Thời giờ và thời gian liên hệ mật thiết với nhau. Thời giờ gắn bó với bó với đời sống con người thế nào thì thời gian cũng gắn bó như thế, như có người nói rằng: "Thời gian là chất liệu cấu tạo cuộc đời. Mà cuộc đời là một chuỗi thời gian có hạn định trên đất, cuộc đời của mỗi người giống như một cuộc đi, kẻ vắn người dài, sau cùng cũng kết thúc."


Thật khó định nghĩa thời giờ, dẫu con người lúc nào cũng sống trong thời giờ. Quan niệm về thời giờ của mỗi người mỗi khác. Có thể chia thì giờ làm hai loại: Giờ vật lý và giờ tâm lý. Giờ vật lý được đo lường bằng đồng hồ, còn giờ tâm lý được đo bằng tình cảm con người:

  • Những ai đang sống trong hạnh phúc sẽ cảm thấy giờ gian qua như ngựa chạy, như thoi đưa, như tên bắn.
  • Những ai đang sống trong cảnh chờ đợi, cô đơn buồn chán, ngục tù, thấy thì giờ như đứng lại. Một người trong chuyến phi cơ bị không tặc, đã nói rằng kim giây đồng hồ đứng lại. Thật đúng như ông bà ta đã từng nói “Nhất nhật tại tù, thiên niên tại ngoại” Một ngày sống trong tù bằng 100 năm ở ngoài trong cảnh tự do. Nhà thơ nước ta có lần đã nói: “Sầu đông càng lắc càng đầy, ba thu chậm lại một ngày dài ghê!”
  • Đối với người đang trông chờ: thì giờ dài
  • Đối với người đang yêu: thì giờ ngắn
  • Đối với người đang ở trong Chúa: thì giờ quý.

Môi-se, một người khôn ngoan xuất chúng, đã cầu xin Chúa trong Thi-Thiên 90:12 “Cầu xin Chúa dạy tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho tôi được lòng khôn ngoan”
Vậy làm thế nào để đếm thời giờ? Có 3 cách đếm thời giờ:
  1. Dựa đồng hồ của mình với giờ thế giới. Nhiều năm về trước, con người đã sáng chế ra chiếc đồng hồ để biết giờ giấc. Để có thời giờ chính xác, các đồng hồ phải dựa trên tiêu chuẩn chung là mối liên hệ giữa trái đất chúng ta đang sống và mặt trời. Nhờ mối liên hệ đó, chúng ta biết giờ giấc, năm tháng.
  2. Dựa vào giờ nguyên tử “atomic time”. Con người đã khám phá nguyên tử vào năm 1972. Người ta phân chia giờ, phút, giây không những dựa vào mối liên hệ giữa những thiên thể trong vũ trụ mà còn dựa vào sự giao động (vibrations) của những hạt nguyên tử.
  3. Dựa trên mối liên hệ của chúng ta với Đấng Tạo Hóa mình. Thế giới ngày nay chỉ có hai cách đo thời gian, nhưng những ai thuộc về Chúa, chú tâm đến cách thứ ba, là sử dụng thời giờ theo ý muốn của Chúa. Như lời của triết gia Paul trong Kinh Thánh dạy: “Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.” (Cô-lô-se 4:5). Đây là cách đếm thời giờ khôn ngoan.
Làm thế nào chúng ta sử dụng thời giờ theo ý muốn của Chúa? Câu trả lời có trong Thánh Kinh. Thánh Kinh có 2 chữ để diễn tả thì giờ: Chữ thứ nhất là Chronos (Xpóvós) có nghĩa là giờ vật lý để đo thời gian, như khi vua Hê-rốt gọi riêng các nhà thông thái đi tìm Cứu Chúa, yêu cầu họ cho biết đích xác ngày giờ họ nhìn thấy ngôi sao đưa đường xuất hiện (Ma-thi-ơ 2:7) Chữ thứ nhì là Kairos (καιρός), là thời điểm, dịp tiện, không thể đo lường bằng đồng hồ, như trong câu Kinh Thánh: "Hãy nắm lấy mọi cơ hội để làm việc thiện cho mọi người nhất là anh em tín hữu." (Ga-la-ti 6:10)

Chính Chúa Cứu Thế Jesus dạy chúng ta phải quý trọng thời giờ, nắm giữ những dịp tiện trong đời, Chúa phán: “Hãy làm việc đang khi còn ban ngày, tối đến không ai có thể làm gì được.” (Giăng 9:4) Chúa chẳng những dạy mà còn thực hành những gì Ngài đã dạy. Khi ở trần gian nầy 33 năm, Chúa đã tận dùng thì giờ của mình, nhất là trong 3 năm rưởi cuối trên đất, Chúa không đánh mất một cơ hội nào. Mỗi lời Chúa phán ra là một câu châm ngôn, một khuông vàng thước ngọc cho con người noi theo.

Chúa đến nhà cứu gia đình của Xa-chê; Chúa đến cứu người đàn bà Samari là những người bị xã hội khinh khi; Chúa đến cứu con gái 12 tuổi của Giai-ru, là cai nhà hội, và cả người đàn bà bị bịnh mất huyết suốt 12 năm.
Bài học về thì giờ mà Chúa dạy rõ nhất là câu chuyện của 10 cô phụ dâu, gồm có 5 cô khôn và 5 cô dại dột. Năm cô khôn ngoan là năm cô cảnh giác, chuẩn bị dầu để thắp đèn chờ đợi chàng rể; năm cô khờ dại là 5 cô phí phạm thời gian cho đến khi chàng rể đến rước dâu thì họ không có dầu để thắp đèn và họ đã bị mất cơ hội dự tiệc cưới.
Nhiều người trên đời thành công, giàu có nhờ sự siêng năng, hăng hái làm việc của họ. Nhưng của cải, danh vọng sẽ tàn phai. Điều quan trọng hơn là biết tìm kiếm và biết đầu tư thì giờ mình cho những điều tồn tại vĩnh cửu là linh hồn mình, bằng cách hết lòng thờ Chúa và sống theo lời dạy của Chúa được chép trong Thánh Kinh.
Như vậy muốn sử dụng thì giờ theo ý muốn của Chúa, chúng ta chẳng những học theo cách Chúa sử dụng thì giờ mà còn phải thực hành lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Chúng ta cũng hoạch định chương trình cho mình mỗi ngày sẽ làm gì. Kinh Thánh cho chúng biết Đức Chúa Trời làm gì, Ngài hoạch định trong sự sáng tạo vũ trụ, sáng tạo quả đất, muôn loài muôn vật, tạo ra con người trong 6 ngày. Đến ngày thứ 7 Chúa nghỉ và ban phước cho ngày đó là ngày thánh để con người dành ra một ngày tưởng nhớ đến Ngài, thờ phượng Ngài và nghỉ ngơi.
Trong chương trình cứu rỗi của Chúa, Chúa cũng hoạch đinh trước. Đúng kỳ hạn Chúa Cứu Thế Giáng Trần. Trước khi Chúa tắt thở, Chúa nói xong rồi, chương trình cứu rỗi nhân loại đã được hoàn tất. Một sử gia Việt Nam ta ký thuật câu chuyện ông Nguyễn Du trước khi chết bảo người thân rờ bàn tay thấy lạnh, và ông nói “Được”, trong khi Chúa Cứu Thế Jesus trước khi trút linh hồn trên cây thập tự, Chúa nói “Xong” nghĩa là “Công cuộc cứu rỗi nhận loại đã hoàn tất!”

Sống ở các nước Tây phương, chúng ta quen dần với “Sự Đúng Giờ”. Nếu không, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc làm, trong mối giao tế xã hội v.v… Nếu chúng ta trễ cuộc hẹn, ta có thể bị mất việc, làm phí phạm giờ của người khác!

Điểm sau cùng, cũng là điểm quan trọng hơn hết, là chúng ta phải dành thì giờ cho mối liên hệ mình với Đấng Tạo Hóa. Thánh Kinh cảnh báo chúng ta rằng: "Phải nghĩ đến Tạo Hóa trong những ngày còn niên thiếu, trước thời kỳ khó khăn, khi những năm nặng nề đến trong đời mình, là thời gian ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trở nên lu mờ trong mắt, bầu trời như đầy mây chằng đen kịt. Vì ai cũng vậy, sẽ đến lúc sức mạnh hao mòn với tuổi tác, chân tay run rẩy, lưng khòm cúp, răng rụng dần không còn đủ để nhai, mắt mờ đi; lúc ăn môi phải mím chặt vì răng không còn, giọng nói yếu ớt thều thào; trong giấc ngủ dễ bị đánh thức, dù chỉ bởi tiếng chim hót lúc rạng đông; sợ không dám lên cao, đi đứng dễ ngã, tóc bạc phơ, người khô héo cằn cỗi, tình dục tắt ngấm, và cứ thế đi dần vào cõi chết là nơi ở ngàn thu; rồi những người thân khóc thương khi đưa đám tang qua các đường phố. Phải nghĩ đến Tạo Hóa khi còn trẻ, trước khi dây bạc sinh mệnh đứt, bát vàng vỡ bể, vò nước tan tành bên suối, bánh xe gãy vụn bên giếng, và tro bụi trở về cùng đất, còn linh hồn quay về với Thượng Đế, Đấng đã ban nó." (Truyền Đạo 12:1-7)

Ước mong trong năm mới nầy quý vị sẽ dùng thì giờ mình cách khôn ngoan, nhất là biết tôn thờ Đức Chúa Trời, mời Chúa Jesus, Đấng từ trời đã giáng trần 2000 năm trước, vào lòng mình. Xin quý vị dâng lên Chúa lời cầu nguyện, xin Ngài dạy quý vị biết đếm các ngày của quý vị, biết sử dụng thì giờ theo ý Chúa. Một bài thơ hay nói về cách sử dụng thì giờ:

  • Biết dành thì giờ để làm việc là giá trị của sự thành công.
  • Biết dành thì giờ để suy nghĩ là nguồn năng lực
  • Biết dành thì giờ để chơi là bí quyết giúp ta trẻ mãi
  • Biết dành thì giờ để đọc sách là nguồn của sự khôn ngoan
  • Biết dành thì giờ để kết tình bằng hữu là con đường đến hạnh phúc
  • Biết dành thì giờ để ước mơ là đưa con tàu ta đến các vì tinh tú
  • Biết dành thì giờ để yêu và được yêu là đặc ân của người được Chúa cho
  • Biết dành thì giờ để nhìn đến những người chung quanh là thu ngắn những ngày ích kỷ
  • Biết dành thì giờ để cười vui là "bản nhạc của tâm hồn". Nhưng
  • Biết dành thì giờ cho Đức Chúa Trời là số vốn đầu tư còn lại đời đời.

Chúa Jesus yêu quý vi, Chúa đã hy sinh tính mạng của Ngài vì quý vị. Chúa muốn quý vị sử dụng thì giờ Ngài ban một cách khôn ngoan, để năm mới nầy quý vị sẽ sống đời sống thành công, thịnh vượng và tràn ngập niềm vui. Rất mong quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus ngay giờ này.
Kính chào quý vị và các bạn.

Mục Sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang