Sài Gòn hai trăm năm mươi chợ, kể sao cho vừa. Trong thời khó khăn, kinh tế lạm phát, siêu thị, trung tâm thương mại đại diện cho phái “chợ ngoại” tràn lan, thì chợ Việt truyền thống với những món hàng để nấu cơm ba bữa, cây nhà lá vườn, tự sản tự tiêu đang bị co cụm. Trào lưu đưa hàng Việt về chợ đang được chú ý.
Tết ta, dạo chợ Việt, sắm món ngon truyền thống, nhớ chuyện đất lề quê thói, như một việc tất yếu.
Những ngôi chợ Sài Gòn xưa dưới đây có cái còn, nhưng cũng có cái đã đi vào dĩ vãng. Ngoài chợ Bến Thành ở khu trung tâm quen thuộc, chúng ta hãy “dạo qua” và ngắm lại một số chợ nổi tiếng khác, có cách nay trên nửa thế kỷ.
1. Chợ Cầu Ông Lãnh:
Từ bến ghe chành trở thành ngôi chợ vào năm 1872, đầu mối hàng thủy sản. Năm 1946, dẹp lò mổ heo, phát triển thêm chợ Cầu Muối, đầu ngành nông sản, biến đường Lò heo (đường Nguyễn Thái Học) thành bến xe.
Tháng 4/1999, chợ Cầu Ông Lãnh cháy rụi. Đến năm 2004, cả hai chợ bị giải tỏa để làm đại lộ bờ sông. Ông Lãnh có lẽ là Lãnh Binh Thăng, còn Cầu Muối là cầu chuyển muối từ ghe miền Trung chở vào.
Ra đời sau khi người Hoa từ Cù Lao Phố về đây lánh giặc Tây Sơn (1776). Ảnh này chụp đầu thập niên 1920. Địa danh Chợ Lớn phát xuất từ đây: ngôi chợ lớn nhất vùng… “Chợ Lớn”. Sau khi lập Chợ Lớn mới (Bình Tây) thì chợ này bị dẹp bỏ vì quá tải.
Biết chính quyền Chợ Lớn có ý định xây ngôi chợ mới để thay thế Chợ Lớn cũ đã quá chật chội, năm 1928, ông Quách Đàm, thương gia người Hoa, liền bỏ tiền ra mua một cuộc đất rộng nằm giữa kênh Tàu Hủ và rạch Bàng (đường Hậu Giang – Tháp Mười ngày nay), xây nên ngôi chợ Bình Tây đồ sộ (26.000m2, gấp đôi chợ Bến Thành), cấu trúc trệt – lầu, kiến trúc Đông phương nhưng thoáng đãng, tân kỳ.
Ông Quách Đàm hiến tặng ngôi chợ cho tỉnh, chỉ với điều kiện sở hữu dãy phố tự xây hai bên tả, hữu chợ, cũng trên đất mình mua, làm kinh doanh. Ông được đặt tượng trong chợ sau khi qua đời.
Dĩ nhiên, chính quyền đồng ý cái rụp, vì đâu phải bỏ ra xu nào, lại được thu thêm tiền thuế. Phần Quách Đàm, đã giàu lại giàu thêm, nhờ cho thuê phố chợ, vừa thơm danh làm nghĩa, lại được tiểu thương đội ơn (nên gọi là Chợ Quách Đàm).
Sau 1975, tượng đồng Quách Đàm bị hạ bệ, nhốt vào nhà kho. Sau đó, được đặc cách về Bảo tàng Mỹ thuật ở 67 Phó Đức Chính. Tiểu thương chợ Bình Tây góp tiền, làm lại tượng khác, đặt lại ở sân giữa tầng trệt, đêm ngày nhang khói.
Bình Tây, tên làng cũ. Trước 1990 là chợ đầu mối cho cả nước.
Đã gần một thế kỷ trôi qua, Sài Gòn vẫn chưa có ngôi chợ nào to đẹp hơn. Ta thấy bài toán “đi chợ” của Quách Đàm ngày xưa thật kinh… thế, đâu có “đa dại” như một số “đại gia” làm ăn kiểu chụp giựt, rơi vào ngõ cụt, đi từ teo tóp tới tiêu tùng, phá sản.
Chợ này không còn, ngày xưa, nằm ngay trên con đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm), ở vị trí vòng xoay tượng Phan Đình Phùng bây giờ. Năm 1954, Sài Gòn xây lại một chợ tôm cá, nhưng kiến trúc khá văn hóa, đó là chợ Hòa Bình (tên làng cũ).
Về sau có thêm chợ cá Trần Quốc Toản (đường 3/2, gần Nguyễn Tri Phương), chợ đã bị giải thể sau thời bao cấp.
Xây năm 1926. là chợ nhà giàu thời đó. Hai bên có bãi xe hơi, phía sau là bến xe ngựa (đường Mã Lộ). Rau. thịt tươi ngon sản xuất phía Gia Định đều chở về đây. Kiến trúc chợ đến nay không thay đổi nhiều, nhưng ngày xưa thoáng đẹp.
Chung quanh là những nhà vườn, đất còn thênh thang của làng cũ Tân Định. Bây giờ bí lối, sạp hàng, ki-ốt, quảng cáo tứ bề. Đi bên đường Hai Bà Trưng, chẳng ai còn nhìn thấy mặt tiền kiến trúc, đường nét tịnh tiến đặc thù của nó.
Chợ trung tâm của tỉnh Gia Định xưa, đã có từ đầu thế kỷ XIX. Kiến trúc chợ thuộc hạng bình dân, xây năm 1942. Thập niên 1900, vùng đất này nên thơ như bức tranh thôn dã: vườn cây, mái tranh, nhà ngói, ao sen đan xen giữa những lũy tre, khóm chuối, đường làng.
Tên chợ từ tên vùng đất, chưa rõ nguồn gốc Bà Chiểu. Có người cho rằng bà là một trong năm bà vợ của một lãnh binh thuộc triều Nguyễn, đã có sáng kiến chia vùng quản chợ. Bốn chợ còn lại là Bà Hạt, Bà Hom, Bà Quẹo, Bà Điểm. Còn theo Sơn Nam, “chiểu” là ao. Bà là nữ thần được thờ bên ao.
7. Chợ Gò Vấp:
Chợ đã có từ lâu, thuở dân cư còn thưa thớt. Sau 1954, người Bắc di cư vào ở vùng này thì chợ mới phát triển, cùng thời với các chợ hương vị Bắc khác, như Xóm Mới, Ông Tạ, Bùi Phát…
Chợ Thủ Đức có sau hành trình xuôi về phương Nam của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thế kỷ XVII. Người lập ra chợ này vốn là một thương gia người Hoa bỏ nước ra đi sau khi phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại.
Về nhân vật lịch sử có liên quan, ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu xưa và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức.
Tạ Dương Minh là tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức. Tản Đà thích thú khi đến ăn nem Thủ Đức và tắm suối Xuân Trường (thập niên 1930). Ông về Bắc, gởi thơ vào Sài Gòn: “Thủ Đức – Xuân Trường khách vắng đông/Ngồi nhớ người xa thêm nhớ cảnh/ Xa xôi ai có nhớ nhau cùng…”
Vùng này xưa nhiều rừng, cọp dữ. Canh ba, canh tư, dân gánh nông sản về Bến Nghé bán phải đi thành đoàn, đốt đuốc chống cọp.
Đây là vùng canh tác cau, trầu cuối cùng của 18 Thôn Vườn Trầu. Bà Điểm là chợ đầu mối trầu, cau cho Lục tỉnh từ thế kỷ XIX cho đến cuối thập niên 1980. Giữa thập niên 1990 vẫn còn bến xe ngựa.
Theo một nhà nghiên cứu, Bà Điểm là vợ của một lãnh binh. Một tư liệu khác thì bảo là người đã giúp Trương Định đánh Pháp (1861), còn theo TS. Lê Trung Hoa, bà là chủ quán bán nước chè ở vùng này.
Thập niên 1990, đã có dự án bảo tồn khu nhà vườn Bà Điểm. Tiếc rằng nói mà không làm, nay vườn trầu bán đất phân lô, chia ô hết rồi!
Bức ảnh này cho ta thấy cảnh chợ Bà Điểm trăm năm trước (1910). Đường trước chợ đã quy hoạch cốt lề. Có đèn đường nhưng còn là trụ đèn thắp dầu (nay là góc Phan Văn Hớn – Phan Văn Đối). Hai bên đường nhiều nhà ngói, đi lại chỉ có xe bò và ngựa…
TAM THÁI
Doanh Nhân Sài Gòn