Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, July 5, 2012

Một ngàn năm bình an: Khi nào?



Câu hỏi:
Theo tôi biết thì sau khi Chúa trở lại sẽ đến một ngàn năm bình an. Khi đó chúng ta sẽ làm gì? Xin cho tôi biết về quê hương tương lai.

Trả lời:
Cảm ơn bạn đã nêu cho chúng tôi một thắc mắc liên quan đến một trong những vấn đề lớn trong thần học Cơ Đốc. Sau đây chúng tôi xin được trình bày như sau.


Theo chúng tôi được biết quan điểm thần học của hội thánh Tin Lành Việt Nam đa số cho rằng Chúa Giêxu sẽ tái lâm cách ẩn nhiên trước, khi ấy những con cái Chúa sống thật sự tin kính sẽ được cất lên. Sau đó sẽ có bảy năm đại nạn trên đất là cơ hội cho người ta ăn năn và cũng là lúc để người ta sa ngã. Sau đó Chúa sẽ tái lâm cách hiển nhiên và lập nên một ngàn năm bình an trên đất này khi chính Chúa và các thánh đồ sẽ cai trị. Chúng tôi xin bạn miễn thứ cho nếu phần trình bày ở trên là chưa chính xác với điều bạn được học hỏi tại hội thánh địa phương ở Việt Nam vì chúng tôi không được rõ chính xác quan điểm của hội thánh bạn thờ phượng ra sao.

Tuy nhiên, thật ra đó quan điểm trên không phải là quan điểm duy nhất trong giới Cơ Đốc về sự tái lâm. Tất nhiên, các giáo phái Tin Lành đều dùng các phân đoạn Kinh Thánh nói về sự tái lâm và liên kết lại để hình thành giáo lý về Chúa tái lâm của mình. Dầu vậy, trên thực tế, những giáo hội khác nhau đưa ra những quan điểm khác nhau trong cách hiểu đoạn Kinh Thánh Khải Huyền 20:1-8 là đoạn Kinh Thánh nói về một ngàn năm bình an này. Chúng tôi xin miễn tranh luận xem ai đúng ai sai hay bài bác những quan niệm khác mà chỉ muốn trình bày điều chúng tôi hiểu dựa trên nền tảng Kinh Thánh mà chúng tôi được biết.

Chúng tôi tin rằng một ngàn năm bình an theo Khải Huyền 20:1-8 không phải là một ngàn năm bình an khi Đấng Christ cai trị trên đất này theo nghĩa đen như một vua hay nguyên thủ quốc gia đời này. Chúng tôi dựa vào cơ sở nào để nói điều đó? Chúng ta xem trong câu 4 và câu 5 cho thấy những "linh hồn" của những người tin kính Chúa, những người thờ phượng hầu việc Chúa đã qua đời nay được sống và trị vì với Chúa. Còn những người chết khác chẳng được sống cho đến khi đủ một ngàn năm. Chúng ta thấy rằng đây là sự sống của "linh hồn" những người chết trong Chúa, tại đây không nói gì đến thân thể họ trong khi chúng ta biết khi Chúa trở lại thì thân thể chúng ta sẽ được biến hóa: 1Côrinhtô 15:35-57 là đoạn Kinh Thánh mà trong đó Chúa mặc khải cho chúng ta về sự sống lại của chúng ta, rằng thân thể bằng bụi đất chúng ta sẽ được biến hóa thành thân thể thiêng liêng. Câu 52 và 53 chép: "Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết." 1Têsalônica 4:16 nhắc lại ý này, "Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết." Như vậy, chúng ta biết chắc rằng sự sống lại và biến hóa thân thể của những người tin Chúa sẽ xảy ra khi Chúa Giêxu trở lại lúc tiếng kèn chót được thổi lên. Trở lại với Khải Huyền đoạn 20, chúng ta thấy tại đây không nói đến thân thể của những thánh đồ mà chỉ nói đến linh hồn của những tín đồ đã qua đời. Theo đó, chúng ta tin rằng việc xảy ra trong phần Kinh Thánh Khải Huyền đoạn 20 này về một ngàn năm bình an xảy ra khi sự tái lâm và sự sống lại biến hóa thân thể của các thánh đồ chưa xảy ra. Khi đó những người qua đời mà không tin Chúa vẫn chưa được sống lại (Khải Huyền 20:5). Sự sống lại của toàn thể nhân loại để được xử đoán trước mặt Chúa chỉ xảy ra sau một ngàn năm bình an, sau khi Satan được thả ra ít lâu và bị quăng xuống hồ lửa (Khải Huyền 20:11-15). Đoạn Kinh Thánh trong Khải Huyền 20 cũng không nói đến sự "cai trị" trên đất này mà chỉ nói Đấng Christ và linh hồn các thánh đồ đã qua đời được cai trị. Với tất cả những lý do trên, chúng tôi cho rằng một ngàn năm bình an đó không xảy ra theo nghĩa đen trên đất này mà là một giai đoạn mà trong đó Đấng Christ và những thánh đồ cai trị trên trời. Chúng ta biết rằng ai tin Chúa khi qua đời thì lập tức linh hồn người đó được tiếp về ở với Chúa ngay tức khắc ở trên trời dù thân thể họ vẫn còn trên đất này và còn chờ đợi sự biến hóa trong ngày cuối cùng. Câu chuyện Chúa Giêxu nói với tên cướp bị đóng đinh cạnh Ngài "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi." (Luca 23:43) cho thấy rằng một người chết trong Chúa được về với Chúa ngay tức thì. Như vậy, chúng ta biết linh hồn người tin Chúa khi qua đời được về với Chúa ngay còn linh hồn người không tin đi đến một nơi để chờ đợi sự phán xét cuối cùng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng sự cai trị một ngàn năm này là sự cai trị trên trời của Đấng Christ với các thánh đồ đã qua đời chớ không phải là trên đất này theo nghĩa đen.

Cũng theo Khải Huyền 20:1-8 cho chúng ta thấy giai đoạn một ngàn năm bình an này theo sau sự kiện Satan bị xiềng và quăng xuống vực. Satan bị giam cầm trong hạn một ngàn năm bình an này. Kinh Thánh cho chúng ta biết những chi tiết về việc Satan bị xiềng như sau "Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn." (Giuđe 1:6), "Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét" (2 Phierơ 2:4 ). Những câu Kinh Thánh trên cho chúng ta biết ngày nay các thiên sứ phạm tội, là ma quỷ, đang ở nơi vực sâu chờ ngày phán xét. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã quăng ma quỷ xuống vực sâu khi nào? Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết sự chết của Chúa Giêxu trên thập tự giá đã phá tan quyền lực của ma quỷ "Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ" (Côlôse 2:15), "... Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ" (Hêbơrơ 2:14). Theo những câu Kinh Thánh trên, chúng tôi cho rằng sự kiện ma quỷ bị quăng xuống vực sâu đã xảy ra tại thời điểm Chúa Giêxu lên thập tự giá và đắc thắng sự chết. 

Với tất cả những phần suy luận trên theo Kinh Thánh, chúng ta đi đến kết luận rằng giai đoạn một ngàn năm bình an là cả giai đoạn Tân Ước nói chung. Thường trong Kinh Thánh hay dùng con số mười, một trăm, một ngàn để chỉ về tính chất đầy đủ, trọn vẹn. Thí dụ như người chăn có một trăm con chiên mà một con đi lạc, người đàn bà có mười đồng bạc bị mất một đồng. Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra cả vũ trụ nầy cho nên Ngài ở bên ngoài thời gian như trong 2Phierơ 3:8 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày." Con số một ngàn năm tại đây mang ý nghĩa hình bóng về một khoảng thời gian (trọn vẹn, đầy đủ theo ý định, chương trình của Đức Chúa Trời) chớ không phải là một ngàn năm như trên đất chúng ta. Một ngàn năm bình an đó là sự cai trị của Đấng Christ trên trời cùng những thánh đồ Ngài đã qua đời. Nó bắt đầu từ khi Chúa Giêxu hủy phá quyền lực của ma quỷ bằng sự chết đắc thắng của Ngài trên thập tự giá và tiếp diễn đến khi Chúa Giêxu trở lại. Đối với cá nhân, khi một người tin Chúa và qua đời trong thời kỳ Tân ước thì thời gian người đó về ở với Chúa để cai trị cho đến ngày Chúa Giêxu trở lại là một ngàn năm. Xin nhắc lại con số một ngàn nầy là biểu tượng chỉ về tính cách trọn vẹn, đầy đủ.

Khi giai đoạn một ngàn năm bình an này kết thúc, Chúa Giêxu sẽ trở lại cách hiển nhiên. Mọi mắt sẽ thấy Ngài. Lúc ấy, tất cả những người đã chết đều sẽ sống lại với thân thể mình để ứng hầu trước mặt Chúa. Con cái Chúa sẽ nhận lãnh thân thể biến hóa để về ở với Chúa nơi thiên đàng. Người không tin sẽ chịu sự đoán phạt đời đời nơi hỏa ngục.

Chúng ta không thể biết hết tận tường về quê hương tương lai mà chỉ được nhìn thấy phần nào qua những gì Chúa cho phép chúng ta được biết qua Kinh Thánh. Chúng ta còn chờ đợi khi gặp Chúa mới nhìn biết được trọn vẹn vinh hiển và phước hạnh của quê hương tương lai. Tuy nhiên, chúng ta lấy đức tin mà trông chờ điều đó, tin rằng điều gì Đức Chúa Trời bảo là tốt đẹp chắn chắc là trọn vẹn vượt hơn sự suy tưởng của chúng ta.