Phải chăng đã có lúc bạn
mong muốn ai đó bày tỏ cho mình bằng chứng rõ ràng về sự hiện hữu của Đức Chúa
Trời? Vậy thì, đây là một cố gắng trình bày một vài lý lẽ cho thấy rằng có Đức
Chúa Trời. Nhưng
trước
hết phải biết: Về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, Kinh thánh nói rằng có người
mặc dù đã thấy đầy đủ bằng chứng nhưng vẫn đè nén sự thật (Rô-ma 1: 19-21). Mặt
khác, đối với những người muốn biết có Đức Chúa Trời hay không, Chúa phán: “Các
con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:
13). Trước khi bạn xem xét các sự kiện xung quanh sự hiện hữu của Đức
Chúa Trời, hãy tự hỏi: Nếu Đức
Chúa Trời thật sự hiện hữu, tôi có mong muốn nhận biết Ngài hay không? Nếu có thì đây là một vài lý lẽ để bạn
suy xét…
1.Có Đức Chúa Trời hay không? Sự phức tạp của
hành tinh chúng ta cho thấy rằng có một Đấng Thiết Kế đã có chủ tâm không chỉ
sáng tạo mà hiện vẫn đang bảo tồn vũ trụ.
Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ, có lẽ là vô số,
cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã thiết kế vũ trụ. Nhưng ở đây chỉ trình
bày một vài ví dụ:
Trái đất… kích cỡ hoàn hảo của
trái đất. Kính cỡ của trái đất và trọng lực tương ứng giữ vững một lớp khí mỏng
gồm ni-tơ và ô-xy, chỉ khoảng 50 dặm trên bề mặt trái đất. Nếu như trái đất nhỏ
hơn thì sẽ không thể có khí quyển, giống như Thủy tinh. Nếu như Địa cầu lớn hơn
thì khí quyển sẽ chứa Hi-đrô tự do, giống như Mộc tinh (R.E.D.
Clark, Creation (London: Tyndale Press, 1946), p. 20). Địa cầu là hành tinh
duy nhất được biết có khí quyển bao gồm một hổn hợp khí thích hợp cho thực vật,
động vật và loài người sinh sống. Trái đất định vị ở khoảng cách thích hợp với
mặt trời. Hãy xem xét sự dao động lên xuống của nhiệt độ mà chúng ta đối mặt
hàng ngày, khoảng từ -30 đến +120 độ. Nếu khoảng cách giữa trái đất và mặt trời
xa hơn một chút, tất cả chúng ta sẽ bị đông lạnh. Nếu gần hơn một chút, chúng
ta sẽ bị thiêu rụi. Ngay cả một thay đổi nhỏ về vị trí của trái đất đối với mặt
trời cũng làm cho sự sống không thể tồn tại. Trái đất giữ một khoảng cách đúng
khít khao với mặt trời trong khi đang quay quanh mặt trời với vận tốc gần
67.000 dặm một giờ. Trái đất cũng quay quanh trục của nó, cho phép toàn bộ bề
mặt trái đất ấm và lạnh thích đáng mỗi ngày.
Mặt trăng cũng có kích cỡ và khoảng cách với
trái đất hoàn toàn thích hợp cho lực hút của nó. Mặt trăng tạo nên thủy triều
và sự chuyển động để nước biển không tù đọng, và các đại dương mênh mông được
kiềm chế, không tràn ngập các lục địa (The Wonders of God's
Creation, Moody Institute of Science (Chicago , IL )).
Nước …không màu, không mùi
và không vị, nhưng không loài sinh vật nào có thể sống thiếu nước. Thân thể của
thực vật, động vật và loài người gồm có hầu hết là nước ( khoảng hai phần ba
thân thể con người là nước). Bạn sẽ thấy tại sao chỉ có nước có các đặc tính
thích hợp cho sự sống:
Nước có độ sôi và độ đông đặc cao phi thường.
Nó cho phép chúng ta sống trong một môi trường nhiệt độ thay đổi bất thường, dù
vậy giữ cho thân nhiệt của chúng ta vẫn ở một độ không thay đổi là 36,8.
Nước là dung môi của vũ trụ. Tính chất quí báu
này của nước cho phép các hóa chất, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác
nhau có thể được vận chuyển khắp cơ thể chúng ta, vào trong các mạch máu nhỏ li
ti (ntr.).
Nước cũng trung tính về hóa học. Không ảnh
hưởng đến thành phần của các chất mà nó vận chuyển, nước giúp cho cơ thể chúng
ta có thể hấp thụ và tiêu thụ thức ăn, dược liệu và khoáng chất.
Nước có trương độ bề mặt độc đáo. Do đó, nước
trong cây cỏ có thể lưu thông ngược lại lực hấp dẫn, mang nước ban sự
sống và dinh dưỡng đến tận ngọn cây cao chót vót.
Nước đông đặc từ trên bề mặt xuống và nổi bồng
bềnh để cá sống được trong mùa đông.
Chín mươi bảy phần trăm nước của trái đất ở
trong các đại dương. Tuy nhiên, trên trái đất của chúng ta, có một hệ thống
được thiết kế tách rời muối ra khỏi nước và rồi phân phối nước khắp cả tinh
cầu. Nước biển bốc hơi, bỏ lại muối, và hình thành mây được gió mang đi gieo
vãi nước khắp trên đất cung cấp cho nhu cầu đời sống của các loài thực vật,
động vật và người ta. Đó là một hệ thống lọc sạch và cung cấp để duy trì sự
sống trên hành tinh này, một hệ thống tái chế và tái sự dụng nước (ntr.).
Bộ não của con người…cùng lúc xử lý một
lượng thông tin gây kinh ngạc. Bộ não của bạn nhận vào tất cả màu sắc và vật
thể mà bạn nhìn thấy, nhiệt độ xung quanh, áp lực của bàn chân trên sàn nhà, âm
thanh xung quanh, sự khô cháy của miệng, ngay cả bề mặt mịn màng của bàn phím
máy tính của bạn. Bộ não lưu trữ và xử lý tất cả cảm xúc, tư duy và ký ức của
bạn. Cùng lúc bộ não kiểm soát các chức năng của cơ thể: cách thở, nháy mắt,
cơn đói và chuyển động của các cơ trong bàn tay bạn.
Bộ não con người có thể xử lý hơn một triệu
thông tin mỗi giây (ntr.) Nó đo lường tính quan trọng
của tất cả các dữ liệu này, lọc ra các thứ tương đối không quan trọng. Chức
năng sàn lọc này cho phép bạn tập chú để hoạt động có hiệu quả trong thế giới
của bạn. Bộ não hoạt động khác với các cơ quan khác. Nó có sự hiểu biết, khả
năng lý luận, tạo ra cảm giác, mơ tưởng và đặt kế hoạch, hành động và liên hệ
với người khác.
Mắt…có thể phân biệt bảy triệu màu sắc. Cùng lúc
nó có khả năng tự động hội tụ và xử lý lượng thông tin đáng kinh ngạc, 1,5
triệu thông tin (.Hugh Davson, Physiology of the Eye, 5th ed (New York: McGraw Hill, 1991)). Sự tiến hóa tập trung vào những đột biến và thay đổi từ
bên trong cơ thể. Nhưng chỉ sự tiến hóa thôi không giải thích thỏa đáng căn
nguyên của mắt hay não, tức là, không giải thích được sự bắt đầu của các cơ thể
sống từ vật chất không có sự sống.
2. Có Đức Chúa Trời hay không? Vũ trụ đã có sự
khởi đầu, vậy cái gì đã gây ra sự khởi đầu đó?
Các nhà khoa học tin rằng vũ trụ của chúng ta
bắt đầu với một sự bùng nổ lớn, cái mà ngày nay chúng ta gọi là “Vụ Nổ Lớn”
(Big Bang). Đây là sự khởi đầu kỳ quặc khiến cho mọi sự hiện hữu: sự bắt đầu
của vũ trụ, sự bắt đầu của không gian, và ngay cả sự bắt đầu của thời gian.
Nhà vật lý thiên thể học Robert Jastrow, một
người tự mô tả là theo học thuyết bất khả tri, tuyên bố rằng: “Hạt giống của
muôn sự mà đã nảy sinh trong vũ trụ được gieo trồng vào khoảnh khắc đầu tiên
đó: mọi ngôi sao, mọi hành tinh và mọi sinh vật trong vũ trụ đã hiện hữu như là
kết quả của việc các sự kiện được đưa vào chuyển động trong giây phút của vụ
bùng nổ vũ trụ…vũ trụ vụt nảy sinh, và chúng ta không thể nào tìm ra cái gì đã
khiến cho nó nảy sinh.”
Steven Weinberg, người đã được trao giải Nobel
về Vật lý học, nói rằng vào giây phút của vụ nổ này, “vũ trụ nóng khoảng một
trăm ngàn độ C…và đầy ánh sáng.” (Robert Jastrow; "Message
from Professor Robert Jastrow"; LeaderU.com; 2002).
Vũ trụ đã không luôn luôn hiện hữu. Nó có sự
bắt đầu…cái gì đã gây ra sự bắt đầu đó? Các nhà khoa học không có sự giải thích
cho sự bùng nổ đột ngột phát sinh ánh sáng và sự vật.
3. Có Đức Chúa Trời hay không? Vũ trụ hoạt
động bởi những qui luật thiên nhiên không thay đổi. Tại sao như thế?
Cuộc sống dường như không chắc chắn, nhưng hãy
xem xét những điều chúng ta có thể luôn luôn tin cậy: Lực hấp dẫn vẫn y nguyên,
tách cà phê nóng để trên quầy hàng sẽ nguội dần, trái đất vẫn quay 24 giờ và
vận tốc ánh sáng không đổi, trên trái đất cũng như trong các thiên hà ở cách
chúng ta rất xa. Qui luật thiên nhiên không bao giờ thay đổi, chúng ta có thể
biết làm sao mà nó như thế không? Tại sao vũ trụ rất là trật tự, rất đáng tin
cậy?
Dinesh D'Souza, trong quyển
“Điều rất trọng đại về Cơ-đốc giáo” ( What's
So Great about Christianity; [Regnery
Publishing, Inc, 2007, chapter 11]), nói rằng: “Các nhà khoa học vĩ đại hơn hết đã
kinh ngạc về điều lạ lùng này. Có lý lẽ để nói rằng vũ trụ không thiết yếu phải
tuân theo các qui luật, nếu để tự nó, nó có thể không tuân theo các qui tắc
toán học. Điều gây ngạc nhiên là vũ trụ đã không hành xử như vậy. Rất dễ tưởng
tượng ra một vũ trụ trong đó các điều kiện có thể thay đổi bất cứ lúc nào mà
không báo trước, hay thậm chí một vũ trụ trong đó các sự vật thoạt biến thoạt
hiện.”
Richard
Feynman, người đã được trao giải Nobel về điện động học lượng tử, nói
rằng: “Tại sao thiên nhiên tuân theo các qui tắc toán học? Đây là một
điều mầu nhiệm…Sự thật rằng có các qui luật là một thứ phép lạ.” (Richard
Feynman, The Meaning of It All: Thoughts of a
Citizen-Scientist (New
York: BasicBooks, 1998), 43).
4. Có
Đức Chúa Trời hay không? Mã DNA thông tin, lập trình các tập tính của tế bào.
Tất cả
chỉ thị, tất cả sự giáo huấn, tất cả sự đào tạo đều có mục đích. Ai đó viết ra
một sổ hướng dẫn thì làm như thế với một mục đích rõ ràng. Bạn có biết trong
mỗi tế bào của thân thể chúng ta có một mã lệnh rất chi tiết, rất giống một
chương trình máy tính thu nhỏ?. Có lẽ bạn đã biết, một chương trình máy tính
được lập bởi các con số 1 và o, chẳng hạn như: 1100101011000. Chúng được
sắp xếp như thế nào để máy tính có một chương trình vận hành. Mã DNA trong mỗi
tế bào rất giống như vậy. Nó được thành lập bằng 4 hóa chất mà các nhà khoa học
viết tắt bằng các ký tự A, T, G và C. Các ký tự này được sắp xếp đại loại như
thế này: CGTGTGACTCGCTCCTGAT… Có đến ba triệu ký tự như thế trong mỗi tế bào
của cơ thể con người! Bạn thấy đó, DNA ra chỉ lệnh cho tế bào giống như bạn có
thể lập trình cho chiếc điện thoại của mình phát ra tiếng bíp, bíp… vì những lý
do cụ thể nào đó vậy. DNA là một chương trình gồm ba triệu ký tự ra chỉ lệnh
cho tế bào vận động theo cách nào đó. Nó là một sổ chỉ lệnh hoàn hảo (Francis
S. Collins, director of the Human Genome Project, and author of The
Language of God, (Free
Press, New York , NY ), 2006).
Tại
sao quá diệu kỳ như thế? Người ta phải tự hỏi…chương trình chỉ lệnh này được
cài vào mỗi tế bào cơ thể con người bằng cách nào? Đây không chỉ là các hóa
chất. Đây là các hóa chất có chỉ lệnh, được mã hóa cách rất chi li và chính xác
thế nào để thân thể con người có thể phát triển.
Trong
các môn học về thiên nhiên và sinh học, chúng ta hoàn toàn thiếu sự giải thích
do đâu và khi nào thông tin lập trình được đem vào. Bạn không thể tìm thấy chỉ
lệnh, thông tin chính xác như thế nếu không có ai đó có chủ ý tạo ra nó.
5. Có
Đức Chúa Trời hay không? Chúng ta biết rằng có Đức Chúa Trời bởi vì Ngài theo
đuổi chúng ta. Việc Đức Chúa Trời khởi sự và đang tìm kiếm chúng ta khiến cho
chúng ta đến với Ngài.
Tác
giả bài viết này vốn là một người vô thần. Và giống như phần đông những người
vô thần khác, vấn đề người ta tin vào Đức Chúa Trời luôn quấy rầy tôi. Tại sao
chúng tôi, những người vô thần, lại phải tốn nhiều thời gian, sự lưu tâm và
công sức để bài bác điều mà chúng tôi không tin là thực hữu? Nguyên nhân nào mà
chúng tôi làm như vậy? Khi còn là một người vô thần, tôi qui mục đích của mình
cho việc quan tâm đến những người ảo tưởng đáng tội nghiệp… để giúp họ nhận thức
rằng hy vọng của họ là hoàn toàn không căn cứ. Thành thật mà nói, tôi còn có
một động cơ khác. Khi thách thức những người tin vào Đức Chúa Trời, trong thâm
tâm, tôi bâng khuâng tự hỏi liệu họ có thể thuyết phục tôi ngược lại hay không.
Tôi tìm cách trốn tránh không để vấn để về Đức Chúa Trời quấy rầy. Nếu tôi có
thể đưa ra những luận chứng để thuyết phục những người tin rằng họ đã sai thì
vấn đề coi như xong, và tôi có thể tự tung tự tác trong cuộc sống riêng mình.
Tôi không biết rằng lý do đề tài Đức Chúa Trời đè nặng lên tâm trí tôi là bởi
vì Đức Chúa Trời đang thúc ép vấn đề. Dần dần, tôi thấy ra rằng Đức Chúa Trời
muốn được nhận biết. Ngài đã tạo dựng chúng ta với ý định là chúng ta sẽ nhận
biết Ngài. Đức Chúa Trời bao vây chúng ta với vô số các bằng chứng về Ngài và
giữ vấn đề về sự hiện hữu của Ngài luôn luôn ở trước mặt chúng ta. Đường như
tôi không thể trốn tránh khỏi ý nghĩ rằng có thể có Đức Chúa Trời. Thật vậy,
ngày mà tôi quyết định nhìn nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời, tôi đã bắt đầu
lời cầu nguyện của mình rằng: “Vâng, Ngài đã thắng…” Người vô thần bị
việc người ta tin vào Đức Chúa Trời quấy rầy là bởi vì Đức Chúa Trời đang tích
cực theo đuổi họ.
Tôi
không phải là người duy nhất trải nghiệm như vậy. Malcolm Muggeridge, một tác
giả về xã hội học và triết học, đã viết: “Tôi có ý nghĩ rằng không biết tại
sao, ngoài sự mong muốn tìm kiếm, tôi đang bị theo đuổi.” C.S. Lewis cho biết
ông nhớ lại rằng: “đêm này sang đêm khác, mỗi khi rời khỏi sự tập trung vào
công việc của mình, tôi cảm thấy tâm trí không dứt suy nghĩ về Ngài, Đấng mà
tôi thật sự không mong muốn tìm gặp. Tôi chịu thua, thú nhận rằng Đức Chúa Trời
là Đức Chúa Trời, và quì xuống cầu nguyện, có lẽ đêm hôm ấy, người cứng lòng,
miễn cưỡng hơn hết trong những người tại Anh quốc đã ăn năn, tin nhận.”
Sau
đó, việc nhận biết Đức Chúa Trời đưa đến kết quả là Lewis đã viết một quyển
sách tựa đề là “Niềm vui đến bất ngờ” (Surprised by Joy). Tôi không có cách nào khác
ngoài ra phải thẳng thắn thừa nhận rằng có
Đức Chúa Trời. Rồi qua nhiều năm tháng sau đó, tình yêu của Ngài đối với tôi
khiến cho tôi phải ngạc nhiên.
Tại
sao là Chúa Giê-su? Hãy xem qua các tôn giáo lớn trên thế giới, bạn sẽ thấy
rằng Đức Phật, Muhammad và Đức Khổng Phu Tử và Môi-se, tất cả đều tự nhận mình
là giảng sư và nhà tiên tri. Không ai trong họ tuyên bố rằng mình ngang bằng
với Đức Chúa Trời. Ngạc nhiên thay, Chúa Giê-su đã tuyên bố như vậy. Đó là điều
làm cho Chúa Giê-su khác với hết thảy mọi người khác. Ngài bảo rằng Đức Chúa
Trời hiện hữu và bạn đang nhìn thấy Ngài. Mặc dù Ngài nói về Cha Ngài ở trên
Trời, nhưng chẳng phải là ở cách xa, mà rất gần, liên kết, hiệp nhất với toàn
thể nhân loại. Ngài bảo rằng hễ ai thấy Ngài là thấy Cha, ai tin vào Ngài là
tin vào Cha. Ngài bảo: “Chính Ta là ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ
không còn đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8:12). Ngài
tự nhận là có các thuộc tính chỉ Đức Chúa Trời mới có được: Có thể tha thứ tội
lỗi cho người ta, giải phóng họ khỏi những thói quen tội lỗi, ban cho người ta
sự sống dư dật và sự sống đời dời trong nước Trời. Không giống như các giảng sư
khác tập chú người ta vào lời dạy của họ, Chúa Giê-su chỉ người ta đến với
chính Ngài. Ngài không nói: “ Hãy vâng theo lời Ta và các ngươi sẽ tìm được
chân lý.” Ngài phán rằng: “Chính Ta là con đường, chân lý và nguồn sống, chẳng
bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được.” (Giăng 14:6). Chúa Giê-su đã đưa ra
những bằng chứng nào để tự cho mình có những thuộc tính của Đức Chúa Trời? Ngài
đã làm các việc diệu kỳ Ngài chữa lành…người đui, bại, điếc, thậm chí làm cho
hai người chết sống lại. Ngài có quyền lực trên vật chất…tạo ra thức ăn từ
thinh không, đủ cho đám đông vài ngàn người ăn. Ngài thực hiện những điều diệu
kỳ trên thiên nhiên, ra lệnh cho cơn bảo dữ dừng lại để cứu nguy vài người bạn
hữu. Dân chúng ở khắp nơi đi theo Chúa Giê-su, bởi vì Ngài luôn luôn đáp ứng
những nhu cầu của họ, làm những điều diệu kỳ. Ngài bảo nếu các ngươi không muốn
tin lời Ta đang nói với các ngươi, ít nhất hãy tin vào Ta dựa vào các điều diệu
kỳ mà các ngươi đang thấy (Giăng 14:11). Chúa Giê-su Ki-tô bày tỏ rằng Đức Chúa
Trời là nhân từ, yêu thương, mặc dù biết rằng chúng ta tự đặt mình làm trung
tâm và đầy thiếu xót, lỗi lầm, nhưng rất muốn có một mối tương giao với chúng
ta.Chúa Giê-su bày tỏ rằng mặc dù Đức Chúa Trời coi chúng ta là tội nhân đáng
bị hình phạt, nhưng vì yêu thương chúng ta, Ngài đã có một kế hoạch khác hơn.
Đức Chúa Trời tự mình mặc lấy hình thể loài người và chấp nhận sự hình phạt
thay cho tội lỗi của chúng ta. Nghe dường như buồn cười? Tuy nhiên, có lẽ có
nhiều người cha sẵn lòng chịu thay cho con mình căn bịnh ung thư nếu có thể
được. Kinh thánh nói rằng lý do để chúng ta yêu thương Đức Chúa Trười là Ngài
đã yêu thương chúng ta trước.
Chúa
Giê-su chết thay cho chúng ta để chúng ta có thể được tha thứ.. Trong tât cả
các tôn giáo mà người ta biết, chỉ qua Chúa Giê-su bạn mới thấy được việc Đức
Chúa Trời đến với loài người, chuẩn bị đường lối để chúng ta có sự tương giao
với Ngài. Chúa Giê-su chứng tỏ một tấm lòng yêu thương thần thượng, đáp ứng mọi
nhu cầu của chúng ta, kéo chúng ta đến với chính Ngài. Bởi sự chết và sự phục
sinh của Ngài, Chúa Giê-su ban cho chúng ta sự sống mới ngày nay. Chúng ta có
thể được tha thứ, hoàn toàn được Đức Chúa Trời chấp nhận, và thật sự được Đức
Chúa Trời yêu thương. Ngài phán: “”Ta đã yêu con với tình yêu muôn thuở, vì
thế, ta vẫn tiếp tục bền lòng yêu con.” (Giê-rê-mi 31:3). Đây là Đức Chúa Trời
trong hành động.
Có Đức
Chúa Trời hay không? Nếu bạn muốn biết, hãy xem xét Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta
được cho biết rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con
Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh
phúc.” (Giăng 3:16).
Đức
Chúa Trời không ép buộc chúng ta tin Ngài, mặc dù Ngài có thể làm như vậy. Thay
vì thế, Ngài dự bị các bằng chứng đầy đủ về sự hiện hữu của Ngài để chúng ta tự
nguyện đáp lại Ngài:Trái đât có một khoảng cách hoàn hảo với mặt trời, các đặc
tính hóa học độc đáo của nước, bộ não con người, DNA, số người chứng nhận rằng
biết Đức Chúa Trời, sự trăn trở trong lòng và tâm trí chúng ta để đoán định xem
là có Đức Chúa Trời hay không, sự mong muốn được nhận biết của Đức Chúa Trời
được bày tỏ qua Chúa Giê-su Ki-tô.
Nếu
muốn bắt đầu mối tương giao với Đức Chúa Trời ngay bây giờ, bạn có thể.
Đây là
quyết định của bạn, không có sự ép buộc ở đây. Nếu muốn được Đức Chúa Trời tha
thứ và bước vào mối tương giao với Ngài, bạn có thể làm như vậy ngay bây giờ
bằng cách cầu xin Ngài tha thứ cho bạn và bước vào đời sống của bạn. Chúa
Giê-su bảo: “Này Ta đứng bên cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta
sẽ vào với người ấy; Ta sẽ ăn tối với người, và người với Ta.” (Khải Huyền
3:20). Nếu bạn muốn làm như vậy, nhưng không biết chắc phải nói như thế nào, có
thể dâng lên lời cầu nguyện như sau: “Chúa Giê-su, con cám ơn Ngài vì đã chết
vì tội lỗi của con. Ngài biết cuộc sống của con và con cần được tha thứ. Con
cầu xin Ngài tha thứ cho con ngay giờ này và bước vào đời sống của con. Con
muốn thật sự biết Ngài. Hãy bước vào đời sống của con ngay giờ này. Cám ơn Chúa
vì Ngài muốn có sự tương giao với con. Amen!”
Đức
Chúa Trời xem mối tương giao của bạn với Ngài là vĩnh viễn. Nói về tất cả những
người tin vào Ngài, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng: “Ta biết họ và họ theo
Ta; Ta ban cho họ sự sống đời đời, họ sẽ không hư mất bao giờ, không ai có thể
giật họ khỏi tay Ta.”(Giăng 10:27-29).
Vậy có
Đức Chúa Tròi hay không? Nếu suy xét các sự thật vừa nêu ở trên, người ta có
thể kết luận rằng có một Đức Chúa Trời yêu thương và có thể được nhận biết cách
cá nhân, mật thiết Nếu bạn cần thêm thông tin về việc Chúa Giê-su công bố rằng
Ngài là chính Đức Chúa Trời, và về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, nếu bạn có
các câu hỏi qua trọng tương tự xin hãy email cho chúng tôi. Amen!
Đỗ Việt Bình—Cà Mau
http://songchua.blogspot.com/2013/03/phuc-am-sau-bang-chung-hien-nhien-chung.html#more