Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, August 29, 2021

Các tác động bất lợi của dược phẩm.


              Với những công dụng như trên, thuốc giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của con người, nói chung, và của lão niên nói riêng. Mà thuốc thường cũng chỉ là một hóa chất, có công dụng như nói ở trên, đồng thời cũng có tác dụng phụ không tốt, bất kể là thuốc gì, dùng nhiều hay là ít. Đó là những tác-động-có-hại của thuốc (Adverse drugs reaction).

Theo định nghĩa của Cơ Quan Y Tế Quốc Tế thì tác động này là bất cứ một đáp ứng không mong muốn nào của cơ thể, xẩy ra khi dùng thuốc theo phân lượng để ngừa bệnh, định bệnh hay trị bệnh. Tác động có hại được chia nhiều loại:

Dị Ứng Thuốc

Có nhiều tác động hại không phải do dị ứng, nhưng vẫn được công chúng hiểu nhầm là dị ứng. Chẳng hạn như sau khi uống thuốc, ta bị ói mửa, đại tiện lỏng, sót ruột…thì  chỉ là tác dụng tại chỗ của thuốc vào dạ dày

Dị ứng là do sự tác dộng của kháng thể đã có trong máu, chống lại sự hiện diện của dược phẩm, và gây ra một số những triệu chứng khó chịu, đôi khi nguy hiểm. Nó có tác dụng ngược lại với cơ chế miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Ban chẩn với những lấm tấm đỏ trên da là phản ứng thông thường nhất của dị ứng.      Trường hợp nặng sẽ có nóng sốt, khó thở, thở khò khè, ngứa toàn thân, huyết áp giảm, tim đập liên hồi, suy nhược tổng quát ...có thể nguy hiểm cho tính mạng, nếu không được cấp cứu. Phản ứng này thường thấy khi chích thuốc Penicillin, Insulin hay hóa chất dùng trong việc chụp hình quang tuyến X, nó có thể xẩy ra tức thì hay chậm lại một thời gian.  Cũng nên nhớ là dị ứng có thể xẩy ra dù chỉ dùng một phân lượng rất nhỏ dược phẩm.

 

1-Tác dụng độc hại của Dược Phẩm

 Dược phẩm là một hóa chất, mà bất cứ hóa chất nào cũng có tác dụng độc cho cơ thể, ngoài giá trị chữa bệnh.

Viên Aspirin mà ta thường uống để làm dịu nhức đầu, phong thấp  thì cũng làm màng bao tử trầy hư, gây xuất huyết. Thuốc chữa các bệnh ung thư làm rụng tóc. Thuốc trị cao huyết áp gây loạn cương dương. Thuốc ngừa máu đóng cục trong vài bệnh tim làm loãng máu, gây xuất huyết, khó cầm khi bị thương hay giải phẫu. Đây không phải dị ứng  nhưng là tác dụng của hóa chất mà trước khi dùng nó, ta đã được giải thích rõ ràng.

2-Tác dụng do phân lượng không đúng

Thuốc uống ít quá, không có công hiệu, mà nhiều quá thì dễ gây phản ứng có hại.

3.Tác dụng bất thường không rõ nguyên nhân

 Đáp ứng của từng cá nhân với thuốc, như  lượng nhỏ thuốc tê có thể gây nóng sốt, hay thuốc Tifomycine gây hủy hoại hồng cầu.

              Sau đây là một số yếu tố có thể khiến tác động bất thường của thuốc dễ xẩy ra:

a- Đã có những bệnh dị ứng.

b- Đã có phản ứng với thuốc trong quá khứ.

c-  Uống nhiều thuốc khác nhau vì có nhiều bệnh kinh niên.

d- Điều trị bởi nhiều BS chuyên khoa, mỗi BS cho toa thuốc khác.

e- Có khó khăn về tài chánh, không mua đủ thuốc, dùng thuốc cũ, quá hạn

g- Khiếm khuyết thị giác, thính giác, không nhìn rõ mặt thuốc cũng như không nghe rõ lờI dặn của bác sĩ, dược sĩ, uống  thuốc không đúng cách.

              4-Ngoài ra, còn tác dụng giữa thuốc và thực phẩm

Đa số thuốc ta dùng ở nhà là thuốc uống, mà thuốc và thực phẩm đều được hấp thụ vào máu qua bao tử, nhất là ruột non. Hiệu quả của thuốc có thể tăng, giảm hoặc không thay đổi, tùy theo loại thực phẩm và tùy theo uống thuốc trước hay sau khi ăn. Điều này, ta cần hỏi bác sĩ, dược sĩ khi nhận thuốc, để tránh phản ứng bất lợi.

6-Vấn đề đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi là uống nhiều thuốc cho nhiều bệnh hay nhiều triệu chứng. Thuốc đôi khi có tác dụng tương phản nhau, gây không tốt cho cơ thể. Hơn nữa, ở người cao tuổi, khả năng hấp thụ ở bộ máy tiêu hóa, biến hóa thuốc ở gan , và  bài tiết dược phẩm  qua thận đều giảm tới 40% so với tuổi trẻ, trung niên. Thời gian bán hủy của thuốc  ở huyết tương kéo dài, và độc tính của thuốc tăng thêm.

Bác Sĩ Nguyện Ý Đức

            

Măng Tây- Actisô- Ôliu

 

Măng Tây ( Asparagus)

Măng được thổ dân Hy Lạp và La Mã trồng từ cả vài trăm năm  trước Công nguyên, nhưng chỉ du nhập Hoa Kỳ vào thế kỷ 17. Măng được trồng nhiều vào khoảng tháng 2 tới tháng 7.

Măng Tây hấp cách thủy hoặc chần nước sôi là món ăn khai vị rất ngon miệng mà lại bổ dưỡng. Măng cũng được trộn làm xà lách, nấu súp cua, thịt hoặc xào.

Măng có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng. Sáu đọt măng cung cấp 25 calori, 1g chất xơ, 150mcg sinh tố A, 10mg sinh tố C, 130 mg  folacin.

Măng tây rất mau hư, nhất là không để tủ lạnh, nên cần được ăn càng sớm càng tốt sau khi hái. Măng đóng hộp mất nhiều dinh dưỡng và có nhiều muối. Măng có thể để đông lạnh và giữ được sinh tố C.

Khi mua lựa măng xanh sáng, đầu măng đỏ tía, thân chắc.

Măng chỉ ăn được từ phần còn xanh, khúc dưới trắng thường cứng nhắc nên bỏ đi; da của măng đôi khi khá dầy, có thể bóc ra, để dành nấu xúp.

Nhiều người cho rằng ăn măng sẽ bớt bị phong thấp khớp. Nhưng măng có nhiều Purine, nguyên thể của uric acid, nên ai bị bệnh thống phong ( Gout) không nên ăn nhiều măng tây.

Măng đôi khi cũng làm nước tiểu có mùi hăng khó chịu, nhưng vô hại.

Actisô ( Artichoke)

Đây là loại cây giống như cây kế, thuộc họ Cúc, cao tới hai thước, lá dài, mọc cách; hoa hình đầu mầu tím nhạt. Phần gốc của cánh hoa và đế hoa mềm có thể ăn được.

Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như  các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali.

Actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn.

Actisô có thể được dùng tươi,  để đông lạnh hoặc đóng hộp.

Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng  bảo vệ gan,  làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết,  kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.

Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan.  Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.

Theo nhiều chuyên gia, actisô không gây tác hại cho cơ thể.

Ôliu ( Olive)

Ôliu thuộc loại trái cây nhưng lại được dùng như rau ăn.

Nguồn gốc củ olive ở bán đảo Hy Lạp, được người Tây Ban Nha đưa vào California vào  giữa thế kỷ thứ  17.

Hiện nay, olive được trồng nhiều nhất ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Tây Ban Nha và Ý chiếm 50% sàn lượng trái olive  và 55 % dầu olive trên toàn thế giới.  Tại  Hoa Kỳ, 98% olive được trồng ở California.

Trái oliu hình bầu dục, nhỏ,  vị đắng. Khi chưa chín thì mầu xanh, lúc chín thì mầu đen.

Sau khi hái, olive xanh và đen được nhúng vào dung dịch nước có pha một chút muối natri hydroxid rồi rửa sạch bằng nước để loại bỏ chất đắng oleuropein.

Olive trên thị trường được bán dưới nhiều hình thức và đã được lên men hoặc không lên men.

Trái olive có rất ít năng lượng, có một số chất dinh dưỡng như sinh tố A, calci, sắt, chất béo đơn chưa bão hòa và chất xơ. Năm trái olive xanh hoặc đen nặng khoảng 20 g có 2 g chất béo.

Olive dùng để ăn hoặc lấy dầu.

Dầu olive được dùng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dầu olive được dùng trộn xà lách, nấu với các thực phẩm khác hoặc để  làm mỹ phẩm.

Olive là món ăn và cần thiết của người dân vùng Địa Trung Hải, để nấu với thịt vịt, thịt cừu non…

Với nhiều người khác, olive được coi như món ăn khai vị kích thích sự ngon miệng, thường được dùng  với rượu Martini hoặc trang trí  trên các món ăn chính  như xà lách, pizza.. .cho thêm phần hấp dẫn

Olive sống cần được chế biến ướp muối, nấu chín trước khi ăn.

Khi mua olive hộp, nên lựa hộp nguyên vẹn không bị không khí xâm nhập.Loại  Olive xanh hơi chát hơn olive đen.

Hộp olive dùng dở cần được cất vào tủ lạnh để tránh mau hư vì oxy hóa.

Olive hộp thường có vị mặn.  Nếu ngâm vào dầu olive trước khi ăn thì sẽ bớt mặn hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Kim Vàng Ai Nỡ Uốn Câu


Kho tàng ca dao lục bát cho chúng ta nhiều bài học rất thâm thúy.  Câu “kim vàng ai nỡ uốn câu” nói lên cái ý là không ai dùng một món quý giá như cây kim bằng vàng mà uốn nó thành lưỡi câu là vật tầm thường để câu cá.  Đó là chuyện lãng phí, xài không đúng chỗ. Câu lục (câu 6 chữ) này dẫn ý cho câu bát ở dưới diễn giải một bài học về cách dùng lời nói trong việc xử thế:

Người khôn sao nỡ nói nhau nặng lời?

Thực vậy, nhiều người học cao, hiểu rộng, được xem như người khôn, mà lúc tức giận, không kềm chế được môi miệng, phát ra những lời vô độ, những lời nói nặng, làm người nghe ngạc nhiên thầm nghĩ ông này có khôn không?

Lời nói có tác dụng rất mạnh, rất lớn cho người nghe.  Lời xây dựng giúp người nghe thăng tiến, lời phá hoại có thể giết người, nếu không giết thể xác thì cũng giết chết tâm hồn, như câu ca dao sau đây diễn tả:

Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời siết cạnh suốt đời không quên.

Vì vậy, cha mẹ nên cẩn thận lời nói với con trẻ, tránh quát mắng, tránh nặng lời với con, mà tập kiên nhẫn, từ tốn khi dạy con. 

Chúng tôi có vợ chồng người bạn quen biết lâu năm.  Anh chồng dễ nổi nóng, khi giận thì hay tuôn tràn lan những lời không đẹp, mà khi mở miệng thì không kềm được nữa.  Có khi mắng nhiếc, chì chiết cả 10-15 phút.  Chị vợ buồn khổ vô cùng vì anh ta hay “giận cá chém thớt”, đem cơn giận ngoài đường về trút cho vợ con!  Gần đây gặp lại, tôi ngạc nhiên thấy anh thay đổi rất nhiều, điềm đạm ra, hay cười, ít nói, chậm giận.  Nhà tôi hỏi riêng chị vợ bí quyết gì thay đổi được anh.  Chị tiết lộ rằng khi biết anh tin vào thuyết luân hồi, nên chị thường tìm cách nói bâng quơ (nhưng mục đích cho anh nghe):  “Làm người thì khó, làm chó thì dễ.  Ai không giữ gìn môi miệng, thì chừng chết đi, chuyển kiếp làm chó để tha hồ sủa”.  Cuối cùng thì anh thấm và biết “tu cái miệng”.  Một điều quan trọng là anh nhận ra anh bị tập nhiễm tánh nóng giận từ cha anh, từ ông nội của anh, nên anh đang cố giúp cho các con “bẻ xiềng” thoát ra khỏi sự trói buộc của con quỷ thịnh nộ.   

Một bé gái, tên Beth, 10 tuổi, viết một bức thư cho cha mẹ em, trong đó em nói “ước gì cha mẹ đối xử nhau như với khách”.  Lý do là em thấy mỗi lần có khách đến thăm thì cha mẹ dịu dàng, nhẹ nhàng với nhau, tỏ ra như một gia đình hạnh phúc; chừng khách về thì không khí nặng nề trở lại, cha mẹ tiếng bấc, tiếng chì với nhau, hằn học nhau.  Em ước nhà mình luôn luôn có một người khách quan trọng để cha mẹ làm hòa với nhau.   Một hôm, em tới nhà bạn, gia đình bạn này theo Tin lành, em thấy trong phòng ăn nhà bạn có treo một tấm bảng có câu mà em rất thích:  

"Christ is the head of this house. The unseen guest at every meal. The silent listener to every conversation."

Chúa Giê-su Christ là gia trưởng của nhà này.  Người khách ẩn mặt trong mỗi buổi ăn.  Người im lặng lắng nghe mọi lời đối thoại”.

Beth chép lại và treo trong phòng ngủ của em.  Em xin phép cha mẹ cho đi dự sinh hoạt nhà thờ với bạn.  Cha mẹ thấy em có niềm vui sau mỗi lần đi nhà thờ, mới tò mò đi cùng với em và dự sinh hoạt với hội thánh.  Sau một thời gian, cả nhà trở thành Cơ-đốc nhân.  Bây giờ, ngoài câu “Christ is the head of this house…” em còn dán thêm vài câu khác tại phòng ăn, nhà bếp, như:  “Mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19),  “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6).  Beth hiện nay rất sung sướng vì thấy cha mẹ thuận thảo nhau, gia đình có bầu không khí thương yêu, vui mừng, bình an.

Thân mẫu của nhà thơ Tiểu Minh Ngọc, khi còn sinh tiền, đã dán câu Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:29 trong nhà bếp để con cháu ghi nhớ:  “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến”.  Mỗi lần tưởng nhớ đến mẹ, cô TMN như còn nghe văng vẳng lời mẹ dạy:  “Là con dân Chúa, chúng ta nên giữ gìn miệng lưỡi, cẩn thận trong lời nói của mình, giống như sứ đồ Gia-cơ nói, “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).  Chúng ta nên cầu xin Chúa Thánh Linh chỉ dạy chúng ta biết nói đúng lúc, đúng lời, và đúng người; hầu cho người nghe hiểu được ý tốt lành và có mối quan hệ thân thiết với chúng ta trong tình yêu Thiên Chúa!”

Châu Sa

 

Người Vàng Kim

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” - Ê-phê-sô 4:29

“Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình.” - Gia-cơ 3:2

"Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!" - Thi-thiên 19:14

"Kim vàng ai nỡ uốn câu,

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời?" 1

          Khôn ngoan sống ở trên đời,

Nghĩ về ích lợi trong lời nói ra!

          Nói sao dịu ngọt, thơm tho,

Nói sao nghe đến, thuận hòa, thích ngay,

Nói sao buồn cũng vui thay,

Nói sao tâm trí được đầy linh ân,

Nói sao gây dựng tình thân,

Nói sao tất cả đến gần với nhau,

Nói sao vơi những niềm đau,

Nói sao hiệp một dạt dào yêu thương!

 

           Sức Ngài ta mãi tựa nương,

Xin quyền năng thánh dẫn đường, sửa sai,

          Kim vàng quý giá giữ ngay,

Thanh cao lời nói, Danh Ngài hiển vinh,

          Khôn ngoan gìn giữ lòng mình,

Sống cho trọn vẹn hành trình theo Cha!

          Lời lành, ý tốt nói ra,

Theo như ý Chúa, để mà giúp nhau,

          Đừng nên sắc bén như dao,

Vô tình chia cắt đớn đau lòng người…

          Thành tâm suy xét ai ơi,

Hết lòng kính Chúa, làm người vàng kim!

Tiểu Minh Ngọc

Mạnh Giỏi ?

Anh Ba có thói quen khi hỏi thăm sức khỏe của bạn bè thường nhắm vào 3 chức năng chính là: đi đứng, nói năng, ăn uống. 

Khi người bạn có thể đi đứng tự nhiên, không cần wheelchair, nói chuyện không phải dừng lại thở, nói không lạc đề, tự ăn uống được thì anh kể như sức khỏe của bạn còn tốt, còn mạnh khỏe.  Nhưng muốn anh kể như mạnh giỏi thì người ấy cần có tinh thần vui vẻ, thoải mái. Theo anh Ba, người có thể mạnh mà chưa giỏi khi còn cay đắng, ưu phiền, gút mắt trong lòng.  

Anh Ba kể trong đời anh đã chết hụt mấy lần, khi trong quân đội, khi ở tù cải tạo, lúc vượt biển, nên hiện nay anh rất quý sự sống.   Được ngày nào hay ngày nấy  (Đắc nhất nhật quá nhất nhật.) 

 Anh chị Ba nói mỗi buổi sáng, anh chị có nhiều cớ để cảm tạ, ngợi khen Chúa.  Khi vừa thức giấc thấy mình còn thở là biết mình còn sống.  (Nhiều bạn đồng niên đã ngủ luôn, không thức).  Cả đêm hô hấp rất cạn cợt, nên giờ đây anh chị thở chậm, đều, sâu chừng 5,10 lượt, vừa thở vừa tạ ơn Chúa.  Anh mở mắt ra, thấy rõ mọi vật chung quanh.  Tai còn nghe tiếng động, tiếng chim hót vang.  Ngày hè, anh cất tiếng hát vài câu bài “Hè Về” của Hùng Lân: “Trời hồng hồng sáng trong trong. Ngàn phượng rung nắng ngoài song.  Cành mềm mềm gió ru êm.  Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên. Đàn nhịp nhàng hát vang vang. Nhạc hoà thơ đón hè sang !

(https://lyric.tkaraoke.com/12993/he_ve.html#playMp3)

Chị hay cầu nguyện ra tiếng để biết chắc mình còn nói năng được:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời…”

Sau đó, anh chị mới để chân xuống giường, bước đi chậm rãi tới phòng tắm, rồi uống 1 ly nước trước khi làm vệ sinh cá nhân. 

Anh chị có một cái đồng hồ cát (hourglass) ở phòng ăn để nhớ mọi việc phải từ từ và đều đều.  

Anh uống cà phê, chị uống trà trong khi suy gẫm câu Kinh Thánh và câu chuyện của bài tĩnh nguyện hằng ngày (Our Daily Bread).  Bài này có tiếng Anh, tiếng Việt và có người đọc cho mình   nghe. Trước khi ăn sáng, anh chị nhắc nhau 1, 2 mỹ đức trong bông trái Thánh Linh.

            Hôm nay, ngày 2 tháng 7, anh chị suy gẫm về sự vui mừng.  Vui mừng vì còn hơi thở, còn sự sống.  Vui mừng vì hạnh phúc gia đinh, có con cháu quây quần.  Vui mừng vì được Chúa quan phòng mỗi bước đi, mỗi phút giây.  

Anh chị hay trích một câu trong sách Châm Ngôn: “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay;  Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo” (17:22).

 

Chuyện Quả Bứa


Tháng 11 năm 2012, Dr. Oz lên truyền hình nói về một thứ trái cây có tên khoa học là Garcinia cambogia có tác dụng làm giảm cân nhờ chất Hydroxycitric acid (HCA), trích ra từ vỏ phơi khô của loại trái cây này. Sau lời quảng cáo của Dr. Oz, nhiều người, ngay cả minh tinh màn bạc, bắt đầu thử. Có người nói là kết quả tốt, có người nói là vô thưởng vô phạt. Tuy vậy, các hãng làm thuốc giảm cân bằng trái Garcinia cambogia (đọc diễu là Cấm Bố Già) kiếm được khá nhiều tiền.

Sau khi tìm hiểu, có người phát hiện ra thứ trái cây này chẳng qua là trái bứa (hay quả bứa). Cây bứa thường mọc hoang ở vùng cận nhiệt đới, Indonesia, Đông Nam Á, châu Phi. Quả có màu hơi vàng, xanh giống trái bí rợ nhỏ, có họ với măng cụt. Ở Việt Nam, nhiều người dùng trái bứa để nấu canh chua. Muốn diễn tả tánh bướng bỉnh, cố chấp, không phục thiện, người ta nói là ngang như cua, hay ngang cành bứa (vì cây bứa có cành mọc ngang).  Trong sách Quốc văn giáo khoa thư cho học trò nhiều thập niên trước có ghi chuyện Quả Bứa:


-Năm và Sáu cùng đan tay đi với nhau. Chợt đâu bắt được một quả bứa ở giữa đường. Hai cậu tranh nhau mãi. Năm thì rằng:  Quả bứa ấy của tao, vì mắt tao trông thấy trước.  Sáu thì rằng: "Của tao, vì tay tao nhặt lên được”.  Hai cậu to tiếng cãi nhau, giơ chân, giơ tay, chực sinh sự đánh nhau. Ngay lúc ấy có cậu Cả vừa đi qua, hai cậu vội mời lại để nhờ phân xử hộ.  Cậu Cả nghe đầu đuôi, cầm ngay lấy quả bứa, bảo hai cậu đứng sang hai bên. Đoạn, cậu móc túi, lấy con dao con, bổ quả bứa ra làm đôi, rồi làm bộ nghiêm trang mà nói rằng: "Năm, mày trông thấy quả bứa trước, mày lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt được quả bứa lên, mày lấy nửa vỏ này. Còn những múi bứa đây là phần tao cả, vì tao đã mất công khó nhọc phân xử việc này cho chúng bay.  Nói xong, cậu Cả bỏ bứa vào miệng rồi vừa đi vừa cười. Còn Năm và Sáu thì đứng trơ mắt ra đó.

Câu chuyện này là bài học cho chúng ta khi có mâu thuẫn nên dàn xếp với nhau nếu có thể được. Nhiều người nhờ luật pháp, tòa án giải quyết thì sau cùng thấy rằng không những đã tốn thì giờ, tiền bạc mà tình cảm cũng bị mất mát. Thánh Phao-lô qua thư thứ nhất gửi tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô nhắc nhở anh em khi có mâu thuẫn nên nhờ trưởng lão uy tín trong Hội Thánh phân xử hơn là nhờ người bên ngoài xử kiện. (1Cô-rinh-tô 6 :1-11). Nhiều nơi trong Kinh Thánh, chúng ta được nhắc nhở trao mọi oan ức cho Chúa vì Chúa là Đấng lập ra luật pháp, xử đoán kẻ sống và kẻ chết một cách công bình. (1Phi-ê-rơ 4:5; Gia cơ 4 :12a; E-sai 33 :22). Thánh Phao-lô cũng hơn một lần nhấn mạnh Đức Chúa Trời là Chúa của luật gieo-gặt hay luật nhân-quả. Ngài chí công, ai gieo chi thì gặt nấy. Ai gieo bất nghĩa thì gặp bất nghĩa; ai gieo công bình thì gặt công bình, không có thiên vị ai hết. “Vì trước mặt Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai đâu” (Rô-ma 2 :11).

Châu Sa  -Trích “Nếp Sống Mới” Đông – 2016


Nếu Có Thể

“Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.” - Rô-ma 12:18

“dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” - Ê-phê-sô 4:3

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” – Ê-phê-sô 4:32

 “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” – Ga-la-ti 6:7

Nếu có thể, ta bỏ qua lầm lỡ,

Mà có lần, ai đó phạm đến ta,

Để tình thương tràn ngập hết mọi nhà,

Thì bạn nghĩ, ta có nên không nhỉ?

Nếu có thể, ta nhớ điều cao quý,

Từ mọi người, đã in dấu trong ta,

Để đến khi, gặp phải chuyện rầy rà,

Ngồi gẫm lại, mà dễ dàng tha thứ!

Nếu có thể, ta ra công gìn giữ,

Hết sức mình, hòa thuận với mọi người,

Sống nhân từ, rao Tình Chúa khắp nơi,

Để tất cả, nhận vào Ơn Cứu Rỗi!

Nếu có thể, ta sẵn sàng thay đổi,

Để lòng mình, không gian dối làm sai,

Nhưng gieo ra, hạt giống thánh trong Ngài,

Những việc thiện, giúp nhau khi cần đến!

Ta hãy sống, với tình yêu thân mến,

Nhìn Giê-xu, đã thương xót cứu ta,

Ngài thứ tha, mọi tội lỗi gian tà,

Cho ta sống, đời đời nhờ Ân Điển!

Ôi cảm tạ, Chúa toàn năng bất biến,

Xin Linh Ngài, luôn nhắc nhở chúng con,

Nguyện hết lòng, phục vụ chẳng mỏi mòn,

Cho Danh Chúa, tôn cao trên khắp đất!

Tiểu Minh Ngọc