Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, March 20, 2022

Tuổi Bạc Tuổi Vàng

 

Tôi hân hạnh được tham dự buổi họp của một nhóm cao niên tại tiểu bang Florida.  Nhóm này chỉ hơn 10 người và có tinh thần học hỏi cao.  Trước khi vào phần ăn uống, họ có phần trà đàm về một vài vấn đề liên quan đến tuổi cao niên.  Hai tuần trước, anh trưởng nhóm đã thông báo “agenda” là hôm nay trước khi ăn sẽ bàn về sức khỏe cao niên, sau đó là mừng sinh nhật chị Bốn “Thất tuần thượng thọ” 70 tuổi. 

Giờ mạn đàm bắt đầu mà đã thấy sôi nổi, khi anh Tám, người mới về hưu vài tháng nay phát pháo trước: “Tôi đặt cho thời gian từ tuổi 50 cho đến lúc về hưu là tuổi bạc, lúc này phần lớn chúng ta thấy nợ nần bắt đầu mòn, con cái bắt đầu lớn, đời sống thấy bớt vất vả, có thể bắt đầu để dành tiền hưu.  Người được 50 tuổi có thể gia nhập hội cao niên AARP ở Hoa Kỳ.  Rồi sau khi nghĩ hưu, chúng ta có dư thì giờ, nếu tiền nong không eo hẹp và còn sức khỏe thì có thể gọi đó là tuổi vàng.”  Một chị bạn lên tiếng: “Má tôi năm nay 95 tuổi, mà còn sáng suốt, còn đọc sách báo, đi đứng, nói năng, ăn uống không trở ngại gì thì tôi thấy quý hơn vàng nữa, tôi gọi là tuổi platinum hoặc tuổi kim cương”.   Một anh hỏi: “Tôi đồng ý với 3 danh xưng này, nhưng còn tuổi trước 50 là gì?”  Anh trưởng nhóm lên tiếng: “Nhớ lại, thời trước tuổi 50, ai cũng vất vả làm việc trong thời người khôn của khó, phải nuôi dạy con cái, nhiều lúc xanh mặt với nợ nhà, nợ xe, nợ học… Có thể gọi thời gian này là tuổi chì vì “chì” lắm mới tồn tại được thời “chịu đấm ăn xôi” này.  Chị Bốn, nhân vật chính ngày hôm nay, lên tiếng: “Tụi mình, tuổi suýt soát nhau, trên dưới 70, còn sức khỏe, chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế vì bây giờ nghĩ lại tôi thấy không gì quý hơn sức khỏe.”  Anh Sáu góp lời: “Vợ chồng tôi thường tạ ơn Thiên Chúa còn gìn giữ cơ thể mình mọi thứ còn được thông, chưa chỗ nào bị nghẻn, nghẹt.  Tính ra, tôi thấy vợ chồng tôi, cũng như các anh chị có 5 điều T.H.Ô.N.G.:  Tuần hoàn thông, Hô hấp thông, Ống tiêu hóa thông, Niệu tiết thông, Gân cốt thông.  Chúng tôi cũng cảm tạ 4 điều mình chưa bị theo ABCĐ:  A/ chưa bị Ai-xây-mơ (Alzheimer’s disease:  lú lẫn); B/ chưa bị Bại liệt; C/ chưa bị Căng-xe (Cancer: Ung thư); D/ chưa bị Đái đường.”  Chị Mười trầm ngâm nói: “Đã làm trong nursing home nhiều năm, tôi thấy một thế giới khác, một thế giới thê lương của những người bị những bệnh mà họ không thể tự săn sóc mình được và mỗi ngày đều phải nhờ đến người khác giúp.  Bị méo mó nghề nghiệp, tôi chỉ thấy con người phân làm hai dạng:  dạng còn có thể đi đứng, và dạng chỉ có thể nằm hoặc ngồi vì đứng lâu hay bước đi là té ngã.  Người ở dạng “đi đứng” chắc chắn đỡ khổ hơn người ở dạng “nằm ngồi”.  Người ở dạng sau ngày càng tệ hơn, rất hiếm khi đi đứng trở lại.  Có người rất trẻ bị tai nạn nằm liệt luôn, mọi sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, tiêu tiểu, di chuyển đều tùy thuộc vào người khác.  Các anh chị phân tuổi ra tuổi bạc, tuổi vàng rất đẹp, nhưng những người không may này thì thấy quả là bạc… bẽo và vàng… vọt!  Những người này không thể gọi là sống lâu, sống thọ mà có thể gọi là chết trễ.

Anh trưởng nhóm góp ý:  “Về dự đoán tuổi thọ (life expectancy), theo CDC (Centers for Disease Control) vào năm 2012, người ở tuổi 65 thì đàn ông sống thêm 17.9 năm, đàn bà có thể thêm 20.5 năm.  Những năm gần đây, người ta hay nói về những con số thực dụng hơn là dự đoán năm sống khỏe mạnh (Healthy Life Expectancy).  Theo cơ quan WHO (World Health Organization) thì trung bình cho người tại Hoa Kỳ, số năm sống khỏe mạnh (HLY:  Healthy Life Years) cho đàn ông là 68, đàn bà là 72.  Nói cách khác, tính theo trung bình, một ông sống khỏe mạnh cho đến năm 68 tuổi, sau đó vì bệnh tật, vì tai nạn, sức khỏe bị suy sụp, có thể phải đổi từ diện “đi đứng” sang diện “nằm ngồi”, phải vô viện dưỡng lão, cho đến năm 82.9 tuổi thì chết.  Vậy ông nào trên 68 tuổi mà còn khỏe mạnh là phước hơn nhiều công dân khác tại Mỹ rồi đó.  Vấn đề cần cho chúng ta suy nghĩ là làm cách nào để thời gian khỏe mạnh được kéo dài.  HLY càng cao càng tốt, thời gian sống dật dờ, như chết chưa chôn càng ngắn càng hay.  Chúng ta đã nhiều lần nói về dưỡng sinh rồi.  Những phương cách dưỡng sinh giúp cho HLY của chúng ta được tăng thêm.  Tránh thuốc lá; tránh uống rượu quá độ.”  Anh nói tiếp: “Trong tiếng Anh có chữ Wellness có thể dịch là An Khang, chữ này có 8 chữ cái, có thể giúp chúng ta nhớ đến 8 bí quyết dưỡng sinh từ nay cho ngày cuối cuộc đời:

W:  WATER (nhớ uống đủ nước sạch mỗi ngày)

E:  ENVIRONMENT (tìm môi trường lành mạnh, có không khí trong lành, khí hậu thời tiết không quá khắc nghiệt mà sống)

L:  LIGHT (cần ánh sáng mặt trời, 15 phút phơi nắng mỗi ngày là đủ).

L:  LAUGH (nhớ cười nhiều, cười thường xuyên vì một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ)

N:  NUTRITION (cần thức ăn lành mạnh, nhiều rau quả, ngô khoai đậu hạt)

E:  EXERCISES (hoạt động thể xác, tinh thần.  Đi bộ 30 phút mỗi ngày là đủ)

S:  SLEEP (ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, đừng lấy đêm làm ngày)

S: SERENITY (giữ lòng thanh thản là rất cần thiết để tránh sôi máu!) và SAFETY (an toàn: người cao niên dễ bị tai nạn lưu thông, hay té ngã, nên cần cẩn thận hết sức).

Sau đó đến phần ăn uống “potluck” với nhau và phần chót của chương trình là mừng sinh nhật chị Bốn.  Chị tuy mất chồng 10 năm, nhưng sống vậy, không tái giá mặc dù có vài ông ước được đi nốt khoảng đời còn lại cùng chị.  Khi được phỏng vấn, chị cho biết chị thông cảm với những người thấy cô đơn.  Ông muốn tục huyền vì muốn bếp có ánh lửa hồng, bàn ăn có cơm nóng canh ngon; bà muốn tái giá vì muốn có người để …nhỏng nhẻo và để … chỉ huy.  Nhưng chị Bốn, tánh khí cương cường, thích tự lập, tự liệu, chỉ muốn có bạn để xã giao mà thôi.  Chị nói trong tình bạn, người ta hay chiều chuộng, quý trọng nhau; còn khi sống trong tình vợ chồng là phải chịu đựng nhau, phải “lụy” nhau.  Mọi người hát chúc mừng sinh nhật cho chị Bốn.  Quà tặng của nhóm hùn tiền mua là chiếc đồng hồ có tiếng chim hót từng giờ (singing bird clock).  Chị cảm ơn các bạn cho món quà có ý nghĩa vì chị là người thích đúng giờ giấc và yêu thiên nhiên.  Phía sau cái đồng hồ treo tường, các bạn cho in một bài thơ xưa:

Ta xem một chiếc đồng hồ,
Nếu không có thợ, bao giờ thành thân,
Phương chi máy tạo xoay vần,
Tứ thời bát tiết muôn phần lạ hơn,
Nên ta phải lấy trí khôn,
Luận rằng có Đấng Chí Tôn sinh thành.
Con chim nó hót trên cành,
Nếu trời không có, có mình làm sao ?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có thì sao có mình ?

Dưới bài thơ, có ghi câu “Trời là gốc của vạn vật” và câu chữ Hán: Thiên giả, quần vật chi tổ dã  天者群物之祖也 (Đổng Trọng Thư).

Mọi người cười vui vẻ khi thấy bài thơ cổ với tác giả khuyết danh mà anh trưởng nhóm tìm tòi được rất thích hợp với chị Bốn. Các bạn nhớ lại hai tháng trước khi nhóm bàn về Thuyết Tiến Hóa và Thuyết Sáng Tạo, chị Bốn là người hăng say bảo vệ thuyết Sáng Tạo và chị tuyệt đối tin tưởng vào sự tể trị của Đức Chúa Trời trên vũ trụ, vạn vật cũng như đời sống cá nhân của chị.

Để kết thúc buổi nhóm, anh trưởng nhóm ngâm đọc bài thơ “Còn Bao Lâu Nữa?” của BS TNT:

Tụi mình trên dưới bảy mươi
Nhìn đi ngó lại chỉ mười năm thôi.
Số đông biến mất đâu rồi
Số hên còn lại lẻ loi chắc buồn.
Đếm kỹ còn mấy trăm tuần
Thời gian vùn vụt, bao lần gặp nhau ?
Thôi thì còn lại ngày nào
Hãy vui ngày ấy, miệng chào thật tươi.
Khác biệt gì cũng thế thôi
Mai kia nằm xuống để rồi được chi.
Sao bằng ta cứ vui đi
Hơn thua dẹp hết, ôm ghì bạn xưa.

Trước khi chia tay, anh trưởng nhóm chúc mọi người được mạnh khỏe để tận hưởng tuổi vàng, an hưởng tuổi trời và vui hưởng mùa Xuân bất tận trong lòng. 

Châu Sa ghi chép

Trái Chuối Biết Nói-

 

Học trò trường tiểu học Kingston Elementary School ở Virginia Beach, mỗi bữa ăn trưa, thường thích thú đọc lớn lên rồi khoe nhau những lời viết trên trái chuối mà em nhận được trên mâm ăn.   Đây toàn là những lời hay ý đẹp nhằm mục đích đem lại niềm vui, khích lệ các em như :  Be Kind ! Be the Reason Someone Smiles ! Be Your Best Self ! Dream Big ! Follow Your Dreams ! You’re amazing ! Your Future is Bright ! Be a Great Friend ! Work Hard ! Live, Laugh, Love ; Reach for the Stars ! Inspire yourself and others ! Spread Love everywhere you go ! Show and Share your Worth ! 

Câu chuyện bắt đầu từ bà Stacey Truman, quản lý phòng ăn của  trường học, có 2 đứa con gái.  Mỗi ngày bà chuẩn bị họp ăn trưa cho con, trên mỗi trái chuối bà viết lời thương yêu để động viên hai con.  Thấy hai con bà thích những trái chuối biết nói  “talking bananas” này, bà nghĩ đến việc đi làm sớm, để 45 phút ra viết trên 60 trái chuối.  Việc làm này giúp các em thích ăn chuối hơn, ăn trưa vui vẻ hơn, và cũng truyền cảm hứng cho nhiều người lớn khác. 

Vợ chồng tôi thích ăn chuối mỗi sáng để chống táo bón (người cao niên uống nhiều thuốc dễ bị táo bón), nên cũng muốn viết lên vỏ chuối ít lời có ý nghĩa cho đời lên hương, hay cảm tạ Chúa còn cho mình hơi thở… Chúng tôi tìm ra được một danh sách 9 mỹ đức trong thư tín Ga-la-ti của ông Phao-lô, tại chương 5, gọi là Trái Thánh Linh, đó là : 1lòng yêu thương, 2sự vui mừng, 3bình an, 4nhịn nhục, 5nhân từ, 6hiền lành, 7trung tín, 8mềm mại, 9tiết độ.   Đánh số trên mỗi mỹ đức, nên mỗi ngày chúng tôi viết trên trái chuối 1 hoặc 2 mỹ đức (hay là hạnh) tùy ngày trên lịch.

Như ngày 1 tháng 8 vừa qua, trái chuối chúng tôi được ghi là Tình Yêu Thương.  Dùng viết marker mực đen, hay đỏ, hay xanh viết trên nên vỏ chuối vàng trông rất đẹp.  Hôm ngày 1 đó chúng tôi có cả ngày suy gẫm về tình yêu thương, tình yêu của Thiên Chúa cho con người, của tiền nhân, của cha mẹ, của gia đình đối với mình và tình yêu của mình đối với Chúa, với tha nhân.   Ngày 2, chúng tôi suy gẫm sự vui mừng, nhắc nhau  “Don’t worry. Be Happy”,  Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay (Châm Ngôn 17 :22), Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ (Laughter is the best medicine)…  Ngày 3, bao nhiêu phiền muộn như tiêu tan khi chúng tôi suy gẫm mấy chữ bình an màu xanh lá cây trên trái chuối.  Những ngày tiếp theo, cứ theo thứ tự cái danh sách Trái Thánh Linh mà suy gẫm. 

Tới ngày 10, gồm 1+0 = tình yêu  + ?  Số 0 nhắc chúng ta vạn sự giai không.  Tất cả sau cùng chỉ là hư không !  Vậy thì những gì ngoại thân mình thì không nên luyến ái, luyến tiếc.  Mà thứ ngoại thân độc địa nhất là lòng thù hận mình thường khư khư ôm nó trong lòng.  Vì vậy, số 0 nhắc chúng tôi nhớ tới lòng tha thứ,  khoan dung.  Ngày 10 là ngày thương yêu + tha thứ.  Trong khi tham lam + thù hận là động lực sống cho người thuộc xã hội đen ; thương yêu + tha thứ là hai nguồn năng lực giúp chúng ta thăng hoa, là 2 hạt giống tâm hồn giúp thánh hóa. 

Ngày 22 là ngày Vui Mừng x2, suy ngẫm cái gì làm mình chất ngất niềm vui, một thứ niềm vui phát xuất từ nội tâm, không phụ thuộc vào ngoại cảnh.  Ngày 29 = vui mừng + tiết độ.  Tiết độ không những trong việc ăn uống, tiêu xài mà còn trong tình cảm, trong lời nói.  Ngày này nhắc chúng tôi vui trong sự chừng mực, một sự thỏa lòng trong đời sống.  Sự quá độ trong lời nói (như nói nặng lời người khác) sẽ làm chúng ta hối tiếc về sau. 

Từ ngày 1 đến ngày 9 : mỗi ngày trau dồi hạnh đơn, từ ngày 10 đến cuối tháng : trau dồi hạnh đôi. 

Chuối là một loại trái cây bình dân, rẻ tiền, lại chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp ích cho cơ thể. Có 7 công dụng chính:

1.         Giúp tiêu hóa:  nhờ dồi dào fiber, đỡ phải dùng thuốc xổ;

2.         Giúp trí óc chậm lú lẫn nhờ Vitamin B6 (Pyridoxine)

3.         Tăng sinh lực: nhờ chứa 3 loại đường:  sucrose, fructose, glucose

4.         Giúp tim và hệ tuần hoàn: nhờ chất sắt (Iron), chất Potassium

5.         Tăng cảm giác hạnh phúc: nhờ chất Tryptophan chuyển qua serotonin

6.         Dưỡng da: nhờ chất manganese

7.         Làm chậm tiến trình lão hóa: nhờ những chất chống oxy-hóa

Chuối giúp ích cho cơ thể và những những mỹ đức (hạnh) ghi trên vỏ bổ tâm, bổ linh cho chúng tôi.  Vỏ chuối được tận dụng luôn: Có người xay thành smoothie để uống, có người xắt nhỏ, ngâm trong nước độ 2 tuần, dùng nước vỏ chuối để tưới cây, tưới hoa.  

NSM

MÙA XUÂN MIÊN VIỄN!


Thời khắc này đã là chiều tối 29 âm lịch, năm 2021 không có 30, chỉ vỏn vẹn hơn 6 tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa đón tết Nguyên Đán, tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay không có ngày 30 tết khiến nhiều người hụt hẫng vì cảm thấy mất đi cảm giác 30 tết thường niên. Tuy vậy, dù ngày cuối cùng rơi vào ngày nào, chúng ta cũng có thể gọi là “30 tết”, khoảnh khắc giao thừa đầy thiêng liêng mà ai cũng cảm thấy háo hức và hồi hộp trong thời khắc chuyển giao. Như vậy, nàng xuân đang ở bên thềm, nàng thấp thoáng trước cửa mỗi nhà. Tết sẽ đến nay mai, nhưng cái tết bây giờ không còn hương vị tết như cách đây trên 20 năm về trước. Cũng tầm này đổ về trước, nếu ta đi trên bất cứ con đường nào của làng quê, nhất là Quảng Nam - Đà Nẵng, thì hình ảnh quen thuộc dọc hai bên đường là người ta đặt chảo gang lớn rang nếp vỏ, tiếng tí tách hạt nếp nổ ra, tiếng lửa cháy xì xèo, mùi thơm thơm ngậy ngậy, đi đâu cũng cảm thấy vui vui, rồi tiếng pháo đì đùng, khiến cho lòng mình cũng nôn nã, cũng rộn rịp, cũng xôn xao một cái gì đó khó tả.

Nhưng rồi…
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
Nguyễn Du.
Vì thoáng một chốc mà đã ra giêng, sáu mươi ngày trôi qua của ba tháng mùa xuân và hình ảnh Ông Đồ cũng đã trở thành dĩ vãng xa xăm, có chăng chỉ tồn tại trong thơ văn mà thôi:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Những ngày xuân đã vội vã qua đi, người ta đã bắt tay vào làm việc, một năm mới với nhiều lo toan và những hy vọng, cuộc sống cần lao đã và sẽ đưa con người đi trong dòng chảy của qui luật muôn đời, cho dù Xuân Diệu ông hoàng của thơ tình lãng mạn, vẫn lạc quan kết thúc bài thơ khá độc đáo, trong Xuân không mùa:

Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng, 
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa? 
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa, 
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.

Đoạn Kinh Thánh duy nhất trong kinh Cựu ước của vua Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan bậc nhất trong lịch sử nhân loại, của nước Do Thái thuở xưa, ông trị vì vương quốc giàu có và hưng thịnh trước Chúa giáng sinh khoảng 1000 năm. Đây là đoạn kinh văn hay nhất viết về mùa xuân:

“Em yêu người đẹp của ta!
Mưa đông vừa dứt, mùa hoa đã về
Cây nứt lộc, lá sum sê
Oanh ca, phượng múa bên lề rừng mai
Em ơi, xuân đã lên ngai
Hoa nho thơm phức ca bài yêu đương
Em yêu ta hãy lên đường”.

Nhã-ca 2:11-13 (Bản Diễn ý)

Ôi! Chúa xuân Ngài yêu nhân loại quá! Cứ ngắm nhìn thiên nhiên trong những ngày xuân mà lòng không thể nào không ca ngợi Chúa xuân. Chúa cho ta đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, ta được ngắm nhìn thấy muôn vẻ đẹp của mùa xuân mà Tạo hóa an bài.
Nhưng có một điều buồn là ngày xuân không có mãi. Hôm nay, nhìn hoa nở mai kia lại ngắm hoa tàn. Đời người ai cũng trải qua mùa xuân nầy rồi chờ mùa xuân khác. Có mùa xuân nào ở mãi với chúng ta đâu?
Chế Lan Viên lại là nhà thơ cất cớ không thích mùa xuân, nên cứ tìm cách ngăn chặn, bởi vì ông ấy quá yêu mùa thu
 không biết có phải đúng như vậy không?
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang

Nhà thơ họ Chế này lạ thật, ai ai cũng đang hớn hở đón mùa xuân mới, thì ông lại muốn chắn, muốn ngăn dùng hoa tàn lá rụng làm công sự đồn lũy không cho mùa xuân nó đến, có phải nhà thơ điên loạn trong tập Điêu Tàn nổi tiếng khi chàng thiếu niên mới 17 tuổi không nhỉ???

Không phải nhà thơ cay đắng vô vọng vì ám ảnh trong quá khứ:
"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau", phải chăng "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" như thi hào Nguyễn Du.

Kỳ thật nhãn quan nhà thơ nhìn cuộc sống nhân gian còn lắm kẻ nghèo, còn nhiều mảnh đời cơ cực, họ không hề biết tết là gì, bởi vậy mà nhà thơ không muốn tết đến:

"Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!"

Xuân đến làm chi, khi người nghèo chưa biết Tết, khi lòng này chưa rộn rã mừng xuân, khi trái tim còn vương mùa thu trước? Khi dịch bệnh kéo dài suốt những hai năm, khó khăn này chồng lên khó khăn khác.

Nhìn xung quanh chúng ta cũng lắm kẻ giàu, nhưng người nghèo thì không thiếu bên cạnh. Chúng ta hãy sống trong tình thần yêu thương sẻ chia cái mình mình có cho người chưa có, nhất là Phúc-âm cứu rỗi linh hồn tội nhân.

Là con cái Chúa, chúng ta có Chúa xuân ngự trị trong lòng, tâm hồn luôn vui thỏa, xuân trong Chúa là xuân không mùa:
- “Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới”.IICô-rinh-tô 5:17 BDM.(Bản Dịch mới)
- “Mỗi buổi sáng Chúa thương một cách mới và tỏ lòng thánh tín vô hạn của Ngài”.Ca-thương 3:23 BDY (Bản Diễn ý)

- “They go from strength to stength; Each oneappeears before God in Zion”.
- “Họ đi tới sức lực lần thêm; Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn”.Thi-thiên 84:7 BTT (Bản Truyền thống 1926

Kính chúc Quý vị Giáo sĩ - Mục sư - Truyền đạo - Tín hữu - Thân hữu một năm mới 2022 đạt được nhiều thành quả trong việc rao giảng Phúc-âm, lao động, học tập, công tác, kinh doanh, sản xuất…
Chúc mọi người tràn ngập niềm vui từ Chúa Cứu Thế Giê-su.

Muốn thật hết lòng!
Hồ Galilê – Xuân 2022




THƯƠNG NGƯỜI ÁO RÁCH

Ca dao Việt Nam có câu :

Có rách áo, mới biết thương người áo rách,
Đã cơ hàn, mới thấu rét mùa đông .
Chén đắng cay, những ai từng uống,
Khúc nôi người, mình mới cảm thông .
Một chiếc áo rách năm xưa, nay đà lành lặn;
Một tấm thân cơ hàn, nay đã ấm no .
Nhưng bởi đã trải qua nhiều gian khổ;
Nhìn những áo rách hiện giờ; Nhớ lại chiếc áo năm xưa ! .
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, nơi thôn dã vào thời thuộc Pháp . Do nơi gia đình nghèo, ở thôn quê, không có trường học, nên việc học hành của tôi phải 3chìm, 7nổi, 8cái lênh đênh, 9cái gập ghềnh, 10cái nhấp nhô . . . và nhiều cái kham khổ nữa . Tại thôn quê xã tôi, chỉ có trường đến lớp 2 (hệ 12 năm) . Thế nên khi lên lớp 3, tôi phải đi học trường xã kế cận, xa nhà 3km . Khi lên lớp 4, lại phải đổi đến trường huyện, cách nhà 11km . Lên lớp 5, phải đến trường tỉnh . Trong giai đoạn Tiểu học này, tôi được ở trọ nhà của bà con . . . nên chỉ chuyên học, không bị căng thẳng vào vật chất . Từ khi lên lớp 6 (cấp Trung học), tôi phải lo việc ăn uống để học tập. Thời bấy giờ, ngoại ô thành phố cấp tỉnh, chưa có điện, nên nhà thờ nơi đó phải có máy phát điện để dùng vào các dịp lễ ban đêm . Tôi được ở miễn phí trong một nhà phát điện đó và được biệt danh là “học sinh nhà đèn” . Cuộc sống tôi lúc bấy giờ là : gia đình cung cấp gạo + tiền muối mắm, dầu đèn . Rau xanh, ngoại ô dễ tìm . Chỗ tôi ở cạnh con sông, tôi thả câu dầm chờ cá . Những khi nghịch mùa, cá ít ăn câu, món ăn thường trực là “vịt con chết trong trứng” tại các lò ấp vịt bỏ ra, bán rẻ . . . tôi đem về chiên, nấu lại làm lương thực nuôi thân . Vì là gia đình rất nghèo, lại đông anh em, nên tiền mắm muối, dầu đèn cho tôi cũng giới hạn . Có khi :
Viết hết mực . . ., xem bình mực : hết !
Đèn khô dầu . . ., chai : cũng dầu khô .
Kéo ngăn tủ ra . . . , rồi đẩy ngăn tủ vô ! .
Cho tay sâu vào đáy túi . . .
Túi rỗng không . . . như lòng cũng rỗng không ! .
Ngẩng mặt nhìn vào chốn khoản không,
Không gian thăm thẳm . . . như tương lai thăm thẳm ! .
-
Có lần tôi về quê nhà – dĩ nhiên là lúc hết gạo, hết tiền – vào chiều thứ 7, đến sáng thứ 2 trở lại trường, đến thẳng lớp học; nên phải đem bài về nhà để học bài cho buổi học ngày thứ 2 đó . Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi học ở bàn phía trước, Ba Mẹ tôi nói chuyện trong phòng, cách bàn tôi học một tấm vách tre . Ba nói với Mẹ : “Mai, thằng nhỏ trở lại trường,. . lấy gì cho nó tiền xe . . . !” . Mẹ nói : “Ổ gà sắp ấp, lấy 2 trứng, bán được 3 đồng làm tiền xe cho nó” . Và sáng hôm sau, tôi cầm 2 trứng gà, qua ngang chợ, đổi lấy 3 đồng . . . làm lộ phí trở lại trường . Ngồi trên xe, tôi nhớ lại tất cả những gì Ba Mẹ tôi nói với nhau và tâm trạng tôi lúc đó . Tôi xúc cảm thành thơ :
-
Ngồi học mà nghe tiếng thở than . . .
Mơ màng đôi mắt . . . , nghĩ miên man .
Ăn làm sao nổi bao xương xóc (1)
Nuốt thế nào trôi những thép gang (2)
Dẫu mắt cố nhìn chăm mỗi chữ,
Mà mồm lại đọc cứ sai hàng . . . .
Rõ ra những lúc ta thua bạn,
Là tại lòng ta quá ngổn ngang ! .
(*(1). Môn Vạn Vật Học : học về bộ xương loài có vú .
*(2) Môn Vật Lý Học : học về kim loại : sắt, thép, gang, đồng .)
Đấy là điển hình vài nét của cái rách te tua ấy, còn về chi tiết, kể sao cho hết được ! .
Thế nên, gồm tóm đại cương trong bài “Cái học nghèo” sau đây :
Cái học nghèo
Cái khổ nào hơn cái học nghèo :
Đến trường mỗi sáng, ruột trong veo .
Cơm ngày hai bửa, về lo lấy ;
Cá mấm một tuần cố nhín nheo (nhín nhen) .
Muốn có đồ dùng thì đi mượn’
Khi cần học cụ, chạy lăn queo ! .
Vì chưng ngày tháng không chờ đợi,
Bởi thế nên tôi phải gắng theo .
Và tôi đã cố gắng theo học đến tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần . Rời trường, làm nghề giáo, dạy Toán – Lý – Hóa . Chiếc áo rách tạm lành . Tôi choàng tay nâng đỡ những áo rách theo sau ! . Trước hết là giúp các em ruột tôi; rồi đến các em áo rách trên đường đời mà tôi gặp được . Việc giúp vá những chiếc áo rách này, dừng lại từ khi tôi vào tù cải tạo năm 1975 . Mãi đến khi định cư tại Mỹ (1990), tôi lại biết nhiều chiếc áo rách, còn thảm thương hơn tôi khi xưa . Năm xưa, tôi chỉ bị rách te tua thôi; giờ đây, các cháu này bị rách tả tơi, rách tan tác, rách toạt ra . . . ! . Năm xưa tôi có thể tự túc, ở trọ không tốn tiền, học không có học phí . Ngày nay, các cháu đi học phải có tiền trọ + học phí + bảo hiểm + tiền ăn + đồng phục + sách vở + . . . , ôi thôi trăm thứ chi tiêu ! . Ngày xưa tôi bị rách te tua mà đã thấy “thấm thía” khổ rồi . Nay các cháu ở vào dạng rách tả tơi, tan tác . . . thì quả là “khổ hơn” tôi nhiều ! . Chính vì vậy, nay áo tôi lành ấm, mà tôi không tạo cho mình áo mới hợp thời trang, chỉ giữ đủ “no-ấm”; để được rời rộng trong việc tiếp trợ cho những chiếc áo rách tại Việt Nam đang cơ hàn (đói lạnh) trong cuộc sống hiện thời .
Tôi viết lên những lời này, không để là thở than (vì khốn khổ tôi đã qua rồi), mà là để “thấu cảm” những cháu đang trong cảnh áo rách hơn tôi ngày xưa đó . Và cũng để hoan nghinh việc từ thiện của “Những Tấm Lòng Xót Thương, Giúp Trẻ Em Nghèo Tại Việt Nam Đi Học” . Và cũng xin gởi gắm Các Cháu, đến Quí Vị “xin giúp các cháu này được tiếp tục học đến nơi đến chốn” ! . Tôi nói tiếp tục học đến nơi đến chốn là vì nếu mất học nửa chừng, thì những cố gắng trước đó, trở thành vô dụng và tương lai không được gì = khổ hoàn lại khổ ! .
Ngày nay, hoàn cảnh khó hơn xưa, các cháu “áo rách” này không có được điều kiện để tự túc, mà chỉ phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của những bộ áo lành tốt; không được tiếp giúp, thì các cháu đành phải bỏ cuộc mà thôi ! . Lòng tôi thật sự bị quặn thắt, khi nhìn các cháu “cố ngoi lên . . . lại bị chìm xuống” ! .
Do đó, các Mái Ấm Tình Thương trong Chương Trình Bàn Chân Đẹp đã đang “Hướng Đến Tương Lai” qua “Các Cháu Áo Rách” này !, Và đang cổ động “Vốn” đầu tư từ những người cho Đức Giê Hô Va vay mượn (Châm ngôn 19:17) .
Một Chiếc Áo Rách Năm Xưa