Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, June 30, 2012

Kẻ Thù Của Cơ-đốc Nhân




“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12)

Như vậy là bạn đã quyết định, bạn đã được tái sinh, bạn đã được hoán cải, đã được kể là công chính, được gọi là con cái Ðức Chúa Trời, nhưng bước kế tiếp là gì? Tất cả chỉ có vậy thôi sao? Có phải chỉ cần một phút quyết định và như thế là xong? Bạn sẽ hỏi, “Tôi còn có những bổn phận nào nữa?”

 Vâng, bạn vừa khởi đầu cuộc sống Cơ-đốc. Bạn vừa được sinh vào một thế giới mới - thế giới thuộc linh. Ðối với bạn, mọi sự hoàn toàn mới mẻ. Bạn thật sự là một em bé thuộc linh, bạn cần được nâng niu, chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng. Bạn cần được bảo vệ. Ðó là một số những lý do tại sao Chúa cứu Thế đã thiết lập Hội Thánh, vì bạn không thể nào sống cuộc sống Cơ-đốc đơn lẻ. Hầu hết chúng ta đều cần tương giao và cần được giúp đỡ. Cơ-đốc nhân sơ sinh giống như em bé mới chào đời cần được yêu thương.


 Trong thời gian hiệu đính lại cuốn sách này, nhà tôi và tôi đi nghỉ ở một đảo nhỏ với vợ chồng con gái lớn. Con tôi đem theo cháu bé thứ bảy tên là Anthony mới có ba tháng, là cháu ngoại thứ mười sáu của chúng tôi. Trong suốt tuần lễ ở chung, chúng tôi thấy cháu khóc có hai lần. Tại sao? Vì vây quanh cháu là bao nhiêu sự nâng niu, chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng cho nên cháu chỉ có việc ăn, ngủ và cười. Cũng vậy, điều kiện lý tưởng nhất là ngay khởi đầu kinh nghiệm thuộc linh, Cơ-đốc nhân sơ sinh cần có sự nuôi dưỡng này. Tuy nhiên đáng tiếc là thế giới chúng ta đang sống không có những điều kiện đó cho nên trong chương trình và mục đích của Ðức Chúa Trời, Hội Thánh chính là nơi thích hợp cho đời sống Cơ-đốc khởi đầu.

 Rất có thể bạn đã phát hiện ra mình có nhiều kẻ thù và đây là những kẻ thù nguy hiểm, quỉ quyệt sẽ dùng mọi thủ đoạn tấn công, khiến bạn thất bại trong nếp sống Cơ-đốc. Ngay từ giây phút quyết định tin Chúa, bạn đã thấy những kẻ thù này khởi sự hoạt động: hoặc bạn sẽ bị cám dỗ phạm một tội lỗi nào đó hay bạn sẽ cảm thấy nản chí ngã lòng. Tuy nhiên điều chắc chắn là khi quyết định tiếp nhận Chúa Cứu Thế, bạn sẽ thấy mọi sự đầy hứng khởi, còn sự kiện bạn có những nghi ngờ, nan đề, thắc mắc, cám dỗ, nản lòng và những khó khăn là chuyện bình thường. Kinh Thánh dạy rằng bạn có ba kẻ thù sẽ thường xuyên gây hấn với bạn suốt đời cho nên bạn cần chuẩn bị đối phó để loại trừ chúng.

 Trước hết, hãy xem những kẻ thù chúng ta phải đối diện là ai. Chúng ta phải lột mặt nạ để thấy rõ chúng là những gì, là những kẻ nào và cách chúng hoạt động ra sao.

 Ma Quỉ

 Kẻ thù đầu tiên là ma quỉ. Chúng ta đã thấy ma quỉ là một hữu thể quyền lực, chống lại Ðức Chúa Trời và cám dỗ dân Ngài. Dù nó đã bị Chúa Cứu Thế đánh bại tại thập tự giá, nhưng nó vẫn còn sức mạnh cám dỗ con người làm điều ác. Kinh Thánh gọi nó là “kẻ ác,” “ma quỉ,” “kẻ giết người,” “kẻ nói dối và cha sự dối trá,” “kẻ thù nghịch,” tìm cách cắn nuốt, “con rắn xưa” và “kẻ kiện cáo anh em chúng ta” (Ma-thi-ơ 13:19; Lu-ca 4:33; Giăng 8:44; 1 Phi-e-rơ 5:8; Khải Huyền 12:9-10).

 Giây phút bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế là lúc Sa-tan thảm bại. Nó giận dữ điên cuồng và từ nay sẽ tìm đủ cách cám dỗ, cố sức dẫn bạn vào con đường phạm tội. Nhưng xin bạn đừng hoảng sợ vì nó không thể cướp mất sự cứu rỗi của bạn hay lấy đi sự bảo đảm và đắc thắng Chúa ban cho bạn. Nó sẽ làm mọi cách trong giới hạn quyền lực của nó để gieo nghi ngờ, khiến bạn không biết chắc sự hoán cải của bạn có phải là một thực tại hay không. Bạn không thể tranh luận với nó, vì nó là một tay biện bác mưu lược nhất của mọi thời đại.

 Giây phút thử thách đã đến với chước cám dỗ đầu tiên. Bạn cần nhớ đừng bao giờ dựa vào xúc cảm vì nó sẽ thay đổi như phong kỳ trong gió loạn. Phương sách kế tiếp của nó có thể sẽ là làm cho bạn cảm thấy kiêu hãnh như mình là một người quan trọng - khiến bạn tin vào sức mạnh riêng, vào những tham vọng, những ước muốn và mục tiêu riêng. Cũng có khi nó đặt lòng thù ghét vào lòng bạn. Nó sẽ cám dỗ bạn nói những lời thô lỗ, bần tiện về người khác. Nó sẽ để sự ghen tị, bất mãn và độc ác trong lòng bạn. Rồi cũng có lúc nó cám dỗ bạn nói dối, khiến cho bạn tự nhiên đứng vào chỗ của một kẻ giả hình. Dối trá là một trong những tội lỗi tệ hại nhất và có thể phạm bằng tư tưởng, lời nói hay việc làm. Bất cứ điều gì làm với ý định phỉnh gạt người khác là dối trá. Ma quỉ sẽ cố hết sức biến bạn thành một kẻ dối trá. Nó cũng sẽ cố sức khiến bạn làm việc cho nó bằng cách cám dỗ người khác phạm tội - cố làm cho các tín hữu khác lầm lạc. Nếu không cẩn trọng bạn sẽ rơi vào chỗ phục vụ ma quỉ mà không biết. Ma quỉ rất mạnh, quỉ quyệt, tinh ma, mưu lược. Nó được gọi là “chúa đời này”, “vua chúa thế gian này”, “vua cầm quyền chốn không trung” (2 Cô-rinh-tô 4:4; Giăng 12:31; Ê-phê-sô 2:2).

 Ma quỉ sẽ cố sức làm bạn nản lòng, làm bạn lạc hướng; nó sẽ tìm cách khiến cho lời chứng của bạn giảm giá trị; nó sẽ tìm đủ cách phá hủy mối tương giao của bạn với Chúa Cứu Thế, cũng như ảnh hưởng của bạn đối với người khác.

 Bạn hỏi “Làm sao tôi thắng được ma quỉ ? Tôi phải làm gì? Tôi phải đi hướng nào? Có lối thoát nào không?”

 Thánh Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 10:13 viết như sau, “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Ðức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”

 Nhiều năm trước, tôi nghe một người bạn, ông J. Edwin Orr so sánh Cơ-đốc nhân bị Sa-tan tấn công giống như con chuột bị bà nội trợ giơ chổi đập. Con chuột không đứng đó giương mắt nhìn bà nội trợ hay nhìn cái cán chổi, nhưng tức khắc nó tìm một chỗ hiểm hóc nào đó chạy trốn, nghĩa là tìm lối thoát. Vì vậy, Cơ-đốc nhân trước sức tấn công của Sa-tan cũng phải tìm một lối thoát.

 Trong câu Kinh Thánh trên Ðức Chúa Trời bảo rằng “Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi.” Xin bạn ghi nhớ điều này: sự cám dỗ của ma quỉ không phải là dấu hiệu của một đời sống không vừa lòng Chúa, mà là dấu hiệu của một đời sống được Chúa vui lòng. Bị cám dỗ không phải là tội lỗi. Cũng xin bạn nhớ rằng, Ðức Chúa Trời không cám dỗ con cái Ngài. Chúa không bao giờ khiến cho con cái Ngài nghi ngờ. Mọi nghi ngờ và mọi cám dỗ đều đến từ ma quỉ. Tuy nhiên, Sa-tan chỉ có thể cám dỗ mà không thể buộc bạn đầu hàng cám dỗ, vì bạn cần nhớ rằng nó đã bị Chúa Cứu Thế đánh bại. Quyền lực của nó trở thành vô dụng trong đời sống một Cơ-đốc nhân hoàn toàn tin cậy, đầu phục và tùy thuộc Ðức Chúa Trời. Một nhà thơ từng viết, “Ma quỉ run sợ khi thấy một thánh nhân dù yếu ớt nhất, cầu nguyện.”

 Khi bảo rằng Sa-tan bị đẩy lui lúc chúng ta đọc Kinh Thánh và nó sẽ chạy như chó bị phỏng khi bị chống cự là quá đơn giản hóa vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có thể nương dựa vào huyết Chúa Cứu Thế khi bị tấn công. Có những lúc chúng ta chỉ có thể ẩn nấp đằng sau Chúa Cứu Thế và xin Ngài lo liệu cho nan đề của chúng ta. Thánh Giu-đe viết như sau, “khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se còn chẳng dám lấy lời trách móc mà đoán phạt; người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi” (c.9). Ðó chính là điều chúng ta cần làm - kêu cầu Ðức Chúa Trời.

 Kinh Thánh cũng dạy rằng chúng ta phải “chống cự ma quỉ thì nó sẽ lánh xa” chúng ta (Gia-cơ 4:7). Nhưng trước đó, Chúa bảo rằng chúng ta phải “tùng phục Ðức Chúa Trời.” Nếu bạn hoàn toàn tùng phục Chúa, đầu phục Chúa Cứu Thế trăm phần trăm thì lời hứa trong Kinh Thánh quả quyết rằng ma quỉ sẽ bỏ chạy. Ma quỉ run sợ khi bạn cầu nguyện. Nó sẽ bị đánh bại khi bạn trưng dẫn Kinh Thánh và nó sẽ lìa xa khi bạn kháng cự.

 Thế Gian

 Kẻ thù thứ nhì của bạn là thế gian- thế gian trong nghĩa toàn thể cơ chế trần gian. Thế gian có khuynh hướng đưa chúng ta đến chỗ phạm tội - khiến chúng ta kết bạn với tội ác, với lạc thú, thời trang, những quan niệm và mục tiêu trần tục. Bạn sẽ thấy trong kinh nghiệm tái sinh những lạc thú của bạn đã được nâng lên một phạm trù hoàn toàn mới, vô cùng vinh diệu. Nhiều người bên ngoài thường chê trách đời sống Cơ-đốc nhân chỉ toàn là những qui tắc luật lệ, những điều cấm kỵ, những điều bị cấm đoán và những cái phải khước từ. Ðây lại là một lời dối trá khác của ma quỉ. Cơ-đốc Giáo không phải là hàng loạt những những “giới cấm” mà là vô số những điều tích cực phải làm. Bạn sẽ rất bận rộn với những công tác của Chúa Cứu Thế, vô cùng thỏa nguyện với những điều của Ngài khiến cho bạn không còn thì giờ nào cho những điều thuộc về trần gian, giống như sau khi đã ăn một bữa tiệc thịnh soạn, có người mời ăn một củ khoai bạn sẽ trả lời, “cám ơn, tôi đã no lắm rồi.”

 Các bạn tín hữu trẻ thân mến, đó chính là bí quyết của đời sống Cơ-đốc. Khi trong bạn đầy ắp những điều tốt lành của Chúa Cứu Thế, bạn mến yêu những điều thuộc về Ðức Chúa Trời, bạn sẽ không còn thì giờ hay ham thích nào cho những lạc thú tội lỗi của trần gian. Kinh Thánh nói, “Kẻ no nê giày đạp tàng mật dưới chân mình; song điều gì đắng cũng lấy làm ngọt cho kẻ đói khát” (Châm Ngôn 27:7). Tuy nhiên, cái gọi là tinh thần thế gian đã bị rất nhiều tín hữu hiểu lầm và cần được làm sáng tỏ. Ðây có lẽ là một trong những khó khăn lớn nhất một tín hữu non trẻ, ít kinh nghiệm, phải đương đầu.

 Tiến sĩ W.H. Griffith Thomas từng nói, “Có một số yếu tố trong đời sống hàng ngày tự thân không phải là tội lỗi, nhưng có khuynh hướng dẫn đến tội lỗi nếu bị lạm dụng. Lạm dụng nghĩa đen là sử dụng thái quá, cho nên trong nhiều trường hợp, sử dụng thái quá một điều hợp pháp là phạm tội. Vui hưởng lạc thú là chuyện hợp pháp, nhưng nếu lạm dụng sẽ trở thành bất hợp pháp. Ước vọng là phần thiết yếu của một cá tính chân thật, nhưng nó phải được hướng về những mục tiêu hợp pháp và được vận dụng một cách quân bằng. Nghề nghiệp hàng ngày, việc đọc sách, ăn mặc, bè bạn, và những sinh hoạt tương tự khác trong đời sống đều là những điều hợp pháp, nhưng cũng rất dễ trở thành bất hợp pháp, không cần thiết và nguy hại. Suy nghĩ về những nhu cầu thiết yếu của đời sống là cần, nhưng những suy nghĩ này rất dễ thoái hóa trở thành lo lắng và trong một ẩn dụ Chúa nhắc chúng ta rằng nỗi lo lắng về cuộc sống làm nghẹt ngòi hạt giống thuộc linh trong lòng. Kiếm tiền là việc cần thiết cho sự sống hàng ngày nhưng nó rất dễ suy thoái trở thành lòng mê tham tiền bạc và rồi tính chất lừa phỉnh của sự giàu sang sẽ lẻn vào cướp mất đời sống thuộc linh. Như vậy, tinh thần thế gian không chỉ giới hạn vào một cấp độ, một cách thế hay một hoàn cảnh nào của đời sống khiến chúng ta không thể tách biệt các thể loại đó ra và bảo rằng như thế này là trần tục và như thế kia là thanh cao... như thế này là thuộc linh và như thế kia là không thuộc linh. Tinh thần thế gian là một thái độ, một khung cảnh sống, một loại ảnh hưởng thẩm thấu vào toàn thể đời sống và xã hội con người mà chúng ta cần nỗ lực thường xuyên cảnh giác.”

 Kinh Thánh dạy rằng “Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật trong thế gian” (I Giăng 2:15). Kinh Thánh cũng cảnh cáo rằng thế gian và “những sự tham dục của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời sẽ còn lại đời đời” (I Giăng 2:17).

 Tuy nhiên trong một số những điều kiện, tinh thần thế gian có thể trở thành những nan đề phức tạp trong cuộc sống của thế giới hôm nay. Nhiều bạn trẻ đến với tôi hỏi làm việc này, làm điều kia có sai không, có phải là tội lỗi không. Tôi bảo rằng đến chín mươi phần trăm những nan đề đại loại như trên có thể được giải quyết nếu họ sử dụng câu hỏi đơn giản sau đây: “Chúa Cứu Thế muốn tôi làm gì?” Và câu hỏi nữa là, “Tôi có thể xin Chúa ban phước cho tôi trong việc này không? Chúa nghĩ gì về những trò vui, trò giải trí tôi tham dự, những sách vở tôi đọc, những người bạn tôi giao tiếp, những chương trình TV tôi xem? Tôi có thể mời Chúa cùng tham dự với tôi trong chỗ này hay không?” Vì là Ðấng toàn năng cho nên dù thế nào thì Ðức Chúa Trời cũng có mặt tại đó, nhưng vấn đề là bạn có nên ở những chỗ như thế hay không?

 Ðiều đó không có nghĩa là trong xã hội, chúng ta trở thành những kẻ hợm hĩnh hay có mặc cảm tự tôn có thể khiến chúng ta rơi vào hiểm họa của thái độ kiêu ngạo thuộc linh còn tệ hại hơn hơn bất cứ tinh thần thế gian nào. Nhưng ngày nay có quá nhiều người xưng mình là Cơ-đốc nhân nhưng lại sống thỏa hiệp với thế gian đến nỗi bạn không thể phân biệt được người đó có phải là tín đồ hay không. Ðây là điều không thể chấp nhận được.

 Cơ-đốc nhân phải nổi bật lên như viên kim cương lóng lánh trên một cái nền thô thiển, phải toàn vẹn hơn bất cứ con người thế gian nào, phải điềm đạm, nhã nhặn, lịch thiệp, ân hậu nhưng cương quyết với những việc mình quyết định làm hay không làm. Cơ-đốc nhân phải tươi tắn, rạng rỡ nhưng cũng phải là người từ khước không để cho trần gian kéo xuống ngang bằng mức thấp thỏi của nó.

 Kinh Thánh dạy rằng “làm điều gì không bởi đức tin là tội lỗi” (Rô-ma 14:23), và Kinh Thánh cũng dạy rằng người nào nghi ngờ là đã tự lên án trong điều mình làm. Nói cách khác, chúng ta không bao giờ làm điều gì không hoàn toàn thấy rõ và không hoàn toàn chắc chắn. Nếu bạn có chút ngờ vực nào về một việc khiến bạn áy náy không biết đó có phải là việc làm theo thế gian hay không thì chính sách tốt nhất là “đừng làm.”

 Sự Mê Tham Của Xác Thịt

 Kẻ thù thứ ba bạn phải tức thời đối đầu là “sự mê tham của xác thịt.” Xác thịt đây được hiểu là khuynh hướng gian ác của bản ngã sâu kín bên trong. Dù sau khi bạn đã thực sự được hoán cải thì những khao khát tội lỗi cũ đôi lúc vẫn trở lại khiến cho bạn kinh ngạc không hiểu chúng đến từ đâu. Kinh Thánh dạy rằng bản chất cũ hư hoại vẫn còn đó và những cám dỗ xấu xa kia đã xuất phát từ đó chứ không từ đâu khác. Nói cách khác, bên trong mỗi chúng ta đều có “một kẻ nội thù,” là cái “khuynh hướng khốn kiếp lúc nào cũng có mặt để kéo chúng ta xuống.” Cuộc chiến đã bùng nổ và ở trong bạn hai bản chất tranh chấp quyết liệt trong một cuộc chiến dành quyền thống trị.

 Kinh Thánh dạy rằng “xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt” (Ga-la-ti 5:17), và đây là trận chiến giữa sự sống theo bản ngã và sự sống theo Chúa Cứu Thế. Bản chất cũ của bản ngã không thể nào làm vừa lòng Ðức Chúa Trời. Nó không thể được hoán cải cũng không thể vá víu. Tạ ơn Ðức Chúa Trời khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chết, Ngài đã đưa bạn đến với Ngài và bản chất cũ có thể làm cho bất khiển dụng và bạn có thể “coi mình như chết về tội lỗi” (Rô-ma 6:11). Ðây là điều thực hiện bởi đức tin.

 Tuy nhiên bạn cần thận trọng phân biệt giữa tận dụng và lạm dụng - giữa những điều được phép làm và những điều không nên làm. Một số những điều này khi bất ngờ xuất hiện có thể là những tham muốn tội lỗi nhưng cũng có khi không phải.

 Như Tiến sĩ W. H. Griffith Thomas từng nói, “nguyên nghĩa từ ngữ tham dục là ‘ước muốn mãnh liệt’ và không nhất thiết là ước muốn tội lỗi, vì chúng ta vẫn có những ước muốn tự nhiên của thân xác như đói, khát, là những ước muốn chung của thế giới động vật, tự nó không có gì là tội lỗi. Chỉ khi nào những ước muốn đó bị lạm dụng, chúng mới thành điều ác. Ðói là một ham muốn tự nhiên, nhưng tham ăn là ham muốn tội lỗi. Khát là một ước muốn tự nhiên, nhưng quá chén, không tiết độ là một tham muốn tội lỗi. Không nên nhầm lẫn đau ốm, mệt mỏi với biếng nhác. Hôn nhân là xu hướng theo ý muốn Chúa và là thôi thúc của bản chất con người đáp ứng cho các nhu cầu thân xác, tâm trí và xã hội, trong khi đó tà dâm là tội lỗi chống lại ý muốn Ðức Chúa Trời, nghịch lại với tất cả những gì là tinh sạch trong thân xác, tâm trí và tâm hồn. Nhưng cũng có những tham dục của xác thịt vốn đã là tội lỗi về tính chất cũng như trong bản chất, thí dụ như ước muốn bằng mọi giá thỏa mãn lòng oán hận cừu thù. Vì vậy, chúng ta phải rất thận trọng phân biệt giữa một dục vọng thật ra chỉ là một ước muốn mạnh mẽ với cùng dục vọng đó nhưng lại là một tham dục tội lỗi. Có thể nói trong một số phương diện, những tội lỗi của bản ngã xác thịt là những tội lỗi kinh khủng hơn hết vì nó đại diện cho những khao khát của một bản chất muốn làm điều ác. Không phải ma quỉ hay thế gian, cũng không phải tấm lòng gian ác có thể ép buộc chúng ta phạm tội, mà phải có sự đồng tình thỏa thuận của ý chí, và chính nơi ý chí mà bản chất xấu xa của chúng ta xuất hiện với điều ác và sức mạnh đáng sợ của nó.”

 Phao-lô nói rằng ông không để lòng tin cậy nơi xác thịt bao giờ. Ông cũng bảo, “đừng chăm lo cho xác thịt” (Rô-ma 13:14). Trong một chỗ khác ông bảo, “tôi đãi thân thể tôi nghiêm khắc” (I Cô-rinh-tô 9:27). Chúng ta cũng phải tái đầu phục, tái cung hiến chính mình cho Ðức Chúa Trời để chúng ta bởi đức tin, có thể coi bản chất cũ thật sự chết cho tội lỗi.