Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, March 20, 2022

MÙA XUÂN MIÊN VIỄN!


Thời khắc này đã là chiều tối 29 âm lịch, năm 2021 không có 30, chỉ vỏn vẹn hơn 6 tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa đón tết Nguyên Đán, tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay không có ngày 30 tết khiến nhiều người hụt hẫng vì cảm thấy mất đi cảm giác 30 tết thường niên. Tuy vậy, dù ngày cuối cùng rơi vào ngày nào, chúng ta cũng có thể gọi là “30 tết”, khoảnh khắc giao thừa đầy thiêng liêng mà ai cũng cảm thấy háo hức và hồi hộp trong thời khắc chuyển giao. Như vậy, nàng xuân đang ở bên thềm, nàng thấp thoáng trước cửa mỗi nhà. Tết sẽ đến nay mai, nhưng cái tết bây giờ không còn hương vị tết như cách đây trên 20 năm về trước. Cũng tầm này đổ về trước, nếu ta đi trên bất cứ con đường nào của làng quê, nhất là Quảng Nam - Đà Nẵng, thì hình ảnh quen thuộc dọc hai bên đường là người ta đặt chảo gang lớn rang nếp vỏ, tiếng tí tách hạt nếp nổ ra, tiếng lửa cháy xì xèo, mùi thơm thơm ngậy ngậy, đi đâu cũng cảm thấy vui vui, rồi tiếng pháo đì đùng, khiến cho lòng mình cũng nôn nã, cũng rộn rịp, cũng xôn xao một cái gì đó khó tả.

Nhưng rồi…
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
Nguyễn Du.
Vì thoáng một chốc mà đã ra giêng, sáu mươi ngày trôi qua của ba tháng mùa xuân và hình ảnh Ông Đồ cũng đã trở thành dĩ vãng xa xăm, có chăng chỉ tồn tại trong thơ văn mà thôi:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Những ngày xuân đã vội vã qua đi, người ta đã bắt tay vào làm việc, một năm mới với nhiều lo toan và những hy vọng, cuộc sống cần lao đã và sẽ đưa con người đi trong dòng chảy của qui luật muôn đời, cho dù Xuân Diệu ông hoàng của thơ tình lãng mạn, vẫn lạc quan kết thúc bài thơ khá độc đáo, trong Xuân không mùa:

Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng, 
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa? 
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa, 
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.

Đoạn Kinh Thánh duy nhất trong kinh Cựu ước của vua Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan bậc nhất trong lịch sử nhân loại, của nước Do Thái thuở xưa, ông trị vì vương quốc giàu có và hưng thịnh trước Chúa giáng sinh khoảng 1000 năm. Đây là đoạn kinh văn hay nhất viết về mùa xuân:

“Em yêu người đẹp của ta!
Mưa đông vừa dứt, mùa hoa đã về
Cây nứt lộc, lá sum sê
Oanh ca, phượng múa bên lề rừng mai
Em ơi, xuân đã lên ngai
Hoa nho thơm phức ca bài yêu đương
Em yêu ta hãy lên đường”.

Nhã-ca 2:11-13 (Bản Diễn ý)

Ôi! Chúa xuân Ngài yêu nhân loại quá! Cứ ngắm nhìn thiên nhiên trong những ngày xuân mà lòng không thể nào không ca ngợi Chúa xuân. Chúa cho ta đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, ta được ngắm nhìn thấy muôn vẻ đẹp của mùa xuân mà Tạo hóa an bài.
Nhưng có một điều buồn là ngày xuân không có mãi. Hôm nay, nhìn hoa nở mai kia lại ngắm hoa tàn. Đời người ai cũng trải qua mùa xuân nầy rồi chờ mùa xuân khác. Có mùa xuân nào ở mãi với chúng ta đâu?
Chế Lan Viên lại là nhà thơ cất cớ không thích mùa xuân, nên cứ tìm cách ngăn chặn, bởi vì ông ấy quá yêu mùa thu
 không biết có phải đúng như vậy không?
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang

Nhà thơ họ Chế này lạ thật, ai ai cũng đang hớn hở đón mùa xuân mới, thì ông lại muốn chắn, muốn ngăn dùng hoa tàn lá rụng làm công sự đồn lũy không cho mùa xuân nó đến, có phải nhà thơ điên loạn trong tập Điêu Tàn nổi tiếng khi chàng thiếu niên mới 17 tuổi không nhỉ???

Không phải nhà thơ cay đắng vô vọng vì ám ảnh trong quá khứ:
"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau", phải chăng "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" như thi hào Nguyễn Du.

Kỳ thật nhãn quan nhà thơ nhìn cuộc sống nhân gian còn lắm kẻ nghèo, còn nhiều mảnh đời cơ cực, họ không hề biết tết là gì, bởi vậy mà nhà thơ không muốn tết đến:

"Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!"

Xuân đến làm chi, khi người nghèo chưa biết Tết, khi lòng này chưa rộn rã mừng xuân, khi trái tim còn vương mùa thu trước? Khi dịch bệnh kéo dài suốt những hai năm, khó khăn này chồng lên khó khăn khác.

Nhìn xung quanh chúng ta cũng lắm kẻ giàu, nhưng người nghèo thì không thiếu bên cạnh. Chúng ta hãy sống trong tình thần yêu thương sẻ chia cái mình mình có cho người chưa có, nhất là Phúc-âm cứu rỗi linh hồn tội nhân.

Là con cái Chúa, chúng ta có Chúa xuân ngự trị trong lòng, tâm hồn luôn vui thỏa, xuân trong Chúa là xuân không mùa:
- “Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới”.IICô-rinh-tô 5:17 BDM.(Bản Dịch mới)
- “Mỗi buổi sáng Chúa thương một cách mới và tỏ lòng thánh tín vô hạn của Ngài”.Ca-thương 3:23 BDY (Bản Diễn ý)

- “They go from strength to stength; Each oneappeears before God in Zion”.
- “Họ đi tới sức lực lần thêm; Ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn”.Thi-thiên 84:7 BTT (Bản Truyền thống 1926

Kính chúc Quý vị Giáo sĩ - Mục sư - Truyền đạo - Tín hữu - Thân hữu một năm mới 2022 đạt được nhiều thành quả trong việc rao giảng Phúc-âm, lao động, học tập, công tác, kinh doanh, sản xuất…
Chúc mọi người tràn ngập niềm vui từ Chúa Cứu Thế Giê-su.

Muốn thật hết lòng!
Hồ Galilê – Xuân 2022