Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 30, 2012

Nhìn Thấy Nét Đẹp Nơi Người Khác



Kính thưa quý thính giả,


Nếu có ai hỏi chúng ta hãy kể ra những tính xấu của một người quen biết, rất có thể ngay tức thì, bạn và tôi sẽ kể ra vanh vách thật đầy đủ các khuyết điểm của người đó. Nhưng khi được hỏi về những tính tốt của người quen biết đó, thì rất có thể, bạn và tôi phải dừng lại để suy nghĩ, cố gắng nhớ lại xem người đó có được một hay hai ưu điểm nào chăng

.
Dường như chúng ta có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những điểm xấu ở nơi người khác, hơn là nhận ra những nét đẹp ở trong con người đó. Phải chăng đầy là khuynh hướng tự nhiên trong mỗi con người?
Như khi bước vào một căn phòng vừa mới được dọn dẹp, chúng ta không nhận ra tấm thảm vừa mới được hút bụi, cũng không thấy cái tủ sách vừa được quét bụi, mà cũng chẳng biết những chiếc gối nhỏ vừa được xếp lại ngay ngắn trên ghế sofa; nhưng lại chỉ chú ý đến mấy mãnh giấy báo bị con chó vừa xé rách te tưa, nằm ngổn ngang trên một góc sàn nhà. Đôi mắt chúng ta dường như chỉ lưu ý đến những điều xấu xí tệ hại.
Thực ra, có một lý do sâu xa hơn, vì sao mỗi chúng ta lại chỉ chú ý đến điểm xấu, hơn là nhận ra những nét đẹp ở nơi người khác. Lý do sâu xa đó là lòng kiêu ngạo tự tôn.

Khi chú ý thấy anh Ba nói năng ồn ào, bạn và tôi đang tự khen thầm rằng, mình là người lịch sự biết ăn nói nhỏ nhẹ. Khi thấy chị Bảy đang ngồi lê đôi mách, bạn và tôi ngẩng cao tự hào rằng, mình không phải là loại người “xấu mồm xấu miệng” như vậy.
Một người chỉ chăm chú vào tính xấu nơi người khác, vì cần lý do để có thể tự hào là mình đạo đức hơn. Một người chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người đối diện, vì muốn so sánh mình tài giỏi hơn. Một người mù lòa trước ưu điểm hay nét đẹp của người đối diện, chỉ vì người đó đang có nhu cầu nuôi dưỡng thái độ tự tôn đang trỗi cao trong lòng.
Khi một người tự nâng mình lên, khinh dễ người khác, cho người khác là thấp kém hơn mình, thì người đó thấy nơi người khác chỉ toàn là tật xấu với khuyết điểm.
Chúa Cứu Thế Giê-xu có nghiêm khắc cảnh cáo về hiểm họa kiêu ngạo này, như sách Tin Lành 18:9-14 như có chép như sau:

“Đức Chúa Giê-xu kể câu chuyện ngụ ngôn nầy để dạy những người cậy mình, cho rằng mình là công chính, mà khinh chê người khác. “Có hai người đi lên đền thờ để cầu nguyện. Một người là người Pha-ri-si, còn người kia là người thu thuế. Người Pha-ri-si đứng riêng ra và cầu nguyện như vầy “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế nầy. Con kiêng ăn mỗi tuần lễ hai lần. Con dâng một phần mười về mọi lợi tức của con”.
Còn người thu thuế đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi”
“Ta nói cùng các ngươi, người thu thuế nầy khi đi xuống để về nhà mình, đã được xưng công chính, chứ không phải người kia. Bởi vì ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Quý thính giả thân mến,
Vào giữa thế kỷ thứ nhất, thành phố Cô-rinh-tô là một trung tâm thương mại sầm uất của vùng A-chai, cũng là nơi tập hợp của rất nhiều tôn giáo lâu đời khác nhau, nằm trên bờ biển phía bắc của biển Địa Trung Hải, thuộc về Hy-lạp.
Trong một chuyến lưu hành truyền giáo, sứ đồ Phao-lô đã ghé qua nơi đây để rao giảng tin mừng cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sau khi thành lập hội thánh tại Cô-rinh tô, ông đã lưu lại nơi này mười tám tháng để giảng dạy cho các tín hữu, trước khi lên đường để tiếp tục sứ mạng truyền giảng tại những nơi khác.
Trong khi đang bận rộn tại thành phố Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô đã nhận được nhiều tin xấu về hội thánh Cô-rinh-tô, nơi ông đã thành lập và bỏ nhiều công sức để dạy dỗ.
Ông được báo cáo rằng, tại hội thánh Cô-rinh-tô, nào là họ xung khắc, chia rẽ, lập bè lập đảng đối nghịch nhau. Nào là họ dâm ô và vô luân, theo như cách hành xử của một vài tôn giáo kỳ quặc tại đó. Nào họ kiện cáo nhau, đem chuyện hội thánh ra bên công đường để xử lý. Chưa kể họ sử dụng ân tứ để biểu diễn và suy tôn cá nhân, chứ không cho mục đích xây dựng chung. Khi dự tiệc thánh, có người không tham dự, còn người khác thì lợi dụng những dịp này để chè chén say sưa.
Điều tệ hại lớn lao hơn nữa là dường như họ sắp đánh mất những tín lý căn bản về sự hy sinh chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên cây thập tự; cũng như nghi ngờ về sự kiện phục sinh sống lại của Ngài.
Điều đau đớn tiếp theo là họ không còn tôn trọng các sứ đồ và tỏ ra xem thường thẩm quyền của chính sứ đồ Phao-lô, là người đã cưu mang và bỏ ra nhiều công sức để hướng dẫn họ.

Nếu bạn và tôi ở trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô, chúng ta sẽ phản ứng ra sao, sẽ nói gì với họ? Có lẽ chúng ta sẽ bất bình, thất vọng và không thể chờ đợi để tuôn ra bao lời phê bình gắt gỏng?
Thật ngạc nhiên thay, trong lá thư gởi từ thành phố Ê-phê-sô đến hội thánh tại Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô đã bắt đầu với lời bày tỏ tình thương tha thiết, niềm hy vọng cao độ, cũng như không ngớt lời cảm tạ Thiên Chúa vì hội thánh này, như thư I Cô-rinh-tô 1:1-4 có ghi lại như sau:
“Tôi là Phao-lô, theo ý Đức Chúa Trời được kêu gọi làm sứ đồ của Chúa Cứu Thế...
Kính gởi Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại thành phố Cô-rinh-tô...
Tôi luôn luôn tạ ơn Đức Chúa Trời vì anh chị em về những ân sủng Ngài ban cho anh chị em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu”
Với bao nhiêu chuyện làm xấu xa của họ như vậy, sứ đồ Phao-lô vẫn thấy được những ân sủng nào trong những con người này, để có thể ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa không thôi?
Tại sao sứ đồ Phao-lô có thể giữ được thái độ lạc quan trong khi họ có thật nhiều thói hư tật xấu như vậy?

Kính thưa quý thính giả,

Vì là một con người khiêm nhường đúng nghĩa, cho nên sứ đồ Phao-lô vẫn luôn luôn nhận ra nét đẹp ở nơi người khác, cho dù người đó trong hiện tại đang có nhiều tính xấu cần phải được thay đổi.
Sứ đồ Phao-lô vốn xuất thân từ một gia tộc quyền quý; bản thân là một người học rộng tài cao, nhiệt thành với Do-thái giáo, nghiêm khắc giữ gìn mọi luật lệ. Ông từng tin rằng với tài năng, đạo đức và đời sống kỷ luật nghiêm khắc của mình, ông chắc chắn xứng đáng với thiên đàng. Do tin như vậy, ông đã từng chối bỏ sự hy sinh chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu; ông đã từng tích cực đánh phá và khủng bố hội thánh của Ngài; cho đến khi Ngài đến với ông và biến đổi ông thành một con người hoàn toàn mới.
Khi so sánh mình với những tội nhân khác, sứ đồ Phao-lô luôn luôn tự nhận rằng: “ta là người nặng tội nhất” (I Ti-mô-thê 1:15).
Sứ đồ Phao-lô nhận biết, qua kinh nghiệm bản thân, với tội tự cao ỷ lại, với tội khủng bố đánh phá hội thánh, là “người nặng tội nhất”, mà Chúa Cứu Thế Giê-xu vẫn có thể tha thứ và ban ân sủng để biến đổi ông; thì Ngài cũng thừa sức để tha thứ và ban ân sủng để biến đổi những tội nhân khác.

Ông luôn luôn nhận ra ân điển của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong những con người đã bằng lòng tiếp nhận Ngài, như một bằng cớ chắc chắn rằng Ngài đang làm việc trên họ để thay đổi họ từng ngày, như lời thừa nhận tiếp theo trong những lời đầu thư, được ghi lại trong I Cô-rinh-tô 1:5 rằng: “Chúa đã ban ân tứ dồi dào cho anh em từ lời nói đến sự hiểu biết chân lý”.

Cho dù hiện tại, họ còn có nhiều thói hư tật xấu, nhưng dưới cái nhìn của một con người khiêm nhu nhún nhường, tràn đầy kinh nghiệm về quyền năng biến đổi và ơn thương xót của Chúa Cứu Thế Giê-xu, sứ đồ Phao-lô chẳng dám khinh dễ họ, chẳng hề xem tín hữu nào tại Cô-rinh-tô vào loại “hết thuốc chữa” hay đã “đành bó tay” cả.
Ông biết rằng biến đổi tâm tính một người là một tiến trình đòi hỏi thời gian và ông cũng tin chắc rằng, tiến trình đó sẽ hoàn tất thật mỹ mãn trong Chúa Giê-xu, như lời ông khẳng định rằng: “Chúa sẽ giữ vững anh em đến cuối cùng, làm cho anh em thành người trọn vẹn không bị khiển trách trong ngày Ngài trở lại” (I Cô-rinh-tô 1:8)
Một đời sống được Chúa Cứu Thế Giê-xu biến đổi trọn vẹn, sẽ thể hiện qua các chín mỹ tính sau đây: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã và tự chủ”.
Một người tin nhận Chúa Giê-xu, trong quá trình biến đổi hiện tại, rất có thể chưa hoàn toàn có được hết chín mỹ tính cao quý này, nhưng Mục Sư Charles Joseph Mahaney, tác giả của quyển sách “Humility - True Greatness” (xin tạm dịch là “Khiêm Nhường - Sự Cao Quý Thật”) có đề nghị, khi bạn và tôi nhìn vào một tín hữu, thay vì chỉ nhìn thấy toàn những thói hư tật xấu chưa được thay đổi của người đó, hãy tập nhìn để thấy và để nhận ra một vài mỹ tính mà người đó đã nhận được.

Chúng ta đang sống trong một thế giới dư dầy những dối gian và ô uế, do vậy người kiêu ngạo cũng chẳng khó nhọc gì để tìm thấy những “rác rến” ở nơi người khác. Thay vì “bới lông tìm vết”, hãy tập trung vào những ưu điểm để khuyến khích nâng đỡ nhau thì hơn, như sứ đồ Phao-lô có khuyên “Thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý; nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến” (Phi-líp 4:8)
Cô Hoàng Bích, phu nhân của cố Mục Sư Nguyễn Bá Quang, có viết lời cho bài thánh ca mang tựa đề “Nếu Khi Nào”, mà trong đó có những câu tôi rất thích và thuộc lòng. Những câu đó như vầy:


“Nếu ta nhìn mọi người mà không thấy mến thương,
Nếu ta thường ngờ vực và mất lòng tin...
Thì hôm nay ta nên thưa với Chúa Giê-xu,
Rằng lòng ta tràn đầy xấu xa kiêu ngạo.
Chúa trên trời nhìn vào lòng ai biết khẩn xin.
Biết khiêm nhường mời Ngài ngự xuống làm Vua”.


Quý thính giả thân mến,
Phao-lô là sứ đồ cao quý của Chúa Cứu Thế Giê-xu, vẫn luôn luôn nhìn thấy những nét đẹp ở nơi người đó, thì bạn và tôi là ai mà khi “nhìn mọi người mà không thấy mến thương”, mà dám khinh khi và chỉ thấy toàn tính xấu và khuyết điểm nơi người khác?

Ước mong quý vị sớm tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong tâm hồn, để được kinh nghiệm sự tha thứ cùng quyền năng biến đổi mỗi ngày cho chính mình, để cởi bỏ đi cái nhìn đầy kiêu ngạo và thành kiến với người khác, để trở nên khiêm nhường đến nỗi có thể luôn luôn nhìn thấy nét đẹp nơi người khác.
Dĩ nhiên, bên cạnh việc nhìn thấy những nét đẹp nơi các tín hữu tại Cô-rinh-tô; sứ đồ Phao-lô cũng thấy họ có những điều cần phải điều chỉnh và thay đổi.

Làm cách nào ông có thể giúp đỡ xây dựng họ trong một cách thức đầy khiêm nhu nhún nhường? Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong những lần tới.
Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri