Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, June 30, 2012

Người Cũ và Người Mới




“Nếu một người không sinh lại thì không thể thấy nước Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:3)

Giá như tôi có thể đến nhà bạn, ngồi trong phòng khách tâm tình, có lẽ bạn sẽ thú nhận như sau, “Lòng tôi đang rối như tơ vò, không biết nghĩ sao. Tôi đã vi phạm pháp luật của Đức Chúa Trời. Tôi đã sống trái ngược với giới răn Ngài. Tôi tưởng mình vẫn có thể sống an nhiên không cần Ngài giúp đỡ. Tôi cố sống theo những luật lệ tự đặt ra nhưng đã thất bại. Những bài học đắng cay tôi đã học là qua những kinh nghiệm bi thảm và đau khổ. Mất gì để được sinh lại tôi cũng chịu! Mất gì để để được trở về làm lại từ đầu tôi cũng sẵn lòng. Nếu trở lại được thì con đường đời tôi sẽ khác biết bao nhiêu!”

 Nếu những lời này cũng làm rung động tâm hồn bạn, nếu nó là âm hưởng của những suy nghĩ đã từng thoáng qua tâm trí bạn, thì tôi xin báo cho bạn một tin thật vui. Chúa Giê-xu tuyên bố rằng bạn có thể được sinh lại! Bạn có thể có một khởi đầu tốt đẹp hơn và hoàn toàn mới mẻ như điều bạn cầu mong. Bạn có thể bỏ đi cái bản ngã tội lỗi, nhuốc nhơ cũ để bước tới trong một con người mới, một con người trong sạch, an bình mà bao nhiêu tội ô đã được tẩy sạch.
 

 Lối Thoát

 Dù quá khứ bạn có nhơ nhớp đến đâu, hiện tại của bạn có rắc rối đến đâu và tương lai bạn có vô vọng đến đâu, thì vẫn còn lối thoát. Vẫn còn một lối thoát an toàn, chắc chắn, vĩnh viễn, và chỉ có một lối thoát duy nhất mà thôi! Bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất. Bạn chỉ có một con đường duy nhất để theo, thay vì con đường đau thương, vô vọng bạn đã trải qua.

 Hoặc bạn có thể cứ tiếp tục sống trong khốn khổ, không thỏa lòng, sợ hãi, không hạnh phúc, bất mãn với chính mình và với đời mình hay bạn có thể quyết định ngay giờ này rằng bạn muốn được sinh lại. Ngay bây giờ bạn có thể quyết định xóa sạch tội lỗi quá khứ, bắt đầu một khởi sự mới mẻ, đúng đắn. Ngay bây giờ bạn có thể quyết định trở thành con người như Chúa Giê-xu hứa.

 Làm Sao Tôi Tìm Được?

 Câu hỏi hợp lý tiếp theo bạn có thể đặt ra là, “Làm thế nào tôi có sự tái sinh này? Làm sao tôi có thể được sinh lại? Làm sao tôi có thể khởi sự từ đầu?” Đây là câu Ni-cơ-đem đã hỏi Chúa Giê-xu dưới bầu trời phương Đông vào một đêm cách đây hai ngàn năm trước. Tuy nhiên, sự tái sinh mang nhiều ý nghĩa phong phú hơn chứ không chỉ đơn thuần là một khởi đầu mới mẻ, một sự cải cách hay lật qua một trang mới. Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh dạy rằng lần đầu bạn được sinh vào thế giới vật lý nhưng bản chất tâm linh của bạn đã sinh ra trong tội lỗi. Kinh Thánh tuyên bố rằng bạn “chết trong gian ác và tội lỗi” (Ê-phê-sô 2:1).

 Kinh Thánh dạy rằng không có một điều gì trong bản chất hư hoại và tội lỗi của bạn có thể tạo ra sự sống. Đang đắm đuối trong tội lỗi, bạn không thể nào sống một cuộc đời công chính. Nhiều người chưa được tái sinh nhưng vẫn cố gắng xây dựng cuộc sống thánh khiết, thiện lành, chính trực. Họ không thể nào thành công được vì một xác chết không thể tạo ra bất cứ điều gì. Kinh Thánh dạy rằng “tội lỗi khi đã thành sẽ đem lại sự chết” (Gia-cơ 1:15). Về phương diện thuộc linh tất cả chúng ta đều chết.

 Bản chất cũ của bạn không thể phục vụ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng, “Con người thiên nhiên không thể nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời ... vì không thể hiểu được” (I Cô-rinh-tô 2:14). Trong tình trạng tự nhiên, chúng ta thực sự thù nghịch với Đức Chúa Trời. Chúng ta không tùng phục luật pháp của Ngài mà cũng không thể tùng phục được như Rô-ma 8:7 khẳng định.

 Kinh Thánh dạy rằng bản chất cũ của chúng ta hoàn toàn hư hỏng, “từ bàn chân cho đến đỉnh đầu không có chỗ nào lành, đầy những vết thương, vết xưng cùng lằn mới” (Ê-sai 1:6). Giê-rê-mi 17:9 cho biết, “Lòng người ta dối trá hơn mọi vật, và rất xấu xa: ai có thể biết được?” Lòng người hư hoại, ở dưới sự thống trị của sự tham dục đầy gian trá.

 Kinh Thánh dạy rằng bản chất cũ của chúng ta là bản chất duy ngã không có khả năng cải tiến hay canh tân và cũng theo lời dạy của Kinh Thánh, khi chúng ta được tái sinh, chúng ta vứt bỏ con người cũ chứ không giữ lại để sửa đổi hay vá víu. Bản chất cũ phải bị loại trừ, không thể cải thiện. Chúa Giê-xu dạy rằng rửa bên ngoài chén và mâm không thể làm sạch được bên trong.

 Bạn Phải Được Sinh Lại!

 Kinh Thánh dạy rằng nếu không kinh nghiệm sự tân sinh, chúng ta không thể vào nước thiên đàng. Về việc này Chúa Giê-xu khẳng định, “Các ngươi phải được sinh lại” (Giăng 3:7). Vấn đề này không có gì mơ hồ, cũng không phải là chuyện tùy ý. Người nào muốn vào thiên đàng phải được tái sinh.

 Sự cứu rỗi không chỉ là tu sửa bản ngã nguyên thủy nhưng là một bản chất mới được Đức Chúa Trời tạo dựng trong sự công chính và thánh khiết chân thật. Sự tái tạo không chỉ là thay đổi bản chất hay thay đổi tấm lòng. Được tái sinh không phải là được thay đổi mà là được tái tạo, được trở thành một nòi giống mới. Đó là sự sinh ra lần thứ hai. “Các con phải được sinh lại.”

 Đức Chúa Trời không chấp nhận bất cứ điều gì thuộc bản chất cũ, vì nó không toàn thiện. Bản chất cũ quá yếu đuối không thể đi theo Chúa Cứu Thế. Thánh Phao-lô bảo rằng “Anh em không thể làm được điều mình muốn” (Ga-la-ti 5:17). Với bản tính xác thịt cũ, con người không thể phục vụ Đức Chúa Trời. Gia-cơ hỏi, “Có lẽ nào một cái suối kia đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao? Hỡi anh em, cây vả có ra trái ô-liu được, cây nho có ra trái vả được chăng?” (Gia-cơ 3:11,12). Con người cũ được mô tả trong Rô-ma như sau, “Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; chúng dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chân lẹ làng để làm đổ máu. Trên đường lối chúng nó toàn những sự tàn hại và khổ nạn. Chúng nó không hề biết con đường hòa bình. Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó” (Rô-ma 3:13-18).

 Bạn có thể làm gì để cải cách, sửa chữa hay thay đổi những cổ họng, miệng lưỡi, chân và mắt của những con người này? Đây là điều bất khả. Chúa Giê-xu biết là không thể thay đổi, vá víu, cải cách, cho nên Ngài bảo rằng bạn cần phải được tái sinh hoàn toàn mới. Chúa phán “Các ngươi phải sinh lại. Hễ chi sinh bởi xác thịt là xác thịt.” Trong một trường hợp khác, Kinh Thánh dạy rằng, “Người Ê-thi-ô-pi có thay được da mình hay con báo có thay đổi được cái đốm của nó không? (Giê-rê-mi 13:23). Cũng trong Rô-ma, Kinh Thánh dạy rằng “Người có tánh xác thịt không thể làm vừa lòng Đức Chúa Trời”. Phao-lô cũng thú nhận rằng “điều lành không ở trong tôi (nghĩa là trong xác thịt tôi” (Rô-ma 7:18). Kinh Thánh cũng nói rằng, “nếu không nên thánh thì không ai được thấy Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:14).

 Sức sống do sự tái sinh không thể đạt được bằng sự phát triển tự nhiên hay nỗ lực của bản ngã. Theo bản chất tự nhiên con người không thể nào có được sự thánh khiết Đức Chúa Trời đòi hỏi để vào thiên đàng. Chính qua sự tái sinh, con người mới khởi đầu có sự sống thánh khiết đó. Để sống bằng sự sống thiên thượng, con người cần có bản chất của Đức Chúa Trời.

 Ðiều Ðức Chúa Trời Làm

 Giống như đồng tiền có hai mặt, vấn đề nhận sự sống mới có hai phương diện, phương diện Ðức Chúa Trời và phương diện con người. Chúng ta đã thấy phương diện con người trong chương nói về sự hoán cải và đã thấy điều chúng ta phải làm. Bây giờ chúng ta sẽ xem điều Ðức Chúa Trời làm.

 Ðược sinh lại hoàn toàn là công việc của Ðức Thánh Linh, chúng ta không thể làm gì để nhận được sự sống mới. Kinh Thánh khẳng định rằng “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ không sinh bởi khí huyết, bởi tình dục hoặc bởi ý người, nhưng sinh bởi Ðức Chúa Trời” (Giăng 1:12-13). Nói cách khác, chúng ta không thể tái sinh do máu huyết, nghĩa là chúng ta không thể có sự tân sinh do di truyền. Ðức Chúa Trời không có cháu.

 Chúng ta không thể thừa hưởng Cơ-đốc giáo từ cha mẹ. Cha mẹ chúng ta có thể là Cơ-đốc nhân, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là con cái sinh ra đương nhiên sẽ là Cơ-đốc nhân. Tôi có thể ra đời trong nhà để xe, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ thành xe hơi! Ðức Chúa Trời chỉ có con cái mà không có cháu.

 Kinh Thánh bảo rằng chúng ta không thể được tái sinh do ý muốn của xác thịt, hay nói cách khác, không ai có thể làm gì để tạo ra sự tái sinh. Người không tin Chúa là người chết. Một người chết không có sự sống để làm bất cứ điều gì.

 Con người cũng không được tái sinh do ý người. Sự tân sinh này không thể do kế hoạch hay phương tiện của con người tạo ra. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ tự động được tái sinh khi gia nhập hội thánh, khi nhận thánh lễ, hay khi đưa ra hứa nguyện quyết tâm vào dịp đầu năm hoặc khi dâng một số tiền lớn cho một cơ quan từ thiện nổi tiếng. Tất cả những điều trên đều tốt nhưng không thể tạo ra sự tái sinh.

 Công Việc Của Ðức Chúa Trời

 Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải được sinh lại. Ðộng từ được sinh lại ở dây dùng trong thể thụ động cho thấy đây không phải là điều chúng ta có thể tự làm lấy. Không ai tự sinh mình ra mà cần phải được sinh ra. Sự tân sinh hoàn toàn xa lạ với ý muốn chúng ta. Nói cách khác, sự tân sinh là công việc của Ðức Chúa Trời - chúng ta được Ðức Chúa Trời sinh ra.

 Ni-cơ-đem không hiểu làm thế nào có thể sinh ra lần thứ hai. Ông bối rối hỏi Chúa, “Làm sao điều đó thực hiện được?” Dù sự tái sinh dường như là một điều bí ẩn nhưng đó không phải là lý do làm nó không thật. Có nhiều điều chúng ta không hiểu về điện lực, nhưng chúng ta biết nó đem lại ánh sáng trong nhà, chạy máy truyền hình, máy thâu thanh. Chúng ta không hiểu loài cừu mọc lông như thế nào hay loài chim đổi lông vũ ra sao nhưng chúng ta biết chúng thay lông. Chúng ta không hiểu nhiều điều bí nhiệm, nhưng chúng ta chấp nhận bằng đức tin rằng vào giây phút chúng ta ăn năn tội và hướng đức tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta được tái sinh.

 Ðó là biến cố truyền sự sống thiêng liêng của Ðức Chúa Trời vào linh hồn con người. Ðó là sự trồng hay cấy bản chất thiên thượng vào linh hồn con người, nhờ đó chúng ta trở thành con cái Ðức Chúa Trời và chúng ta nhận được hơi sống của Ngài. Chúa Cứu Thế qua Ðức Thánh Linh ngự vào cư trú trong tâm hồn chúng ta khiến chúng ta được kết hiệp với Ðức Chúa Trời cho đến đời đời, nghĩa là nếu đã được tái sinh, bạn sẽ sống vô cùng như Ðức Chúa Trời vì bạn được chia xẻ chính sự sống vĩnh cửu của Ngài. Mối tương giao của con người với Ðức Chúa Trời bị mất từ lâu trong vuờn Ê-đen nay đã được phục hồi.

 Những Kết Quả Của Sự Tân Sinh

 Có nhiều kết quả theo sau sự tái sinh: Trước hết, sự tái sinh gia tăng tầm nhìn và sự thông hiểu của bạn. Kinh Thánh nói rằng, “Ðức Chúa Trời là Ðấng truyền lệnh cho sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm, đã làm cho sự sáng Ngài chói rạng trong lòng chúng tôi, để sự thông biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Chúa Cứu Thế Giê-xu” (2 Cô-rinh-tô 4:6). Kinh Thánh cũng nói rằng, “con mắt hiểu biết của anh em được soi sáng” (Ê-phê-sô 1:18). Những điều bạn từng chê cười là dại dột bây giờ bạn chấp nhận bằng đức tin. Tất cả lối suy nghĩ của bạn thay đổi và Ðức Chúa Trời trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt trí tuệ. Bây giờ Ngài là tâm điểm và bản ngã đã bị hạ bệ.

 Thứ hai, tấm lòng bạn sẽ trải qua một cuộc cách mạng. Kinh Thánh ghi lại lời Chúa phán, “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt” (Ê-xê-chi-ên 36:26). Tình cảm của bạn cũng sẽ trải qua một thay đổi tận gốc rễ. Bản chất mới trong bạn sẽ yêu mến Ðức Chúa Trời và những điều thuộc về Ngài. Bạn sẽ yêu mến những điều tốt đẹp nhất, cao cả nhất trong đời sống và từ khước tất cả những gì tầm thường, thấp thỏi. Bạn sẽ có một thái độ ghi nhận mới đối với những nan đề xã hội xung quanh và bạn sẽ có lòng cảm thương sâu xa hơn đối với những người kém may mắn hơn.

 Thứ ba, ý chí của bạn cũng sẽ trải qua một cuộc thay đổi lớn. Quyết tâm của bạn cũng khác, những động cơ trong cuộc sống thay đổi. Kinh Thánh bảo rằng, “Ðức Chúa Trời của sự bình an... sẽ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta...” (Hê-bơ-rơ 13:20, 21).

 Vì bản chất mới do Ðức Chúa Trời ban được uốn nắn theo ý muốn Ngài cho nên bạn có khuynh hướng mong làm theo ý Chúa và hết lòng tận tụy với Ngài. Trong bạn xuất hiện quyết tâm mới, ý hướng mới, mong muốn mới, một nguyên tắc sống mới và những chọn lựa mới. Bạn sẽ cố gắng sống vinh hiển danh Chúa, cố gắng kết thân với các Cơ-đốc nhân khác trong hội thánh. Bạn sẽ yêu thích Kinh Thánh và dành nhiều thì giờ cầu nguyện với Ðức Chúa Trời. Toàn thể ý hướng đời sống bạn thay đổi. Cuộc sống bạn trước đây từng đầy ắp lòng vô tín, là cội rễ và nền tảng của mọi tội lỗi, và bạn cũng đã từng nghi ngờ Ðức Chúa Trời thì giờ đây bạn tin Ngài, đặt trọn lòng tin tuyệt đối nơi Ðức Chúa Trời và Lời Ngài.

 Ðã có lúc kiêu ngạo từng là trung tâm điểm đời sống bạn với bao nhiêu tham vọng vị kỷ về quyền lực, dục vọng, với bao nhiêu mục tiêu muốn đạt được, nhưng bây giờ ý hướng đó đã bắt đầu thay đổi. Ðã có lúc lòng thù ghét ngự trị đời sống bạn với những tư tưởng ghen tị, bất mãn, gian giảo đầy ắp tâm trí, nhưng bây giờ những điều này đang dần dần bị loại trừ.

 Ðã có lúc bạn từng nói dối như uống nước, đời sống đầy những tư tưởng, lời nói, hành động gian giảo, giả hình. Có thời gian bạn từng sống chiều theo dục vọng xác thịt nhưng bây giờ lối sống này thay đổi. Bạn đã được sinh lại. Bạn có thể vấp ngã vào những bẫy rập ma quỉ giăng ra, nhưng liền sau đó bạn ăn năn, xưng tội xin Chúa tha thứ, vì bạn đã được tái sinh. Chính bản chất của bạn đã thay đổi.

 Con Heo Và Con Chiên

 Có một câu chuyện cổ về con heo và con chiên. Một nông gia đem một con heo vào nhà, tắm rửa thật sạch sẽ, chà móng, xức nước hoa, cột nơ quanh cổ và dắt vào phòng khách. Trông con heo cũng được, không đến nỗi nào đối với khách khứa đến chơi nhà ít ra là được vài ba phút đầu. Tuy nhiên khi cửa vừa mở, nhanh như chớp, con heo phóng ra và dẫm ngay vào vũng bùn đầu tiên nó gặp. Tại sao? Vì lòng của nó vẫn là tấm lòng một con heo! Bản chất nó không hề thay đổi. Nó chỉ mới thay đổi hình thức bên ngoài mà không có gì biến đổi bên trong.

 Bây giờ đến lượt con chiên đặt trong phòng khách rồi dắt nó ra sau vườn. Nó sẽ cố tránh tất cả mọi vũng bùn. Tại sao? Vì bản chất của nó là bản chất một con chiên.

 Bạn có thể bảo một người ăn mặc chỉnh tề đến nhà thờ ngồi vào băng đầu. Trông anh ta sẽ như một ông thánh. Anh ta có thể làm cho người bạn thân nhất nhầm trong ít lâu, nhưng phải chờ quan sát anh ta trong sở làm hay trong các hộp đêm vào tối thứ Bảy, bạn sẽ thấy bản chất thật của anh ta xuất hiện. Tại sao anh ta hành xử như vậy? Vì bản chất anh ta chưa thay đổi. Anh ta chưa được sinh lại.

 Ý Nghĩa Của Sự Công Chính Hóa

 Chính giây phút bạn nhận được sự sống mới, chính giây phút bạn được sinh lại, chính giây phút bạn được phú ban bản chất mới, bạn được kể là công chính trước mặt Ðức Chúa Trời. Ðược công chính hóa có nghĩa là được kể như bạn chưa từng phạm tội. Công chính hóa là hành vi pháp lý của Ðức Chúa Trời qua đó Ngài tuyên bố một người vô đạo là toàn hảo trong khi anh ta vẫn là một người vô đạo. Ðức Chúa Trời để bạn ở trước mặt Ngài như thể bạn chưa từng phạm một tội nào.

 Như Phao-lô nói, “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Ðức Chúa Trời? Ðức Chúa Trời là Ðấng công chính hóa những kẻ ấy” (Rô-ma 8:33). Tội lỗi bạn được tha thứ và Ðức Chúa Trời đã đem chôn tất cả những tội lỗi đó dưới đáy biển sâu và quăng chúng ra đàng sau kho quên lãng của Ngài. Từng tội lỗi được Ngài xóa sạch. Bạn đứng trước Ðức Chúa Trời như một con nợ tội lỗi, nhưng Ðức Chúa Trời đã tuyên bố bạn trắng án, bạn được giải hòa với Ðức Chúa Trời, vì trước đây bạn thực sự là kẻ thù của Ngài. Kinh Thánh bảo rằng, “Mọi điều đó đến bởi Ðức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Chúa Cứu Thế mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta” (2 Cô-rinh-tô 5:18).

 Nhưng hơn hẳn tất cả những điều đó, bạn đã được nhận vào làm con trong gia đình Ðức Chúa Trời. Bây giờ bạn là con cái Ngài. “Bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu theo ý tốt Ngài” (Ê-phê-sô 1:5). Bây giờ bạn là một thành viên hoàng tộc trên thiên quốc, bạn có huyết thống hoàng gia, bạn là hoàng tử, là con Vua Trời. Bạn bè của bạn sẽ khởi sự nhận ra những thay đổi trong đời sống bạn. Bạn đã được tái sinh.

 Con Người Cũ Và Con Người Mới

 Một khi đã được tái sinh cuộc đời bạn sẽ có nhiều biến đổi. Trước hết là thái độ đối với tội lỗi. Bạn sẽ kinh khủng ghê tởm tội lỗi và sẽ dần dần thấy ghét tội lỗi như chính Ðức Chúa Trời ghét.

 Tại thành phố Houston, tiểu bang Texas có một người tin Chúa, được tái sinh vào một trong các buổi truyền giảng của chúng tôi. Ông là chủ một tiệm bán rượu. Sáng hôm sau ông đem treo trước cửa tấm bảng đề chữ “Dẹp Tiệm.” Cách đây ít lâu tôi cũng nghe câu chuyện về một người được tái sinh trong một buổi truyền giảng tin lành. Ông này là một tay nghiện rượu cả thành phố biết tiếng và người ta gọi ông là “Lão John” hay là “John Cũ.” Hôm sau gặp ông ngoài đường có người gọi, “chào Lão John”. Ông bảo, “Này, anh bạn nói chuyện với ai đấy? Tôi không còn là John Cũ đâu mà là John Mới đây!” Một cuộc cách mạng triệt để đã xảy ra trong cuộc đời con người này.

 Thứ hai, bạn sẽ biết bạn được tái sinh vì bạn muốn vâng lời Ðức Chúa Trời, “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài” (I Giăng 2:3).

 Thứ ba, bạn sẽ phân rẽ với thế gian. Kinh Thánh dạy rằng, “Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Ðức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy” (IGiăng 2:15). Một nhà thơ khuyết danh đã viết như sau:

 “Nước trên khắp địa cầu (All the water in the world)

 Dù cố sức đến đâu (However hard it tried)

 Không sao làm chìm được (Could never sink a ship)

 Nếu không lọt vào tầu (Unless it got inside.)

 Toàn sự ác trần gian (All the evil of the world)

 Tội lỗi với gian tham (The wickedness and sin)

 Không bao giờ hại được (Could never sink the soul’s craft)

 Nếu không nhập tâm can” (Unless it got inside) 


 Thứ tư, bạn sẽ có một tình yêu mới đối với tha nhân. Kinh Thánh bảo rằng, “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình” (I Giăng 3:14).

 Thứ năm, chúng ta sẽ không tiếp tục ghì mài trong tội lỗi. Kinh Thánh dạy rằng, “Chúng ta biết rằng ai sinh bởi Ðức Chúa Trời, thì hẳn chẳng phạm tội, nhưng ai sinh bởi Ðức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỉ không làm hại người được” (I Giăng 5:18). Chúng ta sẽ không can dự vào nếp sống sa đọa.

 Tiểu bang Texas có câu chuyện kể về một người sáng nào cũng đến cột ngựa trước một tiệm rượu. Một buổi sáng kia chủ quán rượu đi ra thấy người này không cột ngựa trước quán nữa mà lại cột phía trước nhà thờ. Nhìn anh ta từ đường trên đi xuống chủ quán gọi to, “Này anh bạn! Sao sáng nay lại cột ngựa trước nhà thờ?” Người kia quay lại trả lời, “Tôi đã trở lại với Chúa trong buổi nhóm phục hưng tối qua nên hôm nay muốn đổi chỗ cột ngựa.”

 Ðây chính là ý nghĩa tái sinh. Ðây là ý nghĩa của việc qui đạo. Ðây là ý nghĩa của sự phân rẽ với trần gian. Ðó là đổi chỗ cột ngựa.