Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, December 11, 2011

Tin Mừng Cho Muôn Dân


Đây là Trang Tin Lành, và Tin Lành là tin vui được loan báo lần đầu tiên trong đêm Chúa Giê-xu giáng sinh. Thiên thần của Chúa đã đến với những người chăn chiên bên ngoài thành Bết-lê-hem và phán rằng: Đừng sợ chi, vì nầy ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ là tin vui lớn cho muôn dân. Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sinh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa.




Nghe tin tức hằng ngày, chúng ta nghe tin vui thì ít, tin dữ thì nhiều. Nhưng tin vui cũng rất mong manh không kéo dài được lâu. Hôm nay trong mùa Giáng sinh, tôi xin nhắc lại tin mừng đã đến với nhân loại 2,000 năm trước nhưng vẫn còn giá trị và quí vị vẫn có thể tiếp nhận tin mừng nầy cho chính mình hôm nay. Lời đầu tiên thiên thần nói với những người chăn chiên là đừng sợ. Những người chăn chiên lúc ấy sợ hãi vì sự xuất hiện đột ngột của thiên thần và vì ánh sáng chói lòa. Tuy nhiên, sợ hãi cũng là bản tính tự nhiên của con người và sợ hãi là hậu quả của tội lỗi. Tổ tiên loài người là A-đam sau khi phạm tội trong vườn địa đàng đã thưa với Chúa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn nên tôi sợ. Sợ hãi là hậu quả tất nhiên của tội lỗi. Khi phạm tội, làm điều sai quay, tâm hồn chúng ta không thể bình an, nhưng mang nhiều nỗi xao xuyến lo âu. Bản tính tội lỗi của con người cũng khiến cho con người sợ hãi nhiều điều: sợ bệnh tật, sợï chết, sợ tương lai, sợ người chung quanh.
Tin mừng đầu tiên đến với con người bảo chúng ta đừng sợ. Bạn có đang sợ hãi, lo lắng điều gì không? Đó là hậu quả tất nhiên của tội lỗi, nhưng tin mừng cho chúng ta là chúng ta không còn phải sợ hãi nữa vì Thiên Chúa đã vào đời để cứu chúng ta. Cứu chúng ta ra khỏi sợ hãi nữa vì sợ chính là hậu quả của tội lỗi. Con người chúng ta thường sợ khi sống trong bóng tối. Bóng tối thật là đe dọa lớn cho con người. Sợ hãi và bóng tối luôn luôn đi chung với nhau. Chính vì vậy mà lời tiên tri về Chúa Giáng sinh được ghi như sau: Dân đi trong bóng tối đã thấy ánh sáng lớn và ánh sáng đã chiếu rọi trên những người ở trong bóng tối của tử thần. Nhân loại đang đi trong bóng tối, đang sống trong bóng tối và chính vì vậy mà sống trong sợ hãi. Chúa Giê-xu giáng sinh đã chiếu ánh sáng của Ngài cho chúng ta, soi đường dẫn lối cho chúng ta. Chúa phán: Ta là ánh sáng của trần gian, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối nhưng có ánh sáng sống.
Chúa Giê-xu là ánh sáng của nhân loại, đây không phải là một lối nói ví von nhưng là một kinh nghiệm that trong đời sống của những người theo Chúa và những người không có Chúa cũng đang sống trong sợ hãi, lo âu vì đang sống trong bóng tối, thiếu ánh sáng của Thiên Chúa. Nhiều người sống trong bóng tối nhưng không biết mình ở trong bóng tối vì sống trong bóng tối đã lâu, đã quen với bóng tối và không còn thấy đó là bóng tối nữa. Chúng ta cần ý thức việc mình đang sống trong bóng tối, đang làm nô lệ cho những sức mạnh của bóng tối và tội lỗi và đến với ánh sáng của Chúa để không còn sợ hãi, lo âu.
Sau khi bảo những người chăn chiên đừng sợ, thiên thần cho họ biết rằng sỡ dĩ họ không nên sợ vì có một tin vui, một tin mừng cho họ. Tin vui hay tin mừng đó là Chúa Cứu Thế đã ra đời. Chúa Giê-xu đã giáng sinh để cứu nhân loại. Tin mừng nầy được mô tả là niềm vui lớn cho nhân loại. Tiếp theo sau sợ hãi, ưu phiền hay buồn rầu là một nỗi khổ lớn của nhân loại. Nhân loại ưu tư, buồn rầu vì gánh nặng tội lỗi. Giữa mùa Giáng sinh tưng bừng nầy, nhưng ai có tâm sự buồn chắc không thể nào vui được, nhưng sự việc Chúa Giê-xu giáng sinh được mô tả là niềm vui lớn cho muôn dân. Việc Chúa Giê-xu giáng sinh không chỉ giới hạn cho một đất nước, một nhóm người nhưng cho toàn thể nhân loại vì cả nhân loại mang cùng một căn bệnh. Căn bệnh đó là căn bệnh tội lỗi, bị ngăn cách khỏi Đức Chúa Trời thánh khiết. Chính vì vậy mà u sầu, ưu tư là căn bệnh triền miên của nhân loại.
Đêm giáng sinh đầu tiên, thiên thần đã loan báo hai điều, họ bảo những người chăn chiên đừng sợ và đây là tin vui cho họ và cho toàn nhân loại: Đấng Cứu Thế đã ra đời. Nói đến Đấng Cứu Thế là nói đến nhu cầu cứu rỗi. Con người cần được cứu ra khỏi điều gì? Trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, dưỡng phụ Ngài là ông Giô-sép được lệnh của thiên thần phải đặt tên Ngài là Giê-xu. Tên của Ngài là Giê-xu nghĩa là sự cứu rỗi của Chúa Hằng Hữu.
Con người trải mọi thời đại cần ơn cứu rỗi vì con người đã mắc tội với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là Đấng đã tạo dựng nên muôn vật mọi loài và loài người chúng ta có bổn phận phải tôn thờ Ngài, nhưng chúng ta đã không làm như vậy. Trái lại, chúng ta đã bỏ con đường ngay, lẽ phải, sống theo tư dục, xa lìa Đức Chúa Trời. Một khi từ bỏ Chúa, không tôn thờ Ngài, con người tự nhiên đi vào con đường tội lỗi và phạm đủ mọi thứ tội và con người cần được giải thoát, cần được cứu ra khỏi gông cùm, xiềng xích của tội lỗi.
Có thể con người cho rằng mình không mắc tội gì vì mình là người ăn ngay ở lành, sống đúng đạo làm người, không làm thiệt hại ai điều gì làm sao bảo rằng mình là người có tội? Tội lỗi thật ra là không đạt đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể cho rằng mình là người hiền lương, nhưng so với tiêu chuẩn của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những con người tội lỗi. Tội lỗi trước hết vì không tôn thờ Thiên Chúa. Sâu kín trong đáy lòng, chúng ta biết có Ông Trời, có Đấng Tạo Hóa. Ngài là Đấng Cao Cả, vĩ đại hơn hết mà nếu chúng ta không thờ Chúa, lại đi tôn thờ tạo vật của Ngài, đó là chúng ta đã mắc tội với Chúa. Người xưa nói rằng, Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giả! Và đúng như vậy, tất cả tôn giáo ở đời đều là cố gắng của con người nhằm giải quyết vấn đề tội lỗi, nhưng những cố gắng nầy đều thất bại vì đều đến từ con người. Chỉ giải pháp từ Trời mới giải quyết vấn đề cho con người. Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh làm người là giải pháp của Đức Chúa Trời để giải quyết vấn đề tội lỗi cho con người.
Tội lỗi đòi hỏi phải có án phạt và Chúa Giê-xu giáng sinh là để chịu án phạt thế cho chúng ta. Chúng ta kỷ niệm ngày giáng sinh cách trọng thể ngày đáng cho chúng ta kỷ niệm hơn là ngày Chúa chết và sống lại. Mục đích chính Chúa Giê-xu giáng sinh là để cứu rỗi nhân loại, giáng sinh chỉ là khởi điểm của chương trình cứu rỗi. Và chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cũng không có ý nghĩa gì nếu con người chúng ta không tiếp nhận. Chúng ta có thể vui giáng sinh, dự lễ giáng sinh nhưng điều quan trọng hơn cả là mời Chúa giáng sinh ngự trị tâm hồn. Đời sống con người trải mọi thời đại đầy dẫy những lo âu, phiền muộn. Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng trần là để giải thoát chúng ta khỏi mọi lo âu phiền muộn do tội lỗi gây ra. Chúa Giê-xu giải quyết vấn đề tận gốc rễ vì Ngài đã chịu chết để cứu rỗi nhân loại. Tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa nghĩa là nhận rằng mình là tội nhân, ăn năn tội và mời Chúa Giê-xu ngự trị tâm hồn, để cho Ngài làm Chủ cuộc đời, hướng dẫn mọi đường đi, nước bước của chúng ta.
Khi Chúa Giê-xu giáng sinh và thiên thần báo tin mừng nầy cho những người chăn chiên, thiên thần chẳng những gọi Ngài là Đấng Cứu Thế nhưng cũng gọi Ngài là Chúa. Chúa nghĩa là Chủ, người nắm trọn quyền trên đời sống chúng ta. Tin Chúa Giê-xu không phải là theo một tôn giáo nhưng tin Chúa Giê-xu là chọn cho mình một hướng đi, một lý tưởng sống. Tin Chúa Giê-xu là nhận rằng có Đấng Tạo Hóa toàn năng đã tạo dựng chúng ta và là con người chúng ta phải tôn thờ Chúa. Chúng ta tôn thờ Chúa qua con đường cứu rỗi của Chúa Giê-xu là Thiên Chúa trong thân xác con người, giáng trần chịu chết thay cho con người và sống lại, về trời để rồi sẽ trở lại trần gian này lần thứ nhì, không phải để cứu nữa nhưng để xử án. Người nào không tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ đương nhiên lãnh bản án chết đời đời nơi hỏa ngục. Thiên Chúa nhân từ, đầy tình thương nhưng cũng là Thiên Chúa thánh khiết, không thể dung dưỡng tội lỗi. Hôm nay tin mừng cứu rỗi của Thiên Chúa đến với chúng ta, chúng ta cần tiếp nhận để kinh nghiệm ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó mới là thực sự kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu giáng trần vì Chúa Giê-xu giáng trần chỉ với mục đích duy nhất là cứu rỗi nhân loại. Tiếp nhận hay không là quyền tự do của chúng ta, nhưng một khi đã quyết định, ta không thể thay đổi kết quả của quyết định. Bạn quyết dịnh như thế nào trong mùa Giáng Sinh nầy? Tiếp nhận hay khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa? Lời Chúa dạy: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian để cứu vớt người có tội, đó là lời chắc chắn đáng đem lòng tin trọn vẹn mà tiếp nhận.