Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, June 30, 2012

Đức Tin Là Gì?




"Vậy anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế, chớ không do anh em tự tạo. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang."
(Êphêsô 2:8-9)


Đến bây giờ bạn đã sẵn sàng đi bước kế tiếp trong việc tìm kiếm bình an với Chúa. Bây giờ bạn đã sẵn sàng từ bỏ cuộc đời tội lỗi cũ và quyết tâm thực hiện thay đổi này trong đời sống. Bạn không còn quay lưng lại với Đức Chúa Trời nữa nhưng đang tiến bước hướng về tình yêu, lòng thương xót và sự bảo vệ của Ngài. Bạn đã quyết định. Bạn đã hối cải, đã chọn con đường chính đáng, dù đó có thể là con đường cam go. Bạn đã chọn con đường Môi-se đi gần 3,500 năm trước, khi ông từ bỏ ngôi vua Ai-cập và quyết định chọn Đức Chúa Trời!
 

 Khi được 40 tuổi, Môi-se đã phải trốn khỏi Ai-cập để bảo toàn sự sống. Bốn mươi năm sau ông trở lại lãnh đạo tuyển dân đưa họ ra khỏi Ai-cập. Điều gì đã thay đổi? Môi-se đã làm một quyết định lớn trong đời và kết luận rằng đức tin và chân lý cùng đi với khó khăn và thống khổ vẫn hơn hẳn giàu có và danh vọng mà thiếu vắng tình yêu của Đức Chúa Trời. Trong lịch sử ít có người nào phải đối diện với quyết định khó khăn hơn quyết định của Môi-se.

 Con Người Của Đức Tin

 Môi-se là một người có học vấn, một người giàu có và thế lực. Là con nuôi công chúa Pha-ra-ôn, ông quen nếp được mọi người tôn trọng, sống trong cảnh xa hoa với tất cả mọi đặc quyền. Ngôi vua Ai-cập, một đế quốc hùng cường, thịnh vượng vào bậc nhất đương thời ở trong tầm tay Môi-se. Nhưng Kinh Thánh ký thuật rằng, “Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp, hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi: người coi sự sỉ nhục về Chúa Cứu Thế là quí hơn châu báu Ai-cập, vì người ngửa trông sự ban thưởng. Bởi đức tin, người lìa Ai-cập không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:24-27). Phân đoạn Kinh Thánh này đề cập đến Môi-se sau bốn mươi năm trong sa mạc với Đức Chúa Trời - không phải một tên sát nhân trẻ tuổi hung hăng sợ chết chạy trốn Pha-ra-ôn hồi trước.

 Chúng ta lưu ý Kinh thánh nói rằng Môi-se “bỏ” và “từ chối” - đây chính là sự ăn năn thật. Kinh Thánh cũng bảo rằng Môi-se đã quyết định như thế là “bởi đức tin”! Đức tin chính là bước kế tiếp. Môi-se đi đến quyết định này không vào lúc xúc cảm vỡ bờ như một số các tâm lý gia coi là điều kiện cần thiết cho kinh nghiệm tôn giáo. Động cơ khiến Môi-se hành động như vậy cũng không phải do chán nản hay thất vọng. Môi-se không phải là một con người bất đắc chí hay thất cơ lỡ vận. Môi-se không chọn con đường của Đức Chúa Trời để bù cho những mất mát thiệt thòi của ông trong cuộc đời; ông cũng không trở lại với tôn giáo vì thấy cuộc đời buồn nản, vô vị. Ông không đến với Chúa vì lợi lộc hay để tìm vui thú, tìm chốn giải khuây.

 Vấn Đề Chọn Lựa

 Tất cả những lập luận này và những lập luận khác nữa thường được đưa ra làm lý do để tìm kiếm đời sống với Chúa đều không có giá trị trong trường hợp Môi-se. Ông không bị buộc phải chạy trốn xác thịt hay ma quỉ. Ông bỏ đi do quyết định cá nhân. Chắc chắn Môi-se không phải là con người kém cỏi hay hèn yếu. Ông không phải là một đứa trẻ bám víu nương nhờ vào sự an toàn của trật tự xã hội. Ông không phải là một tiểu tốt đi tìm danh vọng. Ông không phải là một trong bất cứ điều gì mà những kẻ khích bác tôn giáo gán ghép, bảo rằng vì những điều đó mà Môi-se phải cần có sự cứu rỗi. Những điều Môi-se có hơn cả những giấc mơ nhiều người mong ước, nhưng với một nhận định trưởng thành trong giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời, ông quay lưng lại với sự giàu có, địa vị, danh vọng để chọn đức tin nơi Đức Chúa Trời.

 Mỗi lần tôi nghe người ta bảo rằng chỉ có những người tuyệt vọng, vô vọng, và chỉ những người thất cơ lỡ vận mới cần có sự an ủi của “tôn giáo”, tôi liền nghĩ đến Môi-se.

 Tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều người về những nan đề tâm linh, tôi học được điều này, đó là khi những người khôn ngoan sáng suốt từ chối tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Chủ và làm Đấng Cứu Chuộc, họ từ chối không phải vì khám phá ra rằng giáo lý Cơ-đốc không hợp lý về phương diện trí tuệ, nhưng chỉ vì họ muốn tránh né những trách nhiệm và bổn phận của cuộc sống Cơ-đốc nhân. Điều ngăn cản họ đến với Chúa Cứu Thế không phải là trí óc sáng suốt, nhưng chính là tấm lòng yếu ớt của họ. Họ không sẵn lòng tùng phục và giao nạp mọi điều cho Chúa. Điều lý thú đáng để ý là hai nhân vật được Đức Chúa Trời sử dụng nhiều nhất trong Kinh Thánh (một trong Cựu Ước, một trong Tân Ước) lại là hai người học thức nhất: Môi-se và Phao-lô.

 Môi-se xem xét kỹ lưỡng những đòi hỏi và bổn phận Đức Chúa Trời đưa ra cho ông. Năm bốn mươi tuổi, Môi-se chạy trốn như một kẻ sát nhân, đến năm tám mươi ông trở về làm lãnh tụ. Môi-se ý thức rằng nếu chọn Đức Chúa Trời, ông sẽ phải chấp nhận hy sinh những điều hầu hết mọi người ôm ấp, trân quí. Ông không suy xét vội vàng. Ông không đi đến những kết luận thiếu chín chắn do những thôi thúc bất ngờ hay do phản ứng của xúc cảm. Ông đoán biết những hiểm nguy có thể gặp và chỉ kết luận sau khi đã vận dụng mọi khả năng của một tâm trí sắc bén đã được tinh luyện. Lựa chọn cuối cùng của Môi-se không phải là một thí nghiệm có tính cách tạm thời. Ông không chọn đức tin như một biện pháp giai đoạn, nhưng do lòng tin quyết chín chắn với một mục tiêu không thay đổi, một lòng tin quyết không rúng động bởi những biến thiên của thuận cảnh hay của những thử thách lâu dài. Môi-se thận trọng đốt cả cầu lẫn thuyền là những phương tiện có thể khiến ông triệt thoái từ vị trí mới. Trong biến cố lớn ông phải đối diện năm 80 tuổi, Môi-se hoàn toàn phó thác chính mình cho Đức Chúa Trời. Ông đặt mình dưới sự điều động của Ngài, không giữ lại chút gì trong bất cứ thời gian hay hoàn cảnh nào.

 Phẩm chất quyết định của Môi-se thật khác biệt với quyết định của tiểu sử gia nổi tiếng Gamaliel Bradford là người vào cuối đời đã viết rằng, “Tôi không dám đọc Tân Ước, sợ rằng sẽ đánh thức cơn bão lo lắng, nghi ngờ, hoảng sợ vì đã chọn lầm đường, đã trở thành kẻ phản bội một Đức Chúa Trời hiển hiện, đơn sơ.”

 Môi-se không có nỗi sợ hãi đó. Bạn cũng sẽ không sợ nếu với đức tin, bạn hết lòng phó thác chính mình cho Chúa Cứu Thế bây giờ và mãi mãi. Xin đừng đến với Chúa bảo rằng, “Tôi thử đi theo Chúa Cứu Thế trong một thời gian, nếu thấy được tôi sẽ tiếp tục, nhưng nếu không, tôi vẫn còn đủ thì giờ để chọn một một lối sống khác.” Khi bạn đến với Chúa Cứu Thế, mọi cây cầu sau lưng bạn đều phải phá sập để đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ có ngày quay lại.

 Rời Bỏ Chiến Thuyền

 Nhiều năm trước khi cánh con đại bàng hung hãn Rô-ma phủ bóng đe dọa trên thế giới thì những tay chiến sĩ liều lĩnh dưới quyền Sê-sa đã giương buồm đi chinh phạt Anh Quốc. Khi các chiến thuyền địch quân xuất hiện ở chân trời thì hàng ngàn người Anh can đảm đã tập trung trên các cao điểm để bảo vệ mảnh đất quê hương. Lúc đó họ rất ngạc nhiên khi thấy biển và thủy triều đã nhận chìm hầu hết các chiến thuyền La-mã và như vậy là đường triệt binh duy nhất của đạo quân xâm lăng liều lĩnh đã bị cắt đứt. Chúng chiến đấu một cách man dại vì không còn đường rút. Với tinh thần quyết chiến đó, làm sao họ không chiến thắng! Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta thấy ngôi làng nhỏ bé bên bờ sông Tiber đã trở thành Bà Hoàng của thế giới! *

 Cũng vậy, chúng ta sẽ không thể nào được Chúa Cứu Thế chấp nhận nếu không đầu phục hoàn toàn với lòng sùng mộ tuyệt đối. Phúc âm Lu-ca 9: 62 chép như sau: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ai đã tra tay cầm cầy còn ngó lại đàng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.”

 Khi đứng giữa ngã ba đường đời Môi-se đã có một lựa chọn rúng động linh hồn. Tâm trí quen phán đoán của ông cân nhắc tất cả các dữ kiện trước khi quyết định. Ông nhìn thật sâu, thật cẩn thận xuống từng con đường cho đến tận cùng. Ông xem xét tất cả từng điểm lợi điểm hại và lúc đó mới quyết định đặt lòng tin cậy và đức tin nơi Đức Chúa Trời.

 Môi-se Đốt Cầu

 Trước hết, ông nhìn xuống cuối con đường thênh thang, rạng rỡ, đầy quyền uy, xa xỉ, đầy trò vui, rượu say, tràn ngập những thứ trần gian coi là lạc thú. Đối với Môi-se, đây là con đường thật quen thuộc ông biết rõ, con đường ông đã đi suốt bốn mươi năm và biết rằng nó sẽ kết thúc ở chỗ hủy diệt và chỉ đưa đến hỏa ngục.

 Rồi Môi-se nhìn xuống con đường kia, con đường hẹp và khó đi hơn nhiều. Ông thấy đầy những đau thương khổ ải, nhục nhã, thất vọng. Ông thấy đầy gian nguy, thử thách, buồn thảm và đau đớn, nhưng với đức tin, ông cũng thấy cả chiến thắng và phần thưởng là sự sống vĩnh hằng.

 Một người kém trí phán đoán và ít kinh nghiệm hơn Môi-se rất có thể đã bị cám dỗ đi con đường thứ nhất. Ai-cập lúc đó là một cường quốc hùng mạnh nhất hoàn cầu, trấn giữ đồng bằng sông Nile màu mỡ, là vựa lúa của thế giới. Quân đội Ai-cập không thể bị đánh bại. Các trường cao đẳng và đại học Ai-cập đưa ra những mẫu mực con người hàng bao nhiêu thế kỷ sau vẫn phải noi theo!

 Rất ít người trong chúng ta bị đòi phải từ bỏ nhiều như Đức Chúa Trời đòi Môi-se từ bỏ. Ít người trong chúng ta phải đứng trước nhiều cám dỗ đa diện như Môi-se rồi bị đòi phải chống lại những cám dỗ đó. Ít người trong chúng ta phải chứng kiến những thú vui trần tục phơi bầy trước mắt, và Kinh Thánh cũng xác nhận rằng ngay cả tội lỗi cũng có những thú vui của nó, những thú vui tạm bợ, mau qua và cũng không lưu lại một dấu vết an ủi nào.

 Chọn Đức Chúa Trời, Môi-se đã chấp nhận hy sinh rất lớn, nhưng cũng đã được phần thưởng lớn không kém. Trong thời Môi-se những tài sản lớn rất hiếm cho nên cũng rất ít người có cơ hội như Môi-se, trở thành người giàu nhất thế giới.

 Sự Giàu Có Của Trần Gian

 Ngày nay nhiều người có thể thâu gom được những tài sản kếch sù. Năm 1923 (là thời gian việc tích lũy tài sản là mối quan tâm hàng đầu trên đất nước này), có một nhóm các nhà tài phiệt thành công nhất thế giới họp nhau tại Khách sạn Edgewater Beach Hotel ở Chicago. Ngay cả đối với thời kỳ cực thịnh của thập niên 20, buổi họp đó cũng là một tập hợp quyền lực và tài sản đáng nể. Ngồi chung trong cái bàn rộng là chủ tịch một công ty thép độc lập lớn nhất thế giới, chủ tịch công ty tiện ích lớn nhất, chủ tịch Ngân Hàng Chứng Khoán Nữu Ước, một nhân viên nội các của Tổng Thống Mỹ, chủ tịch Ngân Hàng Giao Dịch Quốc Tế, một nhà kinh doanh lớn nhất Wall Street, và một nhân vật nữa là người đứng đầu một công ty độc quyền lớn nhất thế giới. Tất cả những nhân vật trên kiểm soát một số tài chánh nhiều hơn cả ngân khố Hoa Kỳ! Bất cứ em học sinh nào cũng biết những câu chuyện thành công của họ. Họ là những mẫu mực cho người khác noi theo. Họ là những nhà tài chánh và kỹ nghệ gia đứng đầu nước Mỹ!

 Năm 1923 những câu chuyện được quảng bá rộng rãi về những nhân vật này thật phấn khích, đầy thích thú, kích thích trí tưởng tượng, khơi dậy lòng ganh đua, thôi thúc nhiều người cố gắng vươn tới như họ! Nhưng trong năm 1923, câu chuyện đời họ mới chỉ được kể có một nửa còn những chương kết thúc chưa viết xong.

 Vào lúc tám nhân vật trên ngồi với nhau trong khách sạn tại Chicago, mỗi người trong đời sống riêng, đang đứng ở chỗ của Môi-se trước ngã ba đường. Hai hướng đi trải dài trước mặt mỗi người, nhưng có lẽ đó là những lối đi họ không thấy, những lối đi họ không quan tâm, và chắc chắn đó cũng không phải là những lối đi họ chọn, và hôm nay tiểu sử những người này đã hoàn tất. Hôm nay chúng ta đã biết những chương cuối, chúng ta có thể ôn lại cuộc đời họ như chúng ta đã ôn lại cuộc đời Môi-se để xem đâu là cuộc đời thành công nhất, đâu là cuộc đời khôn ngoan nhất.

 Charles Schwab, chủ tịch công ty thép sống những năm cuối đời trong nợ nần và chết không một xu dính túi. Arthur Cutten, thương gia lúa mì lớn nhất đã chết khánh tận ở ngoại quốc. Richard Whitney, chủ tịch Ngân Hàng Chứng Khoán Nữu Ước ngồi tù ở cải hối thất Sing Sing. Albert Fall, nhân viên nội các bị tù nhưng được ân giảm để có thể về chết ở nhà.Jessie Livermore, “con gấu” của Wall Street; Leon Frazer, Chủ tịch Ngân Hàng Giao Dịch Quốc Tế; và Ivon Kreuger, người đứng đầu một công ty độc quyền lớn nhất thế giới, cả ba đều đã tự sát!

 Những người này có tất cả tiền tài, quyền lực, danh vọng, ưu quyền, trí thông minh và học vấn, nhưng tất cả đều thiếu một thuộc tính đem lại ý nghĩa đích thực và mục tiêu cho đời sống. Họ thiếu một thuộc tính thiết yếu đối với giáo lý và tác phong Cơ-đốc, một thuộc tính đưa đến sự hoán cải và khiến cho sự tái sinh trở thành thực hữu. Họ không chịu tin! So sánh cuộc đời những người này với cuộc đời những giáo sĩ đã bỏ mọi sự theo Chúa, là những người có thể chết trong đớn đau, trong cảnh thanh bần, nhưng đó là cái chết có ý nghĩa!

 Những nhân vật giàu có trên không có đức tin, hoặc giả có đức tin đi chăng nữa thì họ đã không chịu hành động thể hiện đức tin đó. Những chương cuối cuộc đời họ sẽ khác biết chừng nào nếu họ coi đức tin nơi Chúa Cứu Thế là một trong những tài sản quí.

 Môi-se Quay Lưng Với Của Cải Trần Gian

 Môi-se đã từ bỏ cuộc sống sang giàu trong Ai-cập là vì đức tin. Chính đức tin đã giúp ông biết rằng dù phải chịu bao thiệt thòi suốt những năm còn lại của cuộc đời trần gian, đến cuối cùng, ông sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn hết là sự sống vĩnh hằng.

 Những người như Cutten và Schwab có thể nghĩ Môi-se là một kẻ dại, bảo rằng, “Một con chim trong tay hơn hai con trong bụi.” Nếu nói được với Môi-se họ sẽ nói như sau: “Này Môi-se, ông biết tất cả những gì ông có trong Ai-cập và biết một người với đầu óc như ông có đủ mánh lới để thâu đoạt tiền của và quyền lực. Nếu biết cách, ông có thể đưa Ai-cập vào vị trí điều khiển thế giới, triệt hạ tất cả những tiểu quốc khác, chấm dứt mọi cạnh tranh để toàn quyền thao túng.” Đó là những điều họ có thể nói với Môi-se, vì đó là cách họ suy nghĩ, cách họ hành xử và cũng là cách nhiều người trong vòng họ đã dùng để thâu đoạt, tích lũy tài sản. Họ sẽ cười vào mũi người nào nhờ cậy Đức Chúa Trời và đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ sẽ bảo rằng, “Đức tin không phải là cách làm ăn khéo léo, khôn ngoan.”

 Kinh Thánh dạy rằng đức tin là phương cách duy nhất đến với Đức Chúa Trời, “vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6b). Kinh Thánh cũng dạy rằng đức tin là điều làm vui lòng Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều gì khác, “Không có đức tin thì không thể nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).

 Con người trên khắp thế giới đang tự hành hạ chính mình, mặc những kiểu áo quần dị hợm, ăn chay, ép xác, bỏ nhiều thì giờ cầu nguyện, khắc khổ thân thể mong nhờ đó sẽ được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này có thể cũng là những điều tốt, nhưng điều lớn nhất chúng ta có thể làm để được vui lòng Đức Chúa Trời là tin cậy Ngài.

 Tôi có thể khen ngợi bạn tôi đủ điều, nhưng sau tất cả những mỹ từ kia tôi thổ lộ rằng tôi không tin anh ta thì tất cả những câu khen ngợi hoa mỹ trên hoàn toàn vô ích. Tôi đã nâng anh ta lên chỉ là để vùi dập anh ta xuống.