Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, June 30, 2012

Làm Sao Tôi Biết Chắc




“Ta đã viết những điều này cho các con hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời,là kẻ nào tin đến danh Con Ðức Chúa Trời.” (IGiăng 5:13)

Mỗi tuần tôi nhận được hàng chục lá thư, từ những người cho biết họ có những điều nghi ngại và không chắc chắn liên quan đến cuộc sống Cơ-đốc. Trong số đó có những tín hữu thật nhưng dường như lại không có được niềm vui trong đức tin Cơ-đốc, hay không cảm thấy được bảo đảm vì họ đã không hiểu được chân lý căn bản về kinh nghiệm Cơ-đốc. Dù Kinh Thánh đã khẳng định rằng “những việc này đã chép để các ngươi tin rằng Ðức Chúa Giê-xu là Ðấng Christ, tức là Con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31), nhưng nhiều người vẫn không cảm thấy vững chắc, an lòng. 


 Chúng ta sẽ dùng chương này để tóm tắt lại những gì đã xảy ra trong tiến trình cứu rỗi. Chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa của sự ăn năn, việc đặt đức tin nơi Chúa và sự được sinh lại hay tái sinh. Nhưng làm sao chúng ta có thể biết chắc tất cả những điều này đã xảy ra cho chúng ta? Nhiều người nói chuyện với tôi đã từng ăn năn, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và đã tái sinh, nhưng vẫn cảm thấy không chắc chắn về sự kiện mình qui đạo.

 Chúng ta hãy đi trở lại một số điều đã học. Trước hết, sự kiện trở thành một Cơ-đốc nhân có thể là một biến động lớn trong đời sống hay cũng có thể là một tiến trình đưa đến một cao điểm mà bạn có thể ý thức hay không. Xin bạn đừng hiểu lầm điểm này. Việc bạn trở thành Cơ-đốc nhân không phải là kết quả của một tiến trình giáo dục. Vài năm trước một mục sư có tiếng tăm bảo rằng, “Chúng ta phải giáo dục và huấn luyện thanh niên trong lối sống Cơ-đốc như thế nào để họ không bao giờ biết thời gian họ chưa phải là Cơ-đốc nhân.” Nhiều triết lý giáo dục tôn giáo đã dựa vào tiền đề này và có lẽ một số không ít đã lạc mất yếu tính của kinh nghiệm Cơ-đốc, vì tất cả chỉ lo huấn luyện mà thôi cho nên trong lòng không hề có một biến đổi nào.

 Ðến đầu thế kỷ 20, giáo sư Starbuck, một lý thuyết gia hàng đầu trong lãnh vực tâm lý, quan sát và nhận thấy rằng những công tác viên Cơ-đốc thường là những người được tuyển trong hàng ngũ những người đã có một kinh nghiệm hoán cải sinh động. Ông cũng nhận thấy rằng những người có khái niệm rõ ràng về sự hoán cải thường là những người xuất thân từ các vùng quê ít được huấn luyện về tôn giáo hoặc có được huấn luyện nhưng không qui mô.

 Không phải chúng ta phê phán việc huấn luyện tôn giáo, nhưng những nhận định trên có thể coi là lời cảnh cáo đối với hiểm họa sử dụng những trang bị tôn giáo không thích đáng thay thế cho kinh nghiệm tái sinh.

 Tôn Giáo Không Phải Là Tái Sinh

 Chúa Giê-xu đã nói với Ni-cơ-đem, một trong những người sùng đạo nhất đương thời, “Nếu một người không sinh lại thì không thể thấy nước Ðức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Ni-cơ-đem không thể lấy kiến thức tôn giáo sâu sắc của ông thay thế cho sự tái sinh và cho đến thế hệ hôm nay chúng ta vẫn chưa vượt qua được giới hạn đó.

 Con sâu xấu xí dùng hầu hết thời gian để tăng trưởng và thay đổi trong kén mà không ai biết đến. Dù tiến trình đó có chậm chạp và kéo dài bao lâu đi nữa cũng sẽ đến lúc nó phải trải qua một biến động, từ đó xuất hiện một con bướm đẹp đẽ. Những tuần lễ tăng trưởng trong yên lặng rất quan trọng, nhưng nó không thể thay thế cho kinh nghiệm đặc biệt khi cái xác cũ kỹ, xấu xí bị lột ra để lại đàng sau và một hình dáng mới rực rỡ xuất hiện.

 Có hàng nghìn Cơ-đốc nhân không biết rõ đích xác ngày giờ người đó biết Chúa Cứu Thế, nhưng đức tin và đời sống họ minh chứng rằng họ đã được hoán cải, đã đến với Chúa Cứu Thế một cách ý thức hay vô thức. Dù họ có nhớ hay không thì vẫn có một giây phút họ đã vượt lằn ranh từ chết qua sống.

 Có lẽ ai cũng có những điều ngờ vực, những điều cảm thấy không chắc chắn trong kinh nghiệm tôn giáo. Khi Môi-se lên núi Si-na-i nhận hai bảng luật Chúa ban, ông vắng mặt nơi tuyển dân trong một khoảng thời gian nên họ nóng lòng trông chờ ông trở lại. Cuối cùng dân chúng ngờ vực, nói với A-rôn, “Nào hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi vì về Môi-se, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai-cập chúng tôi không biết việc gì đã xảy đến cho người rồi” (Xuất Ai-cập 32:1b). Sự bội nghịch của tuyển dân là hậu quả của lòng nghi ngờ và thiếu xác quyết.

 Tình trạng thiếu xác quyết đáng sợ trên ám ảnh linh hồn vô số người phát xuất từ sự hiểu lầm những yếu tố của kinh nghiệm Cơ-đốc. Nhiều người dường như không hiểu gì về bản chất kinh nghiệm Cơ-đốc trong khi một số khác lại mong đợi và tìm kiếm những kinh nghiệm không hề được Kinh Thánh bảo đảm.

 Từ đức tin được nói đến rõ ràng hơn ba trăm lần trong Tân-ước liên hệ đến sự cứu rỗi, không kể nhiều lần hàm ý. Tác giả thư Hy-bá viết, “Kẻ đến gần Ðức Chúa Trời phải tin rằng có Ðức Chúa Trời, và Ngài là Ðấng ban thưởng cho người chuyên cần tìm kiếm Ngài” và, “Không có đức tin thì không thể nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hy-bá 11:6).

 Chính vì lẫn lộn đức tin với cảm xúc cho nên ngày nay nhiều người đã kinh nghiệm tình trạng khó khăn và thiếu xác quyết thường có giữa vòng những người nhận mình là Cơ-đốc nhân.

 Ðức tin luôn luôn hàm ý phải có đối tượïng, nghĩa là chúng ta phải đặt đức tin vào một người nào hay một vật gì. Người hay vật đó chúng ta gọi là sự kiện. Tôi xin đưa ra ở đây ba từ ngữ hướng dẫn chúng ta ra khỏi tình trạng ngờ vực để bước vào cuộc sống một Cơ-đốc nhân đầy lòng tin quyết. Ba từ ngữ đó là sự kiện, đức tin và cảm xúc theo đúng thứ tự này. Nếu lẫn lộn thứ tự hoặc bỏ bớt hoặc thêm vào, chúng ta sẽ rơi vào trong vũng lầy của thất vọng và tiếp tục lần mò trong bóng mờ, không có được niềm vui và lòng tin quyết của một người có thể tuyên bố rằng, “Tôi biết tôi đã tin Ðấng nào” (2 Ti-mô-thê 1:12).

 Sự Kiện

 Chúng ta được cứu khỏi tội hoàn toàn chỉ do đức tin cá nhân vào Phúc-âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu được trình bày trong Kinh Thánh. Dù điều này đối với bạn, ban đầu có vẻ giáo điều và hẹp hòi, nhưng sự kiện hiển nhiên còn lại đó là không có một con đường nào khác. Kinh Thánh ghi lại lời Thánh Phao lô viết, “Trước hết, tôi đã dạy anh em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:3,4). Kinh Thánh bảo rằng chúng ta được cứu khi đức tin chúng ta ở trong sự kiện khách quan này. Công việc của Chúa Cứu Thế là sự kiện, thập tự giá của Ngài là sự kiện, ngôi mộ của Ngài là sự kiện và sự phục sinh của Ngài là sự kiện.

 Không thể nào chỉ do tin tưởng mà người ta có thể làm cho một điều gì hiện hữu. Phúc Âm không hiện hữu do con người tin tưởng. Ngôi mộ trống không còn xác chết vào ngày Lễ Phục Sinh đầu tiên không phải vì có những người trung thành tin như vậy. Sự kiện luôn luôn có trước đức tin. Con người được tạo dựng về phương diện tâm lý, không thể tin nếu không có đối tượng của đức tin.

 Kinh Thánh không kêu gọi bạn tin vào điều gì không thể tin, nhưng tin vào sự kiện lịch sử mà trong thực tại vượt qua tất cả mọi dòng lịch sử. Kinh Thánh kêu gọi bạn tin vào công tác của Chúa Cứu Thế giải quyết tội lỗi cho tội nhân là công tác có hiệu nghiệm cho tất cả mọi người dám liều mình phó thác linh hồn cho Chúa. Tin cậy Chúa để được sự cứu rỗi vĩnh cửu là tin cậy vào một sự kiện.

 Ðức Tin

 Theo thứ tự, đức tin đứng thứ nhì trong ba từ ngữ trên. Hiển nhiên về phương diện lý trí, đức tin không thể có được nếu không có gì để tin. Ðức tin cần phải có đối tượng. Ðối tượng đức tin Cơ-đốc là Chúa Cứu Thế. Ðức tin không chỉ là chấp nhận bằng lý trí những lời tuyên xưng của Chúa Cứu Thế nhưng còn liên quan đến ý chí. Ðức tin có tính cách quyết định chọn lựa. Ðức tin đòi hỏi hành động. Nếu chúng ta thực sự tin, chúng ta sẽ sống theo niềm tin tưởng đó. Ðức tin không việc làm là đức tin chết. Ðức tin thực sự có nghĩa là thuận phục, ký thác và tận hiến cho những điều Chúa Cứu Thế tuyên xưng. Ðức tin bao gồm việc nhận tội và quay trở về với Chúa Cứu Thế. Chúng ta không thể biết Chúa Cứu Thế bằng ngũ quan nhưng chúng ta có thể biết Ngài bằng giác quan thứ sáu mà Ðức Chúa Trời ban cho mọi người, đó là khả năng tin.

 Kinh Nghiệm Ðức Tin

 Trong khi tôi cẩn thận đọc qua Kinh Thánh Tân Ước để xem bạn có thể có loại kinh nghiệm nào, tôi thấy Tân Ước chỉ đưa ra có một loại kinh nghiệm mà thôi. Ðó là kinh nghiệm bạn có thể tìm, kinh nghiệm bạn có thể mong đợi và đó là kinh nghiệm đức tin. Tin là một kinh nghiệm rất thật như mọi kinh nghiệm, vậy mà nhiều người vẫn còn muốn tìm thêm những điều khác, như xúc cảm mãnh liệt hay những thể hiện phi thường khác. Nhiều người được bảo phải đi tìm những xúc cảm đó, nhưng Kinh Thánh dạy rất rõ rằng người ta được “công chính hóa” bởi đức tin chứ không nhờ xúc cảm. Một người được cứu là do tin cậy công tác chuộc tội viên mãn của Chúa Giê-xu trên thập tự giá chứ không do những khích động thể lý hay tình trạng ngây ngất trong tôn giáo.

 Nhưng rồi bạn có thể nói với tôi, “Thế còn xúc cảm thì sao? Trong đức tin cứu rỗi không có chỗ nào cho xúc cảm sao?” Có xúc cảm trong đức tin cứu rỗi nhưng chúng ta không được cứu nhờ xúc cảm. Bất cứ xúc cảm nào chúng ta có chỉ là kết quả của đức tin cứu rỗi. Xúc cảm không cứu chúng ta!

 Xúc Cảm

 Xúc cảm là chữ cuối cùng trong ba từ đã nêu lên (sự kiện, đức tin và xúc cảm) và là phương diện ít quan trọng nhất. Tôi tin rằng tình trạng bất ổn trong đời sống tôn giáo và tâm trạng bấp bênh không xác quyết xảy ra là do những người nhiệt thành, chân chất đi tìm sự cứu rỗi đã quả quyết trước rằng họ phải có một tâm trạng sốt sắng nào đó thì mới kinh nghiệm được sự hoán cải.

 Những người đi tìm sự cứu rỗi theo như Kinh Thánh trình bày sẽ muốn biết loại kinh nghiệm nào Kinh Thánh muốn dẫn vào. Tôi thường nói những điều sau đây cho những người đáp ứng lời mời tin nhận Chúa, hoặc trước bục giảng hay trong các phòng vấn nạn, hay khi quì gối ngay bên cạnh máy thâu thanh hay truyền hình. Tôi bảo rằng, bạn đã nghe sứ điệp tin mừng, bạn đã biết mình là một tội nhân đang cần có một Ðấng Cứu Chuộc, bạn đã nhận ra rằng cuộc đời bạn về phương diện thuộc linh hoàn toàn đổ vỡ, bạn đã cố theo mọi kế hoạch của con người để tự cải tiến, tự cải cách nhưng tất cả đều thất bại. Trong tình trạng hư vong và tuyệt vọng, bạn ngước lên nhìn Chúa Cứu Thế trông đợi ơn cứu rỗi. Bạn tin rằng Ngài có đủ quyền năng và chắc sẽ cứu bạn. Bạn từng được nghe hay đọc lời mời của Ngài trong Kinh Thánh rằng, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các con được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Bạn cũng đã đọc lời Chúa hứa, “Người nào đến cùng Ta thì Ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37), và bạn cũng đã đọc lời Chúa bảo rằng, “Nếu người nào khát hãy đến cùng ta mà uống” (Giăng 7:37).

 Xúc Cảm Ðến Sau Ðức Tin

 Khi tôi hiểu đôi điều về tình yêu của Chúa Cứu Thế dành cho tôi là một tội nhân, tôi đáp ứng với Ngài cũng bằng tình yêu - và tình yêu thì có kèm theo cảm xúc. Nhưng tình yêu đối với Chúa Cứu Thế vượt lên trên tình cảm của con người dù cả hai có những điểm tương đồng. Ðây là loại tình yêu giải phóng chúng ta khỏi bản ngã. Trong hôn nhân có sự cam kết nhưng cũng có xúc cảm. Tuy nhiên xúc cảm đến rồi đi, còn cam kết không dời đổi. Chúng ta là những người ký thác với Chúa Cứu Thế cũng có những xúc cảm đến rồi đi, xúc cảm vui mừng, yêu mến, biết ơn..., nhưng sự cam kết tiếp tục vững bền. Xúc cảm quan trọng nhưng không thiết yếu. Kinh Thánh bảo rằng, “tình yêu thương trọn vẹn cất bỏ mọi sợ hãi” (I Giăng 4:18) cho nên lòng tin cậy Chúa Cứu Thế của những người yêu mến Ngài nâng họ vượt lên trên mọi sợ hãi. Các nhà tâm lý học cho biết có những nỗi sợ hãi gây tổn hại nhưng cũng có những sự sợ hãi lành mạnh. Nỗi sợ hãi lành mạnh khiến chúng ta chăm sóc chính mình và những người thân. Chúa Giê-xu dạy chúng ta cần e sợ, cảnh giác đối với Sa-tan.

 Khi hiểu rằng Chúa Cứu Thế trong sự chết của Ngài đã tuyệt đối đắc thắng tội lỗi và sự chết, thì tôi không còn sợ sự chết nữa. Kinh Thánh dạy rằng, “Vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời” (Hê-bơ-rơ 2:14,15). Hiển nhiên sợ hãi là một xúc cảm và thắng sự sợ hãi với can đảm và lòng tin cậy trước sự chết là xúc cảm và kinh nghiệm. Nhưng tôi cần nhắc lại điểm này, điều cứu chúng ta không phải là xúc cảm can đảm hay sự an tâm mà là đức tin, trong khi đó can đảm và sự an tâm là kết quả của đức tin đặt nơi Chúa Cứu Thế. Trong Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền đều dạy chúng ta phải kính sợ Ðức Chúa Trời. Chính lòng kính sợ Chúa này đã khiến cho chúng ta nhận định đúng tất cả những nỗi sợ hãi khác.

 Tình Trạng Mắc Tội

 Có một lương tâm mang mặc cảm phạm tội là một kinh nghiệm. Các nhà tâm lý học có thể định nghĩa đó là kinh nghiệm mắc tội và có thể tìm cách biện bạch để xóa bỏ mặc cảm mắc tội này. Tuy nhiên, một khi lương tâm đã thức tỉnh do đối diện với giới răn của Ðức Chúa Trời thì không một lời biện minh nào có thể trấn át tiếng nói dai dẳng của lương tâm. Có nhiều tội nhân cuối cùng đã ra đầu thú nộp mình cho chính quyền vì sự lên án, cáo trách của lương tâm mắc tội còn kinh khủng hơn các chấn song nhà tù.

 Trong một bài báo nói về sự mắc tội được đăng trên tờ The New York Times (Số ra ngày 29 tháng 11, 1983), Tiến sĩ Helen Block Lewis, một tâm lý gia và nhà phân tích tâm lý của đại học Yale, đã mô tả cảm thức mắc tội là một cảm xúc “giúp con người giữ liên lạc” với đồng loại. Bà giải thích rằng “Cảm thức mắc tội là chất keo kết hợp chúng ta lại với nhau và giúp chúng ta duy trì tính người. Nếu bạn là người gây tổn hại cho người khác, cảm thức mắc tội sẽ thúc đẩy bạn phải tìm cách sửa đổi, hàn gắn lại.”

 Samuel Rutherford bảo rằng, “Hãy xin Chúa ban cho bạn một ý thức mạnh mẽ, sống động về tội lỗi. Ý thức về tội lỗi càng sâu sắc, càng ít tội.” Ý thức về tội lỗi chính là cảm thức mắc tội. Nó không chỉ cho bạn biết lúc bạn rơi vào vòng tội lỗi, nhưng cũng giống như cảm giác về sự đau đớn, nó giữ bạn tránh xa hiểm họa. Thiếu cảm giác đau đớn, người ta có thể vô tình đưa tay vào lò lửa mà không cảm thấy gì cả. Vai trò sinh động nhất của cảm giác đau đớn được trình bày cặn kẽ trong cuốn Ðược Tạo Dựng Ðáng Sợ Lạ Lùng (Fearfully and Wonderfully Made) của Paul Brand và Philip Yancey. Hai tác giả này đã giải thích rằng không phải chính bệnh phong cùi đã làm cho nhiều người mắc bệnh này thường bị khuyết tật, nhưng vì tình trạng mất cảm giác đau đớn đã khiến họ bị thương tật (như bị cháy, phỏng khi đưa tay vào lửa mà không biết...), đưa đến hậu quả bị cưa, cắt, liên quan đến loại bệnh kinh khủng này.

 Kinh Thánh dạy rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng thanh tẩy lương tâm, như trong thư Hê-bơ-rơ 9:13,14 chép như sau, “Vì nếu huyết của dê đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Chúa Cứu Thế là Ðấng nhờ Ðức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Ðức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Ðức Chúa Trời hằng sống là dường nào!”

 Ðược tẩy sạch khỏi lương tâm mắc tội và được giải phóng khỏi tình trạng thường xuyên bị cáo trách, lên án, là một kinh nghiệm, nhưng không phải việc thanh tẩy lương tâm cứu rỗi bạn nhưng chính đức tin nơi Chúa Cứu Thế cứu rỗi bạn, và lương tâm được thanh tẩy là kết quả của việc bước vào mối tương giao tốt đẹp với Ðức Chúa Trời.

 Vui mừng là một xúc cảm. Bình an sâu kín trong lòng là xúc cảm. Tình thương tha nhân là xúc cảm. Mối quan tâm đối với những người hư vong cũng là một xúc cảm.

 Ðiểm cuối cùng, có lẽ có người bảo rằng, “Tôi tin vào những sự kiện lịch sử của Phúc-âm, nhưng tôi vẫn chưa được cứu.” Có thể như thế, vì đức tin cứu rỗi có một phẩm tính đặc biệt - đức tin cứu rỗi là đức tin đưa đến lòng vâng phục, đó là đức tin tạo ra một lối sống. Một số người rất thành công trong việc bắt chước lối sống này trong một thời gian, nhưng những người tin cậy Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi thì đức tin đó tạo ra trong họ một ước muốn sống thể hiện kinh nghiệm đức tin trong lòng. Ðó là năng quyền đem đến kết quả trong cuộc sống thánh thiện, đầu phục Chúa.

 Chúng ta hãy để đức tin lý trí, đức tin lịch sử bạn đang có qui phục Chúa Cứu Thế một cách hoàn toàn. Hãy nhiệt thành ước muốn sự cứu rỗi của Ngài, và dựa trên thẩm quyền của Lời Ðức Chúa Trời bạn trở thành con cái Ngài. “Nhưng hễ ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).