Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 29, 2012

Lòng Hiếu Thảo Đối Với Cha Mẹ Đã Cao Tuổi--10



Kính thưa quý thính giả, trong câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trình bày về một khía cạnh đặc biệt trong mối quan hệ giữa những người con đã trưởng thành với các bậc sinh thành đã cao tuổi. Chúng tôi muốn nói về mối quan hệ giữa những người con gái đã ra đời tự lập, đã có gia đình riêng với người mẹ đã cao tuổi.
Gần đây chúng tôi có đọc một quyển sách tựa đề: Making Friends With Your Mothers, tạm dịch là, Hãy làm bạn với mẹ của chị vì quyển sách này viết cho những người con gái trong gia đình. Khi đọc tựa đề quyển sách, chúng tôi thấy hơi lạ, sao con mà phải làm bạn với mẹ, chẳng lẽ mẹ con lại là kẻ thù của nhau sao? Nhưng khi đọc những gì tác giả viết, chúng tôi thấy có nhiều điều hay nên muốn chia xẻ lại với quý vị, đặc biệt là quý vị thuộc nữ giới.




Một người con gái trong gia đình nọ nói như vầy: "Dù tôi không tưởng tượng được, cũng không tin được là tôi đã bước vào tuổi trung niên, nhưng đó là sự thật, tôi đã gần năm mươi tuổi! Tuy nhiên mỗi khi gặp mẹ tôi là tôi có cảm tưởng như mình vẫn là đứa con nít. Đối với mẹ, lúc nào tôi cũng chỉ là đứa bé con, không làm gì nên chuyện; dại khờ, việc gì cũng phải có mẹ chỉ bảo. Mặc dù tôi đã lớn tuổi, lập gia đình đã lâu, các con tôi cũng đã có gia đình, đã ra đời tự lập, nhưng mỗi khi tôi đến thăm mẹ tôi, bà cụ luôn luôn có những lời sửa sai, phê bình, lắm khi rất nặng nề. Mẹ con ít khi nào trò chuyện với nhau như hai người lớn. Khi thì bà cụ phê bình cái áo tôi mặc, bảo sao không chọn màu sáng hơn, kiểu đẹp hơn. Khi thì chê mái tóc của tôi, nói sao không cắt ngắn hơn hay để dài hơn. Nếu tôi cố gắng tìm vài câu chuyện để trao đổi với mẹ thì ý của bà lúc nào cũng hay hơn, điều bà biết chính xác hơn hoặc thích thú hơn." Dù thương mẹ nhưng mỗi khi gặp mẹ hay nói chuyện với mẹ, người con gái này thấy mệt mỏi và buồn bực hơn là vui thích.


Đây là điều nhiều người kinh nghiệm chứ không phải chỉ một người như trường hợp chúng tôi vừa nêu. Có những bà mẹ thương con quá nên lúc nào cũng xem con là dại khờ, phải khuyên điều này, mắng điều kia. Khi con đã khôn lớn, đã tự lập, không xem con là người lớn nhưng cứ tiếp tục đối xử với con như đứa con nhỏ của mình ngày trước, và vì thế vô tình đẩy con ra khỏi mối quan hệ thiêng liêng của tình mẫu tử. Riêng quý vị, khi nghĩ đến người mẹ đã sinh thành ra mình, quý vị có cảm nghĩ như thế nào? Khi có người nói: Cô này hay chị này giống mẹ y như đúc, quý vị thấy thế nào, hãnh diện sung sướng hay buồn bực vì lời phê bình đó? Tất cả chúng ta, những người con gái trong gia đình đều có nhiều kỷ niệm với người mẹ mà chúng ta kính yêu. Có người có những kỷ niệm thật đẹp, mỗi lần nghĩ đến cảm thấy sung sướng, nhưng cũng có người có những kỷ niệm đau đớn không bao giờ quên được. Quý vị biết tại sao như thế không?

Lý do đầu tiên là, dù là mẹ con nhưng hai người là hai cá thể khác nhau, với những cá tính khác nhau, tuổi tác khác nhau, cách suy nghĩ, suy tư khác nhau; cả đến cách sống và cách làm việc cũng khác nhau. Ngoài ra mẹ con thuộc hai thế hệ khác nhau nên được trưởng dưỡng trong những môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Vì tuổi khác nhau, mẹ và con gái tuy cùng phái tính nhưng có những ưu tư và những mơ ước khác nhau. Mối quan tâm cũng như sở thích cũng ít khi giống nhau. Tất cả những khác biệt đó đưa đến chỗ mẹ con không hiểu nhau và khó thông cảm với nhau.

Ngoài ra trong vai trò làm mẹ, người mẹ yêu dấu nhưng yếu đuối và bất toàn của chúng ta thường bị đóng khung trong những mẫu mực chung của xã hội. Mẫu mực đó trông mong và đòi hỏi nơi mẹ chúng ta rất nhiều. Chẳng hạn như ai cũng nghĩ làm mẹ là phải biết quên mình, hy sinh cho con, phải yêu thương con vô điều kiện, vô giới hạn; lúc nào cũng phải dịu dàng, nhân từ, nhỏ nhẹ, nhưng phải khôn ngoan, biết tùy cơ ứng biết, biết thông cảm với con, hiểu con và an ủi, nâng đỡ con, hướng dẫn con trong mọi việc. Trong thực tế trên đời này chúng ta không tìm đâu ra một người hoàn toàn như thế. Tuy nhiên, lắm khi vì những lời ca tụng trong sách vở, âm nhạc khiến chúng ta cũng ngấm ngầm mơ ước có một người mẹ toàn hảo và lý tưởng như thế. Và khi thấy mẹ có những lúc nóng nảy, giận dữ, thiếu kiên nhẫn, mềm mại hoặc không thông cảm con cái, chúng ta đâm ra thất vọng và nghĩ là mình kém may mắn nên mới có một người mẹ không đúng với mẫu mực của một người mẹ như thế.

Thật ra, chúng ta không nên so sánh người mẹ của chúng ta với hình ảnh người mẹ lý tưởng mà người ta thường mô tả. Tương tự như thế, chúng ta cũng không nên so sánh thuở ấu thơ của chúng ta với thuở thơ ấu của những nhân vật trong tiểu thuyết. Vì không bao giờ có một người mẹ nào là toàn hảo, cũng không có thuở thơ ấu nào tuyệt vời như người ta thường mô tả trong sách vở. Không hiểu tại sao nhưng người ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho bà mẹ khi con cái không nên người hay không đạt được thành công như mơ ước. Những câu như Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà nói lên khuynh hướng đó. Thành thật mà nói, cũng có những bà mẹ để lại một ảnh hưởng không tốt trên đời sống con cái, nhưng dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, khi chúng ta đã trưởng thành, chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.

Nhiều người thường nói tại mẹ tôi, tại bố tôi mà ngày nay tôi như thế này. Đành rằng cũng có những ông cha bà mẹ không làm tròn trách nhiệm làm cha mẹ khiến con cái chịu nhiều thiệt thòi, nhưng trong hầu hết những trường hợp khác, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ. Ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ, thường cha mẹ nào cũng thương con, muốn điều tốt cho con và cố gắng hết sức để nuôi nấng, dạy dỗ con nên người nhưng lắm khi vì không được trang bị, không được học hỏi, vì thiếu kinh nghiệm, vì hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn, nên các cụ không làm được điều muốn làm hoặc có những vấp váp, lỗi lầm.

Vì những lý do đó chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ, nhất là cho mẹ. Trái lại, chúng ta cần suy xét xem điều gì mình cần sửa đổi, để đời sống được tốt đẹp hơn, để mối quan hệ giữa ta với mẹ ngọt ngào hơn. Người xưa đã nói: Nhân vô thập toàn, Thánh Kinh cũng dạy: Chẳng có một người công bình nào cả, dẫu một người cũng không. Là con người, chúng ta ai cũng có khuyết điểm. Mẹ của chúng ta dù yêu thương con bao nhiêu và dù cố gắng bao nhiêu cũng không tránh được những lúc yếu đuối, lỗi lầm. Những người mẹ càng thương con cách ích kỷ, mù quáng, càng làm nhiều điều khiến con buồn đau, bất mãn. Tất cả đều vì tình thương hoặc nghĩ là mình thương. Là con chúng ta dễ nhìn thấy những điểm mạnh và điểm yếu của mẹ. Chúng ta có thể làm cho những điều ta thấy nơi mẹ trở nên hữu ích cho chính mình bằng cách tránh những khuyết điểm của mẹ, và học đòi những ưu điểm. Bắt chước điều hay, điều tốt và rút kinh nghiệm từ những điều không tốt.

Mẹ chúng ta là con người bất toàn nên không thể nào tránh được những vấp váp khi nuôi dạy chúng ta trong những ngày thơ ấu. Vì thế có thể đã để lại một vài kỷ niệm buồn trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể thay đổi hiện tại và nhất là có nhiều điều chúng ta có thể làm để tương lai được tốt đẹp hơn. Nói một cách khác, chúng ta không thể sửa đổi những điều đau buồn đã xảy ra trong quá khứ nhưng chúng ta có thể làm nhiều điều để cải thiện mối quan hệ giữa ta với mẹ trong hiện tại và có thể làm những điều ta thấy cần làm để quan hệ giữa chúng ta với con gái chúng ta được tốt đẹp hơn.

Nếu quý vị có những kỷ niệm đẹp với mẹ và may mắn có mẹ còn sống, hãy thường xuyên nhắc lại những kỷ niệm đó cho mẹ nghe và cảm ơn mẹ đã cho ta những ngày thơ ấu tươi đẹp. Không điều gì làm các cụ vui hơn là nghe con nhắc lại những điều tốt đẹp mình đã làm cho con và con vẫn ghi nhớ. Nếu chúng ta không may có những kỷ niệm đau buồn với mẹ, hãy nghĩ đến mẹ với lòng thương yêu tha thứ và nếu có thể được tìm dịp thành thật nói cho mẹ biết rằng thỉnh thoảng ta còn nhớ những điều đó nhưng chỉ thoáng qua và chúng ta không buồn gì mẹ nữa. Những lời nói đầy ân hậu và thương yêu đó sẽ xóa bỏ ngăn cách giữa mẹ con và giúp mẹ con dễ dàng xích lại gần nhau, mang lại an ủi cho nhau.

Để kết thúc, chúng tôi xin gởi đến quý vị lời Thánh Kinh dạy về bổn phận làm con như sau. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước khuyên: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con" (1:8) và: "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu" (23:22) (còn tiếp).
Minh Nguyên