Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, July 18, 2013

Cậu bé “hạt tiêu” giành 3 giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật


Với đề tài “Băng tải tự xúc”, em Nguyễn Văn Hoan đến từ Bắc Giang đã gây ấn tượng mạnh trong cuộc thi Intel ISEF quốc gia năm 2013. Một mình “ẵm” hai giải thưởng của nhà tài trợ và giải Nhì chung cuộc, cậu học sinh lớp 9 cao 1,4m này khiến nhiều người trầm trồ.
Là một trong số ít các thí sinh tham gia đua tài tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (Intel ISEF) khi đang học THCS, cậu học trò Nguyễn Văn Hoan gây ấn tượng mạnh cho Ban giám khảo (BGK) chấm thi ngay từ vòng sơ tuyển đầu tiên. Một thành viên của BGK cho biết: “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự bình tĩnh, tự tin trình bày ý tưởng đề tài “Băng tải tự xúc” của em Hoan. Mặc dù cuộc thi dành cho các em học sinh khối THCS và THPT, tuy nhiên phần lớn là các em đang theo học lớp 11 dự thi và thi thành nhóm 3 người. Với Hoan, một mình một đề tài và lại đang là học sinh lớp 9 nhưng rất “bản lĩnh” tham gia thi cùng các anh chị lớp trên”.
Cậu bé "tí hon" Nguyễn Văn Hoan (giữa) cùng các anh chị lớp trên lên nhận giải thưởng của Ban tổ chức.
Cậu bé “tí hon” Nguyễn Văn Hoan (giữa) cùng các anh chị lớp trên lên nhận giải thưởng của Ban tổ chức.
Với chiều cao chưa đầy 1,4m và cân nặng hơn 30kg, Nguyễn Văn Hoan được mọi người gọi bằng cái tên “tí hon” hay “hạt tiêu” tại cuộc thi Intel ISEF quốc gia lần này. Ba lần lên nhận giải trong đó có 2 giải của nhà tài trợ và giải Nhì chung cuộc, cậu học trò lớp 9 này chiếm khá nhiều tình cảm từ phía mọi người. Gương mặt sáng, nhanh nhẹn, cậu bé “hạt tiêu” như vỡ òa trong niềm hạnh phúc lên nhận giải.
Thầy giáo Nguyễn Phương Tuấn – hiệu trưởng Trường THCS Quang Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), cũng là người đưa cậu học trò nhỏ của mình đi thi đã không giấu được niềm vui: “Bản thân tôi cũng như toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường vô cùng hạnh phúc khi đề tài của Hoan được BGK đánh giá cao”.
Thầy Tuấn cũng cho biết thêm, khi hai thầy trò lên Hà Nội dự thi, nhiều các thầy cô giáo của các trường khác có đùa “Học sinh của thầy bé quá, lại có một mình không biết sẽ tạo sự bất ngờ như thế nào trong mùa thi năm nay”.
“Lúc đó tôi chỉ cười nhưng trong lòng rất tin tưởng đối với học sinh của mình và chính em Hoan đã chứng minh được điều này” – thầy Tuấn chia sẻ.
Ý tưởng đến từ thực tế của cuộc sống
Kể về đề tài dự thi của mình, Hoan cho biết: Đề tài của em là “Băng tải tự xúc” gồm 2 phần là “băng tải” và “gầu xúc”. Phần băng tải có dây băng, con lăn và muốn băng tải hoạt động thì cần có một mô tơ để dây băng hoạt động theo. Hệ thống gầu múc gồm nhiều gầu múc kết cấu thành chuỗi liên hoàn có thể làm những việc thay con người để xúc cát.
Đề tài này xuất hiện trong đầu em khi trong thực tế em nhìn thấy bố mẹ phải vất vả đi làm thuê xúc cát đầy lên xe ô tô mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao. Vốn yêu thích các môn học tự nhiên đặc biệt là Vật lí, Hoan đã tự mày mò thử “chế tạo” các chi tiết để ghép thành “chuỗi” hoạt động theo ý tưởng ban đầu đặt ra, em đã nhận được sự ủng hộ và trợ giúp từ phía các thầy cô giáo trong nhà trường.
Cậu bé Hoan giới thiệu cho khách tham quan...
Cậu bé Hoan giới thiệu cho khách tham quan…

... về công dụng của "Băng tải tự xúc".
… về công dụng của “Băng tải tự xúc”.
Bắt đầu tham gia cuộc thi “Sáng tạo” cách đây 2 năm, Hoan đã từng được giải 3 với mô hình “Ô tô đa năng” và giải Nhì với mô hình “Cần cẩu đa năng”. Tích hợp những kinh nghiệm từ những “chế tạo” trước, lần này với mô hình “Băng tài tự xúc” em đoạt giải Nhất tỉnh Bắc Giang và được chọn đi thi quốc gia.
Hào hứng khoe những “cải tiến” em sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện, Hoan nói: “Với “Băng tải tự xúc”, em sẽ cố gắng thêm các chi tiết để nó có nhiều chức năng hơn, đó là làm thêm hệ thống rửa cát và gạt cát để nó hoàn thiện và giúp ích cho người lao động được nhiều việc hơn”.
Giành giải Nhì chung cuộc cuộc thi Intel ISEF quốc gia năm 2013, Hoan cho biết đây là là động lực để em tiếp tục “nghiên cứu” một số đề tài mà em đã nghĩ. Trái với vẻ bề ngoài “tí hon”, Nguyễn Văn Hoan ấp ủ nhiều dự định sẽ thực hiện trong tương lai gần với mong muốn “làm ra máy móc để thay sức lao động của con người và đạt hiệu quả cao hơn”.
Dự kiến Nguyễn Văn Hoan sẽ là nhân vật "tiềm năng" ở cuộc Intel ISEF các năm kế tiếp.
Dự kiến Nguyễn Văn Hoan sẽ là nhân vật “tiềm năng” ở cuộc Intel ISEF các năm kế tiếp.
Theo đánh giá của BGK, cậu bé “hạt tiêu” Nguyễn Văn Hoan có tiềm năng nghiên cứu khoa học. Nhiều kiến thức mặc dù em chưa được học nhưng vẫn nỗ lực tìm tòi, học hỏi từ các nguồn ở trên Internet. Em sẽ tiếp tục có cơ hội để dự thi ở các kỳ thi của những năm tiếp theo.
“Đối với người lớn thì đề tài của em Hoan không có gì đáng nói vì chúng ta vẫn nhìn thấy “băng tải tự xúc” hàng ngày. Tuy nhiên điều mà các thành viên BGK tâm đắc nhất đó là em tự học hỏi, tự làm và nghiên cứu. Thầy giáo chỉ có vai trò hướng dẫn thêm cho em mà thôi. Với cuộc thi Intel ISEF thì đây là vấn khâu được đánh giá cao nhất” – thầy Tuấn, thành viên BGK cuộc thi chia sẻ về đề tài của Hoan.
Theo dantri.com.vn