Kính thưa quý thính giả,
Chúng ta đang ở chương thứ 3 Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.
Tiến sĩ Gary Chapman có đưa ra một tiến trình gồm năm bước để xử lý cơn giận một cách hợp lý, không những có thể tránh được những đỗ vỡ chia lìa, nhưng còn có tiềm năng giải quyết việc làm sai trái, chữa lành mối liên hệ và bày tỏ tình yêu thương với những người mình đang quan hệ.
Năm bước của tiến trình này là:
- thừa nhận với chính mình một cách đầy ý thức rằng bạn đang tức giận
- kiềm chế phản ứng có thể bộc phát tức thì của bạn
- xác định tâm điểm cơn giận bạn đang hướng vào là gì
- phân tích các khả năng chọn lựa của bạn
- và có hành động xây dựng.
Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những điểm chính yếu của ba bước đầu tiên, trước khi đi vào chi tiết của bước thứ tư.
Bước đầu tiên, hãy dừng lại, đừng để cảm xúc giận dữ nỗi lên thình lình có khuynh hướng khống chế và lôi cuốn chúng ta vào các phản ứng bộc phát tức thì, qua lời nói hay các hành vi cử chỉ. Hãy dừng lại, thừa nhận rằng mình đang giận dữ, thậm chí nói to lên với chính mình rằng: “Mình đang giận dữ về điều này! Bây giờ mình sẽ phải làm gì đây?” Đây là bước đầu tiên quan trọng trong việc xử lý cơn giận theo cách thức tích cực, để phân biệt giữa cảm xúc và lý trí, để đủ sáng suốt suy nghĩ về những hành động cần phải làm theo sau. Nên nhớ rằng, thừa nhận mình đang giận dữ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc thừa nhận mình đang phạm tội, vì giận dữ trước một điều sai trái là một bản tính tốt đẹp Đức Chúa Trời ban cho mỗi con người. Kinh Thánh chỉ nhắc nhở rằng, trong khi đang cơn giận thì chớ vì nông nỗi mà phạm tội.
Bước thứ nhì là phải tập kiểm soát hay kiềm chế các phản ứng có thể bộc phát tức thì khi cơn giận nỗi lên. Tác giả Ambrose Bierce có nói: “Hãy nói khi bạn đang giận dữ và bạn sẽ tạo nên bài diễn văn hay nhất mà bạn sẽ luôn luôn hối tiếc”. Hãy kiếm cách trì hoãn để chế ngự ngọn lửa nóng giận bên trong đang có nguy cơ bộc phát thành những lời nói vô ý thức hay những hành vi gây hại. Hãy hít thở thật sâu, hãy đếm đến 10, đến 100 hay thậm chí đến 1000, để đủ thời giờ suy nghĩ, để hạ hỏa, để kiềm hãm, trước khi nói hay làm điều gì trong cơn giận. Nếu được, hãy tránh mặt người mình đang giận ít lâu để nguôi ngoai và lấy lại bình tĩnh.
Bước thứ ba là trong khi đang kiềm chế các phản ứng có thể bộc phát tức thì, bạn hãy suy nghĩ lý do nào mình giận, hay trung tâm điểm của cơn giận là gì? Người kia có thực sự làm những điều gì thực sự sai trật không? Hãy chỉ vì lời nói hay cách cư xử của người đó vô tình nhắc nhở mình về một kỷ niệm đau thương nào đó của chính mình? Mà nếu người kia có làm gì đáng giận, thì vấn đề thực ra có quá đỗi nghiêm trọng như thoạt đầu mình nhìn thấy không?
Quý thính giả thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ theo dõi bước thứ 4 trong tiến trình gồm năm bước để xử lý cơn giận vì lý do chính đáng. Đây có thể gọi là bước chọn lựa cách khôn ngoan.
CHỌN ĐIỀU GÌ BÂY GIỜ?
Việc xác định trung tâm của cơn giận bạn và tính chất nghiêm trọng của sự vi phạm chuẩn bị bạn cho việc thực hiện bước bốn: Phân tích các khả năng chọn lựa của bạn. Bây giờ là lúc nêu câu hỏi “Mình có thể thực hiện những hành động khả thi nào?” Bạn có thể muốn ghi xuống những ý tưởng đến với tâm trí mình hoặc diễn đạt chúng thành lời để chính mình có thể nghe được.
Những sự chọn lựa thì nhiều.
Bạn có thể quay trở lại và mắng nhiếc họ bởi vì hành vi cư xử không công bằng, không tử tế, không yêu thương, không cân nhắc, không quan tâm của họ. Bạn cũng có thể nêu lên tất cả những sự thất bại của người kia trong quá khứ hiện đến với tâm trí bạn lúc đó. Thậm chí bạn có thể dùng những lời rủa sả để cho họ thấy là bạn cực kỳ giận dữ và phản đối quyết liệt ra sao về vấn đề đó.
Bạn có thể quay trở lại và đánh vào đầu họ với một cây gậy đánh bóng, tát vào mặt họ, lắc mạnh họ, hoặc ném một chai nước uống có ga vào họ. Bạn có thể xua đuổi họ ra khỏi tâm trí bạn với một nhận xét đầy nhục mạ rằng: “Họ đần độn, ngu ngốc, dốt nát. Mình sẽ không phí thì giờ của mình thậm chí nói chuyện về vấn đề đó. Nói chuyện với một kẻ ngốc chẳng ích lợi gì. Mình sẽ chỉ việc đi đến phòng vi tính và chẳng bao giờ đế cập vấn đề đó nữa.”
Hoặc bạn có thể làm thử cách trả thù bằng cách cô lập hay bỏ rơi người kia: “Mình sẽ bước ra khỏi cuộc đời nó, chẳng bao giờ muốn nhìn thấy nó nữa và chẳng bao giờ giải thích thêm gì nữa với nó. Hãy để cho nó biết là mình đã bỏ nó, chẳng thèm chẳng cần nó nữa”.
Những chọn lựa này và nhiều sự chọn lựa hơn nữa có thể ngập tràn tâm trí bạn.
Những điều nào trong những sự chọn lựa này, nếu có, là những sự chọn lựa khôn ngoan? Được rồi, hãy nhớ hai câu hỏi nền tảng của chúng ta: Sự chọn lựa đó có tích cực và có đầy yêu thương không? Tức là, hành động mà tôi đang cân nhắc có tiềm năng để xử lý việc làm sai quấy và giúp cho mối quan hệ chăng? Và liệu nó có tốt nhất cho người mà tôi đang tức giận chăng?
Tôi đoán là bạn sẽ đồng ý rằng hầu hết các sự chọn lựa chúng ta vừa nêu ở trên sẽ không đáp ứng thỏa đáng được những sự thử nghiệm này. Về mặt lý thuyết, chúng là những sự chọn lựa, nhưng chúng không phải là những sự chọn lựa có tính xây dựng. Đó là những kiểu hành xử tôi có thể đã từng thực hiện trong quá khứ, nhưng chúng không phải là những kiểu hành xử tôi mong muốn thực hiện trong tương lai.
Vậy thì những sự chọn lựa của Cơ Đốc nhân là gì? Theo tôi thì chỉ có hai sự chọn lựa.
Một là đối chất với người đó một cách đầy yêu thương. Hai là quyết định bỏ qua vấn đề một cách có chủ ý. Chúng ta hãy xem xét sự chọn lựa thứ hai trước.
Có những lúc sự chọn lựa tốt nhất của Cơ Đốc nhân là thú nhận rằng mình đã bị đối xử bất công nhưng quyết định rằng việc đối chất với người đã làm điều sai quấy chỉ có ít tác dụng hoặc chẳng có tác dụng gì cả. Vì thế, tôi chọn chấp nhận sự đối xử bất công của họ và giao thác người đó cho Đức Chúa Trời. Điều này không giống như việc phó mặc hay chất chứa cơn giận của bạn. Nó hoàn toàn ngược lại. Đó là việc giao nộp cơn giận lên cho Đức Chúa Trời. Đó là việc từ bỏ cái quyền trả thù, vì Thánh Kinh, sách Rô-ma 12:19 dạy rằng: “Anh chị em thân yêu, đừng tự báo thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa, vì Kinh Thánh đã chép: “Sự báo trả thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng! Chúa phán vậy”
Sự trả thù luôn là đặc quyền của Đức Chúa Trời và việc khước từ không để cho những gì đã xảy ra làm cho tình trạng sức khỏe của chính bạn bị hao mòn dần. Bạn đang thực hiện một sự chọn lựa có ý thức để bỏ qua hay lờ đi điều làm cho mình bực tức.
Đây là điều mà Kinh Thánh gọi là sự nhịn nhục, và đó là việc giao thác cho Đức Chúa Trời quyền thực thi công lý, nhận biết rằng Ngài hoàn toàn biết rõ mọi sự. Theo cách đó, Đức Chúa Trời có thể thực hiện với người kia bất cứ điều gì Ngài thấy là khôn ngoan. Bạn đang lựa chọn để không trở thành một tên tù dễ bức xúc trước hành động bất công chống lại mình.
Đôi lúc sự chọn lựa này có thể là sự lựa chọn tốt nhất. Ví dụ, cha mẹ bạn đã đối xử bất công với bạn suốt nhiều năm hoặc đã làm tổn thương bạn thật sâu sắc trong hai hay ba lần vào những giai đoạn tối quan trọng trong đời bạn. Giờ đây, bạn chỉ có một mối quan hệ hời hợt ngoài mặt với cha mẹ bạn, nhưng sự giận dữ đã ngự trị trong lòng bạn suốt những năm tháng này. Có lẽ giờ đây bạn đã trở thành một Cơ Đốc nhân hoặc hiện đang tăng trưởng với tư cách một Cơ Đốc nhân, và bạn muốn xử lý cơn giận này. Bạn nhìn thấy cha mẹ mình giờ đây đều đã ngoài tuổi tám mươi. Bạn biết trong lòng mình rằng, họ không thể nào hiểu được hay đáp ứng lại sự tổn thương mà bạn đã gánh chịu nhiều năm qua. Bạn nhớ lại mình đã từng cố gắng vào một dịp nọ vài năm trước, nhưng sực việc cũng chẳng đi đến đâu. Vì thế, bạn quyết định đã đến lúc cần phải quên việc đó đi, đừng nghĩ đến nó nữa.
Bạn có thể nói, “Mình sẽ chẳng bao giờ có được mối quan hệ sâu đậm với ba mẹ như mình hằng mong ước, nhưng đối chất với họ vào thời điểm này sẽ phản tác dụng; vì vậy, mình dâng trình cơn giận và sự tổn thương của mình lên cho Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài yêu mình với một tình yêu vô điều kiện, biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời vừa công bằng vừa giàu lòng thương xót và sẽ làm điều đúng đắn cho ba mẹ mình.” Và rồi bạn nói: “Mình giao phó cha mẹ mình cho sự chăm sóc của Ngài, và mình phóng thích cơn giận và để cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời đổ đầy chính mình và thanh tẩy mình khỏi mọi sự oán hận và giận dữ.” Bạn đã chọn lựa một cách có ý thức con đường của sự nhịn nhục.
Quý thính giả thân mến,
Đây là một ví dụ nữa trong đó một thái độ đáp lại đầy nhịn nhục có thể là tốt nhất.
Người giám sát tại nơi làm việc của bạn đã đối xử với bạn theo một cách thức mà bạn tin là không chuyên nghiệp. Trên thực tế, theo suy nghĩ của bạn thì người ấy đã đối xử với bạn không công bằng. Trong quá trình phân tích cơn giận của mình và khảo sát tỉ mỉ những sự chọn lựa của bạn, bạn nhớ rằng năm trong số những người bạn của mình đã đối chất với cùng người giám sát đó trong ba năm qua với những điều mà họ cũng cho là sự đối xử bất công.
Tóm lại, từng người trong nhóm ấy đã bị sa thải và không còn làm việc cho công ty nữa. Theo cách đó, bạn kết luận rằng viên giám sát là một người không quan tâm, không biết điều; rằng việc nói chuyện với ông ta có thể sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhận thức rõ rằng bạn có một gia đình để chu cấp và vào thời điểm đó không dễ để kiếm được việc làm, do đó bạn chọn bỏ qua vấn đề. Bạn biết rằng việc chọn lựa để làm như thế sẽ chẳng thay đổi những cảm xúc hay suy nghĩ của bạn về người giám sát đó. Bạn vẫn cảm thấy sự thương tổn, và bạn vẫn nhận thức rằng bạn đã từng bị đối xử không công bằng, nhưng bạn thực hiện sự chọn lựa có ý thức để quên lửng nó đi.
Có thể bạn bắt đầu tìm kiếm một việc làm khác, hoặc có thể bạn sẽ nhận thấy rằng ở lại với công ty có nghĩa là không chắc gì bạn sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp bao lâu mà viên giám sát của bạn vẫn còn ở với công ty. Trong cả hai trường hợp bạn đều thừa nhận rằng việc đương đầu với viên giám sát bằng sự giận dữ của mình một lần nữa sẽ là phản tác dụng.
Khi hành động như thế, bạn trao phó cả viên giám sát lẫn cơn giận dữ của mình lên cho Đức Chúa Trời. Để tiếp tục cuộc sống của mình, bạn coi cách xử sự như vậy là tốt nhất. Việc làm như vậy sẽ không giúp cho mối quan hệ của bạn với viên giám sát tiến triển hơn, nhưng ít ra nó cho bạn sự tự do để đầu tư năng lực thể chất và tình cảm của bạn vào những hoạt động hữu ích hơn.
Có nhiều trường hợp khác mà trong đó bỏ qua hay việc lờ đi điều chướng tai gai mắt có thể là sự chọn lựa tốt nhất. Thánh Kinh thừa nhận rằng đây là một cách thức giá trị để xử lý cơn giận của một người. Ví dụ như sách Châm Ngôn 19:11 có viết: “Người khôn ngoan kìm hãm cơn giận dữ. Kẻ khoan dung thường được tiếng ngợi khen”. Sự giận dữ của chúng ta được trao phó cho Đức Chúa Trời. Toàn thể vấn đề được đặt trong tay Ngài, và chúng ta tiếp tục với cuộc sống của mình.
Kính thưa quý thính giả,
Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây để kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi khám phá tiếp một sự chọn lựa khác của bước thứ tư, là bước quan trọng quyết định phản ứng hành xử của chúng ta trong tiến trình xử lý cơn giận một cách hợp lý, có thể đem lại hữu ích. Đó là: Chọn lựa việc đối chất với người đó một cách đầy yêu thương. Mời quý thính giả nhớ đón nghe. Phát Thanh Hy Vọng kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè.
Xin thân chào quý vị và các bạn.
Tiến sĩ Gary Chapman