Theo ước tính của các nhà khoa học, do hệ quả của thời kỳ bùng nổ sinh sản sau Thế Chiến Thứ II, tỷ lệ số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. Chẳng hạn ở Mỹ, số người trên 90 tuổi sẽ gia tăng từ l triệu người năm 1999 lên đến 10 triệu vào khoảng năm 2050. Trong khi các chánh sách xã hội không bắt kịp được đà gia tăng nầy, một nghiên cứu trên quy mô rộng do Tiến Sĩ Thomas Glass và cộng sự ở trường Ðại Học Harvard thực hiện đã cho thấy các hoạt động xã hội, vui chơi cũng có giá trị làm chậm sự lão hóa và hạ thấp nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. Kết quả nầy đặc biệt có ý nghĩa đối với những người cao tuổi vì lý do già yếu hoặc vì một lý do nào khác không thể hoặc không thích vận động.
Nghiên cứu được tiến hành trên 2,761 người nam và nữ từ 65 tuổi trở lên trong thời gian kéo dài 13 năm. Các hoạt động xã hội bao gồm sinh hoạt giao tiếp với cộng đồng như đi nhà thờ, đi quán ăn, đi mua sắm, đi xem phim, tham dự các sự kiện thể thao, chơi cờ, chơi bài, cùng nhau nấu ăn, hoạt động từ thiện, và cũng không loại trừ đi làm việc có trả lương. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Ðại Học Harvard cho biết trên tạp chí British Medical Journal “Trong số những người cao tuổi kém năng động thì những người thường tham gia các hoạt động giao tiếp sống lâu hơn những người không tham gia những hoạt động nầy.”
Một cuộc khảo sát khác, qua theo dõi dữ liệu của 2,812 người trên 65 tuổi trong khoảng 12 năm cho thấy tình trạng suy giảm trí nhớ tăng lên gần gấp đôi ở những người sống lẻ loi so với những người có mối liên hệ thường xuyên với bạn bè, người thân, với tổ chức tôn giáo hoặc tham gia đều đặn các sinh hoạt giao tiếp xã hội. Nói chung, những hình thức hoạt động nầy chỉ có ý nghĩa rất nhỏ về mặt thể lực, không đủ để thay thế cho các phương pháp thể dục. Tuy nhiên, nó có giá trị ngang với vận động thể lực khi xét đến tác động lên tuổi thọ. Do đó, thay vì đi bộ trong vườn, tập thể dục trên máy tập ở nhà, hiệu quả sẽ gấp đôi nếu người già tham gia các sinh hoạt thể dục, vận động mang tính cộng đồng ở các câu lạc bộ dưỡng sinh, công viên, sân vận động để cùng tập luyện, vận động, vui chơi và chia xẻ. Ông Glass còn đặc biệt lưu ý “Những người ít hoạt động, vốn xem việc vận động là một thách thức hoặc khó khăn, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động là cơ hội để gặp gỡ và giao tiếp.”
Ông Glass thú nhận là ông chưa biết rõ điều gì ở các hoạt động này đã giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên ông tin chắc rằng việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra sự thay đổi ở não theo một cách nào đó làm chậm tiến trình lão hóa và ảnh hưởng tốt đến hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Sẽ dễ hiểu hơn nếu nhìn vấn đề theo quan điểm chỉnh thể. Khi về già, cơ thể phản ứng mạnh hơn và phục hồi chậm hơn đối với các biến cố gây căng thẳng (stress). Ðiều nầy làm cho các quá trình hư hoại xảy ra nhanh hơn trên các cơ quan tim, phổi, thận và cả bộ não. Sống hòa hợp và được chia xẻ làm nhẹ đi các hệ quả nầy.
Ngoài ra, thân và tâm là một thể thống nhất. Tư tưởng có vai trò quan trọng trong các quá trình vật lý. Tư tưởng đi trước hiện tượng, tạo ra hiện tượng và có thể thay đổi hiện tượng theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy theo ý chí của mỗi người. Trong những tình huống khẩn cấp, khi phải đối phó với hiểm nguy, con người thường có thể làm được những điều kỳ diệu, nâng nặng hơn, chạy nhanh hơn hoặc nhảy cao hơn, những điều mà trong điều kiện bình thường cơ thể không làm được. Chính tư tưởng, ý chí đã tạo nên sự kỳ diệu. Người nào nghĩ rằng mình đã “về hưu”, không thể vận động như trước, sức khỏe suy yếu, trí óc không được nhanh nhạy, không còn giúp ích gì được cho con cháu, cho cộng đồng. Tư tưởng nầy sẽ tạo nên đúng con người như vậy, dẫn đến bệnh tật và lão hóa. Ngược lại, một người tích cực nghĩ rằng mình còn hữu dụng cho gia đình, cho xã hội, còn phải nuôi dạy con cháu nên người, cần hoạt động, cần tiếp xúc, còn có những nghĩa vụ nhất định với cộng đồng. Tư tưởng nầy sẽ tạo nên một con người năng động và một tinh thần minh mẫn để làm được những điều họ mong muốn.
Thực tế cho thấy một số người bệnh ung thư nặng nhưng có tinh thần lạc quan, có sinh hoạt giao tiếp và động cơ sống tốt thường sống được lâu hơn nhiều so với những bệnh nhân sống cô độc, ít giao tiếp, chia xẻ, nhất là khi người bệnh nghĩ rằng mình chỉ là người sống tạm, đang chờ ngày ra đi.
Những cuộc nghiên cứu này cho thấy, bên cạnh các sinh hoạt xã hội, người cao tuổi cũng nên trì hoãn việc nghỉ hưu, có thể bằng cách khai thác các cơ hội làm việc bán thời gian hay làm việc thiện nguyện, cũng như theo học các khóa học cho người lớn tuổi. Những việc này giúp sống tích cực và khỏe mạnh hơn.
Thường đi ra ngoài, sống hòa hợp, giao tiếp và chia xẻ là những liều thuốc quý giá đối với tất cả người già.
(bài của lương y Võ Hà do bạn QuangD giới thiệu)