Kiến trúc sư người Việt chủ trì xây lăng mộ lừng danh thế giới cho Vua Ma-rốc
Có dịp ghé thủ đô Rabat, tôi càng ngỡ ngàng hơn khi biết công trình kiến trúc có tầm vóc thế giới này do một người Việt Nam đầy tài hoa là kiến trúc sư Eric Võ Toàn thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Và thật may mắn khi tôi được con trai của ông kể lại toàn bộ câu chuyện.
Cơ duyên hiếm có
Suốt thập niên 50 của thế kỷ trước, kiến trúc sư Eric Võ Toàn có lẽ là một trong những người Việt nổi tiếng nhất trên bình diện quốc tế trong lĩnh vực này, nhờ tài năng cùng hàng loạt giải thưởng danh giá mà ông đạt được. Tên thật là Võ Toàn Công, chàng thanh niên Eric Võ Toàn từ sớm đã phát lộ niềm đam mê cùng năng khiếu đặc biệt về ngành kiến trúc từ những năm tháng còn ở Sài Gòn. Tuy nhiên, cuộc sống quá đỗi chật vật khiến ước mơ xây dựng các công trình tại đất nước của ông sớm dang dở. Chưa kịp lấy được tấm bằng tú tài, Eric Võ Toàn phải lên tàu sang Pháp vào năm 1945 để giảm bớt nỗi cực nhọc cho gia đình 8 miệng ăn. Lênh đênh suốt nhiều ngày trên biển, chấp nhận nỗi tủi cực với bao mồ hôi đổ xuống cùng công việc làm thuê trên tàu viễn dương đầy vất vả, Eric Toàn đặt chân lên nước Pháp vào năm 1946. Thông qua sự giúp đỡ của một vài người bản địa tốt bụng, ông xin được lưu trú lại ở thành phố Paris và một lần nữa, ước mơ được thiết kế, xây dựng những công trình trong Eric Võ Toàn lại cháy bỏng.
Ước nguyện chưa thành của vị kiến trúc sư tài hoa yêu nước
Eric Võ Toàn ra đi mãi mãi vào năm 2004, khi ông còn chưa kịp thực hiện ước mơ trở về cố quốc. Vo Toàn Jean – Marie nói rằng, cha ông rất muốn trở lại để tìm hiểu cách xây lăng mộ của người Việt, nhằm xây một công trình lớn như cách “báo đáp” quê hương. Ước nguyện đó đến nay vẫn không thành, khi chính bản thân Vo Toàn Jean – Marie, dù đã hai lần trở lại Việt Nam, vẫn chưa thể khám phá được nghệ thuật xây lăng mộ của các bậc tiền nhân. Ông bảo: “Tôi cũng đã có tuổi, nhưng rất muốn quay lại Việt Nam để giúp cha thỏa nguyện. Đó, cũng là cách để ông yên nghỉ nơi suối vàng sau cả cuộc đời đau đáu”.
Thời gian đầu tại thành Paris hoa lệ, ước mơ ấy của ông gặp nhiều gian khó bởi cái sự trục trặc “không bằng cấp”. Ông đành gác lại những hoài bão, dành thêm thời gian cho nghiệp sách đèn. Vừa học vừa làm, Eric Võ Toàn cuối cùng cũng thỏa nguyện, khi thi đậu vào trường Mỹ thuật Paris danh tiếng. Nhiều người quen biết lúc đó bảo ông may mắn, bởi nếu không phải vì nước Pháp đang rất cần kiến trúc sư phục vụ quá trình tái thiết sau Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, thì rất khó để một thanh niên châu Á nhập cư, vừa chân ướt chân ráo đến Paris có cơ hội vào được trường đại học danh tiếng này. Eric Võ Toàn hiểu vận may đó nên càng quyết tâm hơn “nắm bắt” thời cơ khẳng định mình. Suốt thời gian theo học tại trường Mỹ thuật Paris, Võ Toàn trở thành một trong những sinh viên suất sắc nhất.
Năm 1954, ông thậm chí đã có cơ hội nhận giải thưởng Roma, giải thưởng danh giá nhất về kiến trúc. Tuy nhiên, biến cố lịch sử xảy ra trùng thời điểm này đã làm mọi chuyện bị đảo lộn. Vo Toàn Jean-Marie, con trai của vị kiến trúc sư tài hoa kể lại: “Khi đó, thực dân Pháp vừa hứng chịu thảm bại trên chiến trường Đông Dương sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì áp lực dư luận, chính quyền Pháp không muốn một người Việt nhận được giải thưởng cao quý này. Một số người trong Hội đồng trao giải yêu cầu cha tôi nhanh chóng nhập quốc tịch Pháp, nhưng ông từ chối vì lòng tự hào dân tộc”. Cũng vì sự “ngoan cố” này, Eric Võ Toàn không những không được nhận giải thưởng kiến trúc danh giá mà thậm chí không thể kiếm nổi việc làm tại Pháp.
Không có “đất dụng võ” tại đất nước hình Lục Lăng, nhưng cơ hội lại bất ngờ mở ra trước mắt Eric Võ Toàn khi ông có dịp đến Ma-rốc. “Năm 1961, cha tôi đến Rabat thiết kế gian hàng triển lãm của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế Casablanca. Khi Vua Ma Rốc là Hassan II đi thăm quan các gian trưng bày, ngài đã bị chinh phục hoàn toàn bởi gian hàng mà ông thiết kế”, Vo Toàn Jean -Marie kể lại. Sau ấn tượng ban đầu này, nhà vua đã lập tức yêu cầu được gặp Võ Toàn và nhờ ông làm gì đó để tưởng niệm vị Vua cha Mohammed V của mình vừa mới qua đời. Ở vào thời điểm đó, trên đồng tiền 5 Dirhams (đơn vị tiền tệ của Ma rốc) có in hình tháp Hassan nhưng phía trước ngôi tháp này có một bãi đất trống. Không cần suy nghĩ, Eric Võ Toàn đề xuất: “Xin Đức vua hãy đưa cho tôi tờ 5 Dirhams, tôi sẽ ngay lập tức đưa cho ngài thứ mà ngài cần”. Trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, Võ Toàn đã hoàn thành bản vẽ cho Lăng mộ vua Mohammed V, trong sự tán thưởng và kinh ngạc của cua Hassan II. Cơ duyên gặp gỡ tình cờ ấy dẫn Eric Võ Toàn đến đến cơ hội thể hiện tài năng hiếm có của mình.
Kiến trúc sư Eric Võ Toàn
Kỳ quan để đời
Vài tháng sau khi bản vẽ chi tiết được Hoàng gia Ma-rốc chấp thuận, Eric Võ Toàn chính thức được bổ nhiệm làm Tổng công trình sư chủ trì toàn bộ việc thi công Lăng mộ vua Mohammed V. Là người hết sức cẩn thận và chu đáo, Võ Toàn đã tự mình tuyển lựa hơn 400 người thợ thủ công địa phương để cùng làm việc trong suốt 14 năm ròng rã, nhằm tạo nên một công trình có giá trị trở thành biểu tượng của thủ đô Rabat nói riêng, niềm tự hào của Ma-rốc nói chung. Vo Toàn Jean-Marie, người hiện nay cũng sinh sống tại Rabat và nối nghiệp kiến trúc sư của cha mình, nhớ lại: “Nhiều lúc đổ bệnh vì làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt nơi công trường, nhưng ông vẫn gắng gượng để mỗi phần việc của công trình hoàn thành một cách tuyệt mỹ nhất và đúng tiến độ. Từng chi tiết trang trí, từng phiến đá…đều được ông đích thân lựa chọn nhằm tạo nên một kỳ quan mà cho đến ngày nay, chính người dân bản xứ cũng phải kinh ngạc khi có dịp tham quan trực tiếp”.
Được tham quan lăng mộ, tôi nhận thấy người con của Eric Võ Toàn không quá lời khi đưa ra nhận định trên. Vị kiến trúc sư tài hoa năm xưa thực sự đã làm nên một công trình lừng danh thế giới. Bên ngoài, lăng mộ được xây bằng đá cẩm thạch Italia màu trắng vận chuyển qua đường biển. Bao phủ toàn bộ công trình là phần mái nhà hình kim tự tháp màu xanh lá cây – màu sắc truyền thống của quốc gia nằm bên bờ Đại Tây Dương. Bên trong, những bức tường được điêu khắc hoạ tiết, thư pháp bằng tiếng Ả Rập hết sức tinh xảo và đầy màu sắc. Đa số các chi tiết đều được các nghệ nhân thực hiện bằng tay hết sức cẩn thận và tỉ mỉ.
Theo yêu cầu của vua Hassan II, Eric Võ Toàn cũng cho lát toàn bộ nền bằng đá xám nhập khẩu từ Italia. Giá loại đá thượng hạng này không hề rẻ, lên đến 800 USD mỗi viên, toàn bộ đều do chính tay ông tuyển chọn. Bên trong lăng mộ có rất nhiều chi tiết trang trí chạm khắc bằng vàng và đồng hết sức tinh vi. Cầu thang dẫn đến phòng đặt thi hài của vua Mohammed V được thiết kế bao quanh để khách tham quan có thể quan sát toàn bộ khu bên trong lăng mộ. Thi hài của vua Mohammed V được đặt ở chính giữa trên nền đá cẩm thạch màu xanh. Ở hai góc phòng còn có hai áo quan bằng đá cẩm thạch trắng, một của Hoàng tử Moulay Abdallah (con trai của vua Mohammed V). Khi cẩn trọng xem xét toàn bộ công trình kiến trúc kỳ vĩ này, nhiều chuyên gia đã nhận định nó là kỳ quan xa hoa nhưng cũng là kiến trúc đẹp nhất trong suốt chiều dài lịch sử Ma-rốc.
Thành công rực rỡ ấy đã giúp Eric Võ Toàn trở thành một “thần tượng” tại đất nước Bắc Phi xa xôi. Ông hầu như định cư luôn tại thủ đô Rabat và các thế hệ sau này của vị kiến trúc sư tài hoa cũng tiếp nối nghề nghiệp, lẫn lòng tự hào là người con đất Việt từ người cha. Thật đáng quý biết bao, khi giữa thủ đô Rabat, người con trai Eric Võ Toàn đến ngày hôm nay vẫn giữ tục lệ cổ truyền của người Việt như gói bánh chưng dịp Tết. Có được điều ấy, là nhờ Eric Võ Toàn vẫn luôn giáo dục các con, cháu về tình yêu quên hương đất nước, niềm tự hào được sinh ra mang dòng máu Lạc hồng. Câu chuyện về ông, người con làm rạng danh Việt Nam trên xứ người, bởi thế sẽ còn là tấm gương sang truyền mãi cho thế hệ mai sau.
.