Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, March 16, 2013

Tết Hay Không Tết


Dầu muốn dầu không, theo chu kỳ của thời gian, Tết nhất lại đến. Đối với người Á Đông, Tết là một dịp tiện người ta trông đợi giống như người Tây Phương chào đón ăn mừng Giáng Sinh. Nhưng khổ nỗi, sống ở nơi xa xôi, đất lạ quê người, ít nhiều gì người Việt ở hãi ngoại cũng có tâm trạng:
 

Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy tết
Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân.  

Suy nghĩ cho kỹ, đầu năm là dịp tiện tốt để người ta ăn mừng chào đón dầu phải giữ những tập tục nghi thức vào dịp đầu năm. Người Tây Phương dùng dịp Giáng Sinh Năm Mới để tặng quà cho nhau, người Á Đông chúng ta dùng dịp tiện đầu năm Âm Lịch để bạn bè bà con thăm viếng lẫn nhau, và người lớn lì xì con cháu hay cấp bậc nhỏ hơn.  

Nói đến chuyện lì xì tôi có chuyện vui vui như thế này: có một năm kia, vào dịp Tết, tôi muốn cho mấy người bạn Mỹ biết phong tục của người Việt nói riêng và người Á-đông nói chung về việc lì xì; tôi bỏ vào cái phong bì lì xì màu đỏ một đồng dollar, hễ ai đến văn phòng tôi thì tôi lì xì cái phong bì màu đỏ có một đồng. Người Mỹ thấy cái phong bì ngồ ngộ họ giữ thật kỷ, có người đem theo đi Las Vegas để lấy hên. Từ đó tôi không dám tặng người Mỹ cái phong bì màu đỏ nữa - quả là mê tín quá! 

Những nghi lễ tập tục rất cần thiết trong cuộc sống và giúp phần nào trật tự đường lối trong dân gian. Chúng mang lại sức mạnh tiêu biểu của chu kỳ bắt đầu và chấm dứt, và cái quyền lực đó rất lớn và thu hút sự chú ý của dân gian. Một nhà tâm lý học nói rằng, "Mỗi đầu chu kỳ, mọi người cảm thấy sự cần thiết để đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm, điểm mạnh và điểm yếu." Hơn nữa năm mới chu kỳ mới cho người ta hy vọng và niềm ao ước mới.  Một thi sĩ đã diễn tả rằng:

Cung kính mừng nhau chén rượu nồng
Chúc mừng năm đến, tiển năm xong
Tân Niên phúc lộc khơi vừa dạ
Xuân mới tài danh khởi thỏa lòng
Vạn chuyện lo toan thay đổi hết
Sự gì bế tắc thảy hanh thông
Như anh, như chị, bằng bè bạn
Ý nguyện trọn đời đẹp ước mong

Nhưng cái rắc rối là người ta thêm thắt những huyền ảo, kiêng kỵ, mê tín, làm cho cái mới trở thành cái gánh nặng về tâm tư, tiền bạc, sức khỏe... Người Việt Nam ta, Tết, và các tục lệ, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao: 

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ,
Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ,
Mùng Ba tết thầy


Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nên ăn thịt chè
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 Người Việt ở Mỹ có cái thú vào dịp Tết hay gần Tết là tụ họp nhau nhậu nhẹt chuyện trò không những để đón Xuân sang nhưng để cùng coi SuperBall. Khi còn ở Việt Nam cái thói quen của gia đình tôi là sáng Mồng Một đi nhà thờ. Ở Mỹ này Chủ Nhật tuần lễ Tết, ở các nhà thờ Tin Lành Việt, sau giờ thờ phượng tôn vinh Chúa, là phần tiệc trà ăn mừng Tết như tất cả mọi nơi. Nhưng cái điểm đặc biệt là nhiều tín hữu trỗ tài văn nghệ của mình, nào hát cống hát chèo, nào ca nhạc cải lương... nhiều khi tôi ngẫm nghĩ chắc mấy người này coi văn nghệ trên TV nhiều lắm cho nên mới rành sáu câu. Cung chúc tân niên. 

Vạn sự bình yên. 
Hạnh phúc vô biên. 
Vui vẻ triền miên. 
Kiếm được nhiều tiền. 
Sung sướng như tiên.


Cái lạ của con người ta là cầu chúc cái chuyện mà mình không có, và mong mỏi cái chuyện mà khi mình có mình lại mong mỏi cái chuyện khác, cứ nghĩ rằng cái mong mỏi mới sẽ làm mình hạnh phúc. Leo Tolstoy có nói rằng: "A SATISFIED MIND WOULD NEVER SEEK OR WISH FOR ANYTHING FURTHER." (Một tấm lòng thỏa nguyện không bao giờ tìm hay mong mỏi bất cứ điều gì hơn nữa.) Trần Tế Xương đã mĩa mai rằng,

Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh 
Năm mới khác gì năm cũ, vạn người bán muối với mua vôi   

Nhưng Nguyễn Công Trứ mới nhận thức được ý nghĩa của mùa Xuân, năm mới, Tết đến,

Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết,
Một năm muời hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.


Năm mới Tết đến, cái chủ đích là đổi mới. Dầu ở dân tộc nào, địa lý nào, cũng có sự đổi mới.  Chúa đã cho con người cái ý thức về sự thay đổi của thời tiết, thay đổi của mùa màng, cỏ cây. Còn hơn thế nữa, Ngài còn làm cho con người ta đổi mới ở trong Ngài:"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới." (2 Corintô 5:17)
 Anh Châu_TNPA