Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 1, 2012


Một người con gái nọ viết cho mẹ những lời như sau:

Mẹ yêu dấu, con nghĩ là Tết năm nay được về thăm mẹ nhưng vì công việc không về được nên con viết thư này, hy vọng mẹ sẽ nhận được sớm để đỡ trông tin con. Mẹ ơi, có nhiều điều trước kia, khi còn trẻ con không hiểu được nhưng bây giờ con đã hiểu. Trước kia con không hề nghĩ đến, cũng không tưởng tượng được gánh nặng mẹ mang trên đường đời vì lo cho chồng cho con, cho đến khi chính con đi qua con đường đó. Con không nhận thức được nỗi đau đớn mẹ phải chịu vì con cái sâu đậm là chừng nào cho đến khi con trải qua niềm đau tương tự do các con của con gây ra. Mẹ thúc đẩy, nhắc nhở con làm nhiều điều mà con không thích, và mẹ thường bảo những điều đó sẽ giúp con nên người. Lúc đó con nghĩ sao mẹ vô lý quá. Nhưng bây giờ con đã làm mẹ nên con đã hiểu. Con cảm ơn mẹ đã kiên nhẫn dạy dỗ và hướng dẫn con. Dù con cứng đầu, mẹ không bao giờ bỏ mặc con muốn làm gì thì làm. Nghĩ đến lòng can đảm của mẹ ngày trước giúp con thêm can đảm để đương đầu với các con của con hôm nay.


Gần đây, có mấy lần mẹ gọi điện thoại cho con nhưng vì bận rộn, con chỉ nói với mẹ vội vàng vài câu rồi cúp. Nghĩ lại con thật là ân hận. Con cũng tiếc là nhiều lần gia đình con có thể ghé thăm mẹ trong những chuyến đi nghỉ hè hoặc rủ mẹ cùng đi nhưng con đã bỏ qua vì không muốn mẹ làm phiền đến gia đình con. Phải đi qua gần hết một đời người con mới nhận thức được rằng mẹ và tình thương của mẹ là điều quý giá nhất trên đời. Năm tháng trôi qua quá mau phải không mẹ. Ai cũng quá bận rộn với những công việc hằng ngày và đến khi dừng lại thì ngày mai đã là quá khứ. Con mong rằng lá thư này sẽ giúp mẹ cảm nhận được tình thương, lòng khâm phục và tôn kính của con đối với mẹ. Mẹ ơi, con cầu xin Chúa cho trong vai trò làm mẹ, con được bằng một nửa mẹ là quý lắm rồi.



Đó là lá thư của một người con gái khi đã xa mẹ mới cảm nhận được tình thương của mẹ và khi đã làm mẹ mới thật sự hiểu mẹ. Nếu quý vị và người mẹ yêu dấu có mối quan hệ thương yêu gần gũi và tốt đẹp, đó là điều rất quý, chúng tôi xin chúc mừng quý vị. Nhưng có nhiều người, tuy thương mẹ nhưng vì những tổn thương trong quá khứ hoặc vì sự ngăn cách ngày trước giữa mẹ con quá sâu đậm, bây giờ không biết làm thế nào để nối lại tình mẹ con. Vì thế hôm nay chúng tôi xin nêu thêm một vài điều gợi ý để quý vị nào trong hoàn cảnh đó có thể thử áp dụng để mẹ con xích lại gần nhau và dần dần trở thành bạn của nhau.

Như có lần chúng tôi chia xẻ rằng trên đời tạm này, tình phụ tử và mẫu tử là điều quý giá nhưng hay bị xem thường hoặc lãng quên cho đến khi chúng ta mất đi những tình cảm thiêng liêng đó. Mẹ và con gái cũng như cha và con trai khi đã trưởng thành, nếu hiểu nhau và tôn trọng nhau có thể trở thành bạn của nhau và giúp ích cho nhau rất nhiều. 


Trên đời này ai cũng cần bạn, và tuổi nào cũng cần bạn. Bạn là người chấp nhận ta, tin cậy, tôn trọng ta và nhìn thấy những giá trị đặc biệt nơi ta. Người nào càng tin cậy, tôn trọng ta và chấp nhận chúng ta nhiều, chúng ta càng thân với người đó. Bạn là người ta có thể chia xẻ mọi cảm nghĩ mà không sợ bị chê cười hay hiểu lầm. Bạn cũng là người dành thì giờ nghe tâm sự của ta, hiểu, thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ chúng ta. Ai cũng cần có những người bạn chân thật như thế. Các bà mẹ cao tuổi của chúng ta nhiều người rất cô đơn và rất cần bạn, và người bạn tốt nhất mà các cụ có thể có chính là những cô con gái của các cụ. Vì thế, là con gái trong gia đình, ngoài tình mẹ con, chúng ta có thể trở thành người bạn thân của mẹ.


Trong cuộc đời chúng ta ai cũng có nhiều bạn. Tùy từng nơi, từng hoàn cảnh chúng ta có những người bạn khác nhau. Chúng ta có thể chọn bạn nhưng không thể chọn cha mẹ. Cha mẹ là do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta có thể có nhiều bạn nhưng chỉ có một ông cha và một bà mẹ. Bạn đến rồi đi nhưng cha mẹ dù hoàn cảnh thay đổi thế nào, vẫn mãi mãi là cha mẹ của chúng ta. Vì thế sao ta không cố gắng làm những gì có thể làm được, để mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ được tốt đẹp?
Sau đây là một vài điều chúng ta có thể làm để mối quan hệ giữa mẹ và con gái được tốt đẹp, trong một dịp khác, chúng tôi sẽ nói về quan hệ giữa cha và con trai.


1. Hiếu kính mẹ


Trước hết, là con, chúng ta phải có lòng hiếu kính đối với mẹ là người đã sinh thành ra chúng ta. Trong Mười Giới Răn của Đức Chúa Trời, giới răn thứ năm dạy: Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi Chữ hiếu kính ở đây có nghĩa là tôn kính. Tôn kính mẹ không có nghĩa là khi ta đã lớn mẹ nói gì ta cũng phải đồng ý, phải vâng lời, và mẹ muốn gì ta cũng phải chiều ý. Người con tôn kính mẹ là người quý trọng mẹ, ghi nhận ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ và đặt mẹ vào một chỗ đặc biệt trong cuộc đời của mình. Hãy nghĩ đến những công khó, những hy sinh của mẹ cho chúng ta có ngày hôm nay. Nhớ lại những điều mẹ dạy ta khi ta còn nhỏ, những lời khuyên răn, nhắc nhở. Bà mẹ nào, dù khó tính hay dễ dãi, dù độc đoán hay thông cảm con cái, cũng có nhiều công khó và đã hy sinh rất nhiều cho con. Hãy nghĩ đến những điều đó và tôn kính mẹ.

2. Chăm sóc mẹ cách vui vẻ, tự nguyện


Người lớn tuổi thường muốn con chăm sóc và cần được con chăm sóc. Nếu mẹ đau ốm ta phải chăm sóc là chuyện dĩ nhiên nhưng nếu mẹ khoẻ mạnh, có thể tự lo mọi việc, chúng ta cũng đừng quên để ý săn sóc những điều nhỏ nhặt. Không ai mà không vui khi được người khác quan tâm đến. Có nhiều cụ hay than đau, than mất ngủ, chỉ vì muốn được con cái để ý. Nếu mẹ con lâu nay buồn nhau, không liên lạc với nhau, chúng ta lại càng nên làm một điều gì đó để bày tỏ sự chăm sóc đặc biệt ta dành cho mẹ. Mua cho mẹ một món quà, chẳng hạn như một đôi dép, cái áo, chiếc khăn đội đầu hay một chai dầu, một lọ thuốc, đúng với điều mẹ đang cần. Chúng ta cũng có thể giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu một bữa ăn hay mời mẹ đi ăn. Những chăm sóc nhỏ nhặt đó sẽ giúp mẹ con thấy gần nhau hơn. Chăm sóc mẹ là chúng ta vâng theo Lời Chúa dạy và khi vâng lời Chúa, chúng ta sẽ nhận được ơn phước của Ngài. Nhiều khi những sự chăm sóc của con cái chỉ nhỏ nhặt thôi nhưng mang lại cho các cụ niềm vui tràn ngập trong lòng. Chẳng hạn như một lời thăm hỏi, một lần gọi điện thoại, nhắc lại một kỷ niệm vui ngày trước, khen một món ăn ngon mà mẹ thường nấu. Bất cứ điều gì nói lên lòng biết ơn và quan tâm của chúng ta đối với mẹ.

3. Tôn trọng ý kiến và quan điểm của mẹ


Mẹ và con thuộc hai thế hệ khác nhau nên thường có những quan niệm sống khác nhau. Khi hai người có hai quan niệm sống khác nhau không nhất thiết là một người đúng một người sai. Quan niệm của mẹ đúng nhưng có lẽ chỉ đúng trong thời của mẹ mà thôi. Quan niệm của ta cũng thế, đúng với thời đại của chúng ta nhưng có lẽ không thể chấp nhận trong thời của mẹ. Chúng ta cần nhận thức điều đó để hiểu mẹ và tôn trọng ý kiến của mẹ. Đừng bao giờ nói: mẹ xưa quá, cổ hũ quá, phải thay đổi đi. Thay đổi suy nghĩ hay quan niệm sống của người lớn tuổi là điều rất khó. 

Một vấn đề mà mẹ và con gái ngày nay thường có cái nhìn khác nhau và lắm khi đi đến chỗ giận nhau là chuyện chồng con của các cô. Các cụ hầu hết quan niệm rằng con gái lớn lên thì phải lập gia đình. Khi thấy con cứ lo học hành hay đi làm chứ không nghĩ đến việc lập gia đình là các cụ lo lắng, nhắc nhở, hỏi thăm, nói xa nói gần. Trong khi đó nhiều thiếu nữ ngày nay không xem việc lập gia đình là ưu tiên hàng đầu, vì thế khi mẹ nhắc nhở các cô không thích. Các cô không muốn cha mẹ gả bán, sắp đặt, cũng không muốn lấy chồng cách vội vàng để chiều lòng cha mẹ như những người con gái trong các thế hệ trước. Hơn nữa, trong xã hội ngày nay người phụ nữ có nhiều cơ hội học hỏi tiến thân và chọn một ngành nghề cho mình nên ít ai vội vàng trong việc lập gia đình. Trước hai quan niệm khác nhau như thế, dù không chiều theo ý mẹ, chúng ta vẫn có thể tôn trọng sự suy nghĩ của mẹ và cảm ơn mẹ quan tâm đến mình. Cả hai cần tôn trọng ý kiến của nhau. Mẹ con có thể không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề nhưng vẫn có thể tôn trọng nhau và yêu thương nhau.


4. Nói năng với mẹ cách ngọt ngào yêu thương - sẵn sàng lắng nghe


Ai cũng thích những lời ngọt ngào, dịu dàng, và không gì khó nghe cho bằng con cái nói với cha mẹ cách thiếu lễ độ. Thánh Kinh dạy: Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà, dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người (Cô-lô-se 4:6). Để nối lại tình mẹ con qua những thì giờ trò chuyện với nhau, chúng ta không những nói năng yêu thương lễ độ với mẹ, nhưng cũng nên tránh những vấn đề có thể khơi lại những chuyện khiến mẹ giận, mẹ buồn. Khi đến thăm chúng ta không chỉ nói cho mẹ nghe nhưng cũng dành thì giờ lắng nghe những gì mẹ muốn nói. Để hiểu mẹ và thông cảm với mẹ cũng như cách tốt nhất để xóa bỏ phiền giận giữa mẹ con là để cho mẹ có dịp nói lên những điều chất chứa trong lòng. Dù có điều chúng ta không đồng ý nhưng cứ yên lặng lắng nghe. Nói lên những điều buồn giận trong lòng là phương thuốc hay để chữa lành những phiền giận và cay đắng.

Có lẽ có người nói, không ai biết mẹ tôi đâu, bà khó tính lắm, con cái không bao giờ dám nói chuyện hay đến gần. Có làm gì cũng không thay đổi được bà. Trong thực tế có lẽ có những người mẹ nhhư thế. Nhưng nếu chúng ta đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được mà mối quan hệ giữa chúng ta với mẹ vẫn không tốt đẹp hơn, điều đó không sao, vì chúng ta đã làm trọn phận sự của một người con. Đức Chúa Trời nhìn thấy thiện chí của chúng ta, Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta. Chúng ta cũng cần kiên nhẫn chờ đợi, vì đến đúng thời điểm, chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả sự cố gắng của mình. Thánh Kinh dạy: Nếu có thể được thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người (Rô-ma 12:18).


5. Quyết tâm chú ý vào những điều tốt nơi mẹ


Có lẽ quý vị có những kỷ niệm đau buồn khó quên trong mối quan hệ với mẹ, dù vậy, chúng ta có thể vượt lên trên những đau buồn đó bằng cách tập chú tâm đến những điều tốt của mẹ. Chẳng hạn như nếu mẹ là người khó tính, nghiêm khắc, có lẽ nhờ đó mà ta nên người. Mẹ có những lời nói làm tổn thương chúng ta nhưng có lẽ nhờ đó mà ta tránh được những vấp váp dại dột trong tuổi niên thiếu. Nếu mẹ có những sai lầm trong cách nuôi dạy con cái, chúng ta hãy nhìn vào chủ tâm chủ ý của mẹ, vì bà mẹ nào khi nuôi dạy con cũng muốn cho con nên người. Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn lại chính mình trong vai trò làm mẹ. Chắc hẳn chúng ta cũng có nhiều lầm lỗi, những lầm lỗi vì vô tình, vì yếu đuối hoặc vì sức chúng ta không làm nổi, và nếu chúng ta mong một ngày kia con cái sẽ thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm đó của chúng ta thì hôm nay hãy thông cảm với mẹ và xóa bỏ tất cả những lầm lỗi của mẹ. Chúng ta cần thực hành lời dạy của Chúa Cứu Thế: "Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình thì cũng hãy làm điều đó cho họ" - Ma-thi-ơ 7:12 (còn tiếp).

Minh Nguyên