Một Cựu Đại Đức Phật Giáo Làm Chứng Ơn Phước Chúa
Từ khi còn bé tôi đã thắc mắc tại sao linh hồn người chết có thể về ăn đồ cúng? Tại sao khi sống thì con người bất lực, nhưng sau khi chết thì linh thiêng và có thể phù hộ hoặc gieo họa cho bà con thân quyến? Những thắc mắc ấy thúc đẩy tôi vào chùa tu học. Trong chùa có bàn thờ một vị Bồ Tát có nét mặt dữ tợn, cái lưỡi của ông dài hơn lưỡi rắn. Tên ông là Tiêu Diện Đại Sĩ. Theo giáo lý nhà chùa thì đây là vị thần cai trị các linh hồn vất vưởng đói rách không được ai cúng thức ăn (cô hồn). Mỗi buổi kinh chiều, nhà chùa cúng một bát cháo lỏng đặt ngay bàn thờ ông Tiêu Diện và tụng bài kinh Thí Thực. Niềm tin nầy rất thích hợp với người bình dân Việt Nam. Tôi đã học giáo lý đạo Phật để tìm giải đáp, nhưng càng học, càng có thêm những thắc mắc khó giải thích hơn. Ví dụ có chùa chuyên làm bùa Quang Minh và bùa Hải Hội để giải oan cho những linh hồn “nghiệp nặng“ chết nhằm vào “ngày xấu“. Ngày nay nhiều chùa bói toán, xin quẻ. Là một tu sĩ, tôi phải học nhiều giới cấm. Càng nhiều giới cấm, người ta càng dễ phạm giới, vì thế có một giới cấm đặc biệt là tu sĩ cấp dưới không được phép tò mò tìm hiểu giới luật của tu sĩ cấp trên. Mỗi sáng thức dậy, ai quên đọc câu thần chú trước khi đặt chân xuống đất là mắc tội sát sanh vì vô tình đạp chết côn trùng trong ngày đó. Hoặc quên đọc thần chú uống nước là mắc tội ăn thịt 8 vạn bốn ngàn con vi khuẩn trong một ly nước. Cạo đầu mà không đọc thần chú cũng có tội. Ở chùa ăn nhiều rau. Lắm lần tôi thấy sâu chết trong rau muống luộc. Luộc những nồi rau to tướng như thế là giết rất nhiều sinh vật, thế nhưng không ai học câu thần chú luộc rau cả. Ngày xưa Đức Phật cấm nam tu sĩ đứng tiểu tiện, nhưng sau đó dân chúng tưởng rằng tất cả đệ tử của Phật là phụ nữ, Đức Phật phải hủy giới cấm ấy để tránh bị hiểu lầm. Vì giới luật nhà tu quá chi li, nên không ai giữ được trọn vẹn một giới nào cả. Chẳng ai muốn tiết lộ sự phạm giới của mình. Đáng tiếc là đạo Phật không nhìn nhận một cách minh bạch về vấn đề tội lỗi. Để phá chấp, người tu sĩ cấp cao học về ý nghĩa của sự phi giới và cao hơn nữa là vô phi giới. Mỗi khi ăn cơm, người tu hành đọc ba câu thề nguyện mà không một ai tin mình làm được. Thậm chí người ta đọc quen đến nỗi không cần một ý niệm tha thiết chân thành.