Trong câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trình bày tiếp đề tài: Quan hệ giữa cha và con gái. Mỗi ông cha trong gia đình là một con người đặc biệt, thành hình bởi nhiều yếu tố và nhiều ảnh hưởng khác nhau. Những ảnh hưởng đó gồm có: tính bẩm sinh, tâm tính của cha mẹ, của anh chị em trong gia đình, sự giáo dục của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống, của văn hóa trong xã hội mà các cụ được trưởng dưỡng, và tùy cách các cụ nhìn vào đời sống, nhìn vào chính mình. Tất cả những yếu tố này tạo thành người cha của chúng ta. Vì thế để thật sự biết rõ cha, chúng ta không chỉ nhìn vào việc làm, lời nói và cách cư xử của các cụ nhưng còn phải nhìn vào nhiều khía cạnh khác.
Mỗi ông cha là một nhân vật đặc biệt, không ông cha nào giống ông cha nào. Mỗi ông cha đều có ưu điểm và khuyết điểm cũng như những cá tính riêng. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến con cái và mối quan hệ giữa cha con. Khi mối quan hệ của ta với cha không tốt đẹp hoặc có những điều khiến ta buồn phiền, chúng ta thường nghĩ: phải chi bố của mình thay đổi, ước gì bố mình giống như người này người kia thì tình cha con đã tốt đẹp hơn. Thưa quý vị, không ai có thể thay đổi người khác, mà những người đã lớn tuổi lại càng khó thay đổi. Thay đổi lòng người là điều chỉ một mình Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời có thể làm được. Dù không thể thay đổi cha để mối quan hệ giữa ta với người được tốt đẹp hơn, điều chúng ta có thể làm là chấp nhận cha và tìm hiểu cha để thông cảm và thương yêu người hơn. Chúng ta có cần nhìn vào quá khứ, hoàn cảnh gia đình, vào những thiệt thòi khó khăn mà cha phải chịu trong thời thơ ấu để hiểu tại sao cha nói hay làm những điều mà ta thấy như là vô lý.
Trong quyển sách tựa đề Making Friends with Your Father, bà Kay Marshall Strom cho biết, nói về mối quan hệ với con gái, chúng ta thấy có sáu nhóm ông cha khác nhau như sau:
1. Những ông cha thương và quý con gái
Nếu gia đình có ba bốn con trai rồi mới có một đứa con gái, người con gái đó thường được cha mẹ cưng chiều, yêu thương đặc biệt. Có những ông cha đi đâu cũng dẫn con gái theo, lúc nào cũng đem hình con ra khoe với bạn bè. Vì thương và quý con, dù bận đến đâu người cha đó cũng có thì giờ cho con, tham dự những sinh hoạt của con để khích lệ và khen thưởng con. Nhờ tình thương của cha, những người con gái này lớn lên có lòng tự tin và nhìn thấy giá trị của mình nên dễ thành công ở đời. Nếu ai cũng có người cha như thế thì quá hạnh phúc, nhưng trong thực tế những ông cha gần gũi, chăm sóc con, thông cảm với con như thế rất là hiếm. Chúng ta thường có những ông cha khác như:
2. Những ông cha lúc nào cũng lo con hư hỏng
Có những ông cha lúc nào cũng sợ con gái mình hư hỏng vì thế theo dõi, kiểm soát và cấm đoán đủ mọi điều. Chẳng hạn như, thỉnh thoảng con mới xin đi chơi nhưng không cho vì không tin con. Con gái phải ăn mặc theo những kiểu áo và màu sắc cha chọn, phải trang điểm theo tiêu chuẩn của cha. Bạn bè của con ông cha cũng biết rõ hết, người nào cha nghi ngờ hay không thích thì con không được tiếp xúc nữa. Khi người con gái bắt đầu có bạn trai, những ông cha này rất lo lắng, và chỉ người con trai nào ông cho là được, theo tiêu chuẩn của ông, thì con mới được làm quen. Con cũng không được đi học xa, việc chọn ngành nghề cũng do cha quyết định. Khi không được cha tin cậy nhưng nghi ngờ và kiểm soát mọi chi tiết trong đời sống, người con gái có thể sẽ vâng lời, chấp nhận sự gò bó nhưng cũng có thể phản loạn và trở thành hư hỏng.
3. Những ông cha thiên vị
Có những ông cha thương con gái hơn con trai, thương con này nhiều hơn con khác và biểu lộ công khai sự thiên vị đó. Trong trường hợp này, người con được thiên vị sẽ sung sướng nhưng có thể bị anh chị em trong gia đình ganh ghét. Người con gái được cha thiên vị sẽ tùy thuộc nơi cha, trông mong quá nhiều nơi cha và khi lớn lên, khó tách rời cha để tự lập và nên người trưởng thành.
4. Những ông cha độc tài
Những ông cha độc tài thường xử sự như ông chủ hay ông vua trong gia đình và thường áp dụng kỷ luật cứng rắn đối với con. Người cha nói gì con cái đều phải vâng theo; các con, nhất là con gái, không bao giờ được có ý kiến. Nếu con không đồng ý hoặc thắc mắc điều gì liền bị cho là vô lễ, cứng đầu. Trong gia đình, người cha luôn luôn ra lệnh và con cái phải luôn luôn vâng lời, nếu không vâng lời sẽ bị trừng phạt. Những người cha độc tài như thế thường tạo ra hai nhóm con gái, (1) Những người con gái nhút nhát, mặc cảm, thiếu tự tin; sẵn sàng chạy theo người đàn ông nào có vẻ hiền lành hoặc nói năng ngọt ngào, tử tế. (2) Những người con gái phản loạn, luôn luôn chống lại sự độc đoán của cha, làm ngược lại những gì cha dạy bảo, có khi cố tình làm điều quấy cho cha tức giận.
5. Những ông cha nhu nhược
Có những ông cha lại quá nhu nhược, không làm chủ gia đình, không đặt tiêu chuẩn hay luật lệ rõ ràng cho con cái vâng theo. Trong những gia đình này người mẹ thường cứng rắn hơn và nắm quyền trong gia đình. Những người con gái lớn lên trong hoàn cảnh này biết rằng cha không phải là người cho mình nương tựa, cảm thấy thiếu thốn sự hướng dẫn và bảo bọc của một người cha, và có khi thấy mình có trách nhiệm phải làm một điều gì đó để giúp cha trở nên mạnh mẽ hơn.
6. Những ông cha không làm chủ chính mình
Đây là trường hợp những ông cha bị những chứng nghiện ngập hay có những thói quen xấu không bỏ được. Những ông cha này không có đời sống gương mẫu cho con noi theo, và vì không làm chủ chính mình, có khi còn trở thành bạo hành, hung dữ, đánh đập mắng mỏ con, khiến con bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần.
Ngoài sáu nhóm vừa kể còn có những ông cha không làm tròn trách nhiệm. Đây là những ông cha bỏ bê vợ con để chạy theo hạnh phúc riêng hoặc vì ham công ăn việc làm, thường vắng mặt trong gia đình. Những ông cha này không có mối quan hệ tốt đẹp với con và những người con gái trong gia đình lớn lên thường thương hại cho chính mình không nhận được tình thương của cha hoặc căm giận cha vì cha không có mặt bên cạnh khi mình cần đến.
Người con gái nào khi còn nhỏ cũng yêu thương và khâm phục cha, nhưng khi bắt đầu biết suy nghĩ nhận thức vấn đề, lòng yêu thương và khâm phục đó có thể bị giảm đi hoặc không còn nữa, vì đời sống và cách cư xử không tốt đẹp của cha. Tuy nhiên, điều chúng ta cần nhớ là ông cha nào cũng thương con. Sở dĩ lắm khi cha nói hay làm những điều khiến con không cảm nhận được tình thương là vì phái nam ít bày tỏ tình cảm. Hơn nữa, cha chúng ta dù sao cũng là những con người yếu đuối và bất toàn, không thể nào tránh được lầm lỗi. Những lầm lỗi đó một phần đến từ chính ông nhưng một phần là do ảnh hưởng của văn hóa, xã hội và của những thế hệ trước để lại.
Hiểu điều này, chúng ta sẽ không phiền trách hay buồn giận cha về những gì xảy ra trong quá khứ. Điều chúng ta có thể làm và cần làm để mối quan hệ giữa chúng ta với bậc sinh thành được tốt đẹp là chúng ta chấp nhận những bất toàn của cha và một lòng yêu thương, biết ơn cha vì công sinh thành dưỡng dục. Nếu chúng ta là những người con gái đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, chúng ta không phải sống dưới quyền của cha nữa. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, chúng ta đều biết câu đó. Người mà chúng ta phải tùng phục khi đã có gia đình riêng là chồng chứ không phải là cha. Kinh Thánh cũng dạy người đàn bà phải vâng phục chồng, vì chồng là chủ gia đình. Nếu giữa chúng ta và cha có sự thông cảm, tôn trọng, hai bên có thể tâm tình, trò chuyện như bạn của nhau, đó là điều rất quý, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dành thì giờ với cha để cha con tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp đó.
Còn nếu cha con khó xích lại gần nhau vì thiếu thông cảm và thiếu tôn trọng. Nếu cha vẫn xem con gái đã lớn như làđứa bé con bảo gì phải nghe nấy, muốn mắng mỏ thế nào cũng được hay đòi hỏi gì cũng phải chiều ý. Trong trường hợp đó chúng ta vẫn yêu thương và hiếu kính cha, nhưng cần cho cha thấy rằng chúng ta không phải là đứa bé con ngày xưa. Hơn nữa, chúng ta còn có những bổn phận và trách nhiệm khác phải chu toàn, như bổn phận với gia đình riêng, trách nhiệm trong sở làm, v.v... vì thế không thể làm tất cả những gì cha đòi hỏi. Nhưng trước khi tách ra khỏi sự ràng buộc hay kiểm soát của cha, chúng ta cần đặt những câu hỏi như: Tôi có còn tùy thuộc cha về mặt tài chánh không? Nếu còn chúng ta phải cố gắng chấm dứt điều đó. Một câu hỏi khác là: Cha có ai ở gần để trò chuyện cho khỏi cô đơn không? Nếu không, chúng ta cần tạo cơ hội để cha gặp gỡ những người bạn cùng tuổi. Nếu cha đau ốm cần chăm sóc thuốc men, miếng ăn thức uống, dĩ nhiên là chúng ta phải chăm sóc hết lòng. Điều quan trọng là chúng ta làm trọn những gì cần phải làm trong bổn phận của người con nhưng đừng để cho những buồn đau trong quá khứ cũng như những điều vô lý hay độc tài độc đoán của cha ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình hay hạnh phúc của gia đình mình. Lời Chúa dạy: "Hỡi kẻ làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm, hãy tôn kính cha mẹ hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất" (Ê-phê-sô 6:1-3).
Minh Nguyên
Hết