"Bác vật" là từ thường dùng của người miền Nam đầu thế kỷ XX dành cho những kỹ sư, hoặc người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật. Trong số những bác vật nổi danh ở miền Nam thời bấy giờ, bác vật Lưu Văn Lang nổi danh với những phát minh độc đáo và những giai thoại ly kỳ. Có thể nói, bác vật Lang đã có công lớn trong phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969), sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Do ham học lại thông minh, Lưu Văn Lang được gia đình cho lên Sài Gòn, học ở ngôi trường danh tiếng Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn TP Hồ Chí Minh). Đỗ tú tài hạng ưu, ông được học bổng sang Pháp học tại trường École centrale de Paris. Năm 1904 ông tốt nghiệp từ ngôi trường này và trở thành vị kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương.
Bác vật Lang có lòng yêu nước nồng nàn. Sách "Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh", cố Giáo sư Trần Văn Giàu ghi nhận: "Hằng trăm trí thức lớn ở Sài Gòn có đủ các ngành nghề, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên gia, quản lý kinh doanh, nhiều lần ký tên vào những bản tuyên ngôn, kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh Mỗi lần như vậy, người ta đều thấy nhà bác vật Lưu Văn Lang đứng đầu sổ". Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, bác vật Lang được vua Bảo Đại mời tham gia nội các Trần Trọng Kim, giữ chức bộ trưởng Công Chánh nhưng ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho rằng chỉ là một công cụ của người Nhật.