Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, August 29, 2021

Nấu Thuốc Bắc

 


Thanh lúc trẻ, lối 15 tuổi thường canh siêu sắc thuốc Bắc cho bà ngoại.  Lúc đó, ngoại hay bị lạnh, nên thầy Đông y chẩn bệnh và cho ngoại uống mỗi ngày 1 thang thuốc Bắc.  Nhà có 4 chị em, mỗi người thay nhau chuẩn bị và ngồi canh siêu thuốc một ngày, nên cứ 4 ngày là tới phiên Thanh.

Vì tình thương đối với bà ngoại, nên mấy chị em vui vẻ làm không hề thấy mệt nhọc.  Sức mạnh của tình thương yêu! 

Thanh học được một điều là thầy thuốc đông y khi bốc thuốc cũng giống như dàn binh ra trận, gọi là Phối-ngũ, dùng các vị thuốc gồm Quân-Thần-Tá-Sứ, tức là có vị thuốc chánh như vua (Quân), có vị phó, như quan (Thần), có vị thuốc phụ tá (Tá), có sứ giả giải hòa, như Cam Thảo làm dịu những chất đắng (Sứ).  Tất cả cho vào cái siêu bằng đất, ngâm trong nước ấm độ 15-30 phút để rửa, rồi đổ vào 3 chén nước, nấu sắc còn 8 phân.  Nhiều vị thuốc có tính ôn nhu, hàn nhiệt, hư thiệt, âm dương khác nhau, nhưng khi nấu lên, thành một khối nước đồng nhất có công năng trị bệnh. Điều này cho chúng ta bài học “hòa nhi bất đồng”.

Nấu thuốc cần kiên nhẫn.  Trước tiên, nấu sôi lên bằng lửa lớn (vũ hỏa), chừng thấy sôi lớn, nổi bong bóng như mắt cá (ngư nhãn), thì để lửa thấp (văn hỏa), giữ độ sôi lăn tăn, như mắt cua (giải nhãn).  Sau 45 phút, chắt ra coi nước cạn tới bao nhiêu.  Nếu còn nhiều quá thì sắc tiếp cho đến khi nào chỉ còn 8 phân. 

Việc này tốn nhiều thì giờ (lối 2 tiếng đồng hồ) nên mọi người thường đem bài học xuống bếp vừa canh thuốc vừa học bài. 

Việc canh siêu thuốc dạy cho chị em Thanh tánh kiên nhẫn, từ đó học tánh nhẫn nhịn, khiêm nhường.  Nhớ một lần, Thanh sốt ruột, mất kiên nhẫn, nên để lửa lớn hơi lâu, thuốc bị cạn chỉ còn 5 phân.  Thanh vội pha thêm nước vào cho đủ 8 phân cho bà ngoại. Không ngờ ngoại nếm là biết ngay.  Ngoại nhỏ nhẹ dạy Thanh câu thành ngữ: “Dục Tốc Bất Đạt 欲速不 nghĩa là: “nóng vội sẽ không thành”, và khuyên phải lấy câu nhẫn nại làm câu răn mình. 

Thanh thích cái mùi thuốc khi sắc lại.  Mùi thơm rất dễ chịu tỏa khắp nhà.  Mấy mươi năm trôi qua mà ông còn nhớ mùi hương đặc biệt này. 

         Việc sắc thuốc “3 chén còn 8 phân” có ảnh hưởng tới ông khi làm văn thời đi học và viết văn, viết báo khi ra đời.  Khi viết một bài văn, ông viết qua, sau đó đọc đi đọc lại, cắt xén những câu, những chữ không cần thiết.  Bài ông viết thường được nhận xét là ngắn, gọn, rõ ràng.  Có người phê bình là cô đọng, súc tích.

Khi Thanh được Chúa kêu gọi trở thành Mục sư, thói quen “3 chén còn 8 phân” giúp ông nghe nhiều hơn nói như câu trong sách Truyền Đạo:  “Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời (5:2).

Bài học “3 chén còn 8 phân” cũng ảnh hưởng khi ông soạn bài giảng mỗi Chúa nhật.  Ông ấn định thời gian bài giảng không quá 30 phút.  Nhập đề 5 phút, kết luận 5 phút, thân bài 20 phút.  Hội chúng thấy được dàn bài, bố cục rõ ràng.  Ông tránh vòng vo tam quốc, tránh cà kê dê ngỗng, tránh lập đi lập lại rườm rà.  Xong bài giảng, mọi người nắm được ý chính, nắm được bài học cho ngày hôm đó. 

Nhiều người cho ý kiến rằng 30 phút là vừa phải, chưa kịp buồn ngủ thì bài giảng đã xong.  Có ông cụ bị tuyến tiền liệt hoành hành, khó mà kềm được bọng đái trên 45 phút nên rất cám ơn Mục sư Thanh.  Cụ cho mục sư một câu chữ Hán:  “quý hồ tinh bất quý hồ đa” 貴乎精不貴 “thà ngắn mà đặc sắc, còn hơn văn tự dài dòng”.

Nhờ canh siêu thuốc cho bà ngoại, Mục sư Thanh trở thành một mục tử khiêm nhu, nhẫn nại, chịu đựng với mọi tín đồ và ông chịu khó lắng nghe tâm tình người đối diện như lời khuyên của ông Gia-cơ “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (1:19).