Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, March 11, 2022

GIỜ THỨ CHÍN-


Công vụ 3.1; Xuất hành 29: 38-41; 30:8; E-xơ-ra 9,5; Đa-ni-ên 9,21; Ma-thi-ơ 27:46; Công vụ 10.3
Giờ thứ chín (là 3 giờ chiều của chúng ta hôm nay) là giờ cầu nguyện cho người Do Thái (xem Công vụ 3.1). Đó là giờ mà của lễ buổi tối được thực hiện ở Jerusalem. Mùi hương của lễ thiêu và lễ dâng thức ăn kết hợp với hương dâng lên Đức Chúa Trời mỗi ngày vào lúc này như một mùi thơm (Xuất, 29:38-41; 30.😎 trong khi mọi người dường như cầu nguyện ở bên ngoài đền thờ.
 
Đức Chúa Trời rất vui thích nghe những lời cầu nguyện đến trước mặt Ngài vào giờ thứ chín. Khi Ê-li cầu nguyện trên núi Cạt-mên vào khoảng giờ thứ chín, lửa từ trên trời giáng xuống bàn thờ (1 Các vua 18.36 -39). E-xơ-ra đã cầu nguyện cùng một lúc và thú nhận tội lỗi của dân tộc mình, và Đức Chúa Trời đã phục hồi (E-xơ-ra 9: 5 ...). Đa-ni-ên cũng nhận được một câu trả lời tuyệt vời cho lời cầu nguyện của mình vào giờ thứ chín (Đa 9.21). Ngay cả đối với đại uý Cọt nây ngoại giáo, cũng đã thức tỉnh, người dường như tuân thủ giờ cầu nguyện của người Do Thái, câu trả lời cho lời cầu nguyện vào giờ thứ chín đó đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của ông (Công vụ 10.3).
 
Vào khoảng giờ thứ chín, Chúa Giê-su của chúng ta cũng hét to: "Chúa ơi, chúa ơi, tại sao Ngài lại bỏ con?" Nhưng Ngài không nhận được câu trả lời cho lời cầu nguyện này. Vị Đấng đã từng nghe Ê-li, E-xơ-ra và Đa-ni-ên vẫn im lặng. Con của Đức Chúa Trời, người biết rằng Cha luôn lắng nghe minh, mà lần nầy cầu nguyện cùng Cha và Cha không trả lời. Các tổ phụ đã kêu lên với Đức Chúa Trời và đã được giải cứu. "Nhưng tôi là một con trùng, mà chẳng phải là một người," Chúa Giê-su phàn nàn như vậy trong Thi thiên 22: 7. Điều đó làm cho toàn bộ sự khó hiểu của Gô-gô-tha nên rõ ràng với chúng ta.
Nhưng vì lúc đó Đức Chúa Trời im lặng, bây giờ Ngài có thể trả lời khi mọi người nài nỉ Ngài. Đấng Christ đã hiến mình cho Đức Chúa Trời như một lễ vật thực phẩm và của lễ thiêu. Công việc của Ngài đã thỏa mãn các yêu sách thánh của Đức Chúa Trời liên quan đến tội lỗi, để giờ đây, Đức Chúa Trời có thể chấp nhận trong ân sủng và tha thứ cho những người đến với Ngài trong sự ăn năn và hạ mình (có thể nói là "khoảng giờ thứ chín").
 
Ngay cả khi các thánh đồ của Ngài cầu xin Ngài, hương thơm của sinh tế của Đấng Christ kết hợp với những lời cầu nguyện của họ và làm cho họ dễ chịu trước mặt Đức Chúa Trời - tương tự như những gì đã xảy ra ở Israel hồi đó. Điều đó không cho chúng ta can đảm dâng những lời cầu nguyện của mình đến với Đức Chúa Trời sao? ( Khải 8.3-4; 5.8; Thi 141.2). Chúng ta có thể làm điều đó bất cứ lúc nào và không phụ thuộc vào thời gian cầu nguyện nhất định, là giờ thứ chín như người Israel.

 

CHÚA Ở ĐÂU?

 

Một trong những câu người ta thường hỏi khi có chiến tranh, khủng bố, khi người xấu làm điều ác, hay tai hoạ xảy đến cho cộng đồng, là “Thượng đế ở đâu mà để cho những điều này xảy ra?”.

Sáng Chúa Nhật vừa qua, theo lịnh của chính phủ không nên hội họp đông người, tôi ở nhà “đi” nhà thờ, online. Thật ra điều này với tôi không mới, vì Hội Thánh tôi đang nhóm có chương trình online từ lâu lắm rồi, mục đích là dành cho những tín hữu bị bịnh, hay những người vì công việc văn phòng đòi hỏi phải đi xa liên tục, rồi cho cả những ngày bão tuyết nhiều người sống ở ngoại ô không thể lái xe đến nhà thờ cũng có cơ hội nhóm họp cùng Hội Thánh. Như chúng tôi  ở ngay phố mà có nhiều lần cũng đành phải nhóm online vì tuyết rơi quá nhiều, nhân viên công lộ không kịp dọn.

Và tuần này thay vì chỉ “đi” nhóm thờ phượng ở một, tôi “đi” ba Hội Thánh, một hẳn nhiên tại tỉnh nhà (Mục sư Alexander Klimchuk quản nhiệm), và hai, ở South Carolina (Mục sư Lữ Thành Kiến) và New Orleans (Mục sư Tâm Conetto). Đây là lần đầu tiên ngoại trừ những lúc đi dự đại hội bồi linh, dưỡng linh, tôi được dự nhiều buổi thờ phượng trong cùng một ngày như vậy. Bằng tất cả những phương tiện hiện đại, online, livestream, youtube mà Hội Thánh sử dụng, tôi có nguyên một buổi sáng để tĩnh nguyện và nghe lời Chúa. Có thể nói là rất vui vì đã lâu lắm rồi, dễ thường gần tám năm nay tôi không có điều kiện để nhóm với bất cứ Hội Thánh Việt Nam nào. Và đây cũng là dịp để tôi nghe lại những bài thánh ca cổ điển vì Hội Thánh Mỹ tôi đang nhóm thường hát những bài thánh ca của Hillsongs, Úc.

Nhóm nhiều lần như thế này xem ra có vẻ “bất thường”, nhưng tôi khẳng định một điều là không phải vì bị ở nhà buồn quá, hay vì sợ hãi đến nỗi tôi cần dựa vào nhà thờ để cảm thấy yên lòng, bớt lo lắng. Mà tôi nhóm họp vì thấy mình được ơn Chúa, thấy rõ ràng Chúa cho tôi những giờ phút thanh tịnh để được cùng với anh em dâng lời cảm tạ, ngơi khen. Tôi cũng có thể khẳng định thêm rằng trong cơn hoạn nạn này, thỉnh thoảng dẫu có lo âu và buồn rầu đôi chút vì từ công việc cho đến tài chánh cũng như sức khoẻ, không chỉ riêng mình mà còn người thân, người quen gần như hoàn toàn đã bị thay đổi theo một chiều hướng xấu, tuy nhiên tôi không hề sợ hãi như vua David đã nói trong sách Thi Thiên, dầu đi trong trũng bóng chết ông cũng chẳng sợ hãi bởi vì Chúa ở cùng ông.

Phải, tôi tin chắc Chúa luôn luôn ở cùng với tôi và với những ai tin sự hiện hữu của Ngài. Tôi cũng tin chắc Ngài ở bên hữu, bên tả, đàng trước, đằng sau lưng tôi. Một trong những điều tôi thường được nghe tôi tớ Chúa nhắc nhở, và hôm nay thêm một lần, rằng ngày nay Chúa sẽ không hiện ra với chúng ta cách cụ thể để khẳng định sự có mặt của Ngài, bởi vì tất cả những điều Ngài phán về Ngài đã được ghi chép trong Kinh Thánh qua các tiên tri, các môn đồ. Sách Timothy thứ nhì, đoạn 3 câu 16 cho biết, “cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính".

Trở lại với câu hỏi Chúa đã ở đâu mà để điều xấu xảy ra, nhất là lúc này cả thế giới chìm vào cơn khủng hoảng của dịch lệ, thì tôi có thể dùng lời Chúa mà nói rằng Ngài luôn ở với chúng ta. Hằng năm toàn thế giới tổ chức Giáng Sinh, dự lễ Giáng Sinh, nhưng có lẽ không mấy ai nhớ, hoặc biết Ngài là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những ai chưa tin Ngài, “hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các người được yên nghỉ” (tân ước Mathiơ 11: 28), như Ngài từng nói cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng “các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:12-13).

Thành thật mà nói là câu hỏi “Chúa ở đâu” hay xuất phát từ người không tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, thậm chí chống cự lại sự hiện hữu của Ngài, đồng thời còn nhạo báng người theo Ngài. Có rất nhiều người từng hỏi tôi “làm sao có thể tin được Chúa có thật và Kinh Thánh là lời Chúa”. Họ hỏi thêm, dựa vào đâu, chứng cứ nào để tin được điều ấy là sự thật. Nhưng với những người chất vấn tôi như thế, tôi từng thưa với họ và xin thưa với các bạn hôm nay, rằng tôi sẽ không đưa ra bất cứ chứng minh nào. Không phải vì tôi sợ những chứng minh của mình không đúng, không xác thực, tôi sẽ bị cười chê, Đức Chúa Trời của tôi sẽ bị cười chê, nhưng với những người đã cố tình không muốn tin, không muốn chấp nhận sự hiện hữu của Chúa thì tôi có chưng ra chứng cớ nào cũng vô ích, họ chất vấn như thế chỉ vì muốn căn vặn và bắt bẻ, chứ không muốn tìm đến sự thật.

Khi cuộc sống bình an, thế giới yên ắng, chiến tranh hay dịch lệ chỉ xảy ra ở một vài nơi nào đó không ảnh hưởng trực tiếp đến mình, chẳng có ai muốn nghĩ đến Thượng đế để làm gì cả. Điều tôi muốn thưa và muốn nhấn mạnh lý do tại sao tín đồ sẽ là những người không hãi hùng trong những ngày dịch lệ này, là bởi chúng tôi đã nghe Chúa nói đến khi học lời Chúa. Kinh Thánh, từ cựu ước đến tân ước, đều có những chương, những sách đã mô tả về thời kỳ dân sự trên mặt đất phải gánh chịu những trận dịch lớn, những bịnh tật không dễ chữa lành, hậu quả từ những việc ác mình đã làm. Vua Salomon, người giàu có sang trọng nhất, đến cuối đời đã viết trong sách Truyền Đạo “nầy là điều ta tìm được: Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay thẳng; nhưng chính họ tìm ra cố tìm kiếm ra lắm mưu kế” (Truyền Đạo 7:29). Khi con người từ chối Chúa, đã mời  Ngài đứng sang một một bên, bước ra khỏi thế gian này. Tất cả những lời khuyên về điều lành của Ngài, con người đã không muốn thực hiện và không hề sợ những cảnh báo về đại họa sẽ xảy ra.

Bạn có thể hỏi tôi tại sao Chúa không chỉ phạt riêng những kẻ làm ác. Tôi xin trả lời là không một ai trên thế gian này, kể cả tín hữu, dám tự hào mình chưa hề phạm tội. Những tội mà thánh Phao lô nói đến, “không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; thóc mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót” (Rô ma 1:29-31). Phao lô nói thêm “thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa” (câu 32b).

Riêng với con dân Ngài, dầu Chúa từng nhắc “Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình” (Khải huyền 3:2-3). Tuy nhiên chính bản thân tôi, và có lẽ nhiều anh em trong Chúa, tuy không coi thường lời Ngài nhưng đã biếng lười trong việc cầu nguyện, biếng lười trong việc rao truyền lời Ngài. Chúng tôi cũng chẳng tự nhắc mình về sự cảnh báo, khi cầu nguyện thì chỉ qua loa cho có, huống gì cầu nguyện tha thiết cho tha nhân.

Trong những ngày này, như lời các tôi tớ Chúa khuyên, hãy đóng cửa lại, quỳ gối xuống và tĩnh tâm với Chúa, xưng tội trước mặt Ngài và cầu nguyện cho đến khi Chúa nguôi cơn thịnh nộ. Tôi đã quỳ gối xưng tội tôi. Tôi sẽ dấu mặt tôi trong những ngày Chúa nổi giận. Và tôi cầu xin Ngài đoái đến loài người là vật thọ tạo của Ngài. Tôi sẽ cùng các tôi tớ Chúa và anh em cùng đức tin với tôi làm đều này cho đến khi Ngài nhủ lòng thương xót.

Ngài luôn mời gọi: "Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (Khải Huyền 3:20). Giữa lúc này chắc chắn bạn và tôi sẽ không mời ai vào nhà ăn bữa tối với mình, nhưng đấng không hề mang tội lỗi sẽ dùng bữa với các bạn, và sẽ chữa lành cho chúng ta. Xin các bạn mở cửa lòng mình như chúng tôi đang làm.

                                                                                     HOÀNG NGA

ĐỨC CHÚA TRỜI TẠO NÊN NGƯỜI GIÁO SĨ


 

“Đức Chúa Trời cần những người dám nói không với thế gian để Ngài có thể dùng họ thay đổi nó.” Loren Cungningham.

Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài. Ngài ở cùng với con người trong cảnh vườn đẹp đẽ nhưng tội lỗi đã xen vào sự hòa thuận của Ngài với con người. Vậy nên Ngài tạo nên người giáo sĩ.

Chúa muốn ai đó sẵn lòng nói không với địa vị thế gian, nói không với sự ham muốn giàu có, rời xa gia đình để đi đến một mảnh đất xa lạ và học một ngôn ngữ mà chưa bao giờ được nghe. Ngồi trên những xe chật chội, đằng sau lưng lạc đà, ai đó có thể ngủ mọi nơi, ăn mọi thứ, chịu đựng cái nóng, chiến đấu với cái lạnh mà vẫn nở nụ cười trên gương mặt của họ chỉ để mang Tin Lành đến cho một dân mà không phải dân mình. Vậy nên Đức Chúa Trời tạo nên người giáo sĩ.

Chúa thấy mùa gặt thật trúng, vậy nên Chúa cần một người đi gieo giống, đi vỡ đất, đi tưới nước và gặt một mùa gặt khi đã chín vàng. Chúa cần một ai đó đi huấn luyện, đi nhân cấp mùa gặt để đáp ứng với sự kêu gọi và trả giá. Vậy nên Đức Chúa Trời tạo nên người giáo sĩ.

Chúa tìm ai đó làm kẻ tôi tớ cho mọi người, sẵn sàng làm những việc hèn hạ nhất; rửa chân cho kẻ nghèo, quan tâm đến kẻ bệnh và chữa những vết thương của họ. Ngài cần ai đó đến thăm kẻ tù, chăm sóc cho người góa bụa, quan tâm đến kẻ mồ côi để ngồi chung với những đứa trẻ chân đất và nói với chúng rằng chúng được yêu thể nào. Vậy nên Đức Chúa Trời tạo nên người giáo sĩ.

Đức Chúa Trời cần ai đó tin rằng kẻ mù sẽ thấy được, kẻ què sẽ đi được, và kẻ chết có thể sống lại được. Ai đó cầu nguyện nhiều giờ, cầu thay thâu đêm suốt sáng để chỉ nhìn thấy một linh hồn được cứu.

Chúa cần ai đó thành thật, cầu nguyện, đầy ân điển, đầy lòng thương xót, nhân từ và không sợ hãi, không thụ động, bước đi trong sự nhận diện bản thân thật. Ai đó với tình yêu nóng cháy và vững chãi trong lẽ thật. Ai đó có thể phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Trời vinh hiển. Vậy nên Đức Chúa Trời tạo nên người giáo sĩ.

Đức Chúa Trời cần ai đó sẵn lòng đi trước khi được sai. Ai đó sẽ đi đến những cù lao xa, hoang mạc khô cằn; vào trong những thành thị, những quốc gia đóng cửa, những người hàng xóm cạnh nhà, vào trong các trường đại học để chạm đến những người chưa bao giờ được nghe đến Tin Lành.

Ai đó sẽ lên bất kỳ ngọn núi nào, chịu đựng mọi khó khăn, bởi vì làm sao họ có thể tin Ngài nếu chưa bao giờ được nghe về Ngài. Làm sao họ có thể nghe về Ngài nếu không ai rao giảng. Và làm sao có thể rao giảng nếu không ai được sai đi. Vậy nên Đức Chúa Trời tạo nên người giáo sĩ.

Chúng tôi cúi cả lòng mình, biết ơn Chúa vì Chúa đã chọn chúng tôi làm giáo sĩ cho người Ê Đê nơi cao nguyên đầy nắng và gió. Nơi khí hậu khắc nghiệt đến nỗi ban ngày có thể nóng đến chảy máu mũi mà ban đêm thì lạnh đến đông cứng đầu. Suốt nhiều năm qua, qua hàng trăm lần đi lên đi xuống vùng cao với khải tượng Chúa đặt nơi lòng chúng tôi ‘Tin Lành Cho Trẻ Chân Không” và khải tượng đó đang dần trở thành hiện thực khi căn nhà tình thương đã được xây xong tầng trệt trong buôn làng của người Ê Đê, và chúng tôi hứa nguyện sống trọn đời mình cùng người Ê Đê.

Chúng tôi đã nói đến mục đích xây dựng căn nhà này nhiều lần, và chúng tôi vẫn muốn nhắc lại “Căn nhà chỉ được sử dụng cho mục đích nuôi dạy và huấn luyện trẻ mồ côi sắc tộc trở nên người hầu việc Chúa. Ngôi nhà không được mua bán hay chuyển nhượng với bất kỳ mục đích nào khác. Căn nhà sẽ trải qua các đời chỉ với một mục đích duy nhất như đã hứa nguyện từ ban đầu.”

Nhưng giờ đây chúng tôi không thể nào tiếp tục xây dựng vì kinh phí đã cạn. Chúng tôi ước ao có một Hội Thánh lớn mạnh đứng ra nhận căn nhà tình thương ấy và những đứa trẻ trong căn nhà như là đứa con thuộc linh của mình. Chúng tôi sẽ trực thuộc Hội Thánh ấy nếu như Hội Thánh chấp nhận. Vì sức chúng tôi bé mọn, không thể đi một mình, không thể hoàn thành khải tượng Chúa giao phó mà không có sự hợp tác của những người đồng tâm tình trong mục vụ nuôi dạy và huấn luyện trẻ mồ côi trở nên người hầu việc Chúa.

Chúng tôi hi vọng Chúa sẽ cảm động lòng nhiều người để đồng hành cùng chúng tôi. Nhiều đêm chúng tôi và anh em nhân sự nơi vùng cao cầu nguyện trong nước mắt vì nhìn ngôi nhà không được tiếp tục xây dựng, một thời gian nữa nó sẽ xuống cấp hư hại, lòng chúng tôi như muối xát… Nếu có ai đó có thể cho chúng tôi mượn một số tiền để hoàn thành xong ngôi nhà tình thương thì chúng tôi hứa sau khi bán được ngôi nhà ở hiện tại của mình, chúng tôi sẽ trả lại tiền đã mượn. Có ai đó dám tin chúng tôi không?  

Con cái của Chúa ai cũng biết rằng phần thưởng của chúng ta trên thiên đàng sẽ căn cứ vào những gì chúng ta đã làm trên đất nầy. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời và Ngài sẽ hỏi “con đã làm gì với những điều con được ban cho?”

Bạn có muốn trả lời “dạ con đã làm ra rất nhiều tiền, về hưu và chết” không?

Chúng ta được đặt trên đất nầy cho nhiều điều hơn thế. Hãy sống không ích kỷ và cho đi bản thân mình vì người khác và vì Nước Trời. Để đến khi gặp Chúa, chúng ta có thể mạnh dạn thưa rằng “Lạy Chúa, con đã cho đi tất cả vì cớ Tin Lành.”

Cho đi cách rộng rãi bao gồm tài năng, thì giờ, tiền bạc và cả tài nguyên chúng ta đang có.

Chúa phán cách rõ ràng rằng khi không có sự phục vụ hay sự rộng rãi thì sẽ không có phần thưởng trên thiên đàng (hê-bơ-rơ 6: 10).

Hãy sử dụng thì giờ trên đất của bạn có giá trị. Hãy giúp người khác nhận biết Chúa Jesus qua chính đời sống ban cho của bạn.

Khám phá được mục đích của cuộc đời bạn, lớn lên trong sự trưởng thành, tìm được mục vụ và phục vụ trong sứ mệnh Chúa kêu gọi.

Khi bạn cho đi cuộc sống của mình, bạn sẽ bắt đầu sống một cuộc đời trọn vẹn.


Trong Christ,

Thiên Quốc+ Hải Yến
(Giáo sĩ cho người sắc tộc)

 

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI.


Vào khoảng thập niên 60, trong một xóm nhỏ bình dị, độ hai mươi nóc gia ở Q4 Sài Gòn, có đám nhóc tì vô tư lự, suốt ngày xúm xít nô đùa, trêu ghẹo, chọc phá chẳng biết buồn là gì.
Đám con gái thì tụ tập nhảy dây, lò cò, đánh banh đũa, chơi ô quan ... Bọn con trai thì bày trò chơi bông vụ, tạt lon, chọi đáo, bắn đạn, u, năm mười (trốn tìm)...
Ngoài các trò chơi vận động, chúng còn có các trò chơi "mùa": "mùa" dây thung "mùa" nút khoén, bao thuốc, giấy kẹo, giấy hình, đạn(bi)... Dây thung , giấy hình đồng giá. Các loại còn lại mệnh giá cao thấp tùy theo dễ hay khó tìm trên "thị trường" (vd: bao thuốc Pallmall=1000, Salem & Basto=50). Và cứ thế, chơi hết "mùa" nầy, chán, chuyển qua "mùa" khác, quanh năm suốt tháng, cuộc chơi không hề gián đoạn.
Hình thức chơi ăn thua cũng có nhiều loại tùy theo "mùa" như: tạt (bao thuốc) bắn (đạn) chọi & thẩy (nút khoén) búng(dây thung) đánh bài cào, đỗ xí ngầu, lắc bầu cua...
Trong sinh hoạt của các nhóc, chuyện giận hờn cãi lẫy xảy ra như cơm bữa. Rồi chẳng bao lâu lại huề, rồi cãi rồi huề. Đúng là con nít.
Ở đám con nít ấy, có thằng nhóc dáng gầy gò, mảnh khảnh, nhưng lại là đầu têu trong các trò chơi, ra luật lệ chơi và cho mệnh giá. Nó được lũ nhóc nể phục, vì đã làm hột bầu cua bằng mốp, trông giống như hột "chợ", đem qua rạp hát Nam Việt gần chợ trời Huỳnh Thúc Kháng lắc, và gom tiền đầy hai túi quần về đãi bạn bè. Thằng ấy là tui 👦.😋.
Lúc bấy giờ, với đám nhóc tì, chơi là chính, học là chuyện nhỏ, vì hồi ấy ở cấp tiểu học, học sinh học rất nhẹ nhàng.Các lớp Năm, Tư, Ba, Nhì chỉ cần vào lớp chăm chú nghe Thầy Cô giảng, về nhà dành chút thời gian học hoặc làm bài là ổn. Chỉ có lớp Nhứt hơi căng, phải "gạo" bài nhiều, mới có hy vọng đậu vào Đệ Thất trường công, "ao" phải học trường tư đóng tiền!
Ngoài phương pháp giáo dục nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, học sinh con nít còn hưởng một nền giáo dục rất nhân văn, hầu hết đều được học bài thuộc lòng:
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đũ quây quần bữa ăn.
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.
Một bài thơ với ngôn từ bình dị, mộc mạc nhưng đầy cảm xúc, để diễn tả hạnh phúc trong cảnh nghèo và tấm lòng cha mẹ. Đây đúng là tuyệt tác cho tuổi thơ, giúp chúng vui sống và luôn hướng về gia đình.
Năm tháng qua, nay đám nhóc xưa đã già!
Cuộc sống với bao xô bồ, lo toan của cơm áo gạo tiền, thằng đầu têu năm xưa thường tìm lại những ký ức êm đềm của tuổi thơ, nó như trút được bao nỗi ưu phiền, lòng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản.
Còn các bạn, hãy thử tìm về những NHŨNG NGÀY XƯA THÂN ÁI xem sao?

 

Wednesday, March 9, 2022

Những ý nguyện cuối cùng của A-Lịch-Sơn Đại Đế -

Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ...

3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

1 - Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.

2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giả cỏi đời).

3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là: thời gian.

 

Đàn ông mấy ai “cai trị” được đàn bà?

 

Hoàng đế Napoleon chinh chiến trên lưng ngựa, làm bá chủ hầu hết lục địa châu Âu và một phần châu Á đã phải xót xa: “Ra đời trăm trận trăm thắng, về nhà không thắng nổi người đàn bà”.

Sự thật cay đắng của hoàng đế còn là bài học cho thế giới đàn ông. Vì sao không thắng nổi người đàn bà? Vì sao đàn bà luôn được coi là phái yếu lại sở hữu sức mạnh bí ẩn và kỳ lạ có thể lật đổ “ngai vàng quyền lực” đàn ông như thế?

Nghĩ về thế giới đàn bà, trong tôi luôn luôn có hai con người. Khi con người thứ nhất lên tiếng, tôi cảm nhận được sự bí ẩn kỳ vĩ của thế giới phụ nữ. Nói về sức mạnh đàn bà, đại văn hào nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19 Honore De Balzac, bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực nói rằng: “Ai có thể “cai trị” được một người đàn bà thì người ấy có thể cai trị được một quốc gia”. Nhưng đàn ông mấy ai “cai trị” được đàn bà? Có khi còn ra nông nỗi ngược lại.

Người ta đã bàn nhiều đến nhà Chu bị mất bởi mỹ nữ Bao Tự, nước Ngô bị xóa sổ bởi Tây Thi “chim sa cá lặn”, nước Đại Việt có thêm châu Ô châu Rí nhờ Huyền Trân Công chúa… Sắc đẹp đàn bà bao phen làm “khuynh quốc nghiêng thành”, tan nát cơ đồ, nhưng xét ra thì phụ nữ cũng chỉ là nạn nhân tội nghiệp nằm trong trận đồ kế mỹ nhân của đàn ông chinh phạt… đàn ông.

Còn bàn đến những người đàn bà thay đổi thế giới thực sự hoàn toàn bằng giá trị đàn bà, trước hết phải kể đến Nữ hoàng Cleopatra. Cha mất, nàng loại người em trai ra khỏi vũ đài chính trị và đoạt luôn quyền cai trị Ai Cập độc lập với tư cách là một nữ hoàng. Julius Caesar - thống soái tối cao của La Mã cũng phải dịu dàng như con mèo ngoan nằm trong vòng tay nàng. Marcus Antonius - thống chế La Mã lừng danh cũng không thoát khỏi vòng ngực ấm nóng, sự thông thái của nàng và cùng nàng cai quản đất nước Ai Cập cổ đại mênh mông. Không thể nói hai người đàn ông xuất sắc nhất lịch sử thế giới La Mã cổ đại “chết ngợp" bởi vẻ đẹp nóng bỏng của Cleopatra mà không đề cập sức mạnh từ trái tim yêu thương và vẻ lịch lãm quyến rũ của nàng.

Ở Phương Đông huyền bí, Võ Tắc Thiên – nữ hoàng đế duy nhất của Trung Hoa phong kiến cũng tung hoành “lấp biển vá trời”. Con đường làm thay đổi thế giới trung đại thời nhà Đường của Võ Tắc Thiên chuyển biến từ vị trí tài nhân nhỏ bé đến hoàng hậu, hoàng thái hậu, và đỉnh cao quyền lực là hoàng đế. Võ Tắc Thiên đẹp, cái đẹp ấy cùng lắm chỉ là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”.

Sắc đẹp làm nên giá trị người đàn bà với ý nghĩa mỹ học chỉ có thể dành cho chim ngắm, thụ hưởng hoặc cùng lắm trở thành quyền lực sai khiến vua chồng, vua cha. Võ Tắc Thiên không chỉ điều khiển vua chồng vua con mà còn chiếm luôn quyền để làm hoàng đế. Các nhà sử học đã phải công nhận bà có tài trị nước, óc quyết đoán, triều chính vì thế không rối loạn, nhân dân yên ổn làm ăn, còn những lộn xộn xung đột trong triều chỉ là việc riêng của họ Lý. Sự việc bà chiếm ngôi hoàng đế chứng tỏ người phụ nữ này đã vượt qua giới hạn lễ giáo phong kiến và tiến tới chế độ bình đẳng giới tiến bộ.

Cả một hệ thống quan lại học hành đỗ đạt thân dài vai rộng, trí lự đàn ông mà phải chịu dưới quyền nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên trong nhiều năm thì rõ ràng người đàn bà quyền lực ấy cũng đáng để đám mày râu cung phụng.

Lịch sử đã không bỏ sót loại đàn ông ươn hèn Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống cầu an hàng giặc. Trước đó hơn một thiên niên kỉ, đàn ông cũng đã dưới trướng Bà Trưng, sau đấy là Bà Triệu đánh giặc phương Bắc. Sử thần Lê Văn Hưu nghị luận: “Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.

 

Người ta mặc định đàn bà là phái yếu thực ra là lối ví von mang ý nghĩa sức lực thể xác, đậm màu sắc thương hại. Còn xét sức mạnh tình cảm tinh thần, đàn bà sở hữu một trong những món vũ khí lợi hại, đó chính là nước mắt. Nước mắt bào mòn tính lạnh lùng, gặm nhấm tính hung hãn hận thù, dập tắt ngọn núi lửa nóng giận trong lòng đàn ông. Không thiếu đàn ông liêu xiêu thân bai danh liệt bởi “vua nghe hoàng hậu mất nước, quan theo vợ mất chức”. Vì thế, đàn bà thay đổi thế giới trước hết là thay đổi đàn ông.

Tuy nhiên, đôi lúc tôi nghi ngờ đàn bà có thực sự bị thua thiệt, lép vế trước đàn ông? Đàn bà vừa làm cho đàn ông sung sướng, si mê, run rẩy, xao xuyến, tươi xanh..., vừa làm cho đàn ông mệt mỏi, phấp phỏng, đau khổ, chán nản cuộc sống...Đàn bà vừa hiền thục, dịu dàng khi làm mẹ, làm chị, người yêu, làm vợ, em gái, cháu gái nhân hậu, ấm áp... lại vừa đáo để, nanh nọc... khi làm bà chủ, làm sếp... sai khiến, bó buộc, tước đoạt bầu trời tự do của đàn ông, đẩy đàn ông ra xa. Một người đàn bà thành đạt trong công việc, lịch sự ở phòng khách, đảm đang trong nhà bếp, quyến rũ trên giường ngủ thì đố gã đàn ông nào chạy nổi. Đàn bà thông minh gợi cảm quyến rũ, chinh phục, làm điêu đứng, thay đổi cả thế giới đàn ông cũng chẳng có gì lạ!

Đằng sau sự thành công hay thất bại của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ. Khuynh đảo thế giới là đàn bà, và đàn bà càng đẹp càng làm đàn ông điên đảo, đổi thay. Triết gia, tiểu thuyết gia Jean Paul Sartre đoạt Giải thưởng Nobel danh giá đã nói rằng: “Đối với đàn ông, trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon làm ta mất trí. Tiền nhiều thì làm ta bất chính. Đàn bà đẹp thì làm ta đau khổ nhiều nhất. Vì: Rượu ngon khiến ta thích uống.

Tiền nhiều thường làm mờ át lương tri. Đàn bà đẹp thường hay phản bội. Do đó tốt nhất là nên mất cả ba”. Mất rượu ngon thì vẫn còn nguồn vui nhấm nháp khác như cà-phê đắng chẳng hạn; mất cái sự tiền nhiều dù có xót xa vẫn còn cái sự tiền ít và vật chất ít để sống tốt thanh bạch; mất đàn bà đẹp chẳng lẽ tìm đàn bà xấu để sống, để yêu? Hay là sống cô đơn? Có ai sống mà không cần đàn bà!

Đứng trước phụ nữ, tôi luôn thuyết phục các nàng rằng chính đàn ông mới là những người khổng lồ và làm ra lịch sử loài người. Ấy vậy mà có nàng lại phẩy tay bảo: "Những chuyện kì vĩ mất thời gian, hao mòn trí lực như đoạt giải Nobel, chế tạo phi thuyền bay lên mặt trăng hay làm bá chủ thế giới, chúng tôi dành cho đàn ông các anh làm. Đàn bà chúng tôi chỉ cần làm cái chuyện bé tí là... tìm cách đẻ ra nhiều người đàn ông vĩ đại nhất".

Nghe vậy, tôi chỉ còn biết khép mình, im lặng.

--Đặng Cao Nguyên- 8-11-2014

 

Lời Bàn của Minh Khải:

Phao lô nói, “Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà, bèn là đàn bà ra từ đàn ông” (1 Cor.11:7).

Đàn ông có bị sắc đẹp của phụ nữ chinh phục là David trước mặt A-bi-gain, vợ Na-banh. Nhưng nàng không khống chế ông để mưu cầu điều ác.

“Cũng vậy, hỡi những người làm vợ, hãy thuận phục chồng mình Chị em chớ trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo vàng, diện áo quần,  nhưng hãy lấy tâm linh nhu mì, yên lặng mà trang sức người ẩn mật trong lòng là sự trang sức chẳng hay hư nát, rất quí giá trước mặt Đức Chúa Trời.  Vì cũng theo cách ấy mà các đàn bà thánh hay ngưỡng vọng Đức Chúa Trời xưa kia từng trang sức mình, thuận phục chồng mình,  như Sa ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi ông là chúa. Nếu chị em làm lành, không vì nỗi khủng khiếp mà sợ hãi gì, thì đã là con gái của Sa-ra rồi. Hỡi người làm chồng, cũng vậy, hãy theo sự tri thức mà ở với vợ mình, kính nể nàng như chiếc bình mỏng mảnh hơn, mà vẫn đồng thừa thọ ân điển của sự sống, hầu cho sự cầu nguyện của anh em khỏi bị ngăn trở”(1 Phiero 3:)

Qua sứ đồ Phi-e-rơ, Chúa bảo phụ nữ phải có thái độ và lòng kính nễ, thuận phụ chồng mình, coi chồng là “chúa” (master) của mình. Thuận phụ khác vâng phục. Vợ mãi mãi thuận phục chồng, nhưng các nàng vâng phục chồng là tùy lệnh truyền của chồng. Chúa không buộc vợ vâng phục chồng, như nhiều người lầm tưởng. Thái độ thuận phục thì tuyệt đối, còn sự vâng phục thì tương đối. Người vợ như Sa-ra, không bao giờ không chế chồng mình như các nhân vật mà lịch sử ghi lại. Dù cho chị em có giỏi hơn chồng mình gấp một trăm lần, cũng không nên cướp quyền ưu tiên của chồng.

Kinh thánh chép về vua Solomon bị các bà vợ nắm chóp, “Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương-mến nhiều người nữ của dân ngoại: tức là người nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít.  Chúng nó thuộc về các dân-tộc mà Đức Giê-hô-va có phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi và chúng nó chớ đi lại giao-thông với nhau; vì chúng nó hẳn sẽ quyến-dụ lòng các ngươi hướng theo các thần chúng nó. Sa-lô-môn tríu-mến những người nữ ấy.  Người có bảy trăm hoàng-hậu, và ba trăm cung-nữ; chúng nó bèn làm cho người trở lòng.  Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người.  Vì Sa-lô-môn cúng-thờ Át-tạt-tê, nữ-thần của dân Si-đôn, và thần Minh-côm  Nghĩa là thần Mo-lóc, thần của dân Am-môn , là thần đáng gớm-ghiếc của dân Am-môn. 6 Như vậy, Sa-lô-môn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, chẳng vâng theo Đức Giê-hô-va cách trọn-lành như Đa-vít, cha người, đã làm.  Bấy giờ, Sa-lô-môn lại xây-cất tại trên núi đối ngang Giê-ru-sa-lem, một nơi cao cho Kê-móc, vật đáng gớm-ghiếc của dân Mô-áp, và cho Mo-lóc, vật đáng gớm-ghiếc của dân Am-môn.  Vua cũng làm như vậy cho hết thảy các hoàng-hậu ngoại của mình, xông hương và tế-lễ cho thần của chúng nó. Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Sa-lô-môn, bởi vì lòng người trở bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã hai lần hiện đến cùng người,  phán bảo người rằng chớ theo các thần khác; nhưng người không vâng theo lịnh của Đức Giê-hô-va.  Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng: Bởi vì ngươi đã làm điều nầy, không giữ giao-ước và luật-pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi-tớ ngươi”.

Các bà vợ của ông nắm chóp ông, quay ông như chúng ta quay con dế. Sau khi phục hồi đời sống thuộc linh, vua Solomon thú nhận cách khéo léo như sau, “Ta tìm thấy một điều cay đắng hơn sự chết, ấy là một người đàn bà có lòng giống như lưới bẫy, tay tợ như dây tói: Ai ở đẹp lòng Đức Chúa Trời sẽ thoát khỏi nó; còn kẻ có tội sẽ bị nó vấn lấy”(Truyền 7:26). Ông đã bị các bà vấn lấy cách cay đắng như sự chết mà không thoát ra được.

Cầu Chúa cứu các bạn là phụ nữ và các bạn là nam giới thoát khỏi hai thái cực quá đà như trên đây. –là đàn ông bị sắc đẹp không chế, và đàn bà thì tìm đủ mọi cách khống chế chồng mình như người nô lệ mất quyền-  Amen

11-11-2014

 

ooooooo

Phú ông và câu chuyện cổ tích

Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.

Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du.

Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.

Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.

Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất, nay quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi!”.

Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào?

Có hạnh phúc không ?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa ? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không ?”.

 

Câu chuyện thú vị này đã khiến tôi chợt nhận ra bản thân mình trong đó.

Bạn liệu có phát hiện ra rằng, khi mất đi hoặc thiếu thứ gì đó bạn sẽ luôn nhớ về nó, nhưng khi có được rồi thì lại dễ dàng coi nhẹ, thậm chí nhìn mà không thấy nó ?

Hãy tôn trọng những gì mình đang có đừng để mất đi rồi hối tiếc bạn nhé…