Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, October 26, 2011

Thanh Thiếu Niên Á Châu Trong Xã Hội Mỹ


ImageCó lẽ quý vị định cư tại Mỹ đã khá lâu và con em quý vị đang theo học tại các trường tiểu học, trung học hoặc các trường đại học nổi tiếng. Lo cho con ăn học đến nơi đến chốn là trách nhiệm lớn nhất và quan trọng nhất của người làm cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ Việt Nam chúng ta. Chúng ta yên tâm khi thấy con cái lo học hành vì biết rằng trong tương lai các em sẽ có một chỗ đứng trong xã hội và một đời sống thoải mái. Điều này đã thành sự thật cho một số gia đình sau hơn hai mươi năm định cư tại đây, con em chúng ta đã thành công và đang sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất .


Tuy nhiên, quý vị có biết mỗi ngày khi cắp sách đến trường, hoặc khi đi làm trong các hãng xưởng, sâu kín trong lòng, con em chúng ta suy nghĩ điều gì và phải đối diện với những khó khăn nào không? Nhật báo Los Angeles Times có một bài nói về những khó khăn của thanh thiếu niên Á châu trong vấn đề hội nhập với xã hội Mỹ, chúng tôi thiết nghĩ chúng ta cần biết những điều trình bày trong bài báo này để có thể hiểu con em của mình hơn hầu thông cảm với các em hơn.

Bài báo nói trên đề cập đặc biệt đến lứa tuổi thiếu niên, tức là các em trong khoảng 13 đến 18, 19 tuổi. Như chúng ta đã biết, tuổi thiếu niên là tuổi có nhiều thay đổi. Thay đổi về tâm lý, sinh lý, tình cảm, v.v... Và vì những thay đổi này đưa đến dồn dập, khiến các em không thích ứng kịp nên thường sinh ra nhiều nan đề trong mối quan hệ giữa các em với cha mẹ, với người chung quanh và với chính các em nữa. Riêng đối với con em chúng ta và những thiếu niên Á châu khác lớn lên trong xã hội Mỹ, những khó khăn của tuổi thiếu niên lại càng to tát và trầm trọng hơn.

Lý do là vì con em chúng ta phải sống trong sự giằng co giữa hai nền văn hóa khác nhau. Một mặt các em phải cố gắng để thích ứng với xã hội mới, để giống những người bạn Mỹ cùng tuổi, mặt khác các em phải giữ lề lối cũ cho cha mẹ vui lòng. Và dù cố gắng đến đâu, các em cũng vẫn thấy mình hầu như không được chấp nhận, không có chỗ đứng rõ ràng trong xã hội, các em không thể nhận diện chính mình. Ông bà, cha mẹ thì bảo là các em đã mất gốc hoặc đã Mỹ hóa quá nhiều, trong khi đó những người bạn Mỹ không cho là các em giống họ nhưng vẫn thấy các em là người Á châu hoàn toàn . Và vì thế chính các em cũng không biết mình là ai!

Image
Sự giằng co giưã hai văn hóa và hai ngôn ngữ càng căng thẳng hơn đối với những em sống trong gia đình theo lối bảo thủ và độc tài, tức là cha mẹ bảo gì con cũng phải làm theo, không được có ý kiến. Trong những gia đình này, các em được dạy rằng con cái phải làm theo lời cha mẹ, không được bất đồng ý kiến với cha mẹ. Khi chọn ngành học thì cha mẹ thường chọn sẵn cho các em hoặc thúc đẩy các em chọn các ngành bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kỹ sư, v.v... Trong khi đó ở trường, các thầy cô giáo khuyến khích các em phát biểu ý kiến, cho phép các em tự do nói lên cảm nghĩ hay ý thích của mình, và cố gắng tối đa để giúp các em phát triển năng khiếu hoặc sở thích riêng. Hai cách giáo dục trái ngược nhau như vậy khiến các em lúng túng, không biết phải xử sự thế nào cho đúng . Không những thế, khuynh hướng tự do phát biểu ý kiến và tự do làm điều mình thích tại học đường có thể đưa đến xung đột giữa các em với cha mẹ, nhất là khi các em có những ý kiến hay quan điểm khác với ý kiến và quan điểm của cha mẹ.

Những người chuyên nghiên cứu về tâm lý các thanh thiếu niên Á châu sống tại Mỹ cho biết rằng, có thể nói tất cả các em đều gặp khó khăn trong việc nhận diện chính mình. Khi đi với bạn bè khác chủng tộc các em không được chấp nhận hoàn toàn mà về với gia đình các em cũng không cảm thấy thoải mái. Có em cố gắng hòa hợp với cha mẹ để tìm cho mình một chỗ tạm yên thân nhưng các em cảm thấy có một sự ngăn cách nào đó, vì các em không thể nói tiếng mẹ đẻ lưu loát như cha mẹ, cũng không có những suy nghĩ , suy tư giống như cha mẹ. Hơn nữa, thường thường triết lý sống hay quan niệm sống của các em cũng khác với triết lý sống và quan niệm sống của cha mẹ.

Một số thanh thiếu niên, vì muốn được chấp nhận khi ở nhà với gia đình cũng như ra ngoài xã hội nên đã phải sống như những người mang hai bộ mặt khác nhau. Khi đi học các em mặc quần áo rộng thùng thình, ăn nói nghênh ngang, dùng những tiếng lóng của đám bạn ngoài đường, nhưng về nhà các em đổi mặt nạ, mặt quần áo chỉnh tề, nói tiếng Việt với cha mẹ và cư xử ngoan ngoãn như một thiếu niên Á đông thuần túy. Một số em tâm sự rằng các em đổi mặt nạ cũng tài tình nên không ai biết nhưng khi bỏ những mặt nạ đó ra trở về với chính mình, các em rất buồn vì vẫn không biết mình là ai.

ImageMột nỗi khổ khác mà một số thanh thiếu niên Á châu thường gặp phải trong xã hội ngày nay là các em bị người chung quanh nhìn dưới hai định kiến sau: hoặc là người ta cho rằng các em là học sinh Á châu nên học rất giỏi và có tinh thần ganh đua rất cao hoặc là người ta nghi ngờ các em là thành viên của một băng đảng nào đó. Định kiến này không phải là vô căn cứ, vì mỗi năm số học sinh Á châu tốt nghiệp các trường đại học gia tăng, trong đó có nhiều em được điểm rất cao, nhưng song song với những em thành công, đỗ đạt, thì cũng rất nhiều thanh thiếu niên Á châu đi vào con đường hư hỏng.

Người ta cho biết, từ năm 1980 đến nay, số băng đảng Á châu đã gia tăng rất nhanh. Hiện nay có khoảng 250 băng đảng khác nhau, thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên Á châu, và trong số 250 băng đảng đó, 75% hoạt động tại miền Nam California. Song song với việc bỏ học và gia nhập băng đảng, tình trạng không nhận diện được chỗ đứng của chính mình cũng đã khiến hàng ngàn thanh thiếu niên Á châu bị bịnh chán nản hoặc bị các chứng bệnh tinh thần, nhất là các em gái. Các em bị những bệnh này vì phải sống trong sự giằng co giữa hai nên văn hóa và hai ngôn ngữ khác nhau, vì hoàn cảnh sống của gia đình bị thay đổi, đổ vỡ, và vì các em luôn luôn cảm thấy lạc lõng, khi ở nhà cũng như khi ra ngoài xã hội. Người ta cho biết, số thanh thiếu niên Á châu có ý định tự tử vì không chịu nổi những đòi hỏi và những căng thẳng trong hoàn cảnh sống cũng rất cao và đáng lo ngại.

Có một em thiếu niên kia, khi người hướng dẫn hỏi về hoàn cảnh sống của em, với hai hàng nước mắt chảy dài trên má, em nói em rất là cô đơn vì cha mẹ em đi làm 16 giờ mỗi ngày, khi có chuyện gì em không biết nói với ai mà có nói cha mẹ cũng không thể hiểu em. Em cũng lo vì cha mẹ luôn luôn bảo là cha mẹ hy sinh tất cả cho em, em phải cố gắng thành tài để không phụ lòng cha mẹ. Em thiếu niên này cảm thấy có một gánh nặng đè nặng trong lòng, lúc nào tinh thần cũng căng thẳng. Em lo vì biết mình không thể học cao như cha mẹ mong muốn mà cũng không dám nói thật, sợ cha mẹ thất vọng. Những nỗi lo lắng này không phải chỉ một vài em thiếu niên Á châu kinh nghiệm mà có thể nói hầu hết các em, không chỉ thiếu niên Việt Nam mà thiếu niên Nhật bản, Đại Hàn, Trung Hoa, Lào, Cam-bốt đều trải qua.

Chúng tôi trình bày những điều nầy để gióng lên một tiếng chuông cho tất cả chúng ta, những bậc cha mẹ đang làm việc đầu tắt mặt tối để xây dựng một tương lai xán lạn cho con cái. Vì những kinh nghiệm trong quá khứ, chúng ta nghĩ rằng nhu cầu của con cái cũng giống như nhu cầu của chúng ta ngày xưa. Tức là cần có đủ cơm ăn áo mặc và được thảnh thơi lo việc học hành. Thật ra đời sống trong thế giới văn minh vật chất này phức tạp hơn nhiều. Ngoài nhu cầu cơm ăn áo mặc, con em chúng ta còn có nhu cầu về tình cảm, tâm lý và tâm linh. Các em cần được yêu thương, chấp nhận, cần có những người cha người mẹ, người anh người chị làm gương hướng dẫn và trên hết, các em cần có một hướng đi, một mục tiêu cho đời sống.

Nếu mục tiêu cho cuộc đời chỉ là cố gắng học thành tài để có công ăn việc làm tốt, có một đời sống thoải mái về vật chất thì khi đạt được những điều đó rồi chúng ta sẽ thất vọng vì nó không thật sự đem lại thỏa mãn cho tâm hồn. Điều duy nhất có thể giúp con em chúng ta vứt bỏ đi những mặc cảm, những chán chường trong cuộc sống là niềm tin, niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên các em. Chúa cũng là Đấng Yêu thương các em và đã hy sinh để cứu các em. Thánh Kinh dạy: "Trong buổi còn niên thiếu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng ta không lấy làm vui lòng" (Truyền Đạo 1:12).

Image
Là cha mẹ dù thương con đến đâu, chúng ta cũng không thể ở gần bên con mãi, không thể hướng dẫn các em trong mọi vấn đề của cuộc sống, nhưng Chúa có thể ở bên cạnh con em chúng ta trong mỗi giờ phút. Lời Chúa trong Kinh Thánh sẽ là mẫu mực hướng dẫn các em trong tất cả những nan đề của đời sống. Và trên hết, tình yêu của Chúa sẽ đem lại cho các em niềm vui và bình an trước những đổi thay của cuộc đời. Và một khi con em chúng ta đặt mục tiêu sống cho Chúa, sống cho tha nhân các em sẽ thấy cuộc đời có ý nghĩa và không điều gì có thể cướp mất niềm vui trong tâm hồn các em.

Chúng ta là người Việt, người Hoa hay người Mỹ điều đó không quan trọng vì chúng ta chỉ mang danh hiệu đó trong vài mươi năm trên đời tạm này mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta cần đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu để được làm công dân nước Trời. Khi được làm công dân Nước Trời Chúng ta sẽ chỉ có một văn hóa, một tiếng nói và Nước Trời là Nước duy nhất sẽ còn lại đời đời.
Minh Nguyên