Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, December 11, 2021

Ham Thì Hố

 

"… Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng." - 1 Sa-mu-ên 16:7b

"Sự bày giãi lời Chúa, soi sáng cho, Ban sự thông hiểu cho người thật thà." - Thi-thiên 119:130

"Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, Vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; Nguyện Thần tốt lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng thẳng." - Thi-thiên 143:10

"… hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn" - 1 Phi-e-rơ 2:2

 

Sự đời nham hiểm, ai thấu được,

Kẻ nói người khoe, đủ mọi điều,

Tốt đẹp lời hay, nghe thích lắm,

Bề ngoài hào nhoáng, giá bao nhiêu?

 

Chớ theo con mắt, nhìn ham muốn,

Phải xét bề trong, thật giả gì,

Tìm kiếm khôn ngoan, nơi Chí Thánh,

Toàn năng, toàn tại, và toàn tri!

 

Lời Ngài sâu nhiệm, nên suy gẫm,

Ham thích, làm theo, giữ tấm lòng,

Kinh Thánh quyền năng, luôn soi sáng,

Dắt đưa đúng hướng, tránh hư không!

 

Cầu xin Linh Chúa luôn coi sóc,

Xin dạy chúng con theo ý Ngài,

Luật Lệ, Điều Răn, Đường Lối Chúa,

Mở lòng, hiểu trọn, chẳng lạc sai!

 

Ham thì hố đó, nên dừng lại,

Cẩn thận nghĩ suy, chớ vội vàng,

Hết sức hết lòng, tin cậy Chúa,

Chương trình tốt nhất, thật bình an!

Tiểu Minh Ngọc

 

Không Ham Không Sợ Hố


 L. sau khi nghỉ hưu, về Cao Lãnh thăm lại quê nhà, để ý thấy một thanh niên như người mất trí cứ đi lang thang và hát nghêu ngao:

Trách ai tham đó bỏ đăng,
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.

Hỏi ra, mới biết anh N. này bị tình phụ.  Người hôn thê chỉ còn 2 tháng nữa là cưới, gặp một Việt kiều về xin cưới.  Cô và gia đình thấy tương lai cô lấy chồng từ Mỹ sáng hơn lấy một thầy giáo trường làng, nên hồi hôn với N. 

Anh Việt kiều cho biết anh là giám đốc một công ty đặc trách vệ sinh môi trường, có thu nhập rất tốt.  Công việc khá bề bộn nên cần người phụ tá cho công việc, quản lý tài chánh và quản lý đời anh luôn.  Cha mẹ cùng con gái nghe bùi tai, thích chí, đòi mâm cao cỗ đầy, nhiều nữ trang cho cô dâu, và không quên vài ngàn đô giúp sửa nhà để nở mày nở mặt với hàng xóm.  Anh Việt kiều chấp nhận một cách rất ... hào phóng.

Cô dâu M. được đưa qua Atlanta, tiểu bang Georgia, mới biết mình bị hố.  Anh chồng làm nghề cắt cỏ, có nhiều mối nên thu nhập cũng khá.  Anh cố tìm một người vợ Việt Nam mấy năm nay trên đất Mỹ không ra, nên đã quyết “ta về ta tắm ao ta”, nhờ người tìm mai mối cho một cô gái chân quê để cưới.

Anh cười cười nói với vợ mới cưới vì cha mẹ em đòi cheo cưới nhiều nên anh mắc nợ đến vài chục ngàn đô.  Vì nay mình thành vợ thành chồng rồi thì có phước cùng hưởng, có nạn cùng chịu, nên em phụ cắt cỏ với anh.  Anh sẽ lãnh thêm mối để mau trả nợ!

Mọi chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng của M.  Tất cả như sụp đổ trước mặt cô.  Cô phải ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám tâm sự với ai kể cả cha mẹ cô.  Cho tới khi ông bà gửi nhiều thư qua xin tiền, cô mới kể hết sự thật.  Bây giờ cả nhà mới thấm câu:  “tham thì thâm, ham nên bị hố”.  Ai nghe chuyện cũng thốt lên:  “Ai không ham thì không sợ bị hố”.

Trong Kinh Thánh, phần thư tín của Phao-lô, chúng ta biết có một nhân vật tên là Đê-ma, thường theo Phao-lô, như trong thư Cô-lô-se chương 4 ghi.  Kế đó, có lúc  Đê-ma lìa bỏ Phao-lô vì ham hố đời này, được ghi trong thư 2 Ti-mô-thê 4.  Có lẽ sau một thời gian ham mê chuyện đời nên thấy bị hố, bị những vố bầm giập, nên ông trở lại với thầy mình, như chúng ta thấy trong thư Phi-lê-môn. 

Trở lại chuyện cậu N, bị tình phụ nên tủi thân, cay đắng và bị trầm cảm.  Cậu không còn đi dạy nổi nữa, cứ đi lang thang, hát nghêu ngao!  Nhưng sau ngày gặp bà L., cuộc đời anh như thay đổi.  Anh không còn hát câu “Trách ai...” nữa, mà khi có ai nhắc đến thì anh cười vui vẻ, nói rằng bây giờ anh thích ngâm hai câu thơ này:

Tuân phụ lệnh, Con Trời giáng thế,
Thương nhơn loài, Cứu Chúa hy sinh.

Câu chuyện đổi đời của anh N. khá ly kỳ, tôi sẽ ghi lại sau.

Châu Sa (Dec. 2021)

 

Friday, December 10, 2021

Chuyện 3 Chén Cơm

Sáng nay, cô Tim rất vui vì được tới nhà ngoại và ôm ngoại.  Suốt năm nay, vì dịch Covid, bà Ngoại không cho ai bước vô nhà bà vì sợ lây.  Phải đợi 21 ngày sau mũi chích ngừa thứ nhì, bà mới bật đèn xanh cho Tim tới thăm và ăn cơm với bà. 

Sau khi bà cháu hỏi han và ôm hôn nhau đã đời, mới vào bàn ăn nhỏ cạnh bếp.  Tim thấy trên bàn có bày sẵn 3 chén cơm sắp hàng ngang.  Chén số 1 bên trái là chén cơm nguội, kế là chén cơm nóng sốt ở giữa đánh số 2, sau cùng chén số 3 bên tay phải là chén gạo sống chứ không phải là cơm.  

Tim thấy hồi hộp muốn tìm hiểu hôm nay ngoại định dạy gì qua 3 chén này.  Bà ngoại gốc là nhà giáo nên bà luôn có những câu chuyện ngụ ngôn ý nhị cho các cháu học khi bà có dịp gặp.  

“Ba chén 1,2,3 này, con chọn chén nào?”, ngoại hỏi.

Tim dè dặt đáp: “Bây giờ, con đang đói bụng, và có sẵn chén cơm nóng đây, nên chén số 2 là chén con chọn. Khi nào đói bụng mà không có cơm nóng, con sẽ hâm lại chén cơm nguội còn chén gạo số 3 chắc con để dành cứu đói cho ngày mai”. 

Bà ngoại hài lòng cách lý giải của Tim.  Bà khen: “Con biết nắm cơ hội khi có dịp chọn chén cơm sốt dẻo, vì để vài tiếng đồng hồ sau thì cơm nóng cũng thành cơm nguội. Chọn chén số 2 là biết sống hiện tại, vui hưởng mỗi phút giây đang trôi qua đời mình vì thời gian đi qua không bao giờ trở lại.  Chén cơm nguội số 1 tượng trưng cho quá khứ.  Chúng ta trân quý những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm cho ta những bài học của đời sống.  Trái lại những kỷ niệm đau buồn như chén cơm thiu, cần đem chôn đi.  Nhớ là chúng ta không phải là sử gia hay nhà khảo cổ học nên đừng cứ bươi móc dĩ vãng vì nếu sống mãi với quá khứ thì không ai bước tới được.”

-       Ngoại ơi! Có phải đó cũng là ý của sứ đồ Phao-lô khi nói câu:  quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” trong Thư tín Phi-líp 3:14 không ngoại?

-       Đúng lắm.  Ngoại nhắc con là Tiên tri Ê-sai cũng ghi lại lời dạy của Đức Chúa Trời:  Đừng nhớ lại sự đã qua, và chớ nghĩ đến sự đời trước” (43:18).

Ngoại nói tiếp: “Trước khi ăn, con nên nhớ ơn người nông dân trồng được cây lúa với bao khó nhọc:

Hai tay bưng bát cơm đầy,
Dẻo ngon một hạt, đắng cay muôn phần.

Cũng nhớ ơn cha mẹ, ông bà hay người cho con bữa ăn.  Nhưng quan trọng nhất là, cảm tạ Thiên Chúa đã tạo mọi thuận lợi để hột gạo được thành hình và Chúa cũng cho con có sức khỏe để ăn được ngon miệng.  Sống với lòng biết ơn là chìa khóa hưởng phước nghe con.

Bây giờ hai bà cháu dâng lời cảm tạ Chúa rồi cầm đũa dùng bữa trưa.  Ăn xong, bà giảng cho cháu gái tầm quan trọng của chén thứ 3:

 -  Hiện tại nó là chén gạo nhưng sẽ là chén cơm của ngày mai.  Gạo nấu thành cơm chỉ giữ được một thời gian ngắn, trong khi gạo sống dễ dự trữ lâu ngày.  Học tánh cần cù, nhẫn nại của con kiến (kiến tha lâu đầy tổ) mà “tích cốc phòng cơ” (dành gạo phòng khi đói) để tránh phải xin, phải vay mượn.  Nhưng con cũng phải nhớ là đừng quá lo lắng cho ngày mai mà quá tích trữ và thành nô lệ cho vật chất.  Chúa Giê-su dạy: “Ngày mai sẽ lo về việc ngày mai, sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”  (Ma-thi-ơ 6:34).  Sống hôm nay nhưng cần có viễn kiến ngày mai.  Sống không có viễn kiến, không khải tượng, không mục đích thì chỉ là tồn tại chứ không sống động.”  Tim liền hỏi: “ Ngoại ơi! Ngoại có viễn kiến không? Ngoại cho con biết mục đích sống của Ngoại được không?”  Ngoại hớp một ngụm nước trà, từ từ đáp: “Ở tuổi trên 80, ngoại biết có thể về với Chúa bất cứ lúc nào, nên ngoại luôn dọn mình chuẩn bị.  Về thể chất, ngoại ăn uống lành mạnh, vận động thân thể, giữ gìn sức khỏe để khỏi làm gánh nặng cho con cháu.  Ngoại giữ tinh thần lạc quan, tích cực, hướng thượng và cầu nguyện, cảm tạ, ca ngợi Đức Chúa Trời luôn.  Mỗi ngày, ngoại cầu xin Chúa thăm viếng từng đứa con, từng đứa cháu để mỗi đứa đều phát triển được 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh.  Ngoại cầu xin Chúa ban cho con một người chồng nhân hậu, khôn ngoan, có tình thương,  biết kính sợ Chúa, biết dẫn dắt gia đình.  Ngoại ước mơ có ngày thấy được đứa cháu cố của ngoại.  Lúc đó, ngoại sẽ ăn mừng lễ Thượng thọ!

Tim cám ơn ngoại.  Cô nói: “một buổi nghe Ngoại nói chuyện còn hơn đọc 10 pho sách.”

Châu-Sa

Chích hay không chích?

Hỏi:  Vợ chồng tôi cùng 70 tuổi, khỏe mạnh, hiện có cơ hội chích vaccine ngừa Covid-19, nhưng phân vân không biết có nên chích hay không.  Tôi có 2 con, con trai thì đốc thúc việc chích, con gái thì chống đối nói chích thì lợi không bằng hại.  Xin BS cho tôi lời khuyên.

 

Đáp:  Trường hợp của anh chị cũng thường gặp tại khắp nơi trên thế giới.  Điều trái khoáy là nhiều người ở vùng có điều kiện để được chích thì không chịu chích, trong khi dân vùng khác kiếm đỏ mắt không ra.  

Người chống chích cho rằng thuốc vaccine làm không đúng tiêu chuẩn, cho ra lò quá sớm, ai nhận vaccine là làm vật thí nghiệm... có thể bị những biến chứng không ngờ ngay cả tử vong.  Họ nói vaccine của hãng Pfizer và Moderna dùng một mẩu gene, mRNA, cho vào cơ thể để tập rèn cho tế bào cách chống cự, nhờ đó sức miễn nhiễm của cơ thể tăng lên là một ý tưởng mới mẻ và điên rồ.  Bộ gene trong cơ thể người nhận vaccine sẽ bị biến đổi, sau thời gian năm tháng, sẽ thấy cái lợi trước mắt không bù với cái hại dài lâu.  Ngay trước mắt, một bác sĩ ở Florida đã chết sau khi chích vaccine Pfizer vào tháng 12/2020.

Người "chịu" chích cho rằng so sánh, hay đem lên bàn cân thì không chích rủi ro nhiều hơn chích.  Không vaccine nào toàn hảo, kể cả những loại vaccine có từ lâu đời.  Loại vaccine nào cũng có những phần trăm bất toàn.  Tuy nhiên, tới gần cuối tháng 3, số người mắc bệnh và số tử vong giảm khá nhiều ở Hoa Kỳ, Anh và nhất là Israel là những nơi có nhiều người được chích vaccine.  Israel dẫn đầu với trên 50% dân chúng đã được chích.  Ở Hoa Kỳ, 126 triệu người đã được chích, sau đó có hơn 2000 người chết, tính ra xác suất tử vong rất nhỏ, vả lại nhiều cái chết chưa hẳn do phản ứng thuốc.  

Nhiều bằng chứng thấy rằng người được chích 2 mũi và sau 2 tuần sẽ ít bị bệnh, ít lây lan bệnh cho người khác, nếu có bệnh thì không trầm trọng.  Nhiều người cao niên hăm hở đi chích vì muốn có thể thăm con cháu, ôm hôn con cháu.  Rồi đây, có thể người đi du lịch phải xuất trình vaccine passport mới lên được máy bay. 

Nếu ai hỏi tôi lời khuyên, tôi chỉ nói: "take it at your own risk".  Mỗi người tùy bệnh sẵn có (bệnh nền) của mình, tham khảo với bác sĩ gia đình rồi tự minh quyết định chích hay không chích.

Châu Sa

Nghệ Thuật Sư Phạm

Nghệ Thuật Sư Phạm

Anh Tâm quen biết rất nhiều người, mà phần lớn những người này là học trò của mẹ anh, cô giáo Hòa dạy tiểu học.  Họ yêu thương, quý mến cô giáo cũ, hay tới nhà thăm và từ đó quen biết và chơi thân với anh Tâm.  Tôi nghĩ cô giáo Hòa chắc có phương pháp sư phạm hiệu quả lắm, và hỏi anh Tâm? Anh Tâm suy nghĩ một hồi rồi đáp:  Mẹ tôi không chú trọng kỹ thuật sư phạm mà chú trọng tới nghệ thuật sư phạm.  Tôi xin anh giải thích rõ hơn trong một buổi trà đàm với anh.

          Nhấp một ngụm trà, anh Tâm từ từ nói:

Tôi nghĩ mẹ được “đắc nhân tâm” là do những điểm sau đây:

Mẹ tôi trước khi vào lớp học, luôn chuẩn bị khuôn mặt tươi tắn, vui vẻ trước khi mở miệng “chào các em buổi sáng”.  Mẹ tránh vào lớp với vẻ mặt quá nghiêm nghị.  Mẹ luôn nhủ trong lòng là mình đi dạy chớ không phải đi … dọa.

Mẹ có trách nhiệm dạy dỗ.  Tiếng Việt rất hay là dỗ đi kèm với dạy.  Vừa dạy vừa dỗ, vừa dỗ vừa dạy.  Có dỗ thì những gì mình dạy các em mới dễ hấp thụ, chớ vừa dạy vừa la, hay quát tháo thì không em nào học nổi. 

Mẹ dạy với tình thương yêu, với lòng say mê và với luôn khích lệ tinh thần cầu tiến, tinh thần tự học của các em.

Mẹ cần phải giải rõ, giảng rõ, học trò mới hiểu rõ.  Nếu hơn nửa lớp không hiểu bài vừa giảng thì là do lỗi của mẹ.  Mẹ cần phải giảng lại một cách khác dễ hiểu hơn.  Mẹ luôn kiên nhẫn.

Cuối giờ, mẹ gọi 1 em tình nguyện đứng lên thuật lại những điểm chánh đã học.

Mẹ thường chấm dứt trước giờ 5 phút.  Mẹ có thể trả lời một vài câu hỏi cho em nào thắc mắc.  Em nào mắc cở hỏi, có thể viết trên giấy.

Mẹ hay nói chuyện tìm hiểu những em có nhu cầu đặc biệt trong gia đinh để tìm cách giúp đỡ.

Anh Tâm nói cách dạy học hết lòng của mẹ anh đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời anh.  Anh kể thời anh làm tuyên úy trong một nhà tù (Chaplain for Prison Ministry), anh áp dụng một số bí quyết của mẹ.

Anh tập yêu thương các tù nhân vì biết rằng vì hoàn cảnh mà họ phạm tội.  Phần lớn là do cha mẹ họ không thương yêu, chăm sóc mà còn hành hung, bạc đãi họ.  Anh đến với họ với lòng thương yêu, nhân từ, thương xót của Chúa Giê-su.

Tù nhân phần nhiều bị đời bầm dập, đã sống trong sợ hãi, bất an nên dễ có khuynh hướng “bung dao” với ai họ nghi ngờ, nên anh Tâm cần đến gặp họ với thái độ bao dung, thân thiện, vui vẻ.

Anh giới thiệu 3 món quý báu mà họ đang thiếu là tình thương yêu, lòng vui mừng và sự bình an.  Ba thứ Tam Bửu này Chúa Giê-su có thể ban cho họ.  Nhiều người mở lòng tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa đời mình. 

Chương trinh kế tiếp cho các tân tín hữu này là anh dạy Giáo lý cho họ.  Anh tận dụng mọi câu chuyện thú vị, những hình ảnh cụ thể để giúp cho họ hiểu được những ý nghĩ trừu tượng.  

Anh vừa dạy vừa dỗ, an ủi, khuyên lơn, khuyến khích mà tránh sự rầy rà, khiển trách.  Vị ngọt ngao luôn để ấn tượng tốt và lâu trong lòng người.  Anh Tâm áp dụng câu “mưa dầm thấm lâu”, nên anh nhẫn nại với những người khó tánh. 

Câu Kinh Thánh mà anh đắc ý nhất là:  “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).



Ly Cà Phê Trên Tường

 GIÁNG SINH - LY CÀ PHÊ TRÊN TƯỜNG


Tôi ngồi cùng người bạn trong một quán cà phê nổi tiếng tại một thị trấn lân cận của Venice, Ý, thành phố của ánh sáng và nước.
Khi chúng tôi thưởng thức cà phê, một người đàn ông bước vào và ngồi xuống chiếc bàn trống bên cạnh chúng tôi. Anh gọi người phục vụ và nói:
- Hai ly cà phê, một ly trên bức tường kia.

Chúng tôi khá quan tâm khi nghe gọi thức uống như thế và quan sát thấy người đàn ông được phục vụ một ly cà phê nhưng trả tiền cho 2 ly.
Khi anh đi khỏi, người phục vụ dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”.

Trong lúc chúng tôi còn ngồi đó, hai người đàn ông khác vào quán và gọi 3 ly cà phê, 2 ly trên bàn và 1 ly trên tường. Họ uống 2 ly cà phê nhưng trả tiền cho 3 ly và rời đi. Lần này cũng vậy, người phục vụ làm tương tự, anh dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”.
Có điều gì đó làm chúng tôi thấy lạ và khó hiểu. Chúng tôi uống hết cà phê, trả tiền rồi rời đi.
Vài ngày sau, chúng tôi có dịp quay lại quán cà phê này. Trong lúc chúng tôi đang thưởng thức cà phê, một người đàn ông ăn mặc tồi tàn bước vào. Khi anh ngồi xuống ghế, anh nhìn lên tường và nói:
- Một ly cà phê trên tường.
Người phục vụ mang cà phê đến cho anh với sự tôn trọng như thường lệ. Người đàn ông uống cà phê và đi khỏi mà không trả tiền.
Chúng tôi ngạc nhiên chứng kiến tất cả sự việc, lúc người phục vụ tháo một mảnh giấy trên tường và bỏ nó vào thùng rác.

Giờ thì chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa – sự việc đã rất rõ ràng. Sự tôn trọng tuyệt vời dành cho người nghèo được thể hiện bởi các cư dân ở thị trấn này đã làm đôi mắt chúng tôi đẫm lệ.
Hãy suy ngẫm những điều người đàn ông này mong muốn. Anh bước vào quán cà phê mà không phải hạ thấp lòng tự trọng… Anh không cần xin một ly cà phê miễn phí… không cần hỏi hay biết về người đang cho anh ly cà phê này… anh chỉ nhìn vào bức tường, gọi thức uống, thưởng thức ly cà phê của mình và rời khỏi quán.

Một ý nghĩ thật sự đẹp. Có lẽ đây là bức tường đẹp nhất mà bạn từng nhìn thấy.
Đêm Giáng Sinh, đêm an bình, đêm tình yêu giáng sinh. Ai cũng nghe biết điều đó. Vào dịp Giáng Sinh, tình thương được thể hiện bằng nhiều cách khắp nơi dành cho những người kém may mắn trong cuộc sống. Ta thấy nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đã đóng vai “ông già Noel” đem quà tặng cho những người nghèo, cho những người vô gia cư, cho trẻ em lang thang ngủ bụi bờ trên hè phố…
Nhưng, đêm Giáng Sinh thì chóng qua, Mùa Giáng Sinh cũng ngắn ngủi… và những việc tình thương “theo mùa” cũng mau chóng qua đi… nếu tất cả chỉ là chuyện hình thức bề ngoài.  
Đêm Giáng Sinh, Chúa Jesus xuống trần gian “chia sẻ” buồn vui kiếp người và Ngài cũng muốn con người biết chia sẻ với nhau với tình yêu sâu đậm như vậy. "Vì Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; Ta đau, các ngươi thăm ta; Ta bị tù, các ngươi viếng ta". (Ma-thi-ơ 25:35-36).  
Đó là nguồn tình yêu từ một đêm an bình đã chảy tràn lan trần thế.


Nguyễn V Tiếng

Chọn Vỏ Bỏ Ruột


Sách Hàn Phi Tử của thời Chiến Quốc bên Tàu có ghi câu chuyện thú vị về cái hộp đựng ngọc.  Một người thừa hưởng được một viên ngọc châu, muốn bán đi.  Để dễ bán, ông cho làm một cái hộp đẹp, gỗ tốt, khắc hình mỹ thuật, ướp hương cho có mùi thơm.  Ai thấy hộp ngọc cũng đều trầm trồ, khen ngợi và thích cái hộp, mà không nghe ai hỏi tới viên ngọc bên trong.  Cuối cùng, một phú ông có đủ tiền mua hộp ngọc.  Điều làm người bán vô cùng ngạc nhiên là người mua mở hộp lấy viên ngọc trao cho chủ cũ, nói: “Tôi chỉ thích cái hộp đẹp đẽ này thôi, còn viên ngọc tôi cho lại ông.”  Trong khi cái ruột là viên ngọc giá trị gấp trăm lần cái vỏ hộp, mà người mua lại “chọn vỏ bỏ ruột”. 

Từ đó, người Trung Hoa có câu thành ngữ Mãi Độc Hoàn Châu  nghĩa là “mua hộp (đẹp) mà trả lại ngọc châu”, ý nói người chỉ chăm chú bề ngoài không xét đến giá trị thực bên trong, hay nói cách khác thích hình thức hơn nội dung.

Thường cái vỏ chỉ là lớp bao che chở cái ruột quý báu bên trong.  Nhìn trái cam, trái chuối, củ hành thì hiểu.  Người mua chuối mà chọn giữ vỏ chuối và quăng cái ruột chắc bị xem là không bình thường.  Vậy mà không ít người ham mê cái vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài mà quên mất cái ruột phong phú bề trong.  Tục ngữ Việt Nam có câu nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”

Chuyện người mua hộp ngọc làm tôi nhớ tới 2 anh em láng giềng tôi.  Người anh yêu say đắm và cưới được cô vợ đẹp lộng lẫy, nhưng không ngờ tánh hung hãn về sau mới lộ ra, còn người em lấy người vợ bình thường, tánh tình hiền hậu vì người em hiểu câu “cái nết đánh chết cái đẹp”.  Người em sống rất hạnh phúc, còn người anh thì khốn khổ vì hay bị vợ húng hiếp.  Có hôm, anh tâm sự với tôi, than: “Tôi lỡ leo lên lưng sư tử rồi nên biết thân ngồi yên vì bước xuống e bị nhai xương!”  Nhìn lại mới thấy ai khôn ngoan khi chọn vợ:  người anh chăm chú cái vỏ, người em trân trọng cái ruột.   Ai Chọn Nấy Chịu, như câu chúng ta thường nghe người Mỹ hay nói:  "Sleep in the bed you made" (Làm giường thế nào, ngủ thế đó). 

Trong Kinh Thánh, câu chuyện 2 chị em cũng cho chúng ta bài học sâu sắc về chọn lựa.  Cô chị Ma-thê hay làm bếp, lăng xăng nấu nướng phục vụ Chúa Giê-su khi Ngài tới thăm.  Cô em Ma-ri thì thích ngồi bên Chúa để nghe lời Chúa dạy bảo.  Cô chị phàn nàn với Chúa, muốn em mình xuống bếp giúp mình một tay.  Chúa Giê-su thừa nhận hai chị em đều yêu quí Chúa đều muốn Chúa vui lòng, nhưng phán rằng Ma-ri đã chọn phần tốt hơn: ngồi nghe, suy gẫm lời Chúa*.

Thánh Phao-lô nhắc nhở con dân Chúa nên hướng mắt, hướng lòng vào giá trị thuộc linh chớ không nên vào vật chất trần gian:  “chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô-rinh-tô 4:18).

Người chạy theo cái hào nhoáng, phù phiếm, nhưng rỗng tuếch rỗng toác  thường phải trả giá đắt, còn người tìm cầu giá trị tinh thần thường được phước ơn từ Trời. 

Một vị mục sư góp ý: Cơ-đốc nhân chân chánh được mặc áo công chính của Chúa Giê-su thì bề ngoài (vỏ), cùng bề trong (ruột) đều tốt đẹp. 

*Luca 10:40-41


Nhà thơ Tiểu Minh Ngọc cảm tác:

                     Bề Ngoài Bề Trong

“chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” - 2 Cô-rinh-tô 4:18

"và kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình trạng thế gian nầy qua đi." - 1 Cô-rinh-tô 7:31

"Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời." - 1 Giăng 2:17

"Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em." – 1 Phi-e-rơ 1:24-25

          Bề ngoài hào nhoáng, đẹp thay,

Nhưng ai biết được đắng cay trong lòng?

         Giàu sang của cải mênh mông,

Nhưng ngày mai đến, cũng không còn gì?

         Thế gian, mọi sự qua đi,

Cỏ khô, hoa rụng, đáng chi mà nhờ?

 

         Chớ nên chậm trễ, dại khờ,

Ham mê tạm bợ, chần chờ bỏ qua,

         Lời Ngài hằng hữu cho ta,

Hãy suy gẫm lấy, mở ra tầm nhìn,

Biết rằng, quý nhất hồn linh,

Công bình sống bởi đức tin vào Ngài!

 

         Ăn năn kính Chúa hôm nay,

Bỏ qua đời sống lạc sai bao ngày,

         Hết lòng hết sức từ đây,

Làm theo Lời Chúa, thánh thay, năng quyền,

         Phải chăm việc Chúa trước tiên,

Dù không thấy kết quả liền cho ta!

 

         Tình Trời miên viễn bao la,

Sẽ luôn gìn giữ gần xa mọi điều!

Thế gian này có bao nhiêu,

Sức người là mấy, sớm chiều, ai hay?

Tin Lành – Ân Điển tốt thay,

Hãy mau nhận lấy, duy Ngài đáng tin!

             Tiểu Minh Ngọc