Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, February 8, 2012

SỐNG BÌNH AN GIỮA BIẾN ĐỘNG ĐỜI SỐNG

        
Mỗi độ Xuân về, người ta thường chúc nhau ba điều như: 1) Điều làm cho chúng ta nhìn trẻ hơn và sống thọ hơn; 2) Điều giúp cho chúng ta giàu có và thịnh vượng hơn; 3) Điều giúp cho chúng ta sống thuận thảo và an vui với người khác.  Người Việt chúng ta luôn thích chúc nhau "Phước, Lộc, Thọ" vào những ngày mừng Xuân.           


Trong tiếng Do Thái, chữ "Phước - Blessing" cũng tương đồng nghĩa với từ ngữ "Bình an - Shalom".  Mổi lần gặp nhau, người Do Thái luôn chào nhau và chúc nhau bằng từ ngữ "shalom - chúc bình an".  Trong tiếng Do Thái, từ ngữ "Shalom - bình an" còn có nghĩa là chúc mạnh khỏe, thịnh vượng, thỏa lòng, an ninh, và thuận thảo.     

            Các Nhà Tâm Lý khám phá một điều hết sức quan trọng là sự bình an trong tâm hồn có thể giúp con người bình thản và giữ vững tính an tâm trong mọi hoàn cảnh.  Một Bác Sĩ Tâm Bệnh học người Anh nói rằng: "Với niềm bình an trong tâm hồn con người có thể đối diện với kinh nghiệm kinh hoàng.  Nhưng nếu không có niềm bình an người ấy không thể nào hoán xuyến nỗi ngay cả một công việc tầm thường như là viết một lá thư.  Giáo sư Đại Học Sydney cũng là Nhà Môi Trường Học viết rằng: "Có bốn sự rối loạn, xáo trộn trong cuộc sống của chúng ta:  Thứ nhất là "Sự rối loạn bên trong tâm hồn -The inner chaos" sự rối loạn này khiến con người không thể có khả năng sống bình an với chính mình.  Thứ hai là "Sự rối loạn tâm giao - The social chaos" sự rối loạn không có thể sống với người khác.  Thứ ba là "Sự rối loạn môi trường - The environmental chaos" sự rối loạn trong kỷ nghệ hóa và đô thị hóa.  Thứ tư là "Sự rối loạn hình thể - The metaphysical chaos - con người cảm thấy không có mối liên hệ với vũ trụ.
            Thánh Kinh mô tả sự bình an theo nhiều ý niệm khác nhau  và tùy thuộc vào trạng thái và nhận thức thuộc linh qua mối tương giao giữa con người và Thượng Đế cũng như sự hiệp thông giữa con người và con người.  Chúng ta có thể thông hiểu niềm an bình qua 7 loại bình an như sau:
1)         Bình an khởi đầu (Initial peace)- Rôma 5:1; Êph 1:4; Côl 1:20
2)         Bình an soi dẫn (Guiding peace) - Luca 1:79; Thánh thi 119:101; Thánh thi 73:24; I-sa 42:16
3)         Bình an vững bền (Sustaining peace) - Giăng 14:27; Giăng 16:33
4)         Bình an tương giao (Social peace) - Mác 9:50; Hêbơrơ 12:14
5)         Bình an hoàn toàn (Perfect peace) - I-sa 26:3
6)         Bình an ngự trị (Ruling peace) - Côlôse 3:15
7)         Bình an tâm trí (State of peace) - Rôma 8:6
Sự bình an là yếu tố quan trọng để sinh tồn, hy vọng, và sống thành công.  Câu hỏi mà chúng ta cần suy gẫm là điều gì sẽ xảy ra khi tâm hồn của chúng ta bao trùm bởi nỗi cô đơn, trống vắng, bất an và buồn chán?  Tại sao con người vẫn không thể tìm kiếm được niềm bình an cho tâm hồn mình?  Như vậy, làm thể nào để chúng ta tận hưởng được niềm bình an thật và sống thành công cho chính mình?  Chúng ta có thể suy gẫm qua các vấn đề như sau.
1. HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA ĐỜI SỐNG THIẾU BÌNH AN LÀ GÌ?
      A. Có phải con người sẽ thất vọng và bất an tâm hồn khi đặt nền tảng của đời sống trên tiền của, danh vọng và quyền uy?
            Trước cái nhìn của mọi người, các tài tử điện ảnh được xem như là giới thành công nghề nghiệp, nỗi tiếng, và giàu có.  Nhưng người ta vẫn chưa hiểu nỗi rõ căn nguyên khi nghe tin một loạt bốn tài tử lừng danh tại Nam Hàn kết liễu đời mình trong khoảng thời gian hai tháng.  Nữ tài tử Choi Jin-Sil, Jang Chae-won, Nam tài tử kiêm Người mẫu Kim Ji-who, và nam tài tử Ahn Jae-hwan.  Cả bốn tài tử đều mắc chứng bệnh trầm cảm và tuyệt vọng.  Nam tài tử Kim Ji có ghi lại vài lời trong tuyệt thư của anh rằng: "Tôi rất cô đơn và đang trong tâm trạng hết sức khó khăn.  Xin vui lòng hỏa thiêu thân xác tôi".  Nam Hàn được xem là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự vẩn cao nhất thế giới.  Câu hỏi cho nhiều người là tiền bạc, danh tiếng, và quyền thế có thể mang đến cho tâm hồn chúng ta sự thỏa mãn hay niềm an bình không?  Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi này để suy niệm cho chính đời sống mình chưa? 
      B. Trong Cơn khủng hoảng của đời sống, con người chúng ta sẽ nương dựa vào ai?
Tại một thị trấn nhỏ ở Tỉnh Bang Quebec, người ta tìm thấy xác chết của người đàn ông tên Marc Laliberte và xác của ba đứa con trong căn nhà của họ.  Người ta điêù tra sự việc và nhận định về vụ tự vẩn của gia đình này là do cả hai vợ chồng đều bị mất công việc làm nên dẫn sự khủng hoảng tài chánh ; trong khi chỉ mới mua căn nhà hơn sáu tháng qua.        
            Vào ngày 5, tháng 1, năm 2009 người ta tìm thấy thi thể của Tỷ Phú 74 tuổi được phát giác gần đường rày xe lửa tại thị trấn Blaubeuren, Đức quốc.  Ông Adolf Merckle đã tạo dựng thành công cơ nghiệp từ dược phẩm cho đến xi măng.  Đối diện với nhiều trở ngại trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhà Tỷ Phú Adolf bị thua lỗ nhiều về các cổ phiếu trong hãng xe hơi Volkswagen và "Thất vọng vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh với công ty trong những tuần lễ gần nay và bất lực trước hoàn cảnh, ông đã kết thúc đời mình".
            Khi thị trường chứng khoáng bị suy thoái, một số người đã kết thúc đời mình bằng nhiều cách khác nhau.  Nhà Tài Chánh Kirk Stephenson tại Luân Đôn, Anh quốc lao đầu vào xe lửa tự vẩn.  Nhà Cố Vấn Tài Chánh cho ngân hàng Hòa Lan tên Russell Smith tự tử sau khi bị thua mất $13 triệu tiền của người thân trong gia đình cùng đầu tư chung với ông.  Ông Kirk viết lời từ biệt và xin lỗi rằng "Tôi không thể sống sót với tình cảnh này, tài chánh hay con đường khác". 
            Dựa theo Cơ quan the National Center For Health Statistics cho biết năm 2005 Hoa Kỳ có khoảng 32,637 người tự tử.  Người ta chia làm 3 loại tự vẩn khác nhau: 17,002 Firearm Suicides (vũ khí), 7,248 Suffocation Suicides (Sự nghẹt thở), 5,744 Poisoining Suicides (Chất độc). 
            Một Triết gia lỗi lạc luận rằng "...Trí người không thể nào hiểu nổi mọi việc xảy ra trên đời.  Dù sống được bao nhiêu năm, Hãy vui hưởng những ngày của đời mình, Nhưng hãy nhớ rằng những ngày đen tối cũng nhiều; Và tương lai lắm điều không chắc chắn" (Giáo Huấn 11:8; 12:8).  Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện trong lúc khó nguy như vị Vua Đa-vít "Hỡi linh hồn ta, tại sao ngươi chán nản, vì sao ngươi lo lắng trong mình ta?  Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời.  Vì ta sẽ còn ca ngợi Ngài, là Đấng cứu rỗi và Đức Chúa Trời hằng giúp đỡ ta" (Thánh thi 43:5).
2. TẠI SAO CON NGƯỜI KHÔNG CÓ BÌNH AN TRONG TÂM HỒN?                                                                                                   
            Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng có những nguyên nhân khiến tâm hồn của chúng ta trống vắng và tràn ngập nhiều nỗi bất an.  Những lý do đánh mất niềm bình an trong tâm hồn của chúng ta như sau:
1)         Lo lắng vì không cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Philíp 4:6)
2)         Không xưng tội lôãi cùng Thiên Chúa (Châm ngôn 28:13; Êphêsô 4:30; 1 Giăng 1:7; Lêvi 16:16)
3)         Phạm tội và làm buồn lòng Đức Thánh Linh (1 Têsalônica 5:19)
4)         Chú tâm vào hoàn cảnh, không tin cậy vào Thiên Chúa (I-sa 41:10; I-sa 43:2)
5)         Sợ hãi (Thánh thi 27:1; 2 Timôthê 1:7).
6)         Không kiên nhẫn chờ đợi thánh ý của Thiên Chúa (1 Côrinhtô 10:31; Thánh thi 27:14; Thánh thi 62:5; Ca thương 3:25; I-sa 40:31)
7)         Không nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng (Thánh thi 9:10)
8)         Sống theo bản ngã xác thịt (Rôma 6:12).
     Cuộc sống là một hành trình thăng trầm và có nhiều biến đổi đột ngột tùy theo các thời điểm khác nhau.  Vì thế, một Triết Gia thâm thúy viết rằng "Vì không ai biết được điều gì sẽ xảy ra, nên không ai nói trước được ngày mai.  Không ai có quyền trên hơi thở để cầm giữ hơi thở lại, cũng không ai có quyền trên sự chết" (Giáo huấn 8:7,8). 
            Con người chỉ nhận được sự bình an cho tâm hồn trừ khi con người nhận lãnh sự bình an thật cho tâm hồn từ Đấng Tối Thượng, Đấng có thể ban sự bình an.  Thánh Kinh mô tả "Bình an thật" là bình an được bảo vệ tấm lòng và tâm trí của anh chị em" (Phi-líp 4:7), là "bình an được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được bình an với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-su" (Rôma 5:1), là "bình an đến từ Đức Chúa Trời" (2 Giăng 3).  Vì thế con người không thể tự tìm kiếm niềm bình an bởi khả năng hay công sức của chính mình.      
3. LÀM THẾ NÀO TÌM KIẾM ĐƯỢC NIỀM BÌNH AN CHO TÂM HỒN MÌNH?
            Nếu con người càng tìm kiếm niềm bình an, con người càng cảm thấy bất lực, bất an.  Kinh Thánh là Tin Mừng cho những ai cô đơn, tuyệt vọng và trống vắng trong tâm hồn.  Quả thật, Lời Thánh Kinh dạy chúng ta thể nào con người nhận được sự bình an từ Thiên Chúa, là bình an vượt quá sự hiểu biết tầm thường của chúng ta.  Vì thế, con người cần đặt lòng tin và học biết về Thiên Chúa là ai.  Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy:
1)         Đức Chúa Trời là Đấng ban sự bình an (I-sa 9:5,6). 
2)         Đức Chúa Trời là nguồn của sự bình an (Êphêsô 2:14, I-sa 53:5)
3)         Con người chỉ nhận dược sự bình an khi đặt lòng tin nơi Thiên Chúa (I-sa 26:3)
4)         Con người chỉ nhận được sự bình an khi làm theo điều Chúa dạy trong Kinh Thánh (Thánh thi 119:165)
5)         Con người chỉ nhận sự bình an khi để Thiên Chúa cai quản tâm hồn (Côlôse 3:15).
Tâm hồn chúng ta chỉ được yên nghĩ và vui thỏa trừ phi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Đấng có thể ban cho chúng ta niềm bình an thật sự.  Vâng, "Chúa phán: Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi.  Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa.  Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng" (Giê-rê-mi 29:11).  Ước mong mỗi quí vị sẽ nhận được chương trình bình an thịnh vượng từ Thiên Chúa.  Khi nào chúng ta đối diện với nỗi ưu tư, sợ hãi "Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em" (1 Phê-rơ 5:7).
4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ SỰ BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG  HẰNG NGÀY?
            Va chạm cuộc sống mỗi ngày tại công sở, học đường, gia đình hay hoàn cảnh sống, chúng ta cần có tâm hồn bình an, vui thỏa để mưu sinh, giao tế, vui khỏe, và thành đạt trên nhiều phương diện.  Nhưng lắm lúc những biến động cuộc sống dễ khiến chúng ta bất an, rối loạn tâm trí.  Nhằm mục đích giúp chúng ta sống an tâm mỗi ngày, chúng ta có thể áp dụng các thói quen sống như sau:
1)         Hãy tập tành nếp sống cầu nguyện (1 Phêrơ 5:6-7; Đaniên 6:10; Mác 1:35).
2)         Hãy sống đạo theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh (Rôma 6:11-12)
3)         Hãy nghiên cứu lời Chúa trong Kinh Thánh (Giô-suê 1:8)
4)         Hãy trông đợi sự soi dẫn từ Thiên Chúa (Thánh thi 62:5).
Mỗi khi nào tâm hồn chúng ta cô đơn, bất an, và vô nghĩa hãy đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-su, bởi vì Chúa Giê-su luôn mời gọi "Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư , hãy đến cùng Ta.  Ta sẽ cho các con được yên nghỉ.  Hãy mang ách của Ta và học theo Ta, thì tâm hồn các con sẽ tìm được yên nghỉ, vì Ta có lòng dịu hiền và khiêm tốn, vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng" (Mathiơ 11:28,29,30).   Nguyện xin Thiên Chúa Bình An, Yêu Thương, và là Đấng Toàn Năng luôn ban ơn cứu giúp quí vị khi gặp cơn gian truân, an ủi quí vị trong nỗi đau tuyệt vọng, và ban bình an trong cơn biến động của quãng đời tạm bợ này. Amen!
Mục Sư Ngô Việt Tân
* Nếu muốn tìm hiểu thêm Tin Mừng Bình An của Chúa Cứu Thế Giê-su, kính xin quí vị  liên lạc các Hội Thánh Tin Lành tại địa phương của quí vị.