Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, July 18, 2013

Tác hại của lòng cay đắng


bi_bitterness
Gìn giữ ân sủng Chúa


Mọi điều chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời chỉ là nhờ ân điển. Nếu anh chị em khó hiểu từ “Ân điển” vì đó là một từ cổ và ít dùng trong tiếng Việt hiện đại, thì hãy hiểu đơn giản là món quà Chúa ban, là ơn Chúa làm cho chúng ta tùy theo lòng nhân từ và thương xót của Ngài chứ không phải tùy theo công đức của chúng ta.
8 Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. 9 Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; - Ê-phê-sô 2:8-9

Chỉ có thể lấy đức tin để nhận được ơn của Chúa. Nhưng chính vì lúc đầu chúng ta không ai có đức tin vào Đức Chúa Trời cả, cho nên Chúa phải ban cho đức tin để nhận được ân điển của Ngài. Chúng ta nhận đức tin là khi chúng ta mở lòng lắng nghe và tiếp nhận Lời giảng Tin lành về Chúa Jê-sus, rồi có được đức tin cứu rỗi để nhận được sự cứu rỗi.
Từ đó cho đến bây giờ cũng vậy, mọi điều khác chúng ta tiếp tục nhận được từ Chúa cũng là nhờ chúng ta liên tục được tiếp thêm đức tin mới để nhận những phước mới (ân điển mới). Đức tin chữa lành, giúp chúng ta nhận được ơn phước Chúa chữa lành. Đức tin vào sự che chở, giúp chúng ta được ơn phước có cuộc sống bình an. Đức tin vào sự chúc phước của Đức Chúa Trời Cha mình sẽ cho chúng ta nghị lực và sức phấn đấu để cuối cùng sẽ đạt được đời sống dư dật và thỏa nguyện.
Chúng ta vẫn thường nhắc đức tin là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là mục đích mà đức tin chúng ta hướng đến, là để với tới ân điển của Đức Chúa Trời. Còn được ơn Chúa, còn có được ân điển, thì chúng ta mới còn được sự thương xót, có sự sống đầy trọn với phước hạnh tươi mới. Vì ân điển còn đặc biệt tuyệt vời ở chỗ là ơn ban cho chúng ta ngay cả khi chúng ta không xứng đáng.
Xin nhắc lại là ơn đó không tiền nào, không việc công đức nào, không cớ khoe mình nào có thể mua được, đơn giản vì chẳng ai có thể mua chuộc được Đức Chúa Trời. Nhưng Chúa thì nhìn thấy lòng chúng ta và Ngài ban ơn cho người nào biết hết lòng khiêm nhường tin cậy.
Vậy thì chúng ta phải hết sức gìn giữ để luôn được ơn trước mặt Chúa, để ân điển Ngài tiếp tục tuôn đổ xuống đời sống chúng ta. Nếu không đời sống chúng ta sẽ khô hạn, sẽ loanh quanh trong sa mạc.
Ở đây chúng ta nói đến sa mạc mà những người dân Y-sơ-ra-ên đã phải lạc lối vào đó, khi họ đánh mất ơn trước mặt Chúa, và Ngài không muốn để cho họ vào đất hứa nữa. Đó là cách nói hình bóng chỉ về sự loanh quanh khô hạn trong đời sống một cơ-đốc nhân nếu cứ để tính xác thịt làm chủ mình mà chống nghịch lại ý định tốt lành của Chúa.

Nguyên cớ bị mất ơn

Một nguyên nhân chính khiến con người bị mất ơn trước mặt Chúa được nhắc rõ trong sách Hê-bơ-rơ thuộc Tân Ước, để dạy những người tin Chúa Jê-sus biết coi chừng mà giữ mình.
14 Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Ðức Chúa Trời. 15 Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Ðức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng. - Hê-bơ-rơ 12:14-15
Câu 15 trong bản dịch 2002 được dịch thành ngôn ngữ hiện đại như sau: “Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời, đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người.”
Hãy coi chừng! Kẻo ai đó sẽ trượt mất ân điển. Có thể vẫn có đức tin, vẫn vươn lên Chúa, nhưng bị hụt, bị trượt mà không nắm tới được đích, là ân sủng của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ phải coi chừng, sẽ phải thận trọng, có phải không?
Đừng để rễ cay đắng mọc ra! Đấy là điều chúng ta phải coi chừng, phải thận trọng.
Rễ cay đắng là những điều cay đắng trong lòng người, khi nó đâm rễ vào tư tưởng một con người. Khi lòng người, tức là tư tưởng trong lòng bị cay đắng, thì lời nói tuôn ra cũng cay đắng, và làm ô uế nhiều người khác. Tức là người vô tình nghe qua cũng bị tác hại của sự ô uế đó, còn ai cứ cố tình để ý nghe nhiều, thì cũng bị nhiễm độc theo luôn.
Hãy xem lại đoạn 12 này đang nói về điều gì, vì lời Chúa trong Kinh thánh không thể lấy ý riêng mình mà giải nghĩa được. Và khi đọc chúng ta phải đọc câu Kinh thánh trong cả ngữ cảnh của đoạn văn, để tìm hiểu ý định ban đầu mà tác giả (là Đức Thánh Linh cảm động con người viết ra) muốn truyền đạt cho chúng ta. Loài người nghe nhau nói chuyện đời mà vẫn còn hiểu nhầm, nữa là nghe lời của Đức Chúa Trời nói về những vấn đề thuộc linh.
Đoạn 12 này những câu trên đó đang nói về sự sửa dạy của Đức Chúa Trời. Vì Chúa Cha yêu chúng ta thì Ngài vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài (câu 10). Ai mà đã là con Chúa hoàn thiện rồi chẳng cần sửa dạy?
11 Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.
Cũng như khi chịu roi vọt của cha mẹ mình, chẳng ai vui cả. Thì khi chịu sửa phạt của Cha thiên thượng, cũng buồn bã chứ chẳng vui thích gì. Nhưng, về sau, hãy nhắc lại, về sau sẽ sanh ra bông trái công bình và bình an cho những ai chịu, xin nhắc lại, ai chịu, sự rèn tập này.
Còn những ai không chịu rèn tập thì có câu thành ngữ nào? “Cá không ăn muối cá ươn...”

Coi chừng rễ đắng

bitterness
Vậy thì không phải tình cờ mà Lời Chúa câu trước nói về sự sửa phạt nhằm mục đích khiến chúng ta nên trọn vẹn hơn, nên thánh hơn, và câu sau nói tiếp về việc chúng ta phải canh giữ, coi chừng đừng để lòng mình nảy ra sự cay đắng. Vì con người rất dễ cay đắng khi làm sai để phải chịu sửa phạt.

Người ta có thể cay đắng khi không được che chở bình an, khi vẫn làm các công việc đen. Có thể cay đắng khi không nghe lời khuyên răn mà vội vã làm hỏng việc. Có thể cay đắng vì không ai tôn trọng mình, khi mình vẫn luôn nghĩ xấu về người khác. Có thể cay đắng vì không may mắn trong bán hàng, trong khi không chịu học những kỹ năng giao tiếp tối thiểu v.vv. Có phải là chỉ trẻ con mới mắc không hay cả người lớn nữa?
Rất nhiều cơ-đốc nhân bị ô uế bởi sự cay đắng, là điều đã đẩy xa họ khỏi bàn tay cứu giúp của Đức Chúa Trời. Vì cay đắng khiến con người nhận thức sai lầm, không hiểu ra đâu là nguyên nhân thật của mọi khó khăn đau khổ của mình, và họ oán trách Chúa.
Anh chị em thân mến, đã đến lúc chúng ta phải trưởng thành lên để trốc tận rễ sự cay đắng khỏi lòng mình, nếu không nó sẽ ô uế và đầu độc chúng ta, mở cửa để sự rủa sả ập đến.
Ai đọc Kinh thánh cũng đều ấn tượng bởi câu chuyện A-đam và Ê-va. Sau khi họ phạm tội chống lại Lời Chúa răn dạy họ, họ đã mất sự sống, địa vị, nơi ở,... tóm lại là tất cả mọi phước hạnh siêu nhiên đến từ ân sủng của Chúa cho họ từ khi sáng thế. Nhiều người đọc những lời Chúa nói về sự rủa sả đến cả trong thế gian, cả trong đời sống hai vợ chồng A-đam và Ê-va, mà tưởng rằng đó là Chúa rủa sả con người, và họ cay đắng vì sự hiểu lầm đó. Cũng giống vậy họ sẽ cay đắng khi phải nghe những câu Kinh thánh động đến chính cội rễ nan đề của mình, nhắc bảo về hậu quả.
Không phải vậy anh chị em ơi, hãy đọc đó như là lời cảnh báo của người Cha và cũng là Chúa tể toàn năng, báo cho con cái loài người về những sự rủa sả sẽ đến. Đừng quên là chính Chúa đã lập ra mọi định luật cả vật lý và tâm linh để thế gian này nhờ đó mà tồn tại, và khi thấy con người vi phạm định luật đó, thì Ngài báo trước hậu quả sẽ xảy ra mà thôi. Nghịch lửa sẽ bỏng tay, cha mẹ chúng ta có cảnh báo nhưng khi chúng ta không nghe mà thò tay vào lửa, và vừa bị đau vừa bị cha mẹ trách móc, lúc đó chúng ta sẽ giận ai?
Tất nhiên, còn rất nhiều trường hợp khác nữa điều xấu xảy ra cho chúng ta không phải vì lỗi chúng ta, không đến mức phải để Đức Chúa Trời sửa dạy. Nhiều chuyện ác xảy ra chỉ vì thế gian này còn nằm trong tội lỗi, phục dưới tay kẻ ác. Ma quỉ ném đá giấu tay, sau đó chĩa mũi dùi sang Chúa, không được thì chĩa sang những người lân cận. Nếu không cảnh giác thì chính chúng ta sẽ bị nó kích động và trở thành công cụ. Và sự cay đắng thật sự tác hại, vì nó khiến con người mất đi khả năng nhìn nhận đúng nguyên nhân của mọi việc đã xảy ra cho mình.

Sự cay đắng mù lòa

Trong sách Ru-tơ đoạn 1 có kể lại sai lầm của gia đình Na-ô-mi, đã vì lợi nhất thời mà bỏ lại quê hương mình, là miền đất mà Chúa đã hứa ban phước và gìn giữ. Kết quả việc họ chạy đến miền đất khác là gia đình tan hoang, chồng và hai con trai đã mất.
Người ta thấy câu chuyện đó có hàm ý dạy con cái Chúa cũng không được bỏ Hội thánh và sự nhóm lại thờ phượng, là nơi mà Đức Chúa Trời đã định để gặp và ban phước cho thần dân của Ngài. Ai đi ra ngoài lãnh thổ được che chở, người đó ra giữa lộ thiên cho mọi sự rủa sả vẫn thường tấn công thế gian.
Nhưng trong cơn cay đắng, Na-ô-mi đã không nhận ra sai lầm của mình, đến nỗi kết tội Đức Giê-hô-va.
Ru-tơ 1:13 chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Ðức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ.
Ru-tơ 1:20 Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Ðấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm.
Điều nữa chúng ta thấy qua các câu chuyện Kinh thánh ghi lại, là khi người ta cay đắng thì buộc tội người khác, đặc biệt là những người lãnh đạo về những thất bại
1 Sam-mu-ên 30:6 Ða-vít bị sự hoạn nạn lớn, vì dân sự toan ném đá người, bởi hết thảy đều có tâm hồn đầy cay đắng, vì cớ mất con trai và con gái mình. Nhưng Ða-vít được sức mạnh nơi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời mình.
Trong khi dân sự cay đắng vì tai họa xẩy đến không do lỗi của họ, và phản ứng một cách sai lầm là buộc tội người lãnh đạo mình, thì Đa-vít vẫn phân biệt được ai là kẻ thù chính. Dù suýt bị dân sự ném đá chết, ông đã tìm đến Chúa để được hỗ trợ sức mạnh tinh thần, và ngay sau đó nhận ý chỉ dẫn của Chúa để trỗi dậy được mà đuổi theo kịp và đánh tan kẻ thù, giải phóng người thân và lấy lại hết những gì đã bị cướp.
Gióp cả đời công bình, nhưng cũng đã nói những lời cay đắng khi hoạn nạn. Những lời đó là những lời phàn nàn không đáng nói, không đáng nghe, nhưng ông đã nói khi không cầm giữ nổi lòng mình, và cũng chính vì những lời đó lần đầu tiên trong đời ông đã bị Chúa khiển trách, phải ăn năn với Ngài.
Gióp 7:11 Bởi cớ ấy, tôi chẳng cầm miệng tôi; Trong cơn hoạn nạn của lòng tôi, tôi sẽ nói ra; Trong cay đắng của linh hồn tôi, tôi sẽ phàn nàn.
Gióp 9:18 Ngài không để cho tôi hả hơi; Nhưng Ngài khiến tôi no đầy sự cay đắng,
Gióp 10:1 Linh hồn tôi đã chán ngán sự sống tôi; Tôi sẽ buông thả lời than thở của tôi, Tôi sẽ nói vì cơn cay đắng của lòng tôi.
Trường hợp của Gióp cũng như nhiều trường hợp khác trong Kinh thánh và trong đời sống những người yêu mến Chúa và muốn giữ lòng tin kính, nhưng vẫn gặp sự tấn công của ma quỉ là kẻ dỗ dành cả thế gian, là kẻ kiện cáo (kết tội vô cớ) anh chị em. Hãy giữ lòng mình không để cho rễ đắng đâm ra, mà phá vỡ mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Sự cay đắng phá hoại

1-shouting-bitterness-naikos-n
Sự cay đắng lẻn vào trong lòng Ca-in khi của lễ anh ta dâng không được Chúa nhận, vì anh ta dâng những điều trái với gì Ngài đòi hỏi. Nhất là khi thấy em mình là A-bên lại được Chúa nhận của lễ, thì sự cay đắng càng giục lòng tranh cạnh. Đức Chúa Trời nhìn thấy lòng Ca-in và cảnh báo rằng tội lỗi đang rình đợi anh ta, và anh ta phải cai trị nó, cũng giống như Lời Ngài dạy trong câu Kinh thánh mà chúng ta đang học – hãy coi chừng rễ đắng trong lòng.

Và chúng ta cũng phải vô cùng cẩn thận cảnh giác với những con người vì lý do này khác đã bị nhiễm cay đắng đến mức chủ động dùng những lời cay đắng để phá hoại người khác.
Thi thiên 64:3-4 Chúng nó đã mài lưỡi mình như thanh gươm. Nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng, Ðặng từ nơi kín giấu bắn vào kẻ trọn vẹn; Thình lình chúng nó bắn đại trên người, chẳng sợ gì.
Khi sự cay đắng nuôi dưỡng trong lòng, không dám nhìn nhận sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, mà cố tình nhắm mũi tên đổ lỗi cho người khác, sẽ là một trong những nguyên nhân chính gây chia rẽ và tranh cạnh. Phá vỡ tình thân, không thương xót tình cốt nhục, chia rẽ và tàn phá những tập thể, cả Hội thánh Chúa nữa. Chúng ta càng phải coi chừng.

Giải thoát khỏi cay đắng

Cay đắng khiến con người có thể oán trách Chúa, cay đắng gây nghi ngờ lòng Chúa. Tức là nó có thể phá hoại quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời toàn vẹn tốt lành. Thế thì liệu nó có đủ sức để phá hoại quan hệ giữa những con người không hoàn thiện không?
Tất nhiên là sẽ phá được. Cho nên Lời Chúa mới răn bảo chúng ta là phải coi chừng. Không để rễ đắng đâm ra trong lòng mình, vì kẻ thù sẽ thường xuyên đến tìm gieo hạt giống cay đắng vào tư tưởng, điều đòi hỏi là chúng ta phải cảnh giác và từ chối những ý nghĩ đó!
Khi sự cay đắng cuồn cuộn dâng lên nóng nảy trong lòng, lưỡi chúng ta muốn nói những lời cay đắng, hãy nhìn vào tấm gương của tác giả Thi thiên 39. Ông đã làm những điều như sau:
Thi thiên 39: 3 Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, Ðương khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên, Bấy giờ lưỡi tôi nói:
Ông cầu nguyện xin Chúa cho ông nhìn xa hơn là những gì hiện tại. Nhiều khi suy ngẫm về cuộc hội ngộ trên thiên đàng sẽ giúp con người thắng được sự cay đắng chia rẽ lúc này.
4 Hãy Ðức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi, Và số các ngày tôi là thể nào; Xin cho tôi biết mình mỏng mảnh là bao. 5 Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay, Và đời tôi như không không được mặt Chúa; Phải, mỗi người, dầu đứng vững, chỉ là hư không.
Ông ngẫm rằng những lý do khiến mình cay đắng thật vô cùng nhỏ bé và hư không.
6 Quả thật, mỗi người bước đi khác nào như bóng; Ai nấy đều rối động luống công; Người chất chứa của cải, nhưng chẳng biết ai sẽ thâu lấy.
Ông hiểu rằng cần phải được Chúa giúp giải cứu khỏi sự cay đắng
7 Hỡi Chúa, bây giờ tôi trông đợi gì? Sự trông đợi tôi ở nơi Chúa.
Ông nhận thức mình sắp vi phạm đến nơi, sợ bị nhuốc nhơ bởi chính lời cay đắng miệng mình
8 Xin hãy giải cứu tôi khỏi các sự vi phạm tôi; Chớ làm tôi nên sự nhuốc nhơ của kẻ ngu dại.
bitterness
Và ông quyết định câm lặng. Phó mọi điều vào trong tay Chúa

9 Tôi câm, chẳng mở miệng ra, Bởi vì Chúa đã làm sự ấy.
Để kết thúc, chúng ta hãy cùng đọc thêm một đoạn Kinh thánh khác nữa, cũng dạy chúng ta
13 Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. 14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. 15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. 16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. 17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. 18 Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.
Hãy coi chừng rễ cay đắng, vì nó thuộc lãnh thổ của lòng bạn, và không thể đổ lỗi cho ai khác về việc sự cay đắng bị nuôi dưỡng rồi lớn lên khiến ta mù lòa trong nhận thức và ô uế trong tư tưởng. Hãy nhổ tận gốc sự cay đắng và tranh cạnh, vì là nguyên nhân mọi sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Hãy ăn năn và câm lặng nếu miệng mình đầy những lời cay đắng. Hãy nhớ đến
Hãy tìm mà theo đuổi sự khôn ngoan thông sáng thật, có những biểu hiện làm bằng chứng: Thanh sạch, Hòa thuận, Tiết độ, Nhu mì.
Đầy lòng thương xót và bông trái lành
Không có sự hai lòng và giả hình.
Là người làm ra sự hòa bình.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và tiếp sức cho mỗi chúng con.

Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va