Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, November 1, 2012

KỶ NIỆM

Như tấm bia kỷ niệm, lớp mặt ván đầu giường cũ mang những nét khắc. Những cái tên người. Những ngày tháng năm. Ngần ấy thứ sẽ chỉ là những vết xước làm xấu xí cái giường nếu như những vết khắc ấy không gắn liền với các biến cố và sự kiện trọng đại của một đôi vợ chồng gắn bó. Rồi chiếc giường trở thành di sản thừa kế cho con gái.


Những nét khắc đã dẫn dắt người con trở về với hoài niệm, hồi ức của mẹ. Câu chuyện lạ lùng của Elaine Pondant cho thấy những nỗi buồn vui, được mất của gia đình trong quá khứ lại là chất keo kỳ dị gắn chặt các thành viên của gia đình lại với nhau, và nối thế hệ này tiếp với thế hệ sau; miễn là biết tìm một cách nào đó để lưu giữ và truyền lại cho nhau những kỷ niệm khó quên của cha mẹ và con cái.

Vài tháng sau khi ba qua đời, má giao lại cho tôi cái giường thì nó đã khoảng bốn mươi lăm tuổi rồi. Tôi quyết định tân trang lại để tặng con gái là Melanie. Ở đầu giường, mặt gỗ đầy những vết xước.

Ngay trước khi bắt đầu cạo sơn, tôi nhận ra một trong các vết xước là một ngày: 18.9.1946. Rồi tôi nhớ ra - đây là giường cưới của ba má!

Ngay phía trên ngày cưới đó là một cái tên và một ngày khác: "Elizabeth, 22.10.1947".

Má trả lời điện thoại. Tôi hỏi: "Elizabeth là ai? và ngày 22.10.1947 có ý nghĩa gì?"

"Chị con đó".

Tôi biết má đã mất một người con gái, và tôi thấy đây là một rủi ro đối với ba má. Sau cùng, ba má đã tiếp tục có thêm năm mặt con.

Tôi hỏi: “Má đã đặt tên cho chỉ?”.

“Phải. Bốn mươi lăm năm qua, trên thiên đường Elizabeth vẫn đang dõi mắt trông theo gia đình mình. Chị con là một phần của má cũng y như bất kỳ đứa nào khác trong số các con”.

“Má, trên đầu giường có nhiều ngày tháng và tên người, mà con không nhận ra được”.

Má hỏi: “Ngày 08.6.1959 phải không?”.

“Dạ, tên là Sam”.

“Sam là người da đen làm việc cho ba con. Ba con rất đàng hoàng với mọi người, đối xử với ai dưới quyền cũng đều tôn trọng như nhau, không phân biệt màu da hay tín ngưỡng của họ. Nhưng hồi đó có nhiều căng thẳng về chủng tộc. Lại còn một vụ đình công của công đoàn và nhiều rắc rối khác.

“Một tối nọ những người đình công bao vây ba con trước khi ba con kịp ngồi vô xe. Sam đã xuất hiện cùng với nhiều bè bạn của anh ta, và đám đông giải tán. Không ai bị thương hết. Cuối cùng chấm dứt đình công, nhưng ba con không bao giờ quên Sam. Ba con bảo lời nguyện cầu của ba con đã cảm ứng vì Sam đã tới”.

“Má ơi, đầu giường còn nhiều ngày khác nữa. Con về nhà hỏi thăm má về những chuyện đó nghe má?”. Tôi cảm nhận rằng cái đầu giường ấy đầy ấp những mẩu chuyện. Tôi không thể nào cạo nhẵn chúng đi được.

Trong bữa ăn trưa, má kể tôi nghe về ngày 14.1.1951, là ngày má đánh mất cái bóp tiền nhỏ cầm tay tại một cửa hang bách hóa. Ba ngày sau, cái bóp trở về qua đường bưu điện. Lá thư của người phụ nữ nào đó tên Amy viết: “Tôi lấy năm đô la trong bóp để gửi trả nó về với bà. Tôi hy vọng bà sẽ hiểu.”. Chẳng có địa chỉ hồi âm, vì thế má không thể cám ơn người ấy, và ngoài năm đô la ra má không mất gì hết.

Rồi là George. Ngày 15.12.1967, George bắn chết con rắn chuông đang chực mổ anh Dominick của tôi. Ngày 18.9.1971, ba má tôi kỷ niệm đám cưới bạc và lập lại lời thề chung sống bên nhau sau hai mươi lăm năm hương lửa.

Tôi biết về một y tá tên là Janet. Cô đã ở bên má tôi và cùng má tôi cầu nguyện sau khi chị Patricia của tôi chơi xích đu té suýt chết.

Tôi hỏi: “Còn Ralph là ai?”.

“Ngày 18.2.1966, Ralph đã cứu sống anh con ở Đà Nẵng, Việt Nam. Hai năm sau, trong chuyến công vụ thứ hai, Ralph đã thiệt mạng”.

Anh tôi chẳng bao giờ nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những ký ức đã được chôn vùi sâu kín. Đứa con của anh tôi tên là Ralph. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao.

Tôi nói: “Con suýt nữa đã cạo sạch những câu chuyện lạ lùng nọ. Sao má lại cho con cái giường này?”.

“Ba má đã khắc cái ngày đầu tiên trên đầu giường vào đêm tân hôn. Từ đó về sau, nó là quyển nhật ký cuộc đời bầu bạn bên nhau. Khi ba con mất đi, cuộc sống chung của ba má không còn nữa. Nhưng ký ức chẳng bao giờ tàn lụi”.

Khi tôi thuật lại cho chồng tôi nghe về cái đầu giường, ảnh nói: “Vẫn còn chỗ khắc thêm nhiều câu chuyện nữa”.

Vợ chồng tôi đem cái giường với đầy ắp những kỷ niệm vào phòng riêng. Vợ chồng tôi đã khắc vào đó ba cái tên cùng với ngày tháng. Một mai kia, vợ chồng tôi sẽ kể cho Melanie những chuyện về cuộc đời ông bà ngoại và cuộc đời của ba má cháu. Và mai kia cái giường sẽ giao lại cho con gái chúng tôi



( Sưu tầm )