Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, March 20, 2022

THƯƠNG NGƯỜI ÁO RÁCH

Ca dao Việt Nam có câu :

Có rách áo, mới biết thương người áo rách,
Đã cơ hàn, mới thấu rét mùa đông .
Chén đắng cay, những ai từng uống,
Khúc nôi người, mình mới cảm thông .
Một chiếc áo rách năm xưa, nay đà lành lặn;
Một tấm thân cơ hàn, nay đã ấm no .
Nhưng bởi đã trải qua nhiều gian khổ;
Nhìn những áo rách hiện giờ; Nhớ lại chiếc áo năm xưa ! .
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, nơi thôn dã vào thời thuộc Pháp . Do nơi gia đình nghèo, ở thôn quê, không có trường học, nên việc học hành của tôi phải 3chìm, 7nổi, 8cái lênh đênh, 9cái gập ghềnh, 10cái nhấp nhô . . . và nhiều cái kham khổ nữa . Tại thôn quê xã tôi, chỉ có trường đến lớp 2 (hệ 12 năm) . Thế nên khi lên lớp 3, tôi phải đi học trường xã kế cận, xa nhà 3km . Khi lên lớp 4, lại phải đổi đến trường huyện, cách nhà 11km . Lên lớp 5, phải đến trường tỉnh . Trong giai đoạn Tiểu học này, tôi được ở trọ nhà của bà con . . . nên chỉ chuyên học, không bị căng thẳng vào vật chất . Từ khi lên lớp 6 (cấp Trung học), tôi phải lo việc ăn uống để học tập. Thời bấy giờ, ngoại ô thành phố cấp tỉnh, chưa có điện, nên nhà thờ nơi đó phải có máy phát điện để dùng vào các dịp lễ ban đêm . Tôi được ở miễn phí trong một nhà phát điện đó và được biệt danh là “học sinh nhà đèn” . Cuộc sống tôi lúc bấy giờ là : gia đình cung cấp gạo + tiền muối mắm, dầu đèn . Rau xanh, ngoại ô dễ tìm . Chỗ tôi ở cạnh con sông, tôi thả câu dầm chờ cá . Những khi nghịch mùa, cá ít ăn câu, món ăn thường trực là “vịt con chết trong trứng” tại các lò ấp vịt bỏ ra, bán rẻ . . . tôi đem về chiên, nấu lại làm lương thực nuôi thân . Vì là gia đình rất nghèo, lại đông anh em, nên tiền mắm muối, dầu đèn cho tôi cũng giới hạn . Có khi :
Viết hết mực . . ., xem bình mực : hết !
Đèn khô dầu . . ., chai : cũng dầu khô .
Kéo ngăn tủ ra . . . , rồi đẩy ngăn tủ vô ! .
Cho tay sâu vào đáy túi . . .
Túi rỗng không . . . như lòng cũng rỗng không ! .
Ngẩng mặt nhìn vào chốn khoản không,
Không gian thăm thẳm . . . như tương lai thăm thẳm ! .
-
Có lần tôi về quê nhà – dĩ nhiên là lúc hết gạo, hết tiền – vào chiều thứ 7, đến sáng thứ 2 trở lại trường, đến thẳng lớp học; nên phải đem bài về nhà để học bài cho buổi học ngày thứ 2 đó . Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi học ở bàn phía trước, Ba Mẹ tôi nói chuyện trong phòng, cách bàn tôi học một tấm vách tre . Ba nói với Mẹ : “Mai, thằng nhỏ trở lại trường,. . lấy gì cho nó tiền xe . . . !” . Mẹ nói : “Ổ gà sắp ấp, lấy 2 trứng, bán được 3 đồng làm tiền xe cho nó” . Và sáng hôm sau, tôi cầm 2 trứng gà, qua ngang chợ, đổi lấy 3 đồng . . . làm lộ phí trở lại trường . Ngồi trên xe, tôi nhớ lại tất cả những gì Ba Mẹ tôi nói với nhau và tâm trạng tôi lúc đó . Tôi xúc cảm thành thơ :
-
Ngồi học mà nghe tiếng thở than . . .
Mơ màng đôi mắt . . . , nghĩ miên man .
Ăn làm sao nổi bao xương xóc (1)
Nuốt thế nào trôi những thép gang (2)
Dẫu mắt cố nhìn chăm mỗi chữ,
Mà mồm lại đọc cứ sai hàng . . . .
Rõ ra những lúc ta thua bạn,
Là tại lòng ta quá ngổn ngang ! .
(*(1). Môn Vạn Vật Học : học về bộ xương loài có vú .
*(2) Môn Vật Lý Học : học về kim loại : sắt, thép, gang, đồng .)
Đấy là điển hình vài nét của cái rách te tua ấy, còn về chi tiết, kể sao cho hết được ! .
Thế nên, gồm tóm đại cương trong bài “Cái học nghèo” sau đây :
Cái học nghèo
Cái khổ nào hơn cái học nghèo :
Đến trường mỗi sáng, ruột trong veo .
Cơm ngày hai bửa, về lo lấy ;
Cá mấm một tuần cố nhín nheo (nhín nhen) .
Muốn có đồ dùng thì đi mượn’
Khi cần học cụ, chạy lăn queo ! .
Vì chưng ngày tháng không chờ đợi,
Bởi thế nên tôi phải gắng theo .
Và tôi đã cố gắng theo học đến tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần . Rời trường, làm nghề giáo, dạy Toán – Lý – Hóa . Chiếc áo rách tạm lành . Tôi choàng tay nâng đỡ những áo rách theo sau ! . Trước hết là giúp các em ruột tôi; rồi đến các em áo rách trên đường đời mà tôi gặp được . Việc giúp vá những chiếc áo rách này, dừng lại từ khi tôi vào tù cải tạo năm 1975 . Mãi đến khi định cư tại Mỹ (1990), tôi lại biết nhiều chiếc áo rách, còn thảm thương hơn tôi khi xưa . Năm xưa, tôi chỉ bị rách te tua thôi; giờ đây, các cháu này bị rách tả tơi, rách tan tác, rách toạt ra . . . ! . Năm xưa tôi có thể tự túc, ở trọ không tốn tiền, học không có học phí . Ngày nay, các cháu đi học phải có tiền trọ + học phí + bảo hiểm + tiền ăn + đồng phục + sách vở + . . . , ôi thôi trăm thứ chi tiêu ! . Ngày xưa tôi bị rách te tua mà đã thấy “thấm thía” khổ rồi . Nay các cháu ở vào dạng rách tả tơi, tan tác . . . thì quả là “khổ hơn” tôi nhiều ! . Chính vì vậy, nay áo tôi lành ấm, mà tôi không tạo cho mình áo mới hợp thời trang, chỉ giữ đủ “no-ấm”; để được rời rộng trong việc tiếp trợ cho những chiếc áo rách tại Việt Nam đang cơ hàn (đói lạnh) trong cuộc sống hiện thời .
Tôi viết lên những lời này, không để là thở than (vì khốn khổ tôi đã qua rồi), mà là để “thấu cảm” những cháu đang trong cảnh áo rách hơn tôi ngày xưa đó . Và cũng để hoan nghinh việc từ thiện của “Những Tấm Lòng Xót Thương, Giúp Trẻ Em Nghèo Tại Việt Nam Đi Học” . Và cũng xin gởi gắm Các Cháu, đến Quí Vị “xin giúp các cháu này được tiếp tục học đến nơi đến chốn” ! . Tôi nói tiếp tục học đến nơi đến chốn là vì nếu mất học nửa chừng, thì những cố gắng trước đó, trở thành vô dụng và tương lai không được gì = khổ hoàn lại khổ ! .
Ngày nay, hoàn cảnh khó hơn xưa, các cháu “áo rách” này không có được điều kiện để tự túc, mà chỉ phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của những bộ áo lành tốt; không được tiếp giúp, thì các cháu đành phải bỏ cuộc mà thôi ! . Lòng tôi thật sự bị quặn thắt, khi nhìn các cháu “cố ngoi lên . . . lại bị chìm xuống” ! .
Do đó, các Mái Ấm Tình Thương trong Chương Trình Bàn Chân Đẹp đã đang “Hướng Đến Tương Lai” qua “Các Cháu Áo Rách” này !, Và đang cổ động “Vốn” đầu tư từ những người cho Đức Giê Hô Va vay mượn (Châm ngôn 19:17) .
Một Chiếc Áo Rách Năm Xưa