Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, July 18, 2013

Bình An


  


Mỗi ngôn ngữ có một cách khác nhau để diễn đạt tư tưởng. Trong lời chào hỏi thông thường, người Trung Hoa hỏi đã dùng cơm hay chưa? Người Pháp, nếu chúng ta dịch nghĩa đen thì câu hỏi thăm là, "Đi đứng như thế nào?" Người Việt chúng ta hỏi có mạnh khỏe hay không. Người Do-thái và một số quốc gia ở Trung Đông thì lời chào là bình an hay chúc bình an. Bình an hay an bình là một trong những điều chúng ta cần nhất trên đời, nhất là trong những ngày mà thế giới dẫy đầy những xôn xao và bất an. Chúng ta thường hiểu bình an hay hòa bình là phản nghĩa của chiến tranh hay nói khác đi, hòa bình là tình trạng không chiến tranh, nhưng thực tế không nhất thiết như vậy vì có những nơi đang có chiến tranh mà người ta vẫn bình an và ngược lại, có những chỗ rất an bình nhưng con người vẫn bất an. Bình an vì vậy là một trạng thái của tâm hồn chứ không phải là hoàn cảnh.


Chữ "bình an" trong tiếng chào của người Do-thái chẳng những mang ý nghĩa an bình nhưng cũng nói lên ý niệm hòa hợp và hài hòa như hợp âm trong một khúc nhạc hay màu sắc của một bức tranh. Hài hòa, hòa nhịp với nhau, đó là hình ảnh đích thực của bình an hay hòa bình. Trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em sống hòa hợp với nhau, chúng ta có an bình. Tương tự như vậy trong mọi mối quan hệ giữa người với người. Mối quan hệ giữa con người chúng ta với Thiên Chúa cũng giống như vậy. Nếu tâm hồn, tư tưởng, đường lối của chúng ta hòa hợp với tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có hòa hợp và an bình. Ngược lại, chỉ có xôn xao và bất an. Trong kinh nghiệm chúng ta thấy rằng xôn xao và bất an là tình trạng thường xuyên của con người mà lý do là vì đường lối và nếp sống của chúng ta không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta. Chẳng những không phù hợp, chúng ta còn đi ngược lại và chống đối Thiên Chúa. Chúng ta tự đặt mình vào tư thế địch thù với Đức Chúa Trời. Chúng ta ở trong tư thế thù nghịch với Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết mà chúng ta là con người tội lỗi. Hai điều nầy không thể nào hòa hợp với nhau được như ánh sáng với bóng tối. Nếu có ánh sáng thì không có bóng tối và chỗ nào có bóng tối thì không thể có ánh sáng.

Con người vẫn ở trong tư thế nghịch thù với Thiên Chúa như vậy cho đến 2,000 năm trước, Chúa Giê-xu vào đời, mang hình hài thể xác của con người, chịu chết thế cho con người để giải hòa con người với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gọi Chúa Giê-xu là sự hòa bình của chúng ta. Nói như vậy nghĩa là Chúa Giê-xu đã giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời qua sự chết của Ngài. Những bộ lạc trong vùng Papua New Guinea thường hay tranh chiến với nhau và mỗi khi ngưng chiến họ thường bày tỏ thiện chí bằng cách mỗi phe trao đổi cho phe bên kia một đứa bé của bộ lạc mình. Về sau, nếu hai bộ lạc có đánh nhau, người ta sẽ dùng hai đứa bé đó để thương thuyết. Đứa bé trao đổi trong cuộc chiến ở Papua New Guinea gọi là "Em Bé Hòa Bình" hàm ý em bé tạo hòa bình hay em bé đem lại hòa bình. Khi Chúa Giê-xu giáng trần làm người 2,000 năm trước, Ngài chính là em bé hòa bình đó. Ngài giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời thánh khiết bằng cách mang tội và chịu chết thế cho chúng ta. Được giải hòa với Đức Chúa Trời rồi, chúng ta mới có hòa bình trong tâm hồn và có thể sống trong hòa bình, an lạc với chính mình và với mọi người.

Điều chúng ta cần nhất hiện nay là hòa bình, nói đúng hơn là an bình trong tâm hồn giữa những biến chuyển của thời cuộc. Chúa Giê-xu phán hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ ban bình an đó cho chúng ta. Chúa Giê-xu phán, "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi" (Phúc Âm Giăng 14:27). Bình an thật đến từ Thiên Chúa và chúng ta chỉ có bình an thật khi chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa. Con người vẫn tiếp tục ở trong tư thế thù địch với Thiên Chúa nếu không ăn năn, quay trở lại, nhận tội với Chúa để được Ngài thứ tha tội lỗi. Khi tội lỗi được tha thứ, chúng ta mới kinh nghiệm được bình an hay hòa bình với Ngài.

Có hai họa sĩ cùng vẽ bức tranh với chủ đề bình an. Họa sĩ thứ nhất vẽ cảnh một mặt hồ phẳng lặng, bầu trời trong xanh với đàn chim bay lượn. Họa sĩ thứ nhì thì vẽ một cảnh biển giông tố nhưng bên cạnh là một hốc đá kín đáo, trong hốc đá đó, một chú chim nhỏ đang hót vì được an toàn trong một hoàn cảnh đầy đe dọa. Đó là bình an thật.
Có ba điều quan trọng về bình an mà chúng tôi muốn thưa với quý vị hôm nay:

1. Bình an thật là bình trong tâm hồn không phải ngoại cảnh.

2. Chúa Giê-xu là sự bình an của chúng ta vì Ngài đã đến chịu chết thế vì tội lỗi của chúng ta để hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời.
3. Sở dĩ chúng tôi loan báo những điều nầy cho quý vị hôm nay là vì Lời Chúa dạy rằng "Chúa đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng tôi."
Vâng, Chúa đã "phó đạo giảng hòa cho chúng tôi và chúng tôi làm chức khâm sai của Chúa Cứu Thế, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Chúa Cứu Thế mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời" (Thư I Cổ-linh 5:18-20). Lý do duy nhất thúc đẩy chúng tôi loan báo tin mừng nầy là muốn thấy mọi người được hòa giải với Thiên Chúa và kinh nghiệm bình an của Ngài.

Người Trung Hoa hỏi thăm nhau đã dùng cơm chưa. Chúng ta hỏi thăm nhau có mạnh khỏe không. Người Do-thái khi gặp nhau cũng như khi từ giã đều nói shalom nghĩa là bình an. Đây cũng là tiếng chào mà những người con của Chúa thích chào nhau. Hôm nay chúng tôi cũng muốn gởi đến quý vị lời chào bình an tương tự. Bình an trong tâm hồn, bình an với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bình an đó sẽ canh giữ tâm hồn quý vị để chẳng những quý vị có thể sống một cuộc sống an lành nhưng cũng sống trong hài hòa và đem bình an thực sự đến cho mọi người.