Một trong những câu người ta thường hỏi khi có chiến tranh, khủng bố, khi người xấu làm điều ác, hay tai hoạ xảy đến cho cộng đồng, là “Thượng đế ở đâu mà để cho những điều này xảy ra?”.
Sáng Chúa Nhật vừa qua, theo lịnh của chính phủ không nên hội họp đông người, tôi ở nhà “đi” nhà thờ, online. Thật ra điều này với tôi không mới, vì Hội Thánh tôi đang nhóm có chương trình online từ lâu lắm rồi, mục đích là dành cho những tín hữu bị bịnh, hay những người vì công việc văn phòng đòi hỏi phải đi xa liên tục, rồi cho cả những ngày bão tuyết nhiều người sống ở ngoại ô không thể lái xe đến nhà thờ cũng có cơ hội nhóm họp cùng Hội Thánh. Như chúng tôi ở ngay phố mà có nhiều lần cũng đành phải nhóm online vì tuyết rơi quá nhiều, nhân viên công lộ không kịp dọn.
Và tuần này thay vì chỉ “đi” nhóm thờ phượng ở một, tôi “đi” ba Hội Thánh, một hẳn nhiên tại tỉnh nhà (Mục sư Alexander Klimchuk quản nhiệm), và hai, ở South Carolina (Mục sư Lữ Thành Kiến) và New Orleans (Mục sư Tâm Conetto). Đây là lần đầu tiên ngoại trừ những lúc đi dự đại hội bồi linh, dưỡng linh, tôi được dự nhiều buổi thờ phượng trong cùng một ngày như vậy. Bằng tất cả những phương tiện hiện đại, online, livestream, youtube mà Hội Thánh sử dụng, tôi có nguyên một buổi sáng để tĩnh nguyện và nghe lời Chúa. Có thể nói là rất vui vì đã lâu lắm rồi, dễ thường gần tám năm nay tôi không có điều kiện để nhóm với bất cứ Hội Thánh Việt Nam nào. Và đây cũng là dịp để tôi nghe lại những bài thánh ca cổ điển vì Hội Thánh Mỹ tôi đang nhóm thường hát những bài thánh ca của Hillsongs, Úc.
Nhóm nhiều lần như thế này xem ra có vẻ “bất thường”, nhưng tôi khẳng định một điều là không phải vì bị ở nhà buồn quá, hay vì sợ hãi đến nỗi tôi cần dựa vào nhà thờ để cảm thấy yên lòng, bớt lo lắng. Mà tôi nhóm họp vì thấy mình được ơn Chúa, thấy rõ ràng Chúa cho tôi những giờ phút thanh tịnh để được cùng với anh em dâng lời cảm tạ, ngơi khen. Tôi cũng có thể khẳng định thêm rằng trong cơn hoạn nạn này, thỉnh thoảng dẫu có lo âu và buồn rầu đôi chút vì từ công việc cho đến tài chánh cũng như sức khoẻ, không chỉ riêng mình mà còn người thân, người quen gần như hoàn toàn đã bị thay đổi theo một chiều hướng xấu, tuy nhiên tôi không hề sợ hãi như vua David đã nói trong sách Thi Thiên, dầu đi trong trũng bóng chết ông cũng chẳng sợ hãi bởi vì Chúa ở cùng ông.
Phải, tôi tin chắc Chúa luôn luôn ở cùng với tôi và với những ai tin sự hiện hữu của Ngài. Tôi cũng tin chắc Ngài ở bên hữu, bên tả, đàng trước, đằng sau lưng tôi. Một trong những điều tôi thường được nghe tôi tớ Chúa nhắc nhở, và hôm nay thêm một lần, rằng ngày nay Chúa sẽ không hiện ra với chúng ta cách cụ thể để khẳng định sự có mặt của Ngài, bởi vì tất cả những điều Ngài phán về Ngài đã được ghi chép trong Kinh Thánh qua các tiên tri, các môn đồ. Sách Timothy thứ nhì, đoạn 3 câu 16 cho biết, “cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính".
Trở lại với câu hỏi Chúa đã ở đâu mà để điều xấu xảy ra, nhất là lúc này cả thế giới chìm vào cơn khủng hoảng của dịch lệ, thì tôi có thể dùng lời Chúa mà nói rằng Ngài luôn ở với chúng ta. Hằng năm toàn thế giới tổ chức Giáng Sinh, dự lễ Giáng Sinh, nhưng có lẽ không mấy ai nhớ, hoặc biết Ngài là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta! Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người, nhất là những ai chưa tin Ngài, “hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các người được yên nghỉ” (tân ước Mathiơ 11: 28), như Ngài từng nói cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng “các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:12-13).
Thành thật mà nói là câu hỏi “Chúa ở đâu” hay xuất phát từ người không tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, thậm chí chống cự lại sự hiện hữu của Ngài, đồng thời còn nhạo báng người theo Ngài. Có rất nhiều người từng hỏi tôi “làm sao có thể tin được Chúa có thật và Kinh Thánh là lời Chúa”. Họ hỏi thêm, dựa vào đâu, chứng cứ nào để tin được điều ấy là sự thật. Nhưng với những người chất vấn tôi như thế, tôi từng thưa với họ và xin thưa với các bạn hôm nay, rằng tôi sẽ không đưa ra bất cứ chứng minh nào. Không phải vì tôi sợ những chứng minh của mình không đúng, không xác thực, tôi sẽ bị cười chê, Đức Chúa Trời của tôi sẽ bị cười chê, nhưng với những người đã cố tình không muốn tin, không muốn chấp nhận sự hiện hữu của Chúa thì tôi có chưng ra chứng cớ nào cũng vô ích, họ chất vấn như thế chỉ vì muốn căn vặn và bắt bẻ, chứ không muốn tìm đến sự thật.
Khi cuộc sống bình an, thế giới yên ắng, chiến tranh hay dịch lệ chỉ xảy ra ở một vài nơi nào đó không ảnh hưởng trực tiếp đến mình, chẳng có ai muốn nghĩ đến Thượng đế để làm gì cả. Điều tôi muốn thưa và muốn nhấn mạnh lý do tại sao tín đồ sẽ là những người không hãi hùng trong những ngày dịch lệ này, là bởi chúng tôi đã nghe Chúa nói đến khi học lời Chúa. Kinh Thánh, từ cựu ước đến tân ước, đều có những chương, những sách đã mô tả về thời kỳ dân sự trên mặt đất phải gánh chịu những trận dịch lớn, những bịnh tật không dễ chữa lành, hậu quả từ những việc ác mình đã làm. Vua Salomon, người giàu có sang trọng nhất, đến cuối đời đã viết trong sách Truyền Đạo “nầy là điều ta tìm được: Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay thẳng; nhưng chính họ tìm ra cố tìm kiếm ra lắm mưu kế” (Truyền Đạo 7:29). Khi con người từ chối Chúa, đã mời Ngài đứng sang một một bên, bước ra khỏi thế gian này. Tất cả những lời khuyên về điều lành của Ngài, con người đã không muốn thực hiện và không hề sợ những cảnh báo về đại họa sẽ xảy ra.
Bạn có thể hỏi tôi tại sao Chúa không chỉ phạt riêng những kẻ làm ác. Tôi xin trả lời là không một ai trên thế gian này, kể cả tín hữu, dám tự hào mình chưa hề phạm tội. Những tội mà thánh Phao lô nói đến, “không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; thóc mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót” (Rô ma 1:29-31). Phao lô nói thêm “thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa” (câu 32b).
Riêng với con dân Ngài, dầu Chúa từng nhắc “Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình” (Khải huyền 3:2-3). Tuy nhiên chính bản thân tôi, và có lẽ nhiều anh em trong Chúa, tuy không coi thường lời Ngài nhưng đã biếng lười trong việc cầu nguyện, biếng lười trong việc rao truyền lời Ngài. Chúng tôi cũng chẳng tự nhắc mình về sự cảnh báo, khi cầu nguyện thì chỉ qua loa cho có, huống gì cầu nguyện tha thiết cho tha nhân.
Trong những ngày này, như lời các tôi tớ Chúa khuyên, hãy đóng cửa lại, quỳ gối xuống và tĩnh tâm với Chúa, xưng tội trước mặt Ngài và cầu nguyện cho đến khi Chúa nguôi cơn thịnh nộ. Tôi đã quỳ gối xưng tội tôi. Tôi sẽ dấu mặt tôi trong những ngày Chúa nổi giận. Và tôi cầu xin Ngài đoái đến loài người là vật thọ tạo của Ngài. Tôi sẽ cùng các tôi tớ Chúa và anh em cùng đức tin với tôi làm đều này cho đến khi Ngài nhủ lòng thương xót.
Ngài luôn mời gọi: "Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (Khải Huyền 3:20). Giữa lúc này chắc chắn bạn và tôi sẽ không mời ai vào nhà ăn bữa tối với mình, nhưng đấng không hề mang tội lỗi sẽ dùng bữa với các bạn, và sẽ chữa lành cho chúng ta. Xin các bạn mở cửa lòng mình như chúng tôi đang làm.
HOÀNG NGA