Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, December 25, 2018

Con chim xa tổ


--
                                



Báo điện tử “Dân Trí” số ra ngày 11-5-2014 đăng tin nóng sốt sau đây: “Sáng nay, một người H’Mông lưu lạc sang Pakistan về đến Việt nam”. Bản tin viết tiếp, “Lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân huyện Mèo Vạc, Hà Giang vừa thông báo, vào lúc 10 giờsáng 11/5 anh Vừ Già Pó về đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội trên chuyên cơ mang số hiệu TG 560 của hãng Hàng không Thái Lan, sau hành trình lưu lạc 5 ngàn 800 km tới Pakistan”.

Câu chuyện con người lưu lạc nầy xảy ra như sau. Anh Pó khoảng chừng 36 tuổi, có vợ con, sống ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, địa đầu tổ quốc. Vào ngày 30-4-2012, anh cùng bạn bè sang Trung quốc lao động theo hợp đồng. Gặp trở ngại trong công việc, anh bỏ trốn về nước, nhưng vì tâm trí không sáng suốt, anh đi lang thang dọc theo biên giới các nước Lào, Myanmar, Bangladesh, Ấn độ và cuối cùng đến Pakistan, trong vùng có sự căng thẳng, tranh chấp giữa Ấn độ và Pakistan. Công an biên phòng Pakistan bắt giữ và giam cầm anh. Họ không biết anh là ai, vì anh không thể nói cho họ hiểu về anh. Một thành viên Hội Trăng lưỡi liềm đỏ cho anh xem tất cả các loại cờ quốc gia Á châu trên internet. Anh ra dấu anh thuộc về nước có quốc kỳ Việt Nam. Do sự liên lạc của nhà cầm quyền Pakistan với tòa đại sứ Việt Nam ở Pakistan, anh đã được về nước vào ngày 11-5-2014, sau gần hai năm lưu lạc ở xứ người trong sự đau khổ, ngày đêm khóc lóc không nguôi. Anh đã khóc òa khi gặp lại vợ con và tổ quốc.



Câu chuyện lưu lạc của anh Pó gợi cho chúng ta một câu châm ngôn trong Thánh kinh. Châm Ngôn 27:8 có ghi lời nhận xét sâu sắc của vị hoàng đế khôn ngoan bậc nhất của dân tộc Do Thái là Sa-lô-môn như sau:

“Kẻ lưu lạc xa cách nơi ở của mình, giống như chim bay đây đó khỏi tổ nó vậy”.

Con người lưu lạc được ví sánh như con chim xa tổ. Không con chim nào sống nổi nếu xa bầy, xa tổ; không con người nào sống vui, an nghỉ nếu phải xa nhà, xa cội nguồn của mình. Con chim bơ vơ, cảm thấy lạnh lẽo, đơn côi khi phải xa tổ ấm của mình. Con người cảm thấy đau đớn, đói khát, bơ vơ, bất ốn khi phải xa nơi ở êm ấm. Có một lời trên Facebook cũng đồng cảm như vậy:

“Nếu một ngày chim xa tổ,

Cây lìa cành và gió ngừng thổi,

Chim chóc ngừng bay;

Người với người sẽ không gặp nhau,

Cuộc sống này sẽ ra sao nhỉ?”

Môi-se, một chính khách của dân Do Thái thời cổ, đã lưu lạc nơi đất khách quê ngươi đến 40 năm dài đằng đẵng. Cuối cùng ông khám phá rằng chính Đức Chúa Trời mới là nơi ở đời đời của ông, cả trong đời nầy và cõi đời đời lai thế. Ông đã san sẽ kinh nghiệm tâm linh của ông như sau: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia, Chúa là nơi ở của chúng tôi” (Thi thiên 90:1). “Con chim xa tổ” Môi-se đã tìm được nơi an nghỉ trong Đức Chúa Trời!

Dân tộc Do thái vong quốc, lưu lạc trên 1 ngàn 9 trăm năm, sống nhờ hầu hết mọi nước trên địa cầu từ năm 70 S.C.N. Họ rất khổ, rất nhục vì tình trạng mất nước, sống lang thang, hết nước nầy đến nước khác, bị khinh miệt, xua đuổi, đàn áp, diệt chủng khắp nơi. Khi gặp nhau, họ thường chúc nhau “sang năm về Si-ôn”—là cố đô của họ. Nhưng mãi đến năm 1948 tình trạng lưu lạc, không tổ quốc của họ mới chấm dứt. “Con chim xa tổ” Do Thái đã tìm lại được chiếc tổ của mình.

Bạn thân mến, cho dù bạn có đầy đủ mọi sự trên đời này như gia đình êm ấm, bằng cấp cao, học thức rộng, sự nghiệp phát triển, tiền rừng bạc bể, nhà cao cửa rộng, tâm hồn bạn có đang vui thỏa chăng? Trong lòng bạn có bình an sâu xa chăng? Bạn đang sống với một niềm hy vọng tràn trề chăng? Linh hồn bạn có đang mong mỏi về một đời sau tốt đẹp hơn rất nhiều so với đời này chăng? Bạn có đang tìm kiếm cho bạn một “chiếc tổ” vĩnh hằng chăng? Biết bao doanh nhân thành đạt, biết bao tài tử màn bạc thành công, nổi danh, nhưng đã quyên sinh giữa cuộc đời, vì họ vẫn cảm thấy cô đơn, trống trải và cuộc sống vô nghĩa và vô vị. Họ nói họ không còn muốn sống nữa (như ngôi sao điện ảnh nổi tiếng trong vòng các danh hài, có tên là Robin Williams vừa mới kết liễu đời mình qua chiếc tròng treo cổ tại biệt thự của mình hôm 12 tháng 8 năm 2014 vừa qua tại California, Hoa Kỳ). Tại sao? Phải chăng vì những người khốn khổ này không có Đức Chúa Trời làm chủ, nên không có sự nghỉ ngơi trong tâm hồn? Họ không thấy tương lai và chìm đắm trong nhiều vũng lầy như nghiện ngập. Họ dùng những liều xì-ke để lấp đầy cuộc đời trống vắng, vô vị, nhưng họ cũng chẳng thỏa mãn. Cuối cùng họ đã kết liễu đời mình bằng cái chết dại dột như Robin Williams. Nhưng ông chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn người chán chường cuộc sống trống vắng, cô đơn, lưu lạc, tâm hồn không được thỏa lòng mà thôi!

Bạn ơi, hãy tiếp nhận Chúa làm “chiếc tổ”cho mình. Tâm hồn bạn sẽ an nghỉ và thỏa mãn chẳng sai.

Châu Quân