Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, December 4, 2011

BÀI TRỪ BẠO HÀNH PHỤ NỮ PHẢI BẮT ĐẦU TỪ TRONG GIA ĐÌNH




Rosaline Costa từ Dhaka, Bangladesh

Bà Rosaline Costa, điều phối viên Đường dây nóng Nhân quyền Bangladesh và được nhận Giải thưởng Công lý Hoà bình Tji Haek-soon của Hàn Quốc năm 1999, nói rằng nếu mọi gia đình đều có thể bảo đảm quyền phụ nữ ngang bằng với nam giới, chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn.

Những phụ nữ mang thai, dưỡng thai trong nhiều tháng và nuôi con khôn lớn bằng sữa mẹ chắc chắn khoẻ mạnh về thể chất, tâm hồn và linh hồn, nhưng sự khoẻ mạnh của họ trở nên vô ích khi đàn ông dùng vũ lực tra tấn và làm họ đau khổ.


Ngoài ra, theo kinh nghiệm lâu năm của tôi trong lĩnh vực nhân quyền, thật đáng tiếc là 80% vụ bạo hành phụ nữ diễn ra ngay trong gia đình. Một khảo sát từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay cho thấy có 665 phụ nữ bị giết hoặc tự vẫn trong quốc gia này, và hầu hết các vụ đau lòng này xảy ra là do bạo hành gia đình.

Chúng ta cần làm việc cật lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn bạo hành phụ nữ trong gia đình trước.

Phụ nữ Kitô giáo không khác gì phụ nữ ngoài Kitô giáo. Các Kitô hữu có con gái chưa lập gia đình ở nhà cũng lo lắng như những người khác trước sự gia tăng đáng báo động về tình trạng gọi là “Eve teasing” và việc sử dụng các công nghệ thông tin, trong đó có cả điện thoại di động và Internet, để xúc phạm phụ nữ.

“Eve teasing” là cụm từ được dùng rộng rãi ở Nam Á ám chỉ sự quấy rối tình dục phụ nữ ở nơi công cộng, thường phổ biến nơi giới trẻ, bao gồm rất nhiều cấp độ lạm dụng, từ tin nhắn gợi dục đến xúc phạm thân thể.

Ngay cả bố mẹ của các phụ nữ đã có gia đình cũng lo lắng. Cô dâu thường bị nhà chồng tra tấn thể xác và tinh thần nếu bố mẹ cô dâu không cho nhiều của hồi môn.

Tôi còn nghe kể nhiều bố mẹ đàng gái được yêu cầu phải lo chi phí đi nước ngoài cho chàng rể như là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Thật là đáng xấu hổ đối với Kitô hữu!

Tra tấn thể xác phụ nữ là một tệ nạn xã hội. Khoảng 35% đàn ông đánh đập vợ khi hai bên có tranh cãi. Kiểu ngược đãi này thường được bên chồng tán thành, và khi nạn nhân đến gặp linh mục, ngài thường không có giải pháp gì cho họ cả.

Đôi khi mẹ chồng khuyên con dâu “cố chịu” bằng cách nói “mẹ cũng bị đánh nhiều lần nhưng vẫn phải giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Giáo Hội cần có biện pháp thích hợp và đào tạo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân xoá bỏ bạo hành phụ nữ trong gia đình.

Quan hệ tình dục phóng túng và chênh lệch lớn về tuổi tác giữa vợ chồng cũng góp phần gây ra bạo hành phụ nữ. Có lần một người di dân theo Kitô giáo 36 tuổi kết hôn với một cô gái 17 tuổi và kẻ dâm đãng này bắt đầu tra tấn tình dục cô gái cả ngày lẫn đêm. Cô đến gặp cha xứ địa phương và vị linh mục chuyển cô ấy đến gặp tôi.

Sau đó tôi phát hiện ra người đàn ông đó đã có vợ bên Ý và chỉ làm hại đời cô gái khác để tìm thú vui. Tôi đã xử lý ít nhất 10 trường hợp như thế và giúp nạn nhân đưa ra những quyết định thích hợp cho cuộc sống trong tương lai.

Thường thì các cô gái Kitô giáo có học thức cao không tìm được bạn trai có ăn học đàng hoàng và do đó đời sống hôn nhân của họ bị tan vỡ. Phụ nữ đang ngày càng ý thức được quyền lợi của mình nhưng những điều họ không thể thay đổi thường mang lại phiền phức rất lớn cho họ.

So với cách đây 2 thập niên, tỉ lệ bạo hành phụ nữ đã giảm. Trước đây, số tảo hôn và bạo hành phụ nữ rất cao. Viễn cảnh này đang thay đổi vì phụ nữ ngày nay ý thức hơn và đi làm việc nhiều hơn. Nếu gặp bạo hành, họ biết đến gặp các lãnh đạo địa phương, các tổ chức hành pháp hay các nhóm nhân quyền để cầu cứu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm để xoá bỏ nạn bạo hành phụ nữ và cần có những nỗ lực chung. Những người có thiện chí trong xã hội dân sự có thể giúp đỡ nhiều hơn để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, và truyền thông cũng có thể đóng vai trò lớn hơn.

Giáo Hội cũng có cơ hội đóng vai trò lớn hơn bằng cách bổ nhiệm phụ nữ vào các chức vụ lãnh đạo và giúp họ tham gia bình đẳng như nam giới.

Khi các tổ chức của Giáo Hội tổ chức các chương trình dành cho phụ nữ, tôi thích nhìn thấy phụ nữ làm khách mời và là những người cốt cán hơn, chứ không chỉ có đàn ông. Họ còn có thể tham khảo ý kiến một số tổ chức nhân quyền cấp quốc gia có danh tiếng làm việc cho quyền lợi phụ nữ.

Phụ nữ cần có tiếng nói trong xã hội và tham gia tốt hơn trong mọi khía cạnh của đời sống trong đó có vai trò lãnh đạo, quyền thừa kế tài sản và hôn nhân.

Giáo hội, xã hội và nhà nước cần phải bắt đầu làm việc ngay từ bây giờ để loại trừ nạn bạo hành phụ nữ ra khỏi gia đình và xã hội. Nếu mọi gia đình đều có thể bảo đảm quyền phụ nữ ngang bằng với nam giới, chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn.

Bố mẹ và con cái trong gia đình cần nhận thức rằng chính vì nỗi đau và sự hy sinh của phụ nữ mà chúng ta mới có thể thấy được ánh sáng của thế giới. Mọi xúc phạm phụ nữ không khác gì làm nhục chính mình.

 
Nguồn: UCAN