Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, March 27, 2013

Xóa tan các bệnh ở bàn chân



Cách chữa trị chứng sưng khớp ngón cái, ngón chân bị khoằm xuống và các triệu chứng khác.
SƯNG KHỚP NGÓN CÁI
Cảm giác:  Một cái bướu xương lồi lên ở mép ngoài ngón chân cái
Xảy ra khi: Khớp thấp nhất bị chệch đốt, khiến phần cuối của xương nhô ra ngoài. Mặc dù mũi giày nhọn chèn ép các ngón chân có thể làm chứng sưng khớp ngón cái đau hơn, nhưng giày không phải là nguyên nhân. Các yếu tố chủ chốt là hình dạng của bàn chân và cách bạn đi bộ.



Cách xử lý: Để bớt đau chân, nên mua loại giày làm bằng chất liệu co giãn như da, như thế giày sẽ “uốn lượn” theo những chỗ cong của bàn chân. Trước khi mua, bạn nhớ đặt đế giày áp vào lòng bàn chân để đảm bảo phần mũi giày rộng ít nhất bằng bàn chân.
Việc dùng các miếng đế lót trong đặt làm, mà bất kỳ chuyên gia chữa bệnh chân nào cũng có thể cung cấp, sẽ giúp ngăn chứng sưng khớp ngón cái tệ hại hơn, nhưng phẫu thuật mới thực sự là biện pháp chữa trị duy nhất. Tuy vậy, các bác sĩ sẽ không đề nghị phẫu thuật nếu cơn đau không tệ đến nỗi bạn không thể hoạt động bình thường.
Hầu hết thủ tục gồm có bào mòn xương và điều chỉnh lại ngón chân này bằng một chiếc kẹp hay đinh vít, nên bạn sẽ đi cà nhắc từ một đến hai tháng sau đó. Ngoài ra, chứng sưng khớp ngón cái bướng bỉnh có thể quay lại trong 10-15% trường hợp.

NGÓN CHÂN KHOẰM XUỐNG
Cảm giác: Khớp của một trong các ngón chân (thường là ngón thứ hai) lồi lên thay vì nằm phẳng.
Xảy ra khi: Chứng sưng khớp ngón cái, lòng bàn chân phẳng hoặc lõm hay giày quá chật khiến ngón chân cái húc vào ngón thứ hai, tạo ra sức ép lên ngón chân và gây ra bệnh lý.
Cách xử lý: Thanh nẹp phân cách ngón, một miếng đệm bọt phẳng với vòng đàn hồi phía dưới ngón chân và bao quanh chỗ bị khoằm, có thể giúp giảm áp lực và ma sát do giày. Chuyên gia điều trị chân cũng có thể cho bạn những liều thuốc chống viêm để đối phó với cơn đau. Nếu bạn đã thử các lựa chọn đó và vẫn không thuyên giảm, phẫu thuật sẽ giúp hết đau vĩnh viễn. Một mảnh nhỏ của xương trên một hoặc cả hai bên của khớp được lấy ra để ngón chân có thể hết quặp, và thỉnh thoảng một chiếc kẹp sẽ được cài trong vài tuần để giữ ngón chân cố định đúng vị trí.

CỤC CHAI VÀ SẸO XƯƠNG
Cảm giác: Những lớp da chết dày lên. Trên các đầu ngón nhân, chúng được gọi là cục chai; ở lòng hoặc hai bên của bàn chân, chúng có tên là sẹo xương.
Xảy ra khi: Có quá nhiều áp lực hoặc ma sát lên bàn chân, thường là do giày không vừa hoặc do tình trạng dị dạng, chẳng hạn ngón chân khoằm xuống.
Cách xử lý:  Một hoặc hai lần một tuần trong lúc tắm, nhẹ nhàng chà xát vùng bị chai bằng đá bọt cho đến khi da bắt đầu chuyển sang màu hồng. Sau đó thoa loại kem làm mềm da chai sạn như Gordon Laboratories Gormel crème với 20% u-rê (13 USD cho 74ml, amazon.com). Nếu các lớp da thực sự quá dày, nên nhờ một chuyên gia trị bệnh chân cạo chúng trong phòng y tế (để đề phòng nguy cơ bị nhiễm trùng, không nên nhờ các tiệm nail thông thường làm điều này). Tránh dùng những miếng cao dán có chứa axit salicylic, chúng có thể làm bỏng lớp da khỏe mạnh và gây nhiễm trùng.

ĐAU GÓT CHÂN (PLANTAR FASCIITIS, VIÊM GÂN CƠ CÂN GAN BÀN CHÂN)
Cảm giác: Một cơn đau nhói hoặc bỏng rát ở gót chân, thường đau NHIỀU vào buổi sáng.

Xảy ra khi: Cân gan chân, một dải mô nối từ xương gót đến ngón chân, bị viêm. Điều này có thể do sự căng thẳng của việc có lòng bàn chân lõm hoặc phẳng khác thường, đứng hoặc đi bộ suốt ngày, thừa cân, hoặc thực hiện những hoạt động thể chất với cường độ cao.

Cách xử lý: Hãy thử những miếng yểm trợ lòng bàn chân hoặc miếng đế lót trong tùy chỉnh để làm giảm sức ép cho cân gan chân và một loại gel cục bộ có tên là Biofreeze, cũng có ở hiệu thuốc, để gia tăng lưu lượng máu và giảm cơn đau. Nếu bạn quá đau, liệu pháp siêu âm và sóng xung kích có thể tăng tốc cho quá trình chữa lành. Ngoài ra còn có một phương pháp phẫu thuật xâm lấn nhỏ mới có tên là phẫu thuật nội soi cân gan chân; phương pháp này tạo một vết cắt rất nhỏ lên cân gan chân giúp xoa dịu các mô căng thẳng. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhận thấy có tới 25% số người được phẫu thuật vẫn tiếp tục đau.

U DÂY THẦN KINH Ở NGÓN CHÂN
Cảm giác: Ngứa ran, bỏng rát hoặc tê cứng bàn chân. Nó có thể khiến bạn cảm thấy như đang đi bộ trên đá cuội.
Xảy ra khi: Các xương của hai ngón chân, thường là ngón thứ ba và thứ tư, ma sát lẫn nhau, bó chặt dây thần kinh ở giữa. Giày quá hẹp, nhồi nhét các ngón chân với nhau, thường cũng là nguyên nhân.
Cách xử lý: Hầu hết các chuyên gia khuyên nên chích cortisone để giảm đau, hoặc uống rượu, giúp làm tê liệt một phần dây thần kinh. Nếu chân bạn vẫn còn đau dù đã chích thuốc hay uống rượu, phẫu thuật có thể cắt bỏ dây thần kinh bị chèn ép.
Trích nguồn Tạp chí Women's Health