Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, June 14, 2012

Tình Phụ Tử



Tháng Năm vừa qua chúng ta đã có một ngày Chúa Nhật đặc biệt để nghĩ đến công ơn của mẹ. Chúa Nhật sắp đến đây chúng ta lại có một ngày đặc biệt nữa để nhắc đến công ơn của cha. Những người may mắn có một người cha thương yêu, gần gũi và thông cảm, trong ngày Lễ Từ phụ thật sung sướng và hãnh diện khi nghĩ đến người cha thân yêu của mình. Nhưng đối với những người kém may mắn, có một người cha không sống đúng với cương vị của một người cha trong gia đình, ngày lễ này có thể gợi lại nhiều kỷ niệm đau buồn.


Ngày lễ dành cho các ông cha là ngày để con cái ghi ơn người đã sinh thành ra mình và bày tỏ lòng biết ơn đó qua những hành động cụ thể. Thiên chức làm cha là một thiên chức cao quý mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho quý ông. Một thiên chức kèm theo nhiều thẩm quyền và trách nhiệm. Tuy nhiên, có những ông cha chỉ sử dụng thẩm quyền mà không chu toàn trách nhiệm. Cũng có những người cha đã bỏ quên thiên chức cao quý đó để sống một đời sống phóng túng và ích kỷ. Chẳng hạn như có người bội lời thề ước ban đầu để chạy theo người tình mới, làm cho vợ đau khổ, con cái bơ vơ, gia đình tan nát. Có những ông cha ham cờ bạc hoặc tiêu xài tiền bạc cách phung phí làm khổ vợ con, gây nợ nần cho gia đình. Chúng ta cũng thấy có biết bao nhiêu ông cha vướng vào bệnh hút sách, nghiện ngập say sưa, khiến vợ con phải hầu hạ thật là vất vả. Ngoài ra cũng không thiếu những ông cha ích kỷ, lúc nào cũng muốn ăn trên ngồi trước, muốn vợ con phải phục vụ chiều chuộng mình còn chính mình thì không phục vụ ai bao giờ.

Thiên Chúa trao cho người đàn ông trách nhiệm làm chồng, làm cha và phán: ”Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, phó chính mình vì hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). ”Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4).
Khi chúng tôi có dịp hỏi thăm một số người về những suy tư đối với cha hoặc những kỷ niệm với người cha của mình, chúng tôi thấy mỗi người có những kinh nghiệm và những ước mơ khác nhau nhưng tựu trung, người nào cũng kính yêu cha và trông mong được cha yêu thương và thông cảm.

Chúng ta thường nghĩ con cái cần tình thương của mẹ nên người mẹ phải gần con, yêu thương con còn người cha không nhất thiết phải gần con. Chúng ta cũng nghĩ rằng người cha phải nghiêm khắc và giữ một khoảng cách với con để con nể sợ, nếu gần gũi hay thân mật với con quá sẽ khó hướng dẫn con vào khuôn phép. Thật ra những suy nghĩ này lắm khi không đúng. Trước hết không phải con cái chỉ muốn gần mẹ mà không muốn gần cha. Các nhà tâm lý học cho biết rằng con trai cũng như con gái đều muốn đến gần người cha và cần có ảnh hưởng tốt của cha trên đời sống mình. Tình thương và sự chăm sóc của người mẹ đáp ứng một số nhu cầu cho đời sống con, nhưng mẹ không thể thay thế cha, tình thương của mẹ cũng không thể thay thế tình thương của người cha. Người mẹ có thể làm gương cho con và hướng dẫn con trong vai trò làm vợ làm mẹ, làm một người nội trợ trong gia đình, nhưng không thể giúp con trong vai trò làm chồng làm cha và làm người lãnh đạo gia đình.
Nếu con cái chỉ ở gần mẹ và nhìn thấy mẫu mực của mẹ mà không ở gần cha, không có mối quan hệ gần gũi với cha, sẽ khó tăng trưởng quân bình trong mọi phương diện. Người ta cho biết, có những người con gái cần tình thương của cha nhưng không nhận được tình thương đó nên đã đi tìm sự bù đắp tình thương của cha nơi người bạn khác phái. Những người con gái có bạn trai quá sớm thường là vì thiếu tình thương của người cha. Những người con trai ngăn cách với cha về mặt tình cảm, hoặc lớn lên thiếu tình thương của người cha, cũng thường tìm tình thương đó nơi những người bạn cùng phái và dễ đi đến chỗ đồng tính luyến ái. Đây là những ảnh hưởng lớn lao và những nguy hiểm mà nhiều khi các ông cha không biết.

Qua tâm tình những người làm con đã chia xẻ, chúng tôi thấy con cái có những mơ ước sau đây mà chúng tôi xin phép gởi đến quý vị là các bậc làm cha:

1. Ước mong cha đặt lại đúng thứ tự ưu tiên
Trong đời sống, nhất là đời sống trong xã hội văn minh và có nhiều cơ hội tiến thân như xã hội chúng ta đang sống, có rất nhiều điều cho chúng ta đeo đuổi. Hầu hết những điều đó tự nó không có gì là xấu. Chẳng hạn như học hành để có những bằng cấp cao, đi làm nhiều ngày nhiều giờ để có nhiều tiền, tham gia công tác cộng đồng, tôn giáo, v.v... Tuy nhiên, những cơ hội đó có thể lôi kéo các ông và khiến các ông quên đi trách nhiệm đối với gia đình, nhất là đối với con cái. Nếu các ông không chăm sóc gia đình mình thì sẽ không ai thay thế các ông chăm sóc gia đình. Vì thế gia đình phải được đặt lên trên công việc, phải được xem là quan trọng và quý trọng hơn công việc.

Ngày nay có nhiều ông cha, nhất là những ông cha trẻ đang bị lôi cuốn vào công việc và quên trách nhiệm đối với con cái. Có những người vì muốn thi đua với bạn bè, cố gắng kinh doanh thật lớn, làm ra thật nhiều tiền nên không ngần ngại nhận những công việc đòi hỏi phải làm 12-14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hoặc phải đi xa gia đình cả tháng. Những ông cha đó không biết đứa con nhỏ của mình biết đi lúc nào, bắt đầu tập nói như thế nào. Có người không nhớ sinh nhật của con, cũng không biết con đã học đến lớp mấy. Có những em nhỏ ít gặp cha, ít được cha yêu thương gần gũi đến nỗi thấy mặt cha là hoảng sợ như gặp người lạ. Những người làm thống kê cho biết, tính trung bình, các em nhỏ dưới 5 tuổi mỗi ngày xem ti-vi khoảng 5-8 tiếng đồng hồ nhưng gặp mặt bố hay nói chuyện với bố không tới 5 phút.

Không những con cái mong cha xem gia đình quan trọng hơn công việc nhưng cũng xem vợ con quan trọng hơn bạn bè và xem tình người quan trọng hơn tài sản và tiền bạc. Nhất là ước mong quý ông cha đừng lấy tiền bạc hay vật chất để mua tình thương của con. Điều này chỉ khiến con hư hỏng, đua đòi mà không biết quý công khó của cha mẹ.

Nhiều ông cha ngày nay tiếng là sống ở xứ tự do nhưng thật ra đang làm nô lệ cho nhiều điều và vì thế đã đặt thứ tự ưu tiên hoàn toàn sai lầm. Những ông cha này xem công việc quan trọng hơn gia đình nên lúc nào cũng bận rộn với công việc và không còn thì giờ hay tâm trí gì cho vợ con. Lúc ở nhà với vợ con thì mệt mỏi nên hay bực bội gắt gỏng. Có người thì xem bạn bè quá nể trọng, sẵn sàng làm buồn lòng vợ con hoặc thất hứa với con để chiều ý bạn. Cũng có những ông cha xem cái xe cái nhà hay những vật chất khác quý hơn con cái. Khi con lỡ làm hư hỏng những đồ đạc đó thì đánh đập hoặc la mắng con thậm tệ. Cách đối xử của những người cha như thế thường khiến con cái muốn thoát ly gia đình sớm.
2. Ước mong cha dành nhiều thì giờ hơn cho con
Đây là điều rất cần đối với những gia đình có con còn nhỏ. Con cái chỉ ở gần bên cha mẹ trong khoảng 12 năm đầu. Sau đó chúng sẽ cần bạn và muốn theo bạn nhiều hơn. Thì giờ là điều rất quý giá, khi thì giờ đã qua đi chúng ta không thể làm gì để níu kéo lại, cũng không thể lấy gì để mua lại. Thì giờ là món quà quý nhất các ông cha có thể tặng cho con. Nếu được cha cho một món đồ chơi đắt tiền, các em sẽ vui thích và chơi món đồ chơi đó một thời gian. Nhưng sau đó các em sẽ quên đi và sẽ mơ ước những món đồ chơi khác. Trái lại nếu được cha dành thì giờ chăm sóc, đưa đi chơi nơi này nơi kia hay tâm tình trò chuyện cách gần gũi thân mật, những thì giờ đó con sẽ không bao giờ quên. Có một người con gái nọ, tuy bây giờ đã lập gia đình có con cái và không được sống gần bên cha nhưng cô không bao giờ quên những lần được cha chở đi học, đi chơi, những lúc được cha đưa đi mua sách vở chuẩn bị cho ngày tựu trường, v.v... Những kỷ niệm về sự chăm sóc của người cha để lại một ấn tượng đẹp đẽ và có giá trị lâu bền hơn trăm lần những món quà đắt tiền người cha gởi cho con vì không thể có mặt bên cạnh con trong những dịp đặc biệt.
Sau đây là một vài điều chúng tôi xin đề nghị với quý ông cha có con còn nhỏ để có thể có thì giờ với con.

1.   Nếu có thể được, xin quý ông cố gắng thay đổi giờ làm việc hoặc bớt lại giờ làm việc để có thể ở gần bên con trò chuyện, chơi đùa với con nhiều hơn.
2.   Xem giờ cơm tối là giờ quan trọng của gia đình, không thể vắng mặt được. Trừ những trường hợp bất khả kháng, quý ông cha nên cố gắng có mặt trong bữa cơm tối của gia đình. Quây quần bên bàn ăn là thì giờ người trong gia đình dễ cởi mở trò chuyện với nhau, trao đổi tin tức trong ngày. Trong thì giờ quý báu này chúng ta nên hỏi cho con nói và chú ý nghe hơn là dặn dò khuyên bảo con việc này việc kia.
3.   Bỏ bớt giờ xem ti-vi hoặc gặp gỡ bạn bè để có thì giờ cho con, chơi với con hoặc giúp con làm bài, học bài.
4.   Khi có dịp đi nghỉ hè, nên tính thế nào để cho con cái có thể đi chung.
5.   Nếu chơi thể thao nên chơi những môn thể thao nào có thể con cùng tham dự

3. Ước mong cha nghĩ đến hạnh phúc chung của gia đình mà bớt đi những cuộc vui riêng tư, không ích lợi và bớt đi những đòi hỏi ích kỷ hay những sự nóng nảy quá đáng.

4. Ước mong cha bày tỏ tình thương với con cái một cách cụ thể hơn
Con cái, đặc biệt là các em ở tuổi thiếu niên, biết cha thương mình nhưng nhiều lúc phải tự nhủ với chính mình về điều đó vì cha ít khi nào bày tỏ tình thương một cách rõ ràng.
Đây là tâm tình của một số những người con chưa cảm nhận được tình thương của cha dành cho mình. Trong một dịp khác chúng tôi sẽ trình bày về những điều con cái có thể làm để tình cha con được thắm thiết, sâu đậm và bền chặt hơn.
Minh Nguyên