Chúng tôi có dịp đi thăm Oahu, Hawaii, theo lời mời của vợ chồng người bạn đồng nghiệp, BS NVH, hồi tháng 11, năm 2011. Bài viết đã 10 năm rồi, mà đọc lại nhớ lại kỷ niệm xưa, vẫn còn thấy cảm xúc dâng trào. Chắc có nhiều thay đổi tại Hải đảo thần tiên này sau một thập niên, nhưng chúng tôi xin post lại sau khi hiệu đính vài nơi. Dịch Covid làm mọi người không thể tự thân du lịch, nên xin mời quý vị và các bạn cùng tôi thăm viếng Ha-uy-di qua bàn phím. Ai có dịp đọc bài nầy rồi xin bỏ qua. HC
Hạ-uy-di
Hạ-uy-di (Hawaii: Hải đảo thần tiên hay Thiên đàng hạ giới) gồm có 8 đảo chính kể từ Tây Bắc xuống Đông Nam: Niʻihau, Kauaʻi, Oʻahu, Molokaʻi, Lānaʻi, Kahoʻolawe, Maui, và Hawaiʻi. (Mẹo nhớ: Nàng Khó Ở Mới Làm Khổ Mình Hoài).
Đảo Oahu (có nghĩa là Nơi gặp gỡ: the Gathering place) được chú ý nhiều vì có thủ đô Honolulu, có Waikiki Beach nổi tiếng cho khách du lịch, có Trân Châu cảng (Pearl Harbor) lịch sử, Hanauma Bay, Đỉnh núi Kim Cương (Diamond Head), có Polynesian Culture Center… Dân số Hawaii gần 1,4 triệu mà trên 900 ngàn người sinh sống tại Oahu.
12 lý do tôi thích Hawaii, nhất là Oahu:
1/ Tinh thần Aloha:
Khi bạn vừa đến phi trường Honolulu, có thể bạn được đón tiếp với nụ cười, tiếng chào aloha và vòng hoa lei.
Aloha: Alo là sự hiện diện; ha: hơi thở. Vậy, Aloha ám chỉ sự sống. Ngoài lời chào khi gặp gỡ hay khi từ giã, aloha còn tiềm tàng nhiều ý nghĩa sâu xa: A-L-O-H-A
A- Amity: friendship, tình bằng hữu
L- Love: tình thương yêu
O- Ohana: sense of family. Người dân hải đảo xem mọi người như người trong gia đình. Khi có tình thân mật, người trẻ tuổi sẽ gọi bạn là “uncle”, hay “auntie”. Người cùng trang lứa gọi bạn là “bro” hay “sis”.
H- Hospitality: hiếu khách
A- Assistance: giúp đỡ nhau
Nhân sinh quan của người dân hải đảo còn là hòa giải và tha thứ ”Ho’oponopono”.
2/ Khí hậu nhiệt đới, thuộc hải đảo, thời tiết không khắc nghiệt, nhiệt độ 65 – 95F. Gió mát dễ chịu quanh năm.
3/ Cảnh đẹp tuyệt trần, biển mênh mông bao quanh đảo , 2 rặng núi đủ cao để chắn bước sức mạnh của những cơn bão, không cho tàn phá Oahu. Thiên nhiên quả đã ưu đãi vùng đất này. Hình ảnh mống trời thường thấy (vì vậy tiểu bang này được gọi là rainbow state). Xem cảnh mặt trời lặn trên biển cũng đủ mê hồn. Người Pháp thi vị cảnh hoàng hôn là mặt trời đi ngủ (le coucher du soleil), người dân hải đảo diễn tả là “mặt trời hôn đại dương”. Thật là: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng” (Cao Bá Quát). Thực vật và động vật (flora and fauna) tại Hawaii cũng hấp dẫn du khách vì chúng ta thấy những cây bông giấy, điệp, phượng vĩ, sứ, thanh long mọc hoang như rừng. Bông bụp vàng (yellow hibiscus) là hoa tượng trưng của tiểu bang. Thực vật được đưa sang Hawaii bằng 3 cách, viết với 3 chữ W: Wind (gió đưa tới), Waves (sóng đưa từ vùng khác tới), Wings (cánh chim trời đưa tới). Động vật thì có loại ngỗng lùn (nene), dơi khàn (hoaring bat), hải cẩu tu hành (monk seal*), heo rừng (để làm món ăn kalua, lu’au). Loài gecko vô hại, hay bắt gián nên nhiều người thích có gecko trong nhà…
Tôi đề nghị anh bạn mang cây đàn ukulele ra bãi biển lúc chiều tà, chơi bản LA PALOMA trong khi có cánh buồm xa xa, có chim biển bay ngang bay dọc, thử xem lòng đắm say, hồn ngất ngây thế nào.
4/ Ai thích ẩn dật thì có chỗ ẩn, ai thích quậy thì có chỗ để quậy như Waikiki Beach có đủ trò vui. Người dân hải đảo thích khiêu vũ, thích nhậu nhẹt. “Kẻ thành thị, kẻ vui miền lâm tẩu” (Cao Bá Quát). Giá sinh hoạt tùy vùng thay đổi nhiều. Giá tiền trong shopping center cho du khách khá cao, giá ở chợ trời thì rất bình dân.
5/ Low profiles: đắm mình trước núi đồi, biển cả, chúng ta có thể quên mất thân phận của mình. Mình có thể quên mất cái Ta, cái Tôi của mình. Mình có thể học bài học “Vô Ngã” dễ dàng.
Trước thiên nhiên hùng vĩ,
Không thấy mình ra chi,
Sóng cuốn trôi phiền não,
Quên hết mọi sầu bi.
6/ Low stress: nhiều người làm việc tới 2 giờ trưa nghỉ luôn hoặc trở lại làm việc lúc 5 giờ chiều. (Low stress but lot of fun). Nhịp sống trên hải đảo thật khoan thai nhịp nhàng, không hối hả, không vội vả. Quần áo rất giản dị: đàn ông mặc aloha shirt, còn đàn bà hay dùng wrap dress với một mảnh vải mà có thể thắt ra nhiều kiểu áo khác nhau, có thể mặc đi lễ hay đi làm, đi chơi hay đi chợ… Họ nhắc nhau thư giãn (hang loose) bằng cách làm dấu tay: ngón cái và ngón út đưa lên, bàn tay xoay xoay.
7/ Low crime: có thể có những tội phạm nhỏ, nhưng so với đất liền, Hawaii ít tội phạm lớn.
8/ Low diseases: người dân hải đảo có đời sống lành mạnh, ăn hải sản nên ít bệnh tật. Bạn tôi sau hơn 10 năm về hưu tại Oahu, mỗi ngày uống cà phê Kona, đi bách bộ trên bãi biển, bơi lội, chèo xuồng, nhảy sóng, tối uống “rượu vang nửa cốc” American Concord Grape. Ngày nay vợ chồng bạn này không hề cần tới một viên thuốc trị bệnh. Hai bạn này thường dùng hạt và lá cây Marungai (Moringa oleifera). Cây này, người Việt gọi là Chùm Ngây, mọc hoang khắp nơi trên đảo Oahu, nhờ có gió vì hạt có cánh nhỏ. Lá cây nhiều chất dinh dưỡng, nhiều anti-oxidants, còn hạt thì Wikipedia khen là: “seeds are used as a sexual virility drug for treating erectile dysfunction in men and also in women for prolonging sexual activity”. Như vậy, những hạt cây Marungai này có thể giúp các ông “hồi dương” và các bà “hồi âm”. Một khi 4 đứa tôi leo đỉnh Kim Cương, chị bạn cho mỗi đứa một hạt Marungai để ngậm một hồi rồi nhăn nhăn cắn nhẹ nó ra, một chất nước ngòn ngọt tiết ra trong miệng, chúng tôi nuốt từ từ mà leo lên đỉnh núi không thấy mệt. Một điều thú vị nữa là theo thống kê mới nhất, người Hawaii có tuổi thọ trung bình cao hơn các tiểu bang khác của Hoa kỳ.
9/ Ba không: Không có rắn, không cá sấu, không bệnh chó dại (No snakes, no gators, no rabies). Nhà tôi nghe không có rắn trên đảo thì mừng lắm vì ở Florida, rắn và cá sấu tràn lan. Có lần, lúc trời nhá nhem tối, bà la làng khi thấy sợi dây trên sân cỏ sau nhà vì tưởng là con rắn. Gần đây, người ta tìm thấy rắn trên hải đảo này, lý do là có một số người chơi rắn như “pet”, họ mail order từ đất liền những chú rắn con (trái luật Hạ-uy-di). Nhiều người lo là một số chim quý vùng này sẽ bị rắn giết và một số hoa đẹp sẽ bị hư.
10/ Người cao niên được nhiều quyền lợi, senior residents còn nhiều quyền lợi hơn. Mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách thăm viếng Hawaii, nên nguồn lợi tức về du lịch rất lớn, vì vậy chính phủ dễ có những chương trình phúc lợi xã hội.
11/ Cộng đồng Á châu (người Phi luật tân, người Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Trung Hoa, Viêt Nam.. ) sống dưới luật pháp Hoa Kỳ, nên không lo luật rừng (từ năm 1959 Hawaii thành tiểu bang thứ 50 của Mỹ). Mỹ da trắng lại là thành phần thiểu số. (Một tiểu bang khác, người da trắng cũng thuộc thiểu số là New Mexico). Mình thấy dễ hòa nhập vào đời sống tại đây. Người VN tại Oahu khoảng 10 ngàn người, làm 3 nghề chính: lái taxi, bán xe lunch, bán chợ trời. Ai thích ăn SASHIMI thì nơi này lý tưởng vì do chính người Nhật làm.
12/ Đi lông bông: holo holo. Một người thổ dân đang đi bộ hay đi xe, bạn hỏi anh ta đi đâu, có thể anh trả lời là holo holo, có nghĩa đi lông bông, chạy lông nhông, không mục đích gì hết. Tinh thần này tôi thấy thích hợp cho tuổi già hưu. Lúc còn đi làm, người ta như trong cuộc đua chuột (rat race), lúc nào cũng canh giờ, canh lịch, canh thời khóa biểu, lúc nào cũng nhắm mục đích. Khi ở tuổi hưu, vợ chồng già như đôi chim trời, như hai cụm mây lang thang, rày đây mai đó, holo holo. Nhớ tới phim “Eat, Pray, Love”, một thành ngữ người Ý được nói đến: dolce far niente có nghĩa là cái êm đẹp của sự nhưng không (the sweetness of doing nothing) nhắc đến sự nhàn rảnh thảnh thơi.
Sau chuyến đi thăm Oahu này, tôi mong có dịp tới các cù lao khác trong quần đảo Hawaii để tìm hiểu.
Châu Sa (11.11.11)
*Monk seal: loài hải cẩu này thích sống một mình và có lớp da cổ dày có gấp, trông giống nhà tu mặc áo choàng. Hán Việt viết là Tăng Hải Báo (僧海豹).