Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, March 4, 2022

KHÔNG CÓ THÌ GIỜ !!

Bài: bs Đỗ Hồng Ngọc

Người ta phỏng vấn một bà già gần 90 tuổi rằng nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?
“Nếu được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa- bà già nói- thì tôi sẽ dám…phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn…Tôi sẽ ăn nhiều…kem hơn. Dĩ nhiên tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nhưng tôi sẽ thực tế hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt…lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khảnh khắc đó, cái nọ nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…
Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa tôi sẽ đi chân không nhiều hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ…Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn…”.
Thỉnh thoảng có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải ta cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút này, của ở đây và bây giờ.
Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present, vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà. Ta nghe nơi này nơi khác người ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ.
Đến nỗi một nhà thơ phải kêu lên:
…Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa).
Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo cao và suối mát vẫn có đó, nhưng…hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn…Chờ con thi đậu.
Cứ thế. Cho đến một hôm thảng thốt:
“Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu…“
(TCS).
Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm sông? “Hạnh phúc rất đơn sơ” vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ mong được thế đôi lần!
Quả thật chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời đã qua hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngoàm ngoằm. Đi vội vàng. Thở hào hển. Và hùng hục.
Lâm Ngữ Đường hơn nửa thế kỷ trước đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu là luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Ông nói:
“Họ luôn cau có và quạu quọ vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn, lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị! Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!) khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời sống bây giờ biến người ta thành cái…đồng hồ.
Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng phút “.
Rồi ông kêu lên:
Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa
(Sống đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Ngày nay thì các “tật xấu” đó đã toàn cầu hoá, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón….cũng vì không có thì giờ!
Nguyễn Công Trứ nói:
“So lao tâm lao lực cũng một đàn/ Người trần thế muốn nhàn sao được?”
Ý ông là chỉ có tiên mới sướng. Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá đi chứ.
Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì! Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt…Thế mà vì sao ta không được “sướng như tiên”?
Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm, cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật. Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì?
Nhưng vua đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!
Cho nên Tô Đông Pha mới buông thuyền sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ ước:
"Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…"
(Kẻ sĩ)
Bây giờ “đồ thích chí” ta còn có thể chất đầy “trong một xe” đời mới, chỉ “không có thì giờ!” thôi vậy!

Wednesday, March 2, 2022

Lời trăn trối của tỷ phú trên giường bệnh.-

Vương Quân Dao sinh năm 1966 vì mải mê theo đuổi ước vọng giàu sang để
thực hiện giá trị nhân sinh của đời người, anh đã làm việc rất chăm
chỉ. Vì mắc phải bệnh ung thư và làm việc quá sức, anh đã từ biệt cõi
đời khi mới 38 tuổi.
Sau bao năm miệt mài theo đuổi ước vọng giàu sang nhưng rồi tỷ phú
Vương Quân Dao cũng phải đối diện với cái chết khi tuổi đời còn quá
trẻ. Những lời ông nói trên giường bệnh khiến nhiều người không khỏi
giật mình.
Trong sự nghiệp kinh doanh, tôi đánh trận nào thắng trận đó. Trong con
mắt người khác, tôi là một doanh nhân thành đạt điển hình. Nhưng niềm
vui tôi có được ngoài công việc cũng không nhiều. Thói quen hưởng thụ
vật chất dư thừa của cuộc sống giàu sang khiến cơ thể tôi phát phì.
Giờ đây, khi mắc bệnh phải nằm viện, tôi mới có thời gian suy nghĩ lại
cuộc sống trước đây. Bao nhiêu sự đắc ý, bao nhiêu công danh lợi lộc
đối với một người sắp chết, chúng không còn sức hút nữa, không có chút
ý nghĩa nào nữa.
Trong bóng tối, tôi đã nhiều lần tự hỏi chính mình. Nếu như có thể làm
lại cuộc đời, điều tôi muốn làm nhất là gì? Liệu có thể xem nhẹ tiền
tài và danh vọng? Có thể làm được vậy không?
Trong bóng đêm, tôi thấy những thiết bị y tế phóng ra những ánh sáng
đủ màu sắc và những tiếng gọi của tử thần.
Hiện tại, tôi hiểu được rằng, khi còn sống, con người nên biết đủ tiền
tài, dành thời gian nhiều hơn để theo đuổi niềm đam mê khác như tình
yêu thương, nghệ thuật, hoặc chỉ để có một thân hình đẹp.
Theo đuổi tiền tài chỉ làm con người tham lam hơn và sống nhạt nhẽo.
Biến con người thành những hình hài kỳ quái giống như tôi hiện tại.
Lúc Thượng Đế tạo ra con người với đầy đủ giác quan, là muốn con người
cảm thụ vạn vật bằng tất cả con tim, không phải niềm vui mang đến từ
tiền bạc.
Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền khi còn khỏe mạnh, nhưng khi chết, tôi
lại không mang theo được thứ gì. Tình thương yêu không có quan hệ đến
vật chất, chúng không phai mờ và mất đi, có được nó mới là thật sự đạt
được giàu sang. Tình thương sẽ đi theo, luôn bên cạnh, tiếp thêm động
lực và tạo ra ánh sáng soi đường cho mỗi bước đi đúng đắn. Còn tiền
bạc sẽ không đi theo con người ta mãi mãi.
Tiền bạc đủ dùng cho chi tiêu sinh hoạt cơ bản, phần còn thừa nên để
nó phục vụ lý tưởng, phục vụ tinh thần và phục vụ xã hội.
Tình yêu thương sẽ đưa chúng ta đi xa ngàn dặm. Dù đi bao xa, trèo lên
bao cao, nó đều nằm trong trái tim của mỗi người. Ai cũng nắm trong
tay tình yêu và thế giới này đều nằm trong đó.
Chiếc giường nào đắt tiền nhất trên thế giới? Đó chính là giường bệnh.
Trên chặng đường đi của đời người, chúng ta có thể có người lái xe
thay, có thể giúp kiếm tiền nhưng không có ai mang bệnh hộ chúng ta
được. Đồ vật mất đi có thể tìm trở lại, nhưng có một thứ mất đi không
bao giờ tìm trở lại được, đó là sinh mệnh.
------
Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ đến lời trăn trối cuối cùng của một
vị vua vĩ đại, Alexander. Trước khi chết ông đã để lại 3 điều ước:
“Điều ước đầu tiên, hãy bảo thầy thuốc mang quan tài của ta về một mình.”
“Ước nguyện thứ hai, hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho trên suốt
dọc đường đến mộ ta khi các ngươi mang quan tài ra nghĩa địa.”
“Ước muốn cuối cùng, hãy đặt hai bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài.”
Rồi vua Alexander giải thích: “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học
mà ta đã nhận ra. Để người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình: bởi
một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất
là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng
mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của chính mình.
Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên theo
đuổi mộng giàu sang. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu sang, nhưng
ta đã lãng phí hầu hết thời gian của đời người.
Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này
với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn
tay trắng.”
Nói xong những lời này, vua Alexander đã nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.
Công danh lợi lộc chẳng dài lâu, đời người chỉ thoáng qua như mây
khói. Vì vậy, hãy tận dụng những năm tháng đời người ngắn ngủi để sống
sao cho có ý nghĩa, sống sao cho có ích, đừng để đến khi sắp cận kề
cái chết, mới nhận ra ý nghĩa của đời người.
Hodos Deng