Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, August 8, 2022

Lưu Văn Lang – nhà bác vật kỳ tài

 


"Bác vật" là từ thường dùng của người miền Nam đầu thế kỷ XX dành cho những kỹ sư, hoặc người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật. Trong số những bác vật nổi danh ở miền Nam thời bấy giờ, bác vật Lưu Văn Lang nổi danh với những phát minh độc đáo và những giai thoại ly kỳ. Có thể nói, bác vật Lang đã có công lớn trong phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969), sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Do ham học lại thông minh, Lưu Văn Lang được gia đình cho lên Sài Gòn, học ở ngôi trường danh tiếng Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn – TP Hồ Chí Minh). Đỗ tú tài hạng ưu, ông được học bổng sang Pháp học tại trường École centrale de Paris. Năm 1904 ông tốt nghiệp từ ngôi trường này và trở thành vị kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương.

Bác vật Lang có lòng yêu nước nồng nàn. Sách "Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh", cố Giáo sư Trần Văn Giàu ghi nhận: "Hằng trăm trí thức lớn ở Sài Gòn có đủ các ngành nghề, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên gia, quản lý kinh doanh, nhiều lần ký tên vào những bản tuyên ngôn, kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh… Mỗi lần như vậy, người ta đều thấy nhà bác vật Lưu Văn Lang đứng đầu sổ". Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, bác vật Lang được vua Bảo Đại mời tham gia nội các Trần Trọng Kim, giữ chức bộ trưởng Công Chánh nhưng ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho rằng chỉ là một công cụ của người Nhật.


Câu chuyện 530 đô-la

Kimber Bermudez đến từ Florida, Mỹ đã có một chuyến bay trở về quê nhà đầy ý nghĩa. Câu chuyện nhỏ xảy ra trên chặng hành trình đã dạy cô một bài học sâu sắc và cảm động về thế giới vốn đang cạn dần lòng tốt của chúng ta.

Câu chuyện của Kimber bắt đầu từ chiếc ghế ngồi 14C trên chuyến bay 1050 từ Chicago trở về phía Floriada, phía Tây Nam của nước Mỹ, nơi những người thân và bạn bè đang đợi cô quay trở về trong đợt nghỉ phép.

“Tôi ngồi cạnh một người đàn ông tử tế trên chuyến bay. Anh ấy hỏi tôi làm nghề gì. Bạn biết không, bất cứ ai quen tôi đều biết tôi là người thích nói chuyện. Tôi bắt đầu kể cho anh ấy về công việc của mình. Dạy học là niềm đam mê của tôi. Khi anh ấy hỏi tôi về thử thách lớn nhất trong đời mà tôi phải đối mặt, tôi đã thành thật kể với anh ấy. Tôi nói rằng, tôi làm việc tại một trường học có thu nhập thấp. Chúng tôi nói chuyện về thế giới và cách làm sao để những đứa trẻ không phải chịu khó khăn. Năm 2018, những đứa trẻ không nên phải nhận thêm bất kỳ khó khăn hay thiếu thốn nào nữa. Sau đó, anh ấy hỏi tôi về thông tin liên lạc với trường học của tôi. Anh ấy nói rằng, công ty của anh thường có những hoạt động tặng đồ và dành thời gian cho những trường học khó khăn. Tôi đã đưa email trường học của tôi cho anh ấy. Bỗng nhiên, một người đàn ông phía sau vỗ nhẹ vào vai tôi. Tôi quay lại và anh xin nói rằng xin lỗi vì đã nghe được cuộc trò chuyện của tôi và người bên cạnh. Anh ấy đưa cho tôi một sấp tiền mặt và nói rằng “Hãy làm điều gì đó có ý nghĩa”. Tôi đã rất kinh ngạc khi có thể khiến người khác cảm động bởi câu chuyện của mình. Tôi bắt đầu khóc và cảm ơn anh ấy, tôi đáp lại rằng tôi sẽ mua sách cho những học sinh của mình và dùng số tiền này cho cộng đồng như thế nào.

Khi chiếc máy bay đáp xuống, một người đàn ông ngồi ở lối đi đối diện với tôi nói rằng, anh ấy cũng đã vô tình nghe được câu chuyện của tôi. Mặc dù anh không có nhiều, anh ấy đã đưa cho tôi tờ 20 đô-la. Trái tim tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Một người đàn ông khác cũng bước đến và nói rằng, anh ấy chỉ có 10 đô-la”.

Kimber bắt đầu khóc như một đứa trẻ, không phải cảm giác sung sướng khi nhận được quà mà là vì hạnh phúc khi biết rằng thế giới này vẫn còn những người tốt. Kimber hứa với những người đàn ông cô sẽ cố gắng làm tốt những điều mà mình có thể.

Giữa cuộc sống bộn bề và lo toan, con người bắt đầu chạy theo giá trị của vật chất là thành tích, lợi ích cho riêng bản thân mình. Sự ích kỷ và hẹp hòi đã trở thành “bóng ma” thống trị thế giới, nó len lỏi vào từng nếp ăn, nếp uống, thậm chí cả suy nghĩ của mỗi người; và trở thành điều quá đỗi bình thường của cuộc sống. Khiến người ta tưởng rằng trên đời này chẳng còn mấy ai làm việc tốt và cũng không cần phải làm người tốt. Nhưng hãy thử tưởng tượng, khi thế giới này không còn những người tốt, có khác nào Trái đất này không còn những mầm xanh, xã hội này không còn phụ nữ và vũ trụ này không còn thấy ánh sáng rạng rỡ của Mặt trời. Bởi không ý thức được điều quan trọng của việc sống làm một người tốt và lương thiện, nên con người thường tự phóng túng bản thân mình theo những thói hư tật xấu, không còn giữ cho mình một tiêu chuẩn đạo đức làm người.

Vậy nên, dù thế giới này có “đảo điên” cỡ nào đi chăng nữa, hãy cứ giữ trong mình một niềm tin, một niềm hy vọng rằng trên đời này vẫn còn người những người tốt, và chúng ta cũng cần phải sống tốt hơn. Bạn không cần biết khi mình làm điều tốt sẽ đem lại vận may ra sao, nhưng sự lương thiện từ trong trái tim bạn sẽ giúp bạn có được cả thế giới, bởi “lòng tốt là một vòng tuần hoàn, gieo mầm những hạt giống tốt đẹp cho thế hệ mai sau”.

 ( T Minh )