Sau khi anh Sáu về hưu, anh chị rất thong dong, hay đi thăm bà con, bạn bè. Tháng trước, anh chị lái xe sang tiểu bang North Carolina thăm một người bạn thân lâu ngày chưa gặp. Vợ chồng người bạn này có một mảnh vườn trồng rau và một số cây thuốc sau nhà. Trong vườn có rất nhiều rau thơm, gia vị cho việc nấu nướng thức ăn và trị bệnh: hành, ngò, sả, ớt, tỏi, rau quế, rau răm, rau om, húng lủi, tần ô, tần dầy lá, giấp cá, ngò gai, thì là, kinh giới, rau má, tía tô, chanh, đậu bắp, bạc hà, gừng, riềng, rau sam, rau đắng, rau ngót, mồng tơi, rau dền, rau đay … Anh chị bạn hãnh diện với khu vườn vì lúc nào cũng có sẵn rau thơm, gia vị để ăn. Anh nói ăn hột vịt lộn mà thiếu rau răm thì chán lắm. Phở mà thiếu rau quế, ngò gai thì mất ngon. Chả cá cần thì là, thịt vịt cần gừng, bún riêu cần kinh giới… Anh chị cũng khoe rau vườn nhà anh là organic vì không có chất hóa học nào dính vào. Anh chị quan niệm ẩm thực không những cần cho dinh dưỡng mà còn có tác dụng ngừa và chống bệnh nữa. Vì các loại rau đều có phytonutrients chống oxyt-hóa nên sẽ làm chậm tiến trình lão hóa. Mỗi sáng, chị hái một nắm nhiều thứ rau khác nhau, để vào máy xay (blender) cùng với cam, chuối, táo hay những trái cây tùy theo mùa. Sau khi xay nhuyễn như smoothie, mỗi người uống một cốc. Chị cười hiền hòa nói: “Người ăn rau ít đau hơn người ăn thịt”. Anh chị bạn chăm sóc khu vườn rất kỹ, suốt ngày vui thú tưới nước, sửa tỉa, bắt sâu, nhổ cỏ dại. Anh cho biết nếu không chăm sóc một thời gian thì những cây mình trồng sẽ héo úa, còn các loài cỏ dại lại hiên ngang lấn lướt. Lúc đó, phải tốn nhiều công săn sóc lại. Anh liền ngâm nga mấy câu thơ của Nguyễn Khuyến:
“Khi vườn sau, khi sân trước. Khi điếu thuốc, khi miếng trầu. Khi trà chuyên năm ba chén, khi Kiều lẩy một đôi câu.”
Chị Sáu rất thích khu vườn này, cứ trầm trồ khen ngợi mãi. Chừng về tới nhà, chị đặt kế hoạch lập vườn như người bạn. Anh Sáu vội can: Hồi bắt đầu hưu mình có chương trình đi thăm viếng bà con, bạn bè nên có ba quyết định em còn nhớ không. Chị Sáu sực nhớ: “À, mình sẽ không kinh doanh, không trồng trọt, không chăn nuôi vì:
Mình còn đi đó, đi đây,
Đâu ngồi một chỗ (để) trồng cây, nuôi gà.”
Nhưng mà anh à, sau năm mười năm nữa, khi mình không còn sức để đi xa, chỉ lẩn quẩn quanh nhà, thì cho em làm vườn để mình ‘vui thú điền viên’ nhe anh.” Anh Sáu hoàn toàn đồng ý với vợ. Như chợt nghĩ ra điều gì, anh Sáu reo lên: “Em à, trong thời gian này, mình có thể trồng vườn cây tâm linh.” -“Trồng vườn cây tâm linh là sao vậy anh?” chị Sáu hỏi. Anh Sáu: “Mình nên trồng cây ‘lạc quan’, cây ‘tích cực’ trước tiên bằng cách tâm trí mình nghĩ tới mỗi ngày. Mình nên đề phòng cỏ dại là ‘bi quan’, ‘tiêu cực’ mọc chen vào.”
Chị Sáu tiếp: “Vậy thì, em sẽ tìm 9 hột giống để ương cho vườn tâm linh của mình là: yêu thương, bình an, vui mừng, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ là 9 mỹ đức Thánh Linh mà mục sư mình thường nhắc.” Anh Sáu vui vẻ nói: “Những gì trái ngược tính của các cây em vừa kể, đều là cỏ dại hết như: thù oán, lo rầu, buồn bực, nóng nảy, nhẫn tâm, hung dữ, bất tín, vô cảm, bạt mạng”. Chị Sáu vui mừng: “Thực hành được như vậy, mình là ông thánh, bà thánh anh ơi!” Anh Sáu chậm rãi: “Mình nên đề phòng cỏ dại tự kiêu, tự mãn nảy ra một cách không ngờ, nhiều khi ngấm ngầm khó thấy. Kinh Hoa Nghiêm nhắc Phật tử coi chừng tánh cống cao ngã mạn, cũng như sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh cảnh cáo tánh kiêu ngạo sẽ đưa đến sự bại hoại. Mình cần trồng thêm 3 cây nữa em à, đó là khiêm cung, phục thiện và cầu tiến.” Chị Sáu tiếp lời: “Nếu vậy, em đề nghị thêm cây tha thứ nữa, cây này rất quý, hiếm và khó trồng vì cỏ dại từ rễ cay đắng mọc ra dễ làm nghẹt ngòi tha thứ.”
Buổi chiều đó, anh Ba qua chơi. Anh chị Sáu chia sẻ chương trình, kế hoạch làm vườn tâm linh, anh Ba gật gù nói đó cũng là “tâm viên” mà sách nhà Phật nói tới. Anh nói thêm là dù trồng cây thật hay cây tâm linh, cũng cần đề phòng tình trạng trồng lúa của một người Trung Hoa sống đời nhà Tống. Có một lần, người nông phu này sốt ruột khi thấy mạ lớn chậm quá mới dùng tay nhón các gốc mạ lên một phân. Xong việc anh đắc ý nhìn ngắm công trình giúp lúa tăng trưởng của mình. Hôm sau anh thăm lại đám ruộng thì thấy lúa héo và chết! Về sau, người ta dùng thành ngữ “Yển miêu trợ trưởng” để chỉ hành động đốt cháy giai đoạn, không chịu đợi trình tự thời gian, nên dễ gặt hái thất bại. Đoạn, anh kể câu chuyện về người bạn của anh. Người bạn này vừa đọc xong bộ sách Thiền luận của Suzuki là khoe rằng mình đã ngộ, đã đạt được tâm thanh tịnh. Anh ta làm một bài thơ về Thiền tựa là Tịnh Tâm Viên, nhờ anh Ba cho ý kiến. Anh Ba muốn trắc nghiệm xem người bạn quả thật “hoát nhiên đại ngộ” hay chỉ là ảo tưởng “một bước đến trời”, anh Ba bèn chê: “Bài thơ này tuy có ý hay, nhưng dài dòng, ý trùng lập, có đoạn không vần điệu gì hết…” Anh Ba chưa nói hết câu, thì người bạn đã thấy nóng mặt, giựt lại tờ thơ, nói: “Thôi đủ rồi, cách làm thơ của tôi là như vậy đó, ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi.” Anh Ba lúc đó, cười ha hả: “Ủa! Đạt được tâm thanh tịnh rồi mà sao còn tức khí vậy ha, lại cố chấp nữa.” Người bạn bẽn lẽn: “Tôi tưởng vậy mà không phải vậy, anh ơi.” Bây giờ, anh Sáu mới tâm sự: “Nhớ lại, thời tôi mới tin nhận Chúa, tôi tự hào mình được đầy dẫy thánh linh, thấy mình rất thiêng liêng! Tôi hay chê bai, chỉ trích người khác sao đã học Kinh Thánh mà còn trần tục quá. Về sau, tôi mới học được là con đường thánh hóa phải trải qua rất nhiều khó nhọc, gian nan, thử thách. Ai còn đi trên đường đời là còn dính bụi trần, còn có cơ phạm tội. Những thói hư, tật xấu cứ quay trở lại như ngựa quen đường cũ, như rễ cỏ dại còn sót đâu đó đợi dịp là nẩy đọt, đâm chồi. Ba người bây giờ ăn cơm chiều với nhau. Anh Ba lúc ở nhà thì ăn chay, nhưng khi ra khỏi nhà thì tùy duyên, ăn gì cũng được, không câu nệ. Họ ăn uống thật vui vẻ, tương đắc với mảnh vườn tâm linh, dầu đi đâu cũng săn sóc được mỗi ngày!
Châu Sa (trích Nếp Sống Mới Hạ 2013)
Cước Chú:
* Người Bắc gọi “rau diếp cá”, người Nam kêu “rau giấp cá”; người Bắc “dọc mùng”, người Nam “bạc hà”; Bắc “cải cúc”, Nam “tần ô”; Bắc ươm cây, Nam ương cây…
* Nguyễn Khuyến (1835-1909) quê nội ở Yên Đỗ, chết chôn tại Yên Đỗ. Ông đậu Giải Nguyên, Hội Nguyên và Đình Nguyên nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ 三元閼堵.
* 9 mỹ đức Thánh Linh: Ga-la-ti 5:22
* Tâm Viên 心園 trong bài khác với Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬. Chữ Viên thứ nhất là cái vườn, Viên thứ nhì là con vượn.
* Ý tại ngôn ngoại 意在言外: ý tưởng ngoài lời nói.
* Uyên áo 淵奥: sâu xa thâm thúy, huyền diệu.
* Yển miêu trợ trưởng 揠苗助長 (nhón mạ non cho mau lớn).
* Hoát nhiên đại ngộ: 豁然大悟 (bỗng nhiên giác ngộ)
Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021
Nấu Thuốc Bắc
Nấu Thuốc Bắc
Thanh lúc trẻ, lối 15 tuổi thường canh siêu sắc thuốc Bắc cho bà ngoại. Lúc đó, ngoại hay bị lạnh, nên thầy Đông y chẩn bệnh và cho ngoại uống mỗi ngày 1 thang thuốc Bắc. Nhà có 4 chị em, mỗi người thay nhau chuẩn bị và ngồi canh siêu thuốc một ngày, nên cứ 4 ngày là tới phiên Thanh.
Vì tình thương đối với bà ngoại, nên mấy chị em vui vẻ làm không hề thấy mệt nhọc. Sức mạnh của tình thương yêu!
Thanh học được một điều là thầy thuốc đông y khi bốc thuốc cũng giống như dàn binh ra trận, gọi là Phối-ngũ, dùng các vị thuốc gồm Quân-Thần-Tá-Sứ, tức là có vị thuốc chánh như vua (Quân), có vị phó, như quan (Thần), có vị thuốc phụ tá (Tá), có sứ giả giải hòa, như Cam Thảo làm dịu những chất đắng (Sứ). Tất cả cho vào cái siêu bằng đất, ngâm trong nước ấm độ 15-30 phút để rửa, rồi đổ vào 3 chén nước, nấu sắc còn 8 phân. Nhiều vị thuốc có tính ôn nhu, hàn nhiệt, hư thiệt, âm dương khác nhau, nhưng khi nấu lên, thành một khối nước đồng nhất có công năng trị bệnh. Điều này cho chúng ta bài học “hòa nhi bất đồng”.
Nấu thuốc cần kiên nhẫn. Trước tiên, nấu sôi lên bằng lửa lớn (vũ hỏa), chừng thấy sôi lớn, nổi bong bóng như mắt cá (ngư nhãn), thì để lửa thấp (văn hỏa), giữ độ sôi lăn tăn, như mắt cua (giải nhãn). Sau 45 phút, chắt ra coi nước cạn tới bao nhiêu. Nếu còn nhiều quá thì sắc tiếp cho đến khi nào chỉ còn 8 phân.
Việc này tốn nhiều thì giờ (lối 2 tiếng đồng hồ) nên mọi người thường đem bài học xuống bếp vừa canh thuốc vừa học bài.
Việc canh siêu thuốc dạy cho chị em Thanh tánh kiên nhẫn, từ đó học tánh nhẫn nhịn, khiêm nhường. Nhớ một lần, Thanh sốt ruột, mất kiên nhẫn, nên để lửa lớn hơi lâu, thuốc bị cạn chỉ còn 5 phân. Thanh vội pha thêm nước vào cho đủ 8 phân cho bà ngoại. Không ngờ ngoại nếm là biết ngay. Ngoại nhỏ nhẹ dạy Thanh câu thành ngữ: “Dục Tốc Bất Đạt” 欲速不達 nghĩa là: “nóng vội sẽ không thành”, và khuyên phải lấy câu nhẫn nại làm câu răn mình.
Thanh thích cái mùi thuốc khi sắc lại. Mùi thơm rất dễ chịu tỏa khắp nhà. Mấy mươi năm trôi qua mà ông còn nhớ mùi hương đặc biệt này.
Việc sắc thuốc “3 chén còn 8 phân” có ảnh hưởng tới ông khi làm văn thời đi học và viết văn, viết báo khi ra đời. Khi viết một bài văn, ông viết qua, sau đó đọc đi đọc lại, cắt xén những câu, những chữ không cần thiết. Bài ông viết thường được nhận xét là ngắn, gọn, rõ ràng. Có người phê bình là cô đọng, súc tích.
Khi Thanh được Chúa kêu gọi trở thành Mục sư, thói quen “3 chén còn 8 phân” giúp ông nghe nhiều hơn nói như câu trong sách Truyền Đạo: “Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời” (5:2).
Bài học “3 chén còn 8 phân” cũng ảnh hưởng khi ông soạn bài giảng mỗi Chúa nhật. Ông ấn định thời gian bài giảng không quá 30 phút. Nhập đề 5 phút, kết luận 5 phút, thân bài 20 phút. Hội chúng thấy được dàn bài, bố cục rõ ràng. Ông tránh vòng vo tam quốc, tránh cà kê dê ngỗng, tránh lập đi lập lại rườm rà. Xong bài giảng, mọi người nắm được ý chính, nắm được bài học cho ngày hôm đó.
Nhiều người cho ý kiến rằng 30 phút là vừa phải, chưa kịp buồn ngủ thì bài giảng đã xong. Có ông cụ bị tuyến tiền liệt hoành hành, khó mà kềm được bọng đái trên 45 phút nên rất cám ơn Mục sư Thanh. Cụ cho mục sư một câu chữ Hán: “quý hồ tinh bất quý hồ đa” 貴乎精不貴乎多 “thà ngắn mà đặc sắc, còn hơn văn tự dài dòng”.
Nhờ canh siêu thuốc cho bà ngoại, Mục sư Thanh trở thành một mục tử khiêm nhu, nhẫn nại, chịu đựng với mọi tín đồ và ông chịu khó lắng nghe tâm tình người đối diện như lời khuyên của ông Gia-cơ “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (1:19).
Nhà thơ Linh Ân cảm tác
NẤU THUỐC BẮC
Thầy thuốc Đông-Y, bốc thuốc thang…
Bày ra “Phối Ngũ” xếp theo hàng,
Quân, Thần, Tá, Sứ, duy ngôi thứ,
Hư, Thiệt, Âm, Dương, Ôn, Nhiệt, Hàn.
“Tứ Phẩm” dồn chung siêu nuớc sạch,
Vũ, Ngư, Văn, Giải, Hỏa công lan.
“Tám Phân” còn lại từ “Ba Chén” !
Kiên nhẫn thi công, “Tốc Bất Toàn”.
Linh Ân Nguyễn Thiện Nhân
Cảm tác (08/28/2021)
Từ câu "Dục tốc bất đạt", chị Châu Thanh Thủy ghi những câu ý nghĩa tương tự trong tiếng Anh, tiếng Pháp:
Haste makes waste.
Qui va lentement va sûrement.
Ouvrage hâté, ouvrage gâté.
Vite fait, mal fait
Hâtez vous lentement.