được.
GIÁO SƯ.: Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ nói về hệ thống miễn dịch như sau: “Bí quyết thành công của hệ thống miễn dịch là một mạng lưới truyền thông tỉ mỉ và năng động. Hàng triệu triệu các tế bào được tổ chức thành các bộ và phân bộ, hợp lại với nhau như một bầy ong bay quanh tổ để truyền tin đến và đi.”
Khi các tế bào miễn dịch nhận được một cảnh báo, chúng bắt đầu sản sinh ra các hóa chất mạnh mẽ giúp điều tiết sự phát triển và hoạt tính, hướng dẫn các tế bào khác cùng phối hợp với chúng, và đưa các tế bào mới đến các vị trí có vấn đề.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch có một khả năng phức tạp để nhận biết đối tượng nào trong cơ thể là “quen” và đối tượng nào là “lạ.”
Một tác giả nói rằng thông thường hệ thống đề kháng miễn dịch của cơ thể đồng tồn tại hòa bình với các tế bào có mang các phân tử đánh dấu “quen” đặc biệt. Hệ thống miễn dịch chỉ tấn công các tế bào bị nhận dạng là “lạ.”
GIÁO SƯ.: Thường thì có một lý do rất rõ ràng để hệ thống miễn dịch tấn công chúng. Những kẻ xâm nhập siêu nhỏ đó có khả năng gây chết chóc.
Vì vậy cơ thể của chúng ta dự phòng hệ thống bảo vệ nhiều lớp để ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Da là rào chắn thứ nhất. Như chúng ta đã thảo luận trong chương trình trước, rất khó để xuyên thấu da, da còn tiết ra các chất chống khuẩn tiêu diệt rất nhiều vi khuẩn trước khi chúng có thể xâm nhập vào cơ thể.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Miệng, mũi, và mắt là những lổ hổng của da, nơi vi trùng có thể xâm nhập. Vì vậy các công thức hóa học của nước bọt trong miệng, nước nhầy trong lỗ mũi, và nước mắt ở mắt đều có thể tiêu diệt những kẻ xâm phạm này.
GIÁO SƯ.: Những vi trùng vượt qua được những cổng này, sẽ phải đối mặt với a-xít trong bao tử và chất nhầy trong phổi. Tiếp theo, chúng phải tránh né hàng loạt các phần tử phòng thủ chưa xác định – là các chất tấn công những kẻ xâm nhập “lạ.”
Những rào chắn đó ngăn chặn hầu hết các kẻ thù xâm nhập.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nhưng mặc cho nỗ lực tối đa của hệ thống phòng thủ, một ít vi trùng vẫn vào được. Các nhân tố gây bệnh vượt qua được các rào chắn chưa xác định này cuối cùng sẽ phải đối mặt với những vũ khí đặc biệt được thiết kế riêng cho chúng.
GIÁO SƯ.: Các liên kết sinh học giữa hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh trung ương phối hợp với nhau để đảm bảo đúng vũ khí được sử dụng cho đúng kẻ xâm nhập.
Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ phân tích: “Hình ảnh mới mẻ ở đây là những hệ thống phối hợp chặt chẽ với nhau tạo thuận lợi cho dòng chảy thông tin hai chiều. Các tế bào miễn dịch...thực hiện chức năng cảm biến, phát hiện những kẻ xâm nhập ngoại lai và chuyển tiếp các tín hiệu hóa học để cảnh báo não bộ. Bộ não, ở vai trò của mình, sẽ gửi các tín hiệu hướng dẫn sự chuyển động của các tế bào thông qua các hạch bạch huyết.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vi khuẩn, vi-rút và các vật ký sinh sử dụng những chiến lược khác nhau để xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy mỗi loại vi sinh vật này đều được phòng chống bởi một bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch.
Mạng lưới các cơ quan bảo vệ bao gồm a-mi-đan, sùi vòm họng, tuyến ức, lá lách, ruột thừa và các tế bào bạch huyết.
GIÁO SƯ.: Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng các tế bào bạch huyết hay bạch huyết cầu là phần quan trọng nhất của hệ thống miễn dịch. Một nguồn thông tin liệt kê 16 loại tế bào bạch huyết khác nhau, nhưng danh sách đó có lẽ chưa hoàn chỉnh. Mỗi loại tế bào này tấn công một loại vi khuẩn, vi-rút hay những kẻ xâm nhập “lạ” riêng biệt.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Một giáo sư nói rằng có quá nhiều từ vựng chuyên ngành trong một khóa miễn dịch học, đến nỗi nhiều sinh viên nghĩ rằng họ cũng đang học một môn ngoại ngữ. Vì vậy chúng ta có thể thảo luận về hệ thống miễn dịch mà không nhắc đến quá nhiều thuật ngữ chuyên môn có được không?
GIÁO SƯ.: Chúng ta cần biết một số từ. Thứ nhất, từ lymph có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là dòng chảy trong trẻo, tinh khiết. Lymph là một lưu chất trong suốt chứa các tế bào bạch huyết, mà chủ yếu là các lim-phô bào.
Lymph bao phủ các mô trong cơ thể, sau đó các mạch bạch huyết tiếp nhận và dịch chuyển bạch huyết vào trong vòng tuần hoàn máu.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tim được gọi là “máy bơm máu,” truyền áp lực để máu di chuyển khắp cơ thể. Như vậy có “máy bơm lymph” nào để truyền lymph đi khắp cơ thể không?
GIÁO SƯ.: Không. Hệ thống tuần hoàn lymph là bị động. Các lưu chất chảy vào hệ thống bạch huyết, sau đó các chuyển động của cơ thể và các cơ bắp đẩy chúng vào hệ thống tuần hoàn bạch huyết. Hệ thống này chứa các tế bào đặc dụng nằm ngoài các mạch máu, và chúng phối hợp với nhau để loại bỏ viêm nhiễm khỏi cơ thể.
Trong khoang bụng, lá lách là một chiến trường khác để các tế bào miễn dịch chiến đấu chống lại các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tôi rất ngạc nhiên khi biết về một số phương thức thông minh mà hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể. Tôi biết rằng nó sản sinh ra một loại protein đặc dụng còn được gọi là các kháng thể hay các glô-bu-lin miễn dịch, giúp tiêu diệt vi khuẩn và vi-rút.
Nhưng tôi cũng kinh ngạc khi biết một số tế bào miễn dịch có thể khiến các tế bào đã nhiễm bệnh tự hủy. Một tác giả nói điều đó chẳng khác gì ép một tế bào nhiễm bệnh phải “tự tử.”
GIÁO SƯ.: Một điều đáng kinh ngạc nữa được đăng trên một trang web của Anh, trang Economist.com. Đó là: “hệ thống miễn dịch của động vật có vú có thể phản ứng lại những kẻ xâm nhập thuộc hầu hết các chủng loại. Nó còn có thể ghi nhớ những kẻ xâm nhập mà nó đã từng gặp để có thể tiêu diệt chúng nhanh hơn nếu gặp lại.” Để thực hiện mục đích này, vô số các tế bào bạch huyết đi tuần quanh cơ thể, “sẵn sàng chiến đấu...”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: …Sẵn sàng tấn công những vi trùng gây hại.
GIÁO SƯ.: Các tế bào bạch huyết tuýp B và tuýp T có những nhiệm vụ riêng biệt: các tế bào tuýp B giống như hệ thống tình báo quân sự của cơ thể, tìm kiếm mục tiêu và đưa quân đến tấn công. Các tế bào tuýp T thì giống như các chú lính, tiêu diệt những kẻ xâm nhập mà hệ thống thông tin đã nhận diện. Chúng cũng điều tiết và sắp xếp lại các phản ứng miễn dịch tổng thể.
Ngoài ra còn nhiều loại kháng thể khác ngăn chặn vi-rút xâm nhập vào các tế bào.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vài phút trước đây chúng ta đọc trên một trang web nói rằng hệ thống miễn dịch được thiết kế để bảo vệ chúng ta khỏi các vi sinh vật nguy hiểm muốn xâm nhập vào cơ thể. Một nguồn thông tin khác đề cập rằng hệ thống này được “tạo ra,” một nguồn khác nói về “những hệ thống phối hợp chặt chẽ với nhau,” và một nguồn thứ ba nói về sự trao đổi thông tin giống như mạng lưới thông tin quân sự.
GIÁO SƯ.: Đúng vậy. Một nhà sinh học khác nhấn vào điểm này còn mạnh hơn trong một bài viết có tựa đề “Nguồn Gốc Của Đa Dạng Kháng Thể.” Tiến sĩ Gordon Mills viết rằng: “Tôi tin rằng hệ thống sản xuất kháng thể rõ ràng được đánh giá là ‘không thể tinh giản được’...” Sự phức tạp không thể tinh giản được định nghĩa là “một... hệ thống gồm nhiều bộ phận tương tác đồng bộ cùng góp phần vào chức năng cơ bản, trong đó việc cắt giảm bất cứ bộ phận nào cũng khiến cả hệ thống không còn hiệu quả nữa.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nói cách khác, nhiều bộ phận phải cùng làm việc với nhau, nếu không cả hệ thống sẽ thất bại.
GIÁO SƯ.: Đúng vậy. Và các bộ phận phải “đồng bộ,” liên lạc với nhau để chúng có thể cùng làm việc hướng tới một mục đích chung.
Khi tiến sĩ Mills phân tích các thông tin gen trong hệ thống miễn dịch, ông cho biết chúng là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy “một nguyên nhân thông thái” đã tạo nên chúng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vì vậy ông không tin rằng những sức mạnh mù quáng của tự nhiên đã hình thành nên hệ thống miễn dịch. Phương thức vô cùng phức tạp với quá nhiều cơ quan và nhân tố phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, thuyết phục ông rằng phải có ai đó có trí thông minh siêu việt mới thiết kế và tạo dựng được hệ thống đó.
GIÁO SƯ.: Điều đó rất khớp với lời công bố của tác giả Thi Thiên Đa-vít trong Kinh Thánh. Ông thưa với Đức Chúa Trời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.” (Thi Thiên 139:14).
Thật vậy, một cái nhìn chi tiết vào hệ thống miễn dịch cung cấp những bằng chứng thuyết phục rằng Đức Chúa Trời không quên loài người sau khi Ngài dựng nên chúng ta. Ngài ban cho một hệ thống miễn dịch cực kỳ phức tạp để giữ chúng ta sống.