Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, March 14, 2013

Tìm hiểu Phật Giáo --3


Địa Tạng Vương Bồ Tát và Địa Ngục

Hết nói chuyện trên trời, Phật Thích ca cũng nói chuyện dưới âm phủ. Am phủ của Phật Thích ca nói không phải như trong quyển “Chân giả luận” của đạo Tin Lành nói về họ Tào, họ Hứa, họ Ma, họ Quỉ, v. v. . . 


Trong một lần thuyết pháp tại vườn của ông Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, Phật Thích ca khởi giảng về cõi u minh. Theo Địa tạng kinh, thì trong chốn u minh, hay gọi là Địa ngục ấy có một vị gọi là Địa Tạng Vương Bồ tát làm giáo chủ cai quản cõi ‘Nam Diêm Phủ đế’. Nơi Diêm Phủ đế tức Địa ngục có cả thảy 10 cửa ngục, mỗi cửa ngục có một vị cai quản gọi chung là lũ Quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa chuyên môn hình phạt các vong hồn có tội trên trần gian chết xuống. Theo kinh nầy, ai trên thế gian ăn ở bất nhân, không kính sợ chư Phật, không biết làm lành lánh dữ, khi chết sẽ sa vào chốn nầy để luyện tội. Thời gian luyện tội dài ngắn tùy theo việc làm của người đó trên dương thế. Mãn hạn luyện tội, linh hồn ấy được cho đi đầu thai. Bồ tát Địa Tạng Vương đáng lẽ làm Phật rồi, nhưng ông có hứa rằng khi nào trong Địa ngục không còn một chúng sanh luyện tội thì ông mới thành Phật. 


Phật Thích ca cũng thương chúng sanh phạm tội bị hình phạt dưới Địa ngục, nên Người cũng thuyết một câu thần chú để phá Địa ngục là “An già la đế, gia ta bà ha ”. Cứ vô chùa gióng đại hồng chung (chuông lớn) đọc câu thần chú ấy tức thì Địa ngục tự nhiên mở ra và các linh hồn có dịp vượt ngục lên thế gian.


Địa Tạng kinh cũng thuộc hàng kinh cho giới tiểu thừa, đọc qua kinh nầy, ta thấy có nhiều chỗ khôi hài quá. Nếu quả thật có cõi Nam Diêm phủ đế tức là Am phủ như vậy, thì bây giờ các nhà địa chát đã tìm thấy. Vả lại trong kinh Vu lan, Phật Thích ca có dạy: ”Nếu ai có cha mẹ lúc sanh tiền làm ác, khi chết xuống Am phủ sẽ bị định tội. Muốn trả hiếu cho cha mẹ phải thỉnh chư tăng hiệp lại chú nguyện, thì linh hồn sẽ siêu thoát lên cõi Niết bàn ”. Nếu quả vậy, ắt hạng giàu có, linh hồn cha mẹ được lên Niết bàn hết; còn hạng nghèo khổ thì linh hồn cha mẹ sẽ bị mãi mãi ở chốn Địa ngục.
Một câu chú “An già la đế gia ta bà ha” mà có thể phá được cửa Địa ngục, cho các linh hồn vượt ngục, như vậy Phật Thích ca đã can thiệp vào nội tình của chốn u minh, gây mất trật tự và khó khăn cho Bồ tát Địa tạng cùng Thập điện Diêm vương.
Người theo Phật giáo rất sợ Bồ tát Địa tạng càng tìm cách lấy cảm tình với ‘Thập điện Diêm vương’. Trong chùa thì ngôi vị cao nhất là Phật Adiđà giáo chủ thế giới Cực Lac, và thờ Địa Tạng vương Bồ tát cùng Thập điện Diêm vương.

Thật ra kinh Địa Tạng mà Phật Thích ca thuyết với mục đích hù dọa loài người, nhờ đó họ chừa bỏ bớt sự ác, hung hăng, chứ thật ra không có. Bởi vậy, Địa Tạng Bồ tát, Thập điện Diêm vương là các nhân vật giả tưởng của Phật Thích ca.
Phật Thích ca là một Triết gia lớn, một nhà cách mạng tài ba, mục đích của Ngài là xóa bỏ cảnh đau khổ giai cấp tại Ấn Độ thời bấy giờ, làm gì Người biết được chuyện Niết bàn Địa ngục. Bởi vậy, hai quyển kinh Adiđà và Địa Tạng là dùng dể hù dọa và khuyên giới Phật tử ăn hiền ở lành mà thôi.


Quán Thế Âm trong Phật giáo

Trong Phật giáo có một vị Bồ tát danh hiệu là Quán thế âm, giới Phật tử ai ai cũng thờ lạy tụng niệm, nhưng rất ít người hiểu biết về nguồn gốc vị Bồ tát nầy. 
Bồ tát nguyên gốc chữ Phạn được người Trung quốc dịch âm là ‘Bồ đề tát dỏa”, gọi tắt là Bồ tát, có nghĩa là hạnh nguyên rộng lớn bao la, đắc được quả Phật, tuy nhiên vì đại nguyện tế độ chúng sanh nên chưa nhận quả Phật. Trong Phật giáo thấy có nói ba vị đạt đến quả Phật thừa, nhưng vì đại nguyện chưa xong, do đó vẫn còn là Bồ tát, đó là Bồ tát Di lặc (còn gọi là Từ Thị), Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Quán thế âm. 
Bồ tát Quán thế âm gốc tích không phải như trong quyển Chân giả luận Tin Lành đã nói, Trước thời nhà Đường, bên Trung quốc đọc là Quán thế âm, nhưng sau đó vì phạm húy của vua Đường thái tôn (Trình Quán), nên đọc lại là Quan, mặc dù vẫn viết chữa Quán. Người Việt nam phần đông hiểu Quán thế âm qua tác phẩm Quan âm thị Kính, do đó hình tượng Bồ tát Quán thế âm thờ ngày nay là vẽ theo trong tác phẩm thơ Quan âm thị Kính. Quan âm đứng trên tòa sen, tay cầm cành liễu, tay nâng bình tịnh thủy, đứa đồng tử đứng sau Quan âm là con trai của thị Kính, một con chim tha xâu chuỗi đó là vong hồn chàng Thiện sĩ chồng của thị Kính. Thật là hài hước hoang đường, thế mà xưa nay hàng Phật tử cứ cho đó là Phật. 


Quán thế âm hay Quan thế âm, nguyên gốc chữ Phạn Bali viết là Loke ara hoặc Lokevacra, tiếng Trung quốc dịch là Quán tự tại hay Quan thế âm, có nghĩa là từ bi tế độ khi nghe tiếng kêu oan. Trong kinh điển nhà Phật thấy có nói đến Quán thế âm ba lần. Một lần trong Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh, phần Phổ môn; một lần ở thuyết phẩm kinh Bác Nhã Bala Mật với danh hiệu là Quán tự tại; Một lần thuyết thần chú Đại bi với danh hiệu là Thiên thủ thiên nhãn vô ngai. Đại bi kinh nói về Quán thế âm rõ nhất là phần Phổ môn. Trong phần nầy không thấy Phật Thích ca nói Quán thế âm Bồ tát là nam hay nữ, chỉ thấy Phật Thích ca thuyết minh hạnh nguyên, quyền năng của Quan âm vô tận ý và độ chúng sanh. 


Phật Thích ca bảo rằng ai gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào dù ở đâu , hễ niệm danh hiệu Quán thế âm thì được cứu . Hình tướng Quan âm , Phật Thích ca không nói nhất định , nhưng cho biết rằng tùy lúc , tùy nơi , tùy hoàn cảnh mà Quan âm thị hiển , có thể là đàn ông, hay đàn bà , có thể hiện ra tu sĩ , Thiên đại Tướng quân hoặc cả Thiên long Dạ Xoa quỉ , rồng , v. v . . . Quan âm có đủ nghìn tay , nghìn mắt , nghìn tai , do đó có thể thấy và nghe được khắp nơi , bất cứ ai kêu cầu , thì có Quan âm đến. Kết luận, Phật Thích ca thuyết về Quan âm rằng:


“Diệu âm Quán thế âm- Phan âm Hải triều ân - Thắng bỉ thế gian âm. (Một thứ âm thanh vi diệu để tuyên úy, âm thanh cao mạnh hơn âm thanh hải triều, thắng tất cả mọi âm ba trong thế gian )
Quán thế âm rất được hâm mộ khắp nơi vì Phật Thích ca đã từng bảo: “Phật không cứu ai được”, nay chỉ rõ một người cứu độ thì có chi sung sướng bằng. Phật giáo truyền sang Tây Tạng bởi phái Mật tông, với phần kinh Phổ Môn Mật được Tây Tạng chấp nhận, họ luyện chú, luyện bùa, mà thần chú đại bi và các chú khác lại do Quán thế âm thuyết. Người Tây Tạng tạc tượng Quán thế âm là hình người đàn ông thật mạnh khỏe uy nghi và dường như ở xứ đó hình tướng và ý nghĩa Quán thế âm chủ trì cả tâm hồn họ. 


Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung quốc, thì hình tượng Quán thế âm không phải là đàn ông như bên Tây Tạng, mà hình tướng không phân biệt đàn ông hay đàn bà, đầu thì đội mão có tượng Phật Adiđà ở phía trước, y phục sặc sỡ, cổ đeo chuỗi cườm vàng ròng tua tủa, tay quyết ân Tam muội đứng trên tòa sen. Người Trung quốc cũng rất kính sợ và sùng bái Quán thế âm, họ lại nói rằng Quan âm ở tại Nam Hải thuộc Trung quốc, khi cầu khẩn chắc mau chóng hơn, bởi đó còn gọi là Nam hải Quán âm. Các Thiền sư Trung quốc lại đặt thêm “Thập Nhị Đại Nguyên” rồi ráp vào phần Phổ môn cho rằng đó là Phật Thích ca thuyết. Về sau người ta dịch Diệu Pháp Liên hoa kinh từ tiếng Phạn ra, thì không thấy Mười hai nguyện đó, cho nên khẳng định Mười hai nguyện là ngụy kinh. 


Tại Việt nam ngày xưa, hình tướng Quán thế âm cũng giống kiểu mẫu của Trung quốc. Kể từ khi tác phẩm Quan âm thị Kính ra đời, thì ảnh tượng Quán âm lại một phen biến thể, ngoài một phần lớn ảnh hưởng Nam hải Quán âm trong Tây du ký. Bởi cớ ấy, Việt nam lại tưởng tượng Quán thế âm là phái nữ nên họ còn gọi là Phật Bà. 
Quán thế âm theo Việt nam vẽ là một cô gái rất đẹp, yểu điệu, uyển chuyển, tha thướt như một nàng tiên đứng trên tòa sen, tay cầm bình nước và cành dương liễu sấm kinh gọi là ‘Dương chi tịnh thủy’. Nếu vẽ ngồi trên tòa sen cũng vẽ dáng đàn bà áo quần mão miện sặc sỡ. 


Phật giáo vào đến người Chàm (Cham-pa - Chiêm thành), thì hình tướng Quán thế âm lại khác. 
Phật giáo vào Chiêm thành rất sớm qua ngõ phía Nam, nhưng không được thịnh hành. Qua đến triều vua Indra’aratt (ngang triều Đường Đức Tôn bên Trung quốc). Phật giáo mới được thịnh hành. Vua nầy rất sùng thượng Phật giáo tại Đông dương - Quảng Nam (thời đó gọi là Indrabura), vua nầy cho xây chùa đúc tượng Phật, và đặt nơi ấy làm kinh đô Phật giáo của nước Chiêm thành. Vua xuất công quỹ xây một ngôi Quốc tự rất lớn, sai sứ giả qua tận Tích lan thỉnh kinh cầu sãi về dạy đạo. Rủi thay vua không có con, người em (hay cháu) được lập làm Thái tử nối ngôi. Tân vương nầy theo đạo Hồi của Giáo chủ Mahomed, do đó rất ghét Phật giáo, kể từ đó Phật giáo tại Chiêm thành bị ngược đãi và bài trừ tận gốc rễ. Di tích ngày nay còn lại là một tượng Phật Adiđà bằng đá, nhưng cái đầu đã bị các nhà khảo cổ Pháp cắt đem về nước, và tượng Quán thế âm cũng bằng đá hiện để tại Cổ Viện Chàm (Đà nẵng).


Quán thế âm của Chàm thì khác, không y phục sặc sỡ như của Việt nam, trái lại, Quán thế âm Chàm chỉ mang một cái xà rong (cái váy) che phần dưới, phần trên cởi trần khoe bộ ngực to.
Với quan niệm của người Chàm, thì bộ ngực to, no tròn biểu hiện cho tình mẫu tử bao la. , họ nhìn với đôi mắt thiêng liêng sùng bái. Bởi thế, họ cần phải chạm bộ ngực thật no tròn để nói lên hạnh từ bi tế độ, cứu khổ của Bồ tát Quán thế âm.

Những trang vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu Quán thế âm của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung quốc, Việt nam, Chiêm thành, bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu chủ đích của Phật Thích ca thuyết về Quán thế âm trong phần kinh Phổ Môn có ý nghĩa gì ?
Trong nhà Phật có Lục độ Ba la Mật là:
1. Bố thí (Giúp đỡ cúng dường). 
2. Trì giới (răn giữ giới cấm)
3. Nhẫn nhục (nhường nhịn)
4. Tịnh tấn (trong sạch tấn bộ)
5. Thiền định (yên nghỉ nhập thiền)
6. Trí tuệ (sáng suốt khôn khéo).

Trong sáu điều đó, quan trọng nhất là Bô thí - Bố thí là giúp đỡ, cúng dường. Trong Bố thí có ba cách khác nhau: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí.
- Tài thí là dùng của cải của mình đem giúp đỡ kẻ nghèo khó. 
- Pháp thí là đem đạo thuyết giảng hướng dẫn con người từ bỏ nẻo ác trở về đường thiện. 
- Vô úy thí là đến an ủi vỗ về khi người ta đang sợ hãi trước một sự việc. Kẻ có hạnh vô úy thì phải kịp thời đến tuyên úy cho. Theo Phật Thích ca thì trong ba cách bố thí đó, chỉ có vô úy thí là quan trọng nhất. Người nào thường sử dụng hạnh vô úy để bố thí cho kẻ khác, thì công đức sẽ vô lượng vô biên. 


Phật Thích ca thường dạy tự giác tự độ, đừng cầu cạnh vô ích nơi chư Phật, nhưng phải hiểu rằng đối diện với các nghịch cảnh của xã hội và thiên nhiên, con người sẽ kinh khiếp, và đưa đến sự bất lực trước các tai họa ấy. Để tăng cường từ đây về sau, phải bình tĩnh tâm trí, cần có một chỗ nương dựa về tâm linh, Phật Thích ca đã đưa ra một đấng có quyền phép mà tăng chúng Phật tử phải cần khẩn, đấng có quyền phép đó là Quán thế âm. Như vậy, Phật Thích ca đã bố thí Vô úy thí cho Phật tử. Phật Thích ca đã không phò hộ, cứu độ được bất cứ ai, mà mỗi người phải tự cứu, thế thì tại sao Bồ tát Quán thế âm lại có quyền năng ấy? Đọc kinh Phổ Môn, chúng ta thấy Bồ tát Quán thế âm có quyền năng như một Thượng đế, vậy thì Quán thế âm còn quyền năng giác ngộ và siêu việt hơn Phật Thích ca sao?


Phật Thích ca thuyết về Phật Adiđà và cảnh cực lạc, Địa Tạng Bồ tát với cõi Am phủ, Quán âm Bồ tát với những quyên năng vô số chẳng qua là những chuyện tưởng tượng dùng để hù dọa loài người đừng độc ác, khuyến khích họ làm lành và đưa ra một đấng quyền năng chuyên lắng nghe chúng sanh kêu cầu để đến cứu độ. Một người đang kinh khiếp trước các hình bóng ma quỉ trong đêm tối giữa chốn đồng hoang, họ sợ quá có thể nhớ đến câu kinh trong phần Phổ môn:

“Hoặc ngộ án La sát, độc long chư quỉ đẳng, niệm bỉ quan âm lực, chúng oán tất thôi tán ” nghĩa là: “Rủi gặp quỉ la sát, rồng dữ cùng nhiều loại quỉ, bèn niệm hiệu quan âm, các thứ ấy đều tan biến. Vì vậy, họ thường niệm ‘Nam mô đại từ đại bi tam thinh cứu khổ, cứu nạn linh cảm ứng Quan thế âm Bồ tát’, tức thì họ hết sợ vì nghĩ rằng đã có Quán thế âm đứng bên và tinh thần họ chánh định thì các hình ma bóng quỉ kia tan mất.
Phật Thích ca đã làm một công việc bố thí vô úy cho Phật tử, chẳng qua Phật Thích ca cũng là một nhà tâm lý học giỏi biết đoán được ý chỉ tâm lý của loài người. Còn các hình tướng Quán thế âm nói trên là sản phẩm của con người, tất cả đều hoang đường, vô nghĩa. Đúng như câu kệ:

“Ưng quán pháp gới tính, 
Nhất thiết do tâm đạo ”

Hay trong kinh: “. . . Nhất thiết chư hữu pháp,… như lộ diệc như diện,… ưng tác như thị quán ”.
Nhất là hàng Phật tử càng phải xét cho kỹ.

Vấn đề ăn chay và cử sát sanh trong Phật giáo


Một người mới đầu Phật được nhà chùa ban cho tờ giấy qui y gồm có các điều gọi là “Tam qui Ngũ giới ”.

Tam qui là: qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.
Ngũ giới là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, và ăn chay.

Nhà Phật dạy rằng chúng sanh bốn loại là thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, đều có sự sống như nhau và có cả tiền kiếp cũng như hậu kiếp. Nhìn một người giàu sang quyền quí, hay cùng đinh lao khổ, nô tì, hoặc sự sống lao khổ của loài vật như bò, trâu ngựa. . . thì biết được tiền kiếp của họ, hay loài đó. Cũng như thấy hành động của người kia lành hay dữ sẽ biết được kiếp sau của họ. Nhà Phật có câu:
Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị 
Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị 
nghĩa là:
Muốn biết kiếp trước người, hãy nhìn kiếp sống nầy 
Muốn biết kiếp mai sau, nhìn xem hành động họ.

Vậy muốn khỏi vào chốn địa ngục phải cử sát sanh ăn chay, niệm Phật. Thiền sư Qui Sơn Linh Hữu có soạn ra một số giới luật để trừng giới cho hàng tu hành. Trong đó quan trọng nhất là phải ăn chay và cử sát sanh. Bởi vì ăn cá thịt thì ham muốn đủ thứ, dục vọng tăng tràn, tội lỗi sẽ chồng chất đầy dẫy. An chay là phương cách để dẫn đường cho sự giải thoát.
Tuy nhiên xét kỹ lại thì Phật Thích ca không buộc ăn chay mà lại cho phép hàng đi tu được ăn tam tinh nhục . Tam tinh nhục là bất văn kỳ thanh (tai không nghe tiếng con vật kêu la khi bị giết), bất kiến kỳ sát (mắt không nhìn thấy con vật bị giết), tự thân bất sát (không phải chính mình giết). Tóm lại, cá thịt ở đâu mang đến thì người tu có quyền ăn. Ngày xưa, Phật Thích ca có lúc ăn chay, có khi cũng ăn cá thịt. Ngày nay chi phái Phật giáo nguyên thủy (Theravada) là ăn cá thịt, họ lý luận rằng tam tinh nhục ngày xưa Phật đã cho phép.

Phật giáo Bắc tông tự xưng là Đại thừa, trên giáo luật ăn chay, nhưng thực tế chẳng mấy ai giữ giới. Phần đông họ hay dùng tam tinh nhục và có khi ăn tự do. Thịt cá chỉ là chất nuôi dưỡng con người, trước khi Tạo hóa sanh dựng con người, thì các loài khác đã sanh trước. Như vậy phải chăng loài người được ăn thịt tất cả các loài khác? Nếu bảo rằng ăn chay mau thành Phật, mau vô Niết bàn thì thật sai lầm. 
1. Muốn mau thành Phật, thích vô Niết Bàn là phạm tội tham lam vọng tâm sẽ không bao giờ đạt được theo ý muốn. 
2. Phật Thích ca từng tu ép xác ăn chay, sau kiệt sức mới thấy được sự sai lầm của việc ăn chay, Người bèn uống sữa bò tươi và ăn các chất khác để bồi bổ, nhờ đó thân thể tráng kiện để giác ngộ. 


Câu phương ngôn: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện ” là chân lý vậy. 
Vào thời Nhà Trần ở nước ta, một dịp bà Khâm Từ Hoàng hậu (vợ vua Trần Nhân Tôn) thết đại yến đãi hoàng tộc. Trong bữa tiệc, bà có dọn sẵn một mâm chay cho Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột của bà, vốn là một Thiền sư. Nhưng Tuệ Trung vào bàn ăn cá thịt. Cả thực khách và Hoàng hậu rất đỗi ngạc nhiên, Thiền sư dường như không để ý đến mọi người. Sau Hoàng hậu mới hỏi:
- Bạch Thiền sư, tại sao Ngài lại ăn thịt cá ?
Thượng Sĩ xuề xòa trả lời:
- Anh chẳng phải Phật, Phật chẳng phải anh; Anh chẳng cầu Phật, Phật chẳng cầu anh. Hoàng hậu không nghe bậc cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đấy ư. 
Như vậy, ăn chay và giải thoát thành Phật nào có liên quan gì ! Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa đã nhận Y Bát của Ngũ Tổ Hoàng Nhân rồi mà còn ăn thịt với đám thợ săn trong lúc tỵ nạn. Thật tình mà nói, ăn chay ép xác làm cho thân thể mỏi mệt, tinh thần bất ổn, khó phân biệt đâu là chân lý. 
Đành rằng trong thịt cá có nhiều chất độc, ta sử dụng không đúng cách, không hợp vệ sinh thì hại thân thể. Nếu vậy ta cũng có thể dùng chung với các thứ rau cải và ngũ cốc khác, thì vẫn hay hơn.

Nhưng có một điều xin hỏi thử, từ xưa đến nay ai là bậc tu hành dám vỗ ngực quả quyết suốt đời vẫn ăn chay diệt dục ?

Vấn đề cử sát sanh

Cử sát sanh nghĩa là đừng giết người hại mạng, chứ không phải cử giết các sanh vật khác. Nếu tất cả loài người trên trái đất đều cử sát sanh, thì các loài thú vật sẽ tràn làn đầy dẫy và trở lại làm hại loài người. Nhà Phật khuyên đừng hại mạng giết người, nhưng gặp phải trường hợp giết cũng phải giết. Giết người để cứu người, vì quyền lợi đất nước giết giặc, thì sự sát sanh ấy sẽ không phải là quả báo. Phật Thích ca dạy Phật tử nên giữ hạnh từ bi, nhưng trường hợp cần dùng sức mạnh để đối phó, dĩ nhiên phải tự vệ, đó là lẽ Đại Hùng, Đại Lực, Đại từ Bi. Vũ khí trong Nhà Phật dùng đến cũng có ba thứ, ấy là: Bảo kiếm, Khí kiếm, và tuệ kiếm. Bảo kiếm dùng để giết người, Khí kiếm dùng để áp đảo tunh thần người, Tuệ kiếm dùng để cảm hóa người. Là Phật tử, cần phải hiểu rõ để khỏi quay cuồng trong tăm tối tội lỗi mê muội. 


Thời Nhà Trần, giặc Nguyên xâm lấn nước ta, thế giặc như vũ bão, ba vua Trần phải bôn tẩu. Lúc bấy giờ có Hoà thượng Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tảng (em ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của Khâm Từ Hoàng hậu), rất giỏi võ nghệ binh pháp, đứng trước cảnh quốc biến gia vong, ông quyết. . . Chùa am bể lửa… tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha. . . 


Tuệ Trung thượng Sĩ phải dùng đến Bảo kiếm, cởi áo nâu sòng, thân mang nhung phục, nắm quyền đại tướng, vác đao lên ngựa, xông ra trận chém giặc như chém chuối. Quân giặc bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, ông vô chùa tiếp tục tu. Hạnh tu của ông nổi tiếng qua đến Trung quốc và được suy tôn là Thượng sĩ (cũng là quả Phật), người Trung quốc suy tặng là Bồ tát Nam phương. 


Trong Đại nam Nhất thống chí, quyển Tỉnh sử Quảng nam, có Hoà thượng Võ Đức Nghiêm tức là sư pháp danh Kim Minh Giác Trung, đời chúa Nguyễn Phúc Thuần cũng có việc làm như Thượng sĩ Trần Quốc Tảng, được vua chúa khen tặng suy tôn. 
Qua hai hình ảnh ấy, các bậc đó cũng ăn thịt cá giết người, chẳng lẽ mang tội sát sinh sao ? Tóm lại, đừng giết người hại mạng một cách vô lý, bất nhân. Nhưng gặp phải kẻ thù tai hại cho tổ quốc là phải giết giặc. Nếu mãi bo bo ôm ấp hạnh ăn chay, cử giết gà giết vịt, heo bò, để thành Phật, hay để khỏi vô địa ngục, là một điều sai lầm rất trầm trọng của Phật giáo hiện nay. 


Ông Thái dịch Lý Đông A, trong tác phẩm Đạo Trường Ngâm, có viết:


Ước được tráng sĩ vài nghìn muôn
Cùng ta dong ruỗi khắp doanh hoàn
Lập lại giang sanh xưa bách Việt
Dựng nên thế giới mới duy dân
Chèo sang một bến bờ cực lạc,
Vớt lấy trăm miền biển trầm luân
Làm tròn giấc mộng tiên sanh ấy
Trở lại hang sâu nhập Niết bàn
(Đạo Trường ngâm)