Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, April 19, 2021

Bông lúc chín là bông lúa cúi đầu

 Nhớ hồi vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ (một trong hai đứa còn nằm trong bụng mẹ, tháng thứ 6) xuất cảnh đi Mỹ. Vì trường hợp phụ nữ mang thai nên IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho riêng chúng tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn quốc như những gia đình khác cùng đợt hồ sơ, như vậy chúng tôi sẽ được rút ngắn chuyến đi gần nửa ngày. Sự tử tế chu đáo và bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, ‘người dưng nước lã' hoàn toàn xa lạ, làm tôi cảm động. Tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước, chúng tôi sẽ trả góp sau khi đã an toàn định cư ở quốc gia mới.

Gia đình nhỏ chúng tôi ghé đến phi trường Nhật, te tua xơ mướp vì mệt, lết tha lết thếch không giống ai giữa chuyến bay toàn hành khách sang trọng. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối, biết thân biết phận nên chờ cho mọi người ra hết mới dắt díu nhau ra sau cùng. Vậy mà vừa bước ra khỏi cửa máy bay, một tình nguyện viên của IOM, một thanh niên (sinh viên) người Nhật sáng sủa cao ráo, mặc bộ vest rất chỉnh tề, đứng sẵn đó, thấy chúng tôi là gập người chào cung kính. Cầm trên tay tấm giấy lớn ghi tên chúng tôi nhưng thực ra anh ta chẳng cần nữa vì quá dễ nhận ra cái gia đình nghèo vừa rời khỏi đất nước nghèo này.
Chúng tôi sững người, ngượng nghịu lúng túng trước cái cúi chào đặc biệt của người Nhật lần đầu tiên trên đời mình được nhận. Sau đó anh chàng kính cẩn ân cần, cố đi thật chậm để bà xã tôi không phải vội, dù đôi chân cao ngồng của chàng ta chỉ cần sải một bước là bằng chúng tôi đi ba bước.
Anh chàng nói tiếng Anh chậm rãi và cố tình chọn những từ dễ đến nỗi đứa dốt sinh ngữ như tôi cũng hiểu ngay. Cái cách anh chàng tế nhị đưa chúng tôi đến nhà vệ sinh và sẵn sàng kiên nhẫn chờ ở ngoài làm tôi càng phục lăn! Nước Nhật giáo dục kiểu gì mà người trẻ của họ tuyệt vời đến thế này nhỉ?
Rồi anh chàng chậm rãi dẫn chúng tôi đi dọc các hành lang sân bay quốc tế rộng mênh mông để đến cổng chờ chuyến bay đi Mỹ. Tôi nhớ chúng tôi đi bộ gần nửa tiếng mới tới. Cung cách của anh chàng không khác gì đang hộ tống những nhân vật quan trọng. A không, đang ấm áp đón tiếp những người rất thân thiết. Tôi nghĩ người thân ruột thịt cũng không ân cần được đến thế!Đến nơi, anh chàng lại cung kính và áy náy xin lỗi vì bận việc phải đi gấp. Anh chàng nói sẽ gọi điện nhờ một người bạn đến ở với chúng tôi trong 8 tiếng chờ đợi.
Thì ra anh chàng đã gọi phone nhờ cô người yêu của mình từ hồi nào. Cô ấy đến, cũng là sinh viên, nhỏ nhắn dễ thương, vừa đẹp vừa hiền, đem theo bữa cơm đắt tiền mua ở nhà hàng cùng một giỏ trái cây. Vừa gặp chúng tôi, cô ấy cũng gập người chào rất lễ phép. Tôi lại một lần nữa xúc động khi hiểu ra IOM có đặt sẵn suất thức ăn nhanh ở phi trường cho chúng tôi, nhưng đôi bạn trẻ này muốn đãi 'bà bầu' và hai em bé một bữa chu đáo hơn bằng chính tiền túi của họ.
Không còn biết nói gì nữa khi nhìn cô gái Nhật dịu dàng dọn bữa ăn vẫn còn nóng ra chiếc băng ghế phi trường, chén đũa đàng hoàng, mời chúng tôi, ngồi 'hầu' bên cạnh chúng tôi với nụ cười luôn nở trên khuôn mặt dễ mến, ân cần hỏi han vợ con tôi.
Tôi không còn tâm trí đâu mà thưởng thức món ăn. Mỗi một miếng đưa lên miệng là mỗi hạt ngọc hạt vàng! Tôi cảm thấy mình không xứng đáng ngồi đó để được cô bé tiếp đãi như thế này. Tôi xin kiếu, xin được đi lòng vòng để ngắm cái phi trường hiện đại, để trố mắt nhìn cái thế giới khác hẳn thế giới quen thuộc của mình ở quê hương.
Nói thật, suốt đời còn lại chúng tôi không thể quên sự tử tế và khiêm nhu của hai người bạn trẻ Nhật ấy!
Con gái đầu của chúng tôi năm đó mới 8 tuổi, nó nói lớn lên, quốc gia đầu tiên con phải đi thăm, trước cả về thăm quê hương Việt Nam, nhất định phải là nước Nhật!
Gần đây tôi mới biết câu thành ngữ cổ xưa của người Nhật: "Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu".
Bao thế hệ đi trước của người Nhật đã truyền lại lời dạy đó cho con cháu:
Một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi mình đã sung túc thịnh vượng, không được nghếch mặt lên trời tự mãn kiêu căng, nhưng biết cúi mình để kính trọng và yêu thương người khác!
“Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” câu châm ngôn của người Nhật Bản
実(みの)る程頭(ほどあたま)の下(さ)がる稲穂(いな
ST
Bạn có thể chia sẻ nếu thấy hay, xin cảm ơn!
Hoàng Nguyên Vũ

Một bài học tuyệt vời về sự tha thứ

 Nhờ vào ơn của Chúa khi tha thứ thì chính ta sẽ được Ngài chữa lành sự tổn thương về tinh thần mà không thuốc nào chữa được.

Cầu xin Chúa giúp con biết sống tha thứ như lời Chúa dạy để được Chúa tha thứ.
Câu chuyện: THA THỨ CHO KẺ THÙ NGHỊCH
Tôi đã gặp ông ta, một gã hơi hói, to con chắc nịch trong chiếc áo măng tô xám, cầm chiếc nón màu nâu hững hờ trên tay vào một ngày ở Munich trong nhà thờ. Sau buổi nói chuyện của tôi, mọi người bắt đầu tràn ra khỏi tầng hầm, di chuyển giữa những hàng ghế gỗ để ra ngoài. Đó là năm 1947, và tôi từ Hà Lan đến nước Đức này để chia sẻ một bài giảng về sự tha thứ của Chúa.
Đó là sự thật mà mọi người cần nghe nhất lúc đó trên mảnh đất đầy cay đắng của bom dội này, và tôi đến để chia sẻ với họ bức tranh tinh thần mà tôi yêu thích nhất. Có lẽ vì biển không bao giờ xa xôi đối với tâm trí của những người Hà Lan, tôi thích nghĩ rằng đó chính là nơi để những tội lỗi được tha thứ bị vất bỏ đi. Tôi đã nói, "Khi chúng ta thú nhận tội lỗi mình, Chúa sẽ ném những tội lỗi ấy vào tận đáy sâu thẳm của đại dương, mãi mãi. Và ngay cả khi tôi không thể tìm một đoạn Kinh Thánh nào nói như vầy, nhưng mà tôi tin rằng Chúa chắc sẽ để một cái bảng hiệu ngay chỗ đó là, "Cấm câu cá!"
Những khuôn mặt nghiêm trang nhìn tôi chằm chằm, như thể không dám tin thế. Sau buổi nói chuyện lần đó, vào năm 1947, đã không có ai hỏi một câu hỏi nào. Sau khi buổi nói chuyện kết thúc, mọi người đứng lên trong im lặng, im lặng dọn dẹp Kinh Thánh, Thánh ca của mình vào giỏ xách, và im lặng rời khỏi phòng nhóm.
Và đó chính là lúc tôi nhìn thấy ông ta -- đang cố gắng bước ngược hướng với tất cả mọi người. Một chốc, tôi thấy chiếc măng tô và chiếc mũ vành màu nâu; tiếp theo, một hình ảnh cũ hiện ra trong trí óc tôi: một bộ đồng phục màu xanh dương và chiếc nón lưỡi trai có hình đầu lâu và hai chiếc xương chéo nhau.
Mọi chuyện trở về trong trí tôi thật nhanh chóng: Căn phòng rộng lớn với những ánh đèn chói mắt trên cao rọi xuống; một đống quần áo và giày dép gom lại để giữa sàn nhà, sự xấu hổ khi phải bước đi trần truồng trước mặt người đàn ông này. Tôi có thể thấy vẻ nhợt nhạt của em gái tôi phía trước, ốm trơ xương trong lớp da khô nẻ. tôi thầm nghĩ "Betsie, lúc đó em đã gầy guộc quá sức tưởng tượng!".
Nơi đó là là nhà tù Ravenbruch, và người đàn ông đang tiến về phía tôi là một quản ngục - một trong những viên quản ngục tàn ác nhất.
Bây giờ anh ta đang đứng trước mặt tôi, đưa tay ra bắt: "Một bài chia sẻ thật hay, bà Fraulein! Thật tuyệt vời biết bao khi biết được điều đó, như bà nói đó, tất cả tội lỗi của chúng ta đã bị quăng xuống đáy biển hết rồi!"
Và tôi, người vừa mới chia sẻ liến thoắng về sự tha thứ, lại đang dấu tay vô túi áo thay vì bắt tay với bàn tay đang giơ ra kia. Ông ta không nhớ tôi, chắc chắn rồi -- làm sao ông ta có thể nhớ một tù nhân trong hàng ngàn nữ tù nhân được?
Nhưng tôi nhớ ông ta như in, và cả chiếc roi da lủng lẳng ở thắt lưng ông ta nữa. Tôi đang mặt đối mặt với một trong những kẻ bắt giam mình, hành hạ mình, và máu tôi dường như đông cứng lại.
"Bà đã nhắc tới nhà tù Ravenbruck trong bài nói chuyện khi nảy," ông ta chậm răi nói, "tôi vốn là một cai ngục ở đó." Không, vậy là ông ta đã không nhớ ra tôi rồi...
"Nhưng sau đó," ông ta tiếp tục, "tôi đã trở nên một tín đồ Cơ đốc. Tôi biết rằng Chúa đã tha thứ hết cho tôi những tội ác tôi làm lúc trước ở trong tù, nhưng tôi muốn nghe nó từ chính miệng của bà, Fraulein." -- một lần nữa, bàn tay ông đưa ra -- "Liệu bà có tha thứ cho tôi không?"
Và tôi đứng đó -- Tôi, một người đã phạm nhiều tội lỗi, cần được Chúa tha thứ và tha thứ mãi -- bây giờ lại không thể tha thứ cho người khác. Betsie đã chết ở nơi đó -- liệu ông ta có thể xóa đi những đau đớn của Betsie khi phải chết lần chết mòn không mà lại hỏi xin sự tha thứ?
Ông ta không thể cứ đứng đó và đưa tay ra quá lâu như vậy -- bàn tay đã buông xuống -- nhưng đối với tôi, vài giây vừa qua như thể mấy tiếng đồng hồ, khi mà tâm hồn tôi tranh chiến với cái điều khó khăn nhất có thể làm trong đời này: tha thứ cho ông ấy.
Vì sao tôi phải làm -- tôi biết rõ. Thông điệp rằng Chúa tha thứ cho chúng ta cần phải có một điều kiện: Chúng ta cũng phải tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta. Chúa Jêsus đã phán, "Nếu các ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.Tôi biết đây không chỉ là điều răn của Chúa, nhưng đây chính là kinh nghiệm sống hàng ngày. Từ khi chiến tranh kết thúc, tôi đã có một gia đình ở Hà Lan dành cho những nạn nhân của những đòn tra tấn dă man của chủ nghĩa phát xít. Những ai có thể tha thứ cho kẻ thù của họ thì cũng có thể trở lại thế giới bên ngoài tiếp tục sống. Những ai còn giữ những cay đắng cũ đó thì sẽ vẫn là những người bệnh tật. Nó thật đơn giản và kinh khủng như vậy thôi.
Và tôi vẫn đứng đó với sự lạnh lùng đang bám chặt trái tim mình. Nhưng hành động tha thứ không phải là hành động của cảm xúc -- tôi cũng biết như vậy. Tha thứ là một hành động của ý chí, và ý chí có thể hình thành mà không can hệ đến nhiệt độ của con tim. "Chúa Jêsus, xin hăy giúp đỡ con!" Tôi cầu nguyện thầm trong lòng. "Xin hãy giúp con có thể đưa tay lên. Con có thể làm như vậy. Xin Chúa tiếp thêm cho con sức mạnh."
Và như một khúc gỗ, như cái máy, tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay đang giang rộng chờ đợi. Khi tôi làm điều đó, một điều lạ lùng đã xảy ra. Cảm giác như một luồng điện chạy từ hai vai xuống tay tôi truyền qua bàn tay tôi đang nắm. Và rồi sự chữa lành này như một cơn lũ tuôn chảy trong tôi, khiến tôi òa khóc.
"Tôi tha thứ cho ông, người anh em trong Chúa... Tôi tha thứ từ đáy lòng tôi!" Tôi khóc mà nói.
Chúng tôi siết lấy tay nhau thật lâu -- một người cai ngục và một nữ tù nhân. Tôi đã chưa bao giờ trải nghiệm tình yêu của Chúa thật mạnh mẽ như tôi vừa trải qua. Nhưng dầu vậy, tôi biết đó không phải là tình yêu của tôi. Tôi đã cố gắng, nhưng tôi không có sức mạnh để vượt qua những ngăn trở. Đó chính là quyền năng của Thánh Linh như được chép ở Rôma 5:5 "... vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta."
Suy gẫm
==========================
Tha thứ không phải là một điều dễ dàng đối với con người. Chúng ta thường mong ước được tha thứ lỗi lầm mình, nhưng lại không thể tha thứ cho những ai đã làm tổn thương đến mình.
Xin Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng Ngài đã tha thứ tất cả những tội ác gớm ghê của chúng ta, và xin Ngài thêm sức để chúng ta có thể tha thứ cho những kẻ đã làm tổn hại đến chúng ta nữa.
Kinh Thánh
===========================
Mathiơ 6: 14-15
Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.
Nguồn: Món súp tâm linh.