Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, November 3, 2012


 
Để tiếp nối đề tài trước đây về quan hệ giữa mẹ và con gái, hôm nay chúng tôi xin nói về quan hệ giữa cha và con gái. Tất cả phụ nữ trên đời, dù giàu hay nghèo, học thức hay không, và dù sống ở đâu, trong thời đại nào, cũng có một điểm chung, đó là có một người cha và có một mối quan hệ đặc biệt với cha của mình.


Khi nhắc đến cha, quý vị, đặc biệt là quý bà quý cô, có cảm nghĩ như thế nào? Có lẽ có người thấy ông cha là một nhân vật xa cách trong cuộc đời, mình sợ nhiều hơn là yêu thương. Có người khi nghĩ đến cha thì trong lòng có cảm xúc buồn giận, cay đắng, vì người cha đó đã gây đau khổ cho mẹ mình. Cũng có người không có một cảm nghĩ nào về cha vì người cha đó đã qua đời hay đã lìa khỏi gia đình từ lâu, giữa cha con không có một quan hệ gần gũi nào. Có người vì những kỷ niệm đau buồn trong thời thơ ấu nên khi lớn không muốn nhắc đến cha. Cũng có những người con gái nghĩ đến cha với một tình cảm tốt đẹp, tràn đầy lòng thương yêu và biết ơn. Chúng tôi không biết quý vị ở vào hoàn cảnh nào, mang tâm trạng như thế nào, nhưng ước mong những gì chúng tôi chia xẻ trong đề tài này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về người cha của mình, và nhờ đó, mối quan hệ giữa chúng ta với bậc sinh thành được tốt đẹp hơn.

Một người con gái nọ nói lên cảm nghĩ về cha như sau:

Cha tôi là người nóng tính. Mỗi lần ông nổi giận tôi sợ vô cùng, và ông nổi giận thường xuyên, vì thế lúc nào tôi cũng sợ ông. Bây giờ mỗi khi nhắc đến cha, tính giận dữ của ông là điều mà tôi và anh chị em trong gia đình ghi nhớ rõ ràng nhất. Nhưng một ngày nọ tôi rất ngạc nhiên khi xem lại những bức hình cũ của gia đình. Có một tấm hình cha tôi cõng tôi trên vai, ông cười thật tươi, tôi cũng cười, hai tay tôi nắm lấy hai cái tai của cha, không ngờ tôi dám làm như thế! Trong một bức hình khác tôi vừa sợ hãi nhìn một con chó to đứng gần, vừa níu lấy cha cầu cứu còn ông thì ôm tôi vào lòng che chở một cách thật trìu mến. Lại có một bức hình khác nữa, cha tôi tập tôi đi xe đạp, ông cúi người xuống vịn chiếc xe và chạy theo đằng sau trong khi tôi ngước mặt lên hãnh diện và sung sướng. Nhìn những bức hình này tôi bỗng thấy một hình ảnh khác của cha tôi. Đó là ông không chỉ là người cha nghiêm khắc nóng tính như tôi vẫn in trong trí nhưng cũng là một người cha vui vẻ, yêu thương, chăm lo cho tôi, đây là hình ảnh mà tôi đã quên hoặc không bao giờ nghĩ đến.

Trong quyển sách tựa đề: Making Friends With Your Father, Làm Bạn Với Cha, tác giả Kay Marshall Strom cho biết, khi nói đến ảnh hưởng của người cha trong cuộc đời con cái, người ta thấy ông cha vừa là người quan trọng nhất, vừa là người kém quan trọng nhất trong cuộc đời của con. Lý do là vì, trong vai trò đi làm nuôi sống gia đình thì người cha là quan trọng nhất, không thể thiếu được, nhưng trong vai trò yêu thương chăm sóc con cái, thì hầu hết các ông cha đứng vào hàng thứ yếu, mẹ mới là người quan trọng nhất. Hình ảnh chung mà chúng ta có về cha mẹ của mình là: cha thì nghiêm nghị, cứng rắn, xa cách; mẹ thì dễ dãi, gần gũi, yêu thương thông cảm với con. Đức Chúa Trời đã tạo nên người cha người mẹ với những đặc tính chung như thế để việc nuôi dạy con cái được quân bình, và để con cái không bị hư hỏng vì cha mẹ quá dễ dãi hay quá cứng rắn.

Dù mối quan hệ giữa người con gái với cha như thế nào, quan hệ đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính và đời sống của người con đó. Tương tự như mẹ và con, cha với con cũng sống chung với nhau một khoảng thời gian dài trong cuộc đời, vì thế hai bên có một vị trí quan trọng trong cuộc đời của nhau. Ngay cả khi một người đã chết, ảnh hưởng đó vẫn còn mạnh mẽ trên người kia. Quan hệ với cha dù tốt đẹp hay không cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của người con gái vào đời sống và cách người đó chọn người bạn đời.

Người ta nói rằng, nếu muốn hiểu một người con gái, hãy để ý mối quan hệ của người đó đối với cha. Những điều xảy ra trong gia đình, trong thời thơ ấu và trong mối quan hệ với cha là chiếc chìa khóa để ta hiểu được ưu điểm, khuyết điểm cũng như những ưu tư , lo lắng và ước mơ của người con gái. Ông cha trong gia đình là hình ảnh đầu tiên về người khác phái mà người con gái nhìn thấy. Và dù người cha có để ý hay không, cha là người dạy cho con gái cách ứng xử với người khác phái. Nếu người con gái có mối quan hệ tốt với cha sẽ nghĩ tốt về đàn ông, và muốn có một người chồng có những ưu điểm như cha. Nếu cha để lại trong con gái một hình ảnh không mấy tốt về đàn ông, người con gái đó cần cẩn thận trong mối quan hệ với người khác phái, vì có thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến hoặc có cái nhìn sai lầm về phái nam nói chung.
Mối quan hệ giữa ông cha và con gái thường thuộc vào một trong những khuôn mẫu sau:

Được cha cưng chiều

Những người là con gái một hay con gái út trong gia đình thường được cha thương yêu, chiều chuộng. Ông cha cưng con thấy con làm gì cũng tốt, cũng hay nên ít khi sửa dạy; con muốn gì cũng được, sẵn sàng làm tất cả để cho con vui. Những người con gái đó lớn lên nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, khi có gia đình thường trông mong quá nhiều nơi chồng và vì thế dễ thất vọng khi thấy chồng không chiều mình như cha ngày trước. Những người con gái được cha cưng chiều khi có gia đình cũng khó tách rời khỏi sự ràng buộc của cha, vì thế gia đình cũng dễ có nan đề.

Không được cha thương yêu và chấp nhận

Ngược lại, vì một lý do sâu xa nào đó, có những người con gái dù cố gắng bao nhiêu cũng không được cha yêu thương và chấp nhận, không bao giờ được cha khen, cho quà hay đưa đi chơi. Có một cô con gái kia cố gắng học đứng đầu lớp, về nhà hết sức vâng lời cha mẹ, giúp đỡ việc nhà nhưng không bao giờ được cha khen hay chú ý đến. Khi cô có chuyện lo buồn, cha không biết đến, khi có chuyện muốn nói cũng không dám vì cha cứ gạt đi chứ không muốn nghe. Vì những điều đó người con gái lớn lên mang nhiều mặc cảm, nghĩ mình không có giá trị gì so với những người khác trong gia đình.

Không hợp tính cha, chống nghịch với cha

Cũng có những người con gái không hợp tính với cha. Khi cha bảo điều này, khuyên điều kia thì khó chịu, muốn chống lại hay làm ngược đi. Những ý kiến của cha con gái không chấp nhận mà việc làm của con gái cha cũng không bằng lòng. Cha con luôn có những ý kiến trái ngược nhau, khi nói chuyện thường bất đồng ý kiến hơn là hiểu và thông cảm nhau. Những người con gái như thế không thích giống cha nhưng lại thường có tính giống cha mà không biết. Vì hai bên đều thấy mình đúng người kia sai nên cha con khó xích lại gần nhau để thông cảm nhau.

Lúc nào cũng muốn làm vui lòng cha

Có những gia đình con cái không được phép làm hay nói điều gì trái ý cha mẹ. Những người con gái trong gia đình này nghĩ rằng mình có bổn phận phải làm cho cha vui lòng luôn luôn, như thế mới được cha thương. Vì suy nghĩ như thế nên cha bảo gì, dù không muốn hay không đồng ý, cũng cố gắng vâng theo. Kể cả những quyết định quan trọng như chọn ngành nghề hay chọn người bạn đời cũng đều theo ý của cha. Mối quan hệ này bề ngoài trông có vẻ tốt đẹp nhưng sau này có thể để lại cay đắng trong lòng người con, vì thấy mình lúc nào cũng phải chiều ý cha chứ không được nói hay làm những gì mình mong muốn.
Sợ cha

Có những người con gái rất sợ cha, không những sợ khi còn nhỏ mà khi đã lớn, đã ra khỏi nhàvẫn còn sợ. Đây là trường hợp những người có ông cha nóng nảy hung dữ, say sưa, hay đánh đập la mắng con vô cớ, hoặc những ông cha áp dụng những kỷ luật quá nghiêm khắc, không thông cảm với những vụng về của con, thương con nhưng không biểu lộ ra nên con không cảm nhận được. Những người con gái sống trong khung cảnh này thường sợ và lánh xa cha để được an toàn, và khi lớn lên có thể có ác cảm với người khác phái.

Được cha chăm sóc, hướng dẫn trong tình thương và kỷ luật

Đây là mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa cha và con gái. Người con gái khi còn nhỏ được cha chú ý, chăm sóc dạy bảo, không chiều chuộng quá đáng cũng không độc tài độc đoán với con. Khích lệ khi con làm điều tốt, tha thứ khi con lầm lỗi và chấp nhận khuyết điểm của con, sẵn sàng xin lỗi con khi lầm lỗi. Khi con đã lớn, cư xử như người lớn, tôn trọng ý kiến và quyết định của con. Tất cả những điều đó giúp con nhìn thấy giá trị của chính mình, tự tin khi bước ra khỏi sự bảo bọc của cha mẹ.

Được cha thương nhưng mẹ ganh tị

Đây là điều ít xảy ra nhưng không phải là không có. Có những ông chồng thương con gái nhiều hơn thương vợ, khiến người vợ, tức là người mẹ trong gia đình, lo lắng và ganh với con, sợ chồng dành hết tình thương cho con và không thương mình nữa. Có những bà mẹ thấy chồng và con gái trò chuyện tâm tình với nhau nhiều hơn là với mình thì không vui và tìm cách chia rẽ tình cha con. Đây có thể một phần là do sự thiếu tế nhị của người cha trong gia đình, cũng có thể vì người mẹ không biết lắng nghe chồng, không tôn trọng chồng nên người chồng tìm sự bù đắp đó nơi con gái. Dù sao đây là một quan hệ thiếu quân bình, cần được sửa đổi (còn tiếp).
Minh Nguyên