Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, March 14, 2013

Phật giáo Ấn-Hoa-Việt



A. Phật giáo Ấn Độ :


Phật giáo phát sinh tại Ấn Độ trước Công nguyên khoảng năm trăm năm dư, do Thích ca Mâu Ni sáng lập. 


Kể từ khi Phật Thích ca thành đạo đến đời Bồ đề Đạt ma là vị Tổ thứ 28 sang Trung quốc, độ một ngàn năm. Trong khoảng thời gian nầy, đạo Phật tại Ấn Độ có lúc thăng lúc trầm, khi hưng khi thịnh, chuyển mình biến thái đủ mọi hình thức. Khi Phật Thích ca còn tại thế, giáo pháp Người được truyền bá sâu rộng khắp cõi Ấn Độ. 
Lý do nào mà Phật giáo được truyền bá mạnh mẽ như vậy ?


Mặc dù lúc bấy giờ tại Ấn Độ có Bà la môn giáo. Giữa Bàlamôn giáo và chính quyền có sự kết ước chặt chẽ , cùng nhau để củng cố cho nhau. Sự bất công giữa đạo và đời đầy dẫy, nhưng giới tu sĩ và vua chúa quí tộc so với các giai cấp Phệ xá , Thủ đà là và Balya thì rất ít . Phật Thích ca thấy rõ điều đó nên đã tung nhân sự ra khắp nơi giải thích cho dân chúng biết là “ giai cấp Thủ đà la , hạng Balya phải liên kết với Phệ xá để đánh đổ giai cấp Bàlamôn và Bát đế lợi . Quần chúng nghe qua rất tán thành , lại có một số Sát đế lợi ” chịu đứng chung với đại đa số, cho nên Phật giáo bành trướng rộng rãi và thành công. 


Sau khi Phật Thích ca tịch diệt, hàng đệ tử và môn duệ thay nhau đời nầy sang đời khác lãnh y bát làm Tổ sư. Có tất cả là 28 đời Tổ sư (kể luôn Phật Thích ca) ở tại Ấn Độ. Trong số nầy có những vị nổi danh đã trước thuật nhiều tác phẩm tư tưởng nổi tiếng. Như Thiền sư Long Thọ lập ra Thượng thừa Duy thức học, lưu truyền môn triết học thượng đẳng nầy đến tận ngày nay. Có nhiều vua chúa qui y theo Phật và ủng hộ tận tình, các Phật tích và chùa viện được lập ra rất đồ sộ trang nghiêm như vua A Dục (A so a) đã tích cực ủng hộ Phật giáo về cả mọi mặt và đó là thời kỳ vàng son của Phật giáo Ấn Độ. 


Sau khi Phật Thích ca tịch diệt đã có ba lần kiết tập trong Phật giáo, hai lần sau nội bộ bị chia rẽ trầm trọng. Phái Đại chúng bộ chủ trương canh tân Phật giáo và truyền sang ngã Tây Tạng, Trung hoa, gọi là Bắc tông. Phái Thượng tọa bộ có tư tưởng bảo thủ truyền về phía nam qua ngã Tích lan, Diến điện, Thái lan, Campuchia, Lào, gọi là Nam tông. Nam tông ngày nay qua Việt nam là phái Phật giáo Thevarada (tức Phật giáo nguyên thủy). 


Sau Phật Thích ca hơn một ngàn năm, phía Tây Ấn Độ có một đạo phát sanh là đạo Hồi. Đạo Hồi do giáo chủ Mahomed sáng lập, cũng thờ phượng Thượng đế gọi là Alah. Hồi giáo có một kinh chính là kinh Coran, truyền đạo bằng vũ lực, chiến sĩ Hồi giáo ra trận được chết đó là điều phước, nên họ không sợ chết và rất dũng cảm. Hồi giáo xâm lăng đến đâu đều bắt buộc người ta phải theo đạo, nếu không thì bị giết chết. Trong kinh Coran, giáo chủ Mahomed có bảo: “Ai động đến danh ta, ngươi hãy tắm trong huyết nó ”. Bởi đó hàng tu sĩ Hồi giáo luôn luôn mang gươm bên mình và đôi mắt cùng vẻ mặt sẵn sàng tung gươm chém gục kẻ nào không chịu theo Hồi giáo, hoặc phản lại đạo Hồi, giáo chủ Mahomed nói rằng ấy là đẹp lòng Thượng đế Alah. 


Đạo quân Hồi giáo rât hùng mạnh, đã xâm lăng Ấn Độ mấy lần, cứ mỗi lần xâm lăng, thì Bàlamôn giáo và Phật giáo bị tàn sát vô kể, hủy hoại kinh điển, đập phá đền đài di tích của Phật giáo, các công trình của vua A Dục bị tiêu hủy ngày nay chẳng còn lại bao nhiêu. Quân Hồi bắt buộc dân Ấn Độ phải bỏ đạo cũ và theo Hồi giáo. Trước các đợt sóng khủng khiếp của Hồi giáo, Phật giáo tàn lụn mau chóng và rút dần ra cố thủ tại đảo Tích lan. Rất may là đạo quân Hồi không ra đến Tích lan. Ngày nay Phật giáo tại Ấn Độ không có ảnh hưởng bao nhiêu, chỉ sót lại vài di tích của thời vua A Dục. 
Thiền sư thứ 27 là Bác Nhã Bala Mật nhận thấy tại An dộ không thể hành giáo được nữa, bèn giao Y Bát lại cho đệ tử lớn là Bồ đề Đạt ma lãnh ấn chỉ đời tổ thứ 28 và khuyên sang Trung quốc truyền đạo.


Kể từ đây bóng dáng Phật giáo trên đất Ấn Độ không còn nữa, thời vàng son đã lui vào dĩ vãng. Giờ đây người đến Ấn Độ chiêm bái Phật tích chỉ còn thấy cảnh:
Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo
Bạn cũ lâu đài bóng tịch dương.



Phật giáo Trung quốc hayThiền giáo Trung quốc


Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung quốc rất sớm, đầu đời nhà Tây Hán đã thấy bóng Phật giáo rồi. Phật giáo đến Trung quốc do hai ngả, một ngả đường bộ băng ngang Tây Tạng, một ngả đường biển mạn Đông Trung quốc. Khi qua đến Trung quốc, sắc thái Phật giáo đã biến thể mọi mặt như về y phục, nghi thức lễ bái, v. v. . . kinh kệ được các Pháp sư trí độ dịch từ tiếng Phạn ra Hoa ngữ, cộng vào đó có một số tăng sĩ giỏi lại ưa thích khuynh hướng Hoàng Lão và Mật tông, bày ra bùa phép, ngụy kinh, ngụy sấm, trộn lộn vào Phật giáo, cho nên hình thức Phật giáo Trung quốc biến thái khỏi đạo Phật Ấn Độ. đến khi Thiền tông thạnh hành, thì tại Trung quốc có thể nói không còn Phật giáo nữa mà là Thiền giáo. 


Bồ đề Đạt ma đến Trung quốc vào triều nhà Lương, ông mang theo bộ kinh Lăng già Tâm An làm tôn chỉ. Vua Lương Võ đế vốn là một ông vua mê say đạo Phật, đã xuất tiền xây cất chùa viện, đúc tượng vô số, lại cung cấp lương thực cho một đám tăng sĩ biếng lười trốn đời vào chùa ăn bám bá tánh thập phương. Nhà vua cho rằng như vậy là ơn phước. Hay tin có Bồ đề Đạt ma qua Trung quốc, vua sai sứ giả ra thỉnh về cung để khoe khoang việc làm của mình. Vua hỏi: “Từ ngày làm vua đến nay, trẫm đã xây dựng 72 ngôi chùa, bố thí cúng đường hằng vạn chúng tăng, vậy ơn phước công đức ấy lớn dường nào?”. Bồ đề Đạt ma xua tay lắc đầu nói: “Bệ hạ không có ơn phước chi cả !”
Vua Lương Võ đế nổi giận đuổi ra khỏi cung và Đạt ma vào tu ở chùa Thiếu lâm, động Thiếu thất. Sau đó có Hoà thượng Thần quang tự chặt tay cầu pháp, Đạt ma thâu nhận cải pháp danh là Huệ Khả. Đạt ma dạy Huệ Khả chỉ truyền Y Bát đến đời tổ thứ sáu là dứt, vì xét thấy người Trung quốc tu hành vẫn cầu danh, ưa tranh giành phẩm vị trong cửa Phật. Huệ Khả trao Y Bát cho tam tổ Tăng Xáng, vị nầy mang phải bệnh cùi, nhân được Y Bát cũng di truyền đạo. 


Phật giáo Trung quốc không chấp nhận phe Đạt ma từ Ấn Độ qua là chánh giáo, họ công kích mạt sát dữ dội. Tam tổ Tăng Xáng đến giảng tại một nơi kia, bị Hòa thượng trụ trì cho là giảng tà giáo, sai đệ tử ra đánh Tăng Xáng gần chết. Tăng Xáng trao Y Bát cho Đạo Tín làm tổ thứ tư, Hoàng Khẩn làm tổ thứ năm ở tại đất Hoàng Mai. Ngũ tổ Hoàng Nhẫn có hai đệ tử giỏi là ThầnTú và Huệ Năng, hai ông nầy ganh tị nhau và đã sanh ra ý tranh giành Y Bát làm tổ thứ sáu. 


Lúc nầy thế lực của phái Đạt ma đã mạnh, có các vị tổ giỏi như Tăng Xáng đã chinh phục được các phe Phật giáo khác. Đến đời Lục tổ Thần Tú và Huệ Năng thì càng thịnh hành hơn nữa, nhưng lúc nầy không là Phật giáo của Thích ca Mâu Ni, mà đã hóa thành một thứ Thiền giáo của Trung quốc. Sau khi Ngũ tổ Hoàng nhẫn chết, Y Bát không biết rõ truyền cho ai, giữa hai ông Thần Tú và Huệ Năng đều cho là mình chánh thức lãnh Y Bát. Lục tổ Thần Tú lập ngành Thiền Bắc tiệm, rất giỏi, gây một thế đứng vững mạnh trên đất Trung quốc. Còn Lục tổ Huệ Năng về Nam lập ngành Thiền Nam Bổn cũng cường thạnh không kém phái Bắc Tiệm. Phật giáo lúc nầy gọi là Bắc tiệm Nam Bổn hay gọi Tiệm giáo và Bổn giáo. Cả hai bên công kích nhau kịch liệt, ghe phen dùng đến vũ khí giết nhau. Chính vì thế mà môn võ nghệ được dạy trong cửa chùa. Cả hai bên đều gây thế lực và yêu cầu đến Hoàng đế công nhận mình là chánh giáo. Vua Đường thái Tôn lúc bấy giờ thấy cả hai đều giỏi và cùng có y Bát như nhau, nên không biết công nhận ai chánh ai tà, cuối cùng vua xử hoà công nhận cả hai đều là chánh truyền Phật giáo của Bồ đề Đạt ma. 


Lục tổ Thần Tú lập Tiệm giáo phương Bắc. Tiệm có nghĩa là tu từng bước và giác ngộ từ từ, về sau mới thành Phật, nghi thức lễ bái rườm ra như: chuông mõ, tang nhập trống phách, ca dương, v. v. . . Sau khi ông chết, được vua Đường Thái Tôn làm bia ca tụng tài năng hạnh tu và ban tặng là Chơn Thiền Sư. Phái nầy chẳng có nhân tài, do đó về sau phái Bắc tiệm lần lần tàn lụi. 


Theo Pháp bảo tàn kinh thì Huệ Năng mới là người chánh thức được Hoàng Nhẫn trao Y Bát. 


Truyện kể Hoàng Nhẫn đang giữa đêm gọi Huệ Năng vào Thiền thất trao cho Y Bát và sai đi gấp về Nam. Lúc nầy Huệ Năng vẫn còn là một cư sĩ. Sáng sớm hôm sau, Thần Tú mới hay được nên nổi giận họp dàn em lại và sai em út là Huệ Ninh mang gươm đuổi theo giết Huệ Năng giành Y Bát lại. Huệ Năng phải trốn vô rừng và sống chung với đám thợ săn qua ngày tháng. Về sau ngành Nam Bổn của Huệ Năng hưng thịnh và có cớ nói rằng Bắc tiệm của Thần Tú tàn lụn là do không được Ngũ tổ Hoàng Nhẫn phó truyền. Lục tổ Huệ Năng chết cũng được vua Đường Thái Tôn ca tụng và công nhận là chơn truyền của Bồ đề Đạt ma. 


Kể từ đó Thiền giáo của Trung quốc là ngành Thiền Huệ Năng. Bắc tiệm Thần Tú còn di truyền lại các thứ mõ chuông lễ bái. Nam Bổn của Huệ Năng có nghĩa là ‘tu đốt giai đoạn’, không còn phải tu lâu mới giác ngộ mà chỉ trong một sớm một tối liền thành Phật ngay. Họ chủ trương không truyền dạy bằng chữ hay phương tiện hình tướng, mà truyền dạy bằng một lối riêng, cho nên các Thiền sư hay dùng công án (thoại đầu). Thiền Nam Bổn có bài:


Bất tập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật. 


Huệ Năng có hai Đại đệ tử là Thanh nguyên hành tư và Nam Nhạc hoài nhương, không còn truyền Y Bát nữa, chỉ có tâm truyền. Có lẽ Huệ Năng sợ tranh giành trong cửa chùa, như kinh nghiệm giữa ông và Thần Tú, và cũng theo di chúc của Bồ đề Đạt ma. Kể từ đấy đạo Thiền của Trung quốc phân làm năm ngành gọi là Ngũ gia pháp phái: Qui ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, vân mộng, pháp nhãn. Cuối cùng chỉ có Thiền Tào Động truyền qua Nhật bản và Thiền Lâm Tế tại Trung quốc là thịnh hành, còn ba nhánh kia tàn lụn mất.


Phải công nhận rằng hầu hết các Thiền sư có danh trong sách vở đều giỏi cả, mỗi Thiền sư là một giáo sư dạy Triết đương thời. Các ông có lối giảng luận thuyết minh trôi chảy. Ngành duy thức họ được khai sáng thêm ra và dạy trong các chùa, nhờ đó mà Phật giáo Trung quốc thịnh hành . Các Thiền sư mỗi người có một lối lý luận hiểu biết khác nhau. Cũng cùng một câu hỏi mà mỗi vị giải thích trả lời mỗi khác. Ví dụ: Phật là gì ?

Lâm Tề lúc thì nói là “Càng thỉ quyết ” (Que cức khô), khi thì hét lớn rồi im lặng. Mã tổ có lần cầm hèo đánh túi bụi kẻ hỏi, lại có khi nói “Phùng Phật sát Phật. phùng tổ sát tổ ”(gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ) - xem trong Thiền luận của Su-tu-ki Trúc thiên và Tuệ Sĩ dịch). Cách thức đó gọi là dùng công án hay thoại đầu. Công án (Thoại đầu) chỉ dùng riêng cho một số Thiền sư tăng sĩ có trình độ, còn giới thấp thì tu hành bằng lối luyện du già (Yoga) của nhà sư Bàlamôn Ấn Độ. Giới nầy không có tụng kinh thờ Phật và không ưa nói chuyện Niết bàn địa ngục, thành Phật, thành tiên, họ bài bác chê bai kẻ nào hỏi việc lên cực lạc Niết bàn. Nếu ta theo dõi hành trình của họ,ta thấy gần như Thiền giáo Trung quốc phủ nhận cả cõi Niết bàn, và các cảnh giới khác mà Phật Thích ca thuyết, ta cũng không hiểu kết quả cuộc đời tu niệm của họ sẽ về đâu. Họ bảo có ý là hữu tâm, không ý là vô tâm; kẻ hữu tâm sẽ không bao giờ giác ngộ, chỉ có vô tâm mới giác ngộ mà thôi. Mà đã không có các cảnh giới của Phật Thích ca nói, thì cái vô tâm giác ngộ sẽ đi về đâu ? Đã không chấp nhận việc làm làm Phật, cho đó là hư ảo, thì tu làm gì cho mệt sức, đó là những điều mâu thuẫn trong Phật giáo và Thiền giáo.

Còn hàng hạ cấp khác, không biết nhập thiền giảng đạo, thì luyện bùa chú và gỏ mõ tụng kinh, ăn chay niệm Phật. Giữa phái luyện đan của Hoàng Lão và Thiền giáo đã hoà hiệp lẫn lộn vào nhau, đến nỗi cả vua chúa quan lại cũng mê muội tin theo Thiền giáo. Phật giáo Trung quốc lúc nầy di tệ không chi tả nổi. Nhà chùa là nơi nương náu của bọn bất lương, trốn đời, có lắm chỗ giả làm ra nơi luyện võ nghệ của bọn bất đắc chí đội lốt nhà tu làm điều dâm loạn càn bậy.

Các vua Đường (Túc tông) quá mê muội Phật giáo nghe lời bày vẽ của các Thiền sư sai sứ sang rước xương Phật tận Ấn Độ về nước. Lễ rước xương Phật (gọi là Ngọc Xá lợi) rất linh đình làm cho ông Hàn Dũ đang làm quan trong triều Phủ doãn gai mắt trái tai, thẳng thắn dâng sớ can vua lời lẽ thật đanh thép:

“. . . Nắm xương của ông Cù Đàm (tên Phật Thích ca ) đem từ Tây trúc về có đáng giá chi mà bệ hạ mê muội thỉnh rước linh đình như vậy? Bệ hạ đã làm tốn hao công quĩ, gây thất chánh triều đình, hại đến thánh giáo (Nho giáo ). Tôi e rằng cái họa sẽ đến không phải nhỏ. Hạ thần xin đề nghị Bệ hạ mau đem gói xương đó liệng dưới ao ngoài thành và đuổi hết bọn đầu trọc ra khỏi kinh đô để cho triều chánh có kỷ cương nghi vệ trở lại ”.

Vua đọc sớ nổi giận lôi đình, hạ chiếu xử tử Hàn Dũ, may nhờ các quan can gián, vua đổi án tử thành án lưu đày ra Triều dương cách kinh đô tám ngàn dặm. Ông chán ngán từ Triều dương gởi về cho con cháu một bài thơ để tỏ bày ý mình:

Nhất triều phong tấu cửu trùng thiên,
Tịch biên triều dương lộ bát thiên
Bản vị thánh minh trừ tệ chánh
Can tương suy hủ tịch tàn niên
Vân hoành Tản lĩnh gia là tại
Tuyết ủng lân quan mã bất tiền
Tự nhũ bản lai ưng hảo ý
Hữu thu ngô cốt chướng giang biên. 
Nghĩa là:
Buổi sáng dâng sớ lên can vua
Buổi chiều bị đày ra Triều dương xa tám ngàn dặm. 
Ý muốn vua hiền trừ mối tệ
Nào có sợ gì cái thân già nầy
Mây che ngang núi Tản không biết nhà ta nơi đâu
Tuyết phủ cả ải lam làm ngựa không đi được
Nếu cháu qua thăm có ý thương đến chú
Hãy thu hài cốt chú chôn bên bờ sông.


Tuy vậy Phật giáo Trung quốc đã ba lần bị ngược đãi bởi các vua không ưa, họ gọi là “Tam võ ách”. Sau đó được nâng đỡ lại tiếp tục di tệ không sao tưởng.
Ta thấy khi Phật giáo truyền sang Trung quốc, đã bị biến thái hoàn toàn với Phật giáo Ấn Độ. Các Thiền sư có trình độ tha hồ giải nghĩa biện thuyết kinh Phật theo ý mình, rồi lập ngành phái nầy trướng phái nọ, công kích lẫn nhau, ai cũng cho mình là đạo cao đức trọng. Về sau Phật giáo Trung quốc dung hòa cả hai ngành Thiền Bắc tiệm và Nam bổn lại, cho nên lễ bái thờ cúng trong thiền môn vô cùng rườm rà. Lại có Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu (sáng lập ngành Thiền Qui Ngưỡng) viết ra tứ phần luật (Tỳ ni, sa di, cai nghi, cảnh sách) biến chế phẩm phục thêm giới cấm để trừng giới cho hàng tăng sĩ, nhung chẳng mấy ai giữ được.

Sự biến thể thoát thai ấy, ta thấy giữa Phật giáo Ấn Độ và Trung quốc đã quá khác biệt thành hai thứ tôn giáo. Mặc dù khi qua Trung quốc, Bồ đề Đạt ma có mang theo quyển kinh Lăng già tâm ấn làm tín chỉ trong thiền môn, nhưng trước sức biến thể, Bồ đề của Phật giáo Trung quốc, lập trường của Bồ đề Đạt ma và quyển kinh trên vẫn không giữ được mối chánh thống chơn truyền của Phật Thích ca.

Thiền giáo Trung quốc truyền bá sang các nước phía đông như Cao ly, Nhật Bản; phía nam như Việt nam, các nước đón nhận lại một phen biến thái cho hợp với đất nước mình, vì thế mà không phân biệt cái nào chánh, cái nào tà, cái nào nguyên thủy hay đã bị đồng hóa. Phật Thích ca nói một đường, họ hiểu một nẻo, tự vận dụng tri thức mà diễn giảng kinh theo ý riêng của mình di tệ nổi lên tràn lan, chỉ tội nghiệp cho kẻ ngu muội tin theo. 

Bởi thế, chúng ta kết luận rằng Trung quốc không có Phật giáo chánh tông mà là một đạo Thiền khác biệt với giáo lý của Phật Thích ca, cả hai đạo cũng không đưa đến giải thoát họ xa vòng tội lỗi.