Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, July 25, 2012

TẠI SAO CÓ ĐAU KHỔ VÀ ĐIỀU ÁC? -3


Hình phạt xảy đến sau lời cảnh cáo
Thật sự, một trong những chân lý sâu sắc trong toàn bộ Kinh Thánh là hình phạt của Đức Chúa Trời luôn xảy đến sau lời cảnh cáo. Xuyên suốt Cựu Ước, chúng ta thấy có những lời khẩn khoản của Đức Chúa Trời và lời cảnh cáo về sự đoán phạt được lặp đi lặp lại. Chỉ sau khi đương sự bỏ qua lời cảnh cáo và khinh thường nó thì hình phạt mới xảy đến. Những lời đầy cảm động của Đức Chúa Trời là ví dụ: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui... Các ngươi khá xây bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?" (Ê-xê-chi-ên 33:11).


Cùng chủ đề nầy vẫn tiếp tục trong Tân Ước. Còn hình ảnh nào mô tả về tình yêu thương và sự nhịn nhục của Đức Chúa Trời cảm động hơn là cảnh Chúa Giê-xu than khóc cho Giê-ru-sa-lem: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem... bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!" (Ma-thi-ơ 23:37). Chúng ta có lời rõ ràng của Phi-e-rơ rằng Chúa không muốn cho "một người nào bị chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn" (II Phi-e-rơ 3:9).
Khi có ai hỏi: “Tại sao một Đức Chúa Trời tốt lành lại có thể đẩy người ta xuống địa ngục?" chúng ta phải vạch rõ rằng, theo một ý nghĩa thì Đức Chúa Trời không đẩy bất kỳ ai xuống địa ngục hết. Chúng ta tự đẩy mình xuống đó. Đức Chúa Trời đã làm mọi thứ cần thiết để cho chúng ta được tha thứ, được cứu chuộc, được thanh tẩy và xứng đáng vào thiên đàng. Phần còn lại cho chúng ta là nhận lãnh món quà đó. Nếu chúng ta từ chối nó, Đức Chúa Trời không có chọn lựa nào khác hơn là cho chúng ta điều mình đã chọn lựa. Đối với người không muốn ở với Đức Chúa Trời, ngay cả thiên đàng cũng trở thành địa ngục.
Dầu lắm lúc chúng ta có thể lấy sự đoán phạt của Đức Chúa Trời để giải thích sự đau khổ, nhưng cũng có nhiều khả năng khác cần xem xét. Như chúng ta đã thấy trước đây, loài người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của tội lỗi và sự chết vào trong thế gian nầy. Chúng ta đừng quên rằng những việc làm sai trái của con người cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm đối với những hoạn nạn và đau khổ trong thế giới ngày nay. Cẩu thả trong việc xây dựng một tòa nhà đôi khi cũng đưa đến hậu quả là ngôi nhà bị sập trong cơn bão, gây ra sự thiệt mạng và bị thương cho nhiều người. Bao nhiêu mạng sống đã bị cướp đi do những người lái xe say rượu gây nên? Những tội gian lận, dối trá, trộm cắp và ích kỷ là những đặc điểm trong xã hội của chúng ta ngày nay đều gặt hái hoạn nạn đầy cay đắng. Chúng ta không thể trách Đức Chúa Trời về những việc này được! Cứ nghĩ xem có bao nhiêu hoạn nạn đau khổ đã phát sinh từ những việc làm sai trái của con người, thật kinh khủng khi người ta chịu bao nhiêu tai họa gây ra do cách này. 
Có ma quỷ không?  
Nhưng không phải chỉ có loài người sống đơn độc trên quả đất này. Nhờ sự mạc khải thiên thượng chúng ta biết có sự hiện diện của "kẻ thù", chính là ma quỷ. Chúng ta được biết là tùy cơ hội, nó xuất hiện dưới nhiều hình thức thích hợp với từng hoàn cảnh. Nó có thể hiện ra như một thiên sứ sáng láng hay như con sư tử rống, tùy theo từng hoàn cảnh và mục đích của nó. Tên nó là Sa-tan. Đức Chúa Trời đã từng cho phép nó hành hại Gióp (Gióp G 1:6-12). Trong chuyện ngụ ngôn về hột giống tốt và cỏ lùng, Chúa Giê-xu đã giải thích việc phá hoại mùa màng của người nông dân như sau: “ấy là kẻ thù đã làm điều đó" (Ma-thi-ơ 13:28). Sa-tan rất vui khi được phá hoại công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời và gây ra đau khổ, hoạn nạn cho dân sự Ngài. Đức Chúa Trời cho nó một số quyền lực giới hạn nhưng qua quyền năng của Chúa Giê-xu Christ, chúng ta có quyền trên Sa-tan. Chúng ta được bảo đảm “Hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em" (Gia-cơ 4:7). Tuy nhiên Sa-tan cũng gây ra một vài chứng bệnh và sự đau khổ trong thế giới ngày nay.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời cho Sa-tan được quyền gieo rắc đau khổ, chúng ta có thể mượn lời của Robinsin Crusoe đáp lời người đầy tớ tên Friday của mình.
Friday hỏi: “Thưa ông chủ, ông nói rằng Đức Chúa Trời rất mạnh, rất vĩ đại; vậy Ngài có mạnh và quyền năng bằng ma quỷ không?"
"Có chứ, có chứ; Friday à, Đức Chúa Trời mạnh hơn ma quỷ rất nhiều”.
"Nhưng nếu Đức Chúa Trời mạnh hơn và quyền năng hơn ma quỷ thì tại sao Ngài không tiêu diệt ma quỷ đi để nó không làm điều ác nữa?"
Crusoe trả lời sau khi suy nghĩ: “Vậy sao mày không hỏi tại sao Đức Chúa Trời không giết cả tao với mày đi khi chúng ta làm điều ác và xúc phạm đến Ngài?"
Đức Chúa Trời cảm nhận được những đau khổ của chúng ta
Khi khảo sát về vấn đề đau khổ và hoạn nạn, cho dù về mặt thể xác hay tinh thần, chúng ta cần nhớ một nhận xét quan trọng khác. Đức Chúa Trời không ở xa, đứng từ xa và không thấu rõ hay lánh mặt những người thuộc về Ngài trong cơn khốn khó của họ. Chẳng những Ngài ý thức được sự khốn khổ mà Ngài còn cảm biết được nó nữa.
Không hề có sự đau khổ hoạn nạn nào đến với chúng ta mà chưa đi qua tấm lòng và bàn tay của Đức Chúa Trời trước. Dầu chúng ta có thể chịu khốn khổ đến thế nào, thì cũng phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là một thống khổ nhân vĩ đại. Những lời nhà tiên tri Ê-sai dự báo về sự thương khó của Đấng Christ yên ủi chúng ta nhiều lắm: “Người đã bị người ta khinh dễ và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm" (Ê-sai 53:3). Một trước giả khác nhắc nhở chúng ta: “Vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi chịu cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy" (Hê-bơ-rơ 2:18). Và "Vì chúng ta không hề có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ chịu thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội" (4:15). Chúng ta cũng được biết thêm: “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 4:30).
Vấn đề của tội ác và đau khổ là một trong những nan đề sâu sắc nhất của mọi thời đại. Đến thời đại chúng ta vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và sinh hóa. Không dễ gì trả lời và chúng ta cũng chưa có câu trả lời dứt khoát. Tuy nhiên chúng ta vẫn có được những đầu mối.